Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia vào quản lý nhà nước | Luật Lao Động

Ở góc độ của pháp luật hành chính, nguyên tắc nhân dân tham gia quản lý nhà nước là những tư tưởng chủ đạo làm cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước. 

Nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước được quy định như thế nào?

Cơ sở của nguyên tắc nhân dân tham gia quản lý nhà nước 

Nguyên tắc trên xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mang tính dân chủ sâu sắc cao độ . Để thể hiện đúng bản chất vốn có, nhà nước ta cho phép nhân dân lao động được tham gia các hoạt động quản lý nhà nước (bao gồm cả hoạt động quản lý hành chính nhà nước).

Với sự kế thừa tư tưởng truyền thống “lấy dân làm gốc”, nhà nước ta coi trọng việc mở rộng và phát huy không ngừng quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với yêu cầu của công cuộc đổi mới ,hội nhập ,dân chủ hóa đời sống xã hội và hoạt động của Nhà nước v.v…đòi hỏi phải mở rộng hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Do đó việc tham gia đông đảo vào quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng là một xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu của thời đại và lưu giữ được giá trị truyền thống tốt đẹp của đất nước.

Xuất phát từ bản chất dân chủ sâu sắc , nguyên tắc trên được nhà nước ta thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Sự thừa nhận đó được thể hiện thông qua những quy định trong Hiến pháp cũng như trong các văn bản pháp luật.

Điều 3 Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân;công nhận, tôn trọng,bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận những quyền lợi cơ bản chính đáng của công dân bao gồm có quyền được tham hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói riêng. Việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có việc quản lý hành chính nhà nước của nhân dân lao động được quy định một cách khái quát tại Điều 28 như sau: “1.Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Nguồn gốc nguyên tắc nhân dân tham gia quản lý Nhà nước

Trong Hiến pháp năm 1946, một bản Hiến pháp với 70 điều ngắn gọn, được ban hành ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đã quy định về việc tham gia của nhân dân vào việc quản lý hành chính. Điều 1 Hiến pháp 1946 quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quy định này đã thể hiện rất rõ “quyền bính trong nước” là của toàn dân Việt Nam. Điều này khẳng định nhân dân được toàn quyền tham gia vào việc quản lý hành chính nhà nước. Tuy vào thời điểm này nước Việt Nam còn non trẻ, mới được thành lập, nhưng những quy định trong Hiến pháp 1946 đã thể hiện rõ vai trò của nhân dân trong việc tham gia vào việc quản lý hành chính nhà nước. Điều này cũng thể hiện được bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Cách thức nhân dân tham gia quản lý nhà nước

Một là, nhân dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Theo quy định của Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2011, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy, theo nguyên tắc này nhân dân được quyền tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực và có hiệu quả của nhân dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hai là, nhân dân tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

Tổ chức xã hội là hình thức tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam, có chung mục đích tập hợp, hoạt động theo pháp luật và theo điều lệ không vì lợi nhuận nhằm đáp ứng những lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các tổ chức xã hội bao gồm các tổ chức như sau: tổ chức chính trị (1); các tổ chức chính trị- xã hội (2); các tổ chức xã hội – nghề nghiệp (3); các tổ chức tự quản (4); các hội được thành lập theo dấu hiệu nghề nghiệp, sở thích hoặc các dấu hiệu khác (5). Có thể thấy rằng, các tổ chức xã hội nhân danh chính mình để tham gia hoạt động quản lý nhà nước. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định tổ chức xã hội mới hoạt động nhân danh nhà nước. Điều này xuất phát từ lý do tổ chức xã hội không phải là bộ phận trong cơ cấu của bộ máy nhà nước.

Nếu bạn muốn biết thêm quy định pháp luật về lĩnh vực lao động, hãy tham khảo tại  luật lao đông việt nam 2021

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 

    1900 6198, E-mail: [email protected].