Nhà báo – anh là ai?
Các quốc gia đều coi trọng nghề báo, nhà báo.
Ở Việt Nam hiện nay từ “nhà báo” bị lạm dụng quá mức. Tại các nước tiên tiến, thông thường những người mới tốt nghiệp hoặc mới hành nghề làm báo chỉ có thể bắt đầu bằng công việc trợ lý phóng viên (phụ giúp phóng viên). Chọn câu hỏi lớn đặt làm tít bài là do tôi đọc được câu hỏi này trong một bài báo dịp kỷ niệm 70 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/1995). Từ ấy đến nay đã 27 năm, câu hỏi lớn cứ lơ lửng trên đầu, trong khi tôi vẫn mãi kiếm tìm mà chưa gặp được câu trả lời thỏa đáng để tâm phục, khẩu phục.
Một buổi sáng, trong quán nhỏ bên bờ hạ lưu dòng Lam, ngồi nhâm nhi cà phê và lướt facebook, tôi gặp các đồng nghiệp, đồng môn K22 Tổng hợp (đã “nghỉ hưu không đều” mấy năm rồi). Thấy các đồng môn, đồng nghiệp mắt tròn, mắt dẹt với cái gọi là “định nghĩa” về nhà báo. Chuyện là, trên FB của BTBH – nữ nhà báo, đồng môn, người 45 năm trước cánh sinh viên màu lính chúng tôi tôn vinh là “Tây Thi của Hà Nội”. Ngày ấy nữ sinh viên BTBH hiền như địa linh thuộc đất phố cổ. Ra trường em làm phóng viên nhà đài Thủ đô, nay nữ nhà báo đã lục tuần vẫn cứ lành như đất, vẫn không chịu nổi để buộc phải treo lên facebook mấy dòng như sau:
“Cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007 định nghĩa NHÀ BÁO là: “Nhà báo được diễn giải là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình. Ví dụ: “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chơ có làm được gì đâu”!
BTBH hạ một câu nhẹ nhàng: “Đây là công trình biên soạn dưới sự chỉ đạo của quý Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ. Dù có kém thông minh và ghét nhà báo đến đâu, thì cũng không nên bộc lộ cho thiên hạ biết như thế.
Đúng là “Nhẹ nhàng quá, nhẹ nhàng không cãi nổi”.