Nhà cung cấp (Suppliers) là ai? Nhà cung cấp có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
Nhà cung cấp (tiếng Anh: Suppliers) hiểu theo cách đơn giản có thể là tổ chức hoặc cá nhân, tham gia cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường.
Hình minh họa
Nhà cung cấp (Suppliers)
Định nghĩa
Nhà cung cấp trong tiếng Anh là Suppliers. Nhà cung cấp hiểu theo cách đơn giản có thể là tổ chức hoặc cá nhân, tham gia cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường.
Đặc trưng cơ bản
– Những nhà cung cấp này hình thành các thị trường cung cấp các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp, như cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, cung cấp vốn, các dịch vụ tài chính, cung ứng lao động…
– Tính chất của các thị trường cung cấp khác nhau sẽ ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thị trường mang tính cạnh tranh, cạnh tranh không hoàn hảo hay độc quyền sẽ tác động ở mức độ khác nhau đến hoạt động mua sắm và dự trữ cũng như tuyển dụng lao động của từng doanh nghiệp.
Nhà cung cấp có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
– Những nhà cung cấp có thể coi là một áp lực đe dọa đối với doanh nghiệp khi họ có khả năng tăng giá bán đầu vào hoặc giảm chất lượng các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp, hay như không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng, thời gian cung ứng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
– Áp lực của nhà cung cấp đối với doanh nghiệp thường thể hiện ở các tình huống sau:
+ Số lượng nhà cung cấp ít, thậm chí chỉ có một doanh nghiệp độc quyền cung cấp.
+ Tính chất thay thế của các yếu tố đầu vào là khó.
+ Doanh nghiệp mua yếu tố đầu vào không phải là khách hàng quan trọng và ưu tiên của nhà cung cấp.
+ Tầm quan trọng của yếu tố đầu vào đối với doanh nghiệp mua
+ Các nhà cung cấp nguyên liệu, vật liệu có chiến lược hội nhập dọc
* Chiến lược hội nhập dọc có thể thực hiện theo các phương án sau đây:
– Hội nhập dọc ngược chiều (về phía sau)
Là chiến lược nhằm sở hữu hoặc gia tăng khả năng kiểm soát đối với nhà cung cấp.
Chiến lược này đặc biệt thích hợp trong trường hợp nhà cung cấp hiện tại của doanh nghiệp ở mức giá cao, không đáng tin cậy hoặc không đáp ứng được các yêu cầu nhất định.
– Hội nhập dọc thuận chiều (về phía trước)
Là chiến lược nhằm sở hữu hoặc gia tăng khả năng kiểm soát đối với nhà phân phối hoặc người bán lẻ.
Chiến lược này đặc biệt phù hợp trong trường hợp nhà phân phối hiện tại có chi phí cao, không đáng tin cậy hoặc không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc phân phối hàng hóa/dịch vụ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính)