Nhà báo và trách nhiệm thông tin

Trước hết, cần khẳng định thông tin trên mạng xã hội không phải là báo chí. Những gì chúng ta đọc hằng ngày trên mạng xã hội chỉ đơn thuần là thông tin cá nhân, tuy nhiên nó cũng có tác động và ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống xã hội. Vì vậy, nhà báo có đạo đức và trách nhiệm cần biết phân biệt những thông tin này theo 2 hướng. Nếu thông tin là chính xác, tích cực, nhà báo cần kịp thời ngợi khen, cổ vũ qua những bài viết đó. Ngược lại, nếu thông tin sai, tiêu cực, nhà báo cần chấn chỉnh, phê phán và kịp thời định hướng dư luận xã hội bằng thông tin chính xác hơn. Ở cả hai hướng này đều phụ thuộc vào nghiệp vụ tinh thông và cái tâm, cái nhìn trong sáng của nhà báo.

Để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Những nhà báo chân chính có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp luôn là người bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, định hướng đi tới những giá trị sống tích cực, cao đẹp…

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. 94 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, báo chí và truyền thông ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Vì vậy, nghề làm báo là một nghề rất vinh quang, được mọi người trân trọng. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ của một người làm báo và để trở thành một nhà báo chân chính thì không hề đơn giản.

Nói đến báo chí là nói đến người làm báo, nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây. Người làm báo được xã hội đề cao và ngưỡng mộ. Vì thế, trách nhiệm của người làm báo trước công chúng, cộng đồng, quốc gia, càng trở nên lớn lao.

Một thực tế khách quan là xã hội ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của con người được thỏa mãn nhiều hơn, thì nhu cầu được thông tin ngày càng cao, công chúng luôn tỏ ra “khát” thông tin. Trạng thái “khát” thông tin trong công chúng một mặt thể hiện khát vọng mở rộng hiểu biết, khát vọng đổi thay của từng cá nhân, một mặt phản ánh sự tiến bộ không ngừng của xã hội. Trong bối cảnh như thế, nhà báo – những người đưa tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Công chúng và xã hội kỳ vọng rất nhiều ở người làm báo. Người làm báo là người có khả năng thu hẹp thế giới rộng lớn, kết nối các cá nhân xa lạ gần lại với nhau trong từng sự kiện, mở rộng tầm nhìn cho mỗi người.

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khái niệm báo chí, khái niệm nhà báo cũng thay đổi, theo hướng mở rộng biên độ, nhưng có một điều bất biến mà công chúng đòi hỏi ở người làm báo, ở tất cả các cơ quan báo chí, là phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin. Chúng ta tôn trọng thông tin đa chiều, nhưng cũng không thể chấp nhận ai đó cho rằng, cứ “ném” thông tin cho công chúng để công chúng tùy sức tiếp nhận. Lối nghĩ như thế là thiếu trách nhiệm và coi thường công chúng.

Trách nhiệm của báo chí là phải cung cấp thông tin trung thực, khách quan, có tính chính thống, góp phần định hướng dư luận, ổn định xã hội. Xã hội khuyến khích báo chí phát hiện thông tin, cung cấp thông tin, đồng thời phê phán hành vi  thông tin sai lệch, thổi phồng thông tin… vì lợi ích cục bộ, thậm chí vì tư lợi.

Người làm báo phải chủ động thông tin bao gồm nắm chắc thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác, đồng thời dự báo được diễn biến, hướng phát triển của thông tin. Người làm báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, tích lũy nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, để phán đoán hướng phát triển sự kiện, từ đó chủ động đón bắt thông tin. Thực tiễn hoạt động báo chí nước ta những năm gần đây có vô vàn dẫn chứng về những trường hợp thông tin thiếu cân nhắc gây hậu quả cho cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí cho đất nước, ở nhiều mức độ khác nhau. Thiệt hại về kinh tế, vật chất có thể tính được và thể khắc phục được, những thiệt hại về tinh thần và chính trị thì không thể đo lường và khắc phục được. Vì vậy, hơn bao giờ hết, người làm báo càng phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin. Giữa vô vàn sự kiện diễn ra hàng ngày, chọn sự kiện nào để đưa tin, đưa mức độ nào, dưới hình thức nào, vào thời điểm nào… thể hiện sự nhạy bén, mẫn cảm, trong đó bao hàm trách nhiệm xã hội của người làm báo. Thông tin là sự thật, nhưng không phải sự thật nào cũng được thông tin. Mỗi thông tin, với cách đưa, cách bình, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người làm báo. Mỗi thông tin mà nhà báo đưa đến với công chúng không phải vô thưởng vô phạt, tùy hứng, tùy tiện, mà phải là một thông điệp tích cực, có tính định hướng chính trị, tư tưởng đúng đắn. Có những sự thật, nếu đưa tin mà lợi bất cập hại, thì không nên đưa tin.

Những người làm báo Việt Nam là lực lượng nòng cốt của báo chí cách mạng Việt Nam, là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, bên cạnh việc thông tin chính xác, khách quan người làm báo Việt Nam cần có hành động phù hợp nhằm đấu tranh với những thông tin sai lệch, thông tin xấu xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, của dân tộc và nhân dân Việt Nam./.