Nguyên nhân và giải pháp cho bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da ở trẻ sơ sinh – một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ khi vừa chào đời. Tình trạng này ở trẻ sinh non còn chiếm đến 80%. Với vàng da sinh lý, thông thường sẽ giảm dần sau 1 tuần. Nhưng với vàng da bệnh lý thì trẻ cần được thăm khám chuyên khoa nhi và điều trị sớm để tránh gây biến chứng nghiêm trọng.
Vàng da là gì? Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng. Hiện tượng này thường gặp ở cả trẻ sinh đủ tháng cũng như thiếu tháng. Tỷ lệ trẻ vàng da ở Việt Nam khoảng 60% với trẻ sơ sinh đủ tháng và trẻ sơ sinh non tháng là 80%.
Có 2 loại vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Trong đó, vàng da sinh lý được coi là thể nhẹ, tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Loại này chiếm khoảng 75% tổng số ca. Còn vàng da bệnh lý là thể nặng có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Vàng da sinh lý
Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là do hồng cầu bị vỡ, chức năng chuyển hóa Bilirubin của gan chưa hoàn thiện. Trẻ được coi là vàng da sinh lý khi mức độ chỉ vàng da đơn thuần như chỉ vàng ở mặt, cổ, ngực, vùng bụng trên rốn và không kèm theo triệu chứng bất thường như thiếu máu, bỏ bú,…
Cùng với đó là nồng độ Bilirubin/máu đo được ở trẻ đủ tháng không quá 12mg% và với trẻ thiếu tháng không quá 14mg%. Trong 24 giờ, tốc độ tăng Bilirubin không vượt 5mg%. Một dấu hiệu nhận biết nữa là nước tiểu của trẻ tối màu hơn và phân nhạt màu.
Vàng da bệnh lý
Trẻ sơ sinh được coi là mắc vàng da bệnh lý khi vàng da đậm xuất hiện sớm. Tình trạng này kéo dài trên 2 tuần với trẻ đủ tháng và với trẻ thiếu tháng là trên 3 tuần. Cùng với đó là tình trạng vàng xuất hiện toàn thân, cả ở lòng bàn tay, bàn chân và kết mạc mắt.
Trong trường hợp bệnh lý, dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh thường là: Trẻ khóc nhiều, nôn trớ, sốt, bỏ bú,… Nếu bố mẹ thấy con có những biểu hiện trên thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh, chủ yếu liên quan đến Bilirubin trong máu trẻ.
Tăng sản xuất Bilirubin
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng vàng da trẻ sơ sinh hơn 1 tháng. Việc tăng sản xuất Bilirubin trong máu trẻ là do:
-
Bất thường sinh hóa hồng cầu như thiếu G6PD, thiếu men PK, Thalassemia,… khiến hồng cầu dễ vỡ.
-
Bất đồng nhóm máu mẹ con: Bất đồng hệ Rhesus khi cơ thể mẹ có hồng cầu Rh (-), trẻ lại mang hồng cầu Rh (+). Bất đồng hệ ABO khi hồng cầu của mẹ nhóm O, hồng cầu của bé nhóm A hoặc B.
-
Nhiễm trùng: Vi khuẩn, virus, protozoa.
-
Trẻ khi sinh có vết bầm máu to.
Giảm chức năng chuyển hóa Bilirubin
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ sơ sinh mắc một trong số các bệnh lý:
-
Hội chứng Crigler Najjar và hội chứng Gilbert: nguyên nhân bởi thiếu men glucuronyl transferase bẩm sinh.
-
Các bệnh lý chuyển hóa di truyền: suy giáp trạng bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa tyrosin, methionin, thiếu α1 antitrypsin…
-
Thiếu hụt hoocmon.
-
Mẹ bị chứng tiểu đường thai kỳ.
Tăng tái hấp thu Bilirubin từ ruột (tăng chu trình ruột gan)
Nguy cơ tăng tái hấp thu Bilirubin từ ruột là do trẻ khi sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột phân su, sử dụng thuốc gây liệt ruột…
Vàng da sữa mẹ
Nếu do nguyên nhân này thì biểu hiện bệnh vàng da trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện muộn hơn, thường vào ngày thứ 5 sau sinh. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là da và tròng trắng mắt chuyển sang màu vàng. Những triệu chứng này sẽ tự mất sau vài tuần.
Quan trọng nhất là cần phân biệt rõ giữa vàng da sữa mẹ với vàng da do không bú đủ. Với trường hợp vàng da sữa mẹ, các mẹ cần đảm bảo trẻ vẫn được bú đúng cách và nhận đủ lượng sữa cần thiết chứ không phải ngưng bú mẹ.
Cách chữa vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết và mẹo chữa vàng da ở trẻ sơ sinh như thế nào? Thông thường, nếu vàng da do sinh lý thì chỉ sau 1 tháng, tình trạng này sẽ giảm dần và hết hẳn khi trẻ bước vào giai đoạn 2-3 tháng tuổi.
Trong trường hợp vàng da bệnh lý cần thực hiện các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ thay vì áp dụng các phương pháp dân gian, mẹo truyền miệng để tránh những hậu quả không mong muốn.
Chiếu đèn
Phương pháp chiếu đèn được áp dụng phổ biến hiện nay. Đây cũng là phương pháp đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao. Hầu hết các trường hợp vàng da đều giảm sau khi được chiếu đèn liên tục. Thời gian chiếu đèn phụ thuộc vào mức độ tăng Bilirubin của em bé.
Dưới ánh sáng của bóng đèn chiếu vàng da trẻ sơ sinh, Bilirubin chuyển từ dạng không hòa tan trong nước thành dạng hòa tan trong nước và đào thải qua gan và qua nước tiểu.
Cung cấp nước và năng lượng
Nguyên lý của phương pháp này chính là tăng tốc độ chuyển hóa Bilirubin, giảm nồng độ chất này trong máu. Trẻ sơ sinh vàng da sẽ được chỉ định bổ sung nước và năng lượng qua đường bú hoặc đường truyền.
Thay máu
Phương pháp này áp dụng cho trường hợp vàng da mức độ nặng ở trẻ sơ sinh thường là do phát hiện muộn. Lúc này trẻ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề về thần kinh.
Với cách này, tế bào máu bị tổn thương của trẻ được thay bằng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh thông qua việc tiếp nhận máu từ người hiến. Nhờ vậy, số lượng hồng cầu tăng lên, nồng độ Bilirubin cũng giảm xuống. Sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm, trẻ tiếp tục được truyền nước hoặc chiếu đèn.
Phòng ngừa vàng da sơ sinh
Rất nhiều mẹ bỉm sữa lo lắng và băn khoăn về việc vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không bởi hầu hết bé mới sinh bị vàng da. Trong trường hợp vàng da sinh lý thường không đáng lo ngại. Ngược lại, nếu là vàng da bệnh lý mà không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nhiễm độc thần kinh dẫn đến bại não, điếc, tổn thương não… thậm chí gây tử vong.
Do đó, mẹ vẫn nên chủ động phòng ngừa vàng da dù là bệnh lý hay sinh lý để trẻ ra đời có sức khỏe tốt nhất:
-
Trong thai kỳ, mẹ nên khám thai đầy đủ theo lịch hẹn, chăm sóc tốt sức khỏe của mình
-
Nếu có các bệnh lý trong quá trình mang thai, mẹ cần nghe theo bác sĩ để điều trị kịp thời tránh lây các bệnh nhiễm trùng từ mẹ sang con
-
Ngay sau khi sinh, mẹ hãy cho trẻ bú sữa non và giữ ấm cơ thể trẻ. Điều này giúp con không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm.
-
Luôn theo dõi sát sao, quan sát trẻ ở nơi có điều kiện ánh sáng tốt để phát hiện bất thường trên da trẻ.
-
Nên đăng ký khám sàng lọc cho con tại các bệnh viện, phòng khám uy tín để xác định chính xác tình trạng bệnh. Việc này đặc biệt cần thiết với trẻ sinh non thiếu tháng.
Trên đây là các thông tin để cha mẹ tham khảo nguyên nhân và những phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh. Mặc dù vàng da sơ sinh không quá đáng ngại nhưng hãy theo dõi sức khỏe của con, thường xuyên quan sát hiện tượng vàng da để kịp thời xử lý, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Trần Thị Kim Hoàn
Là giám đôc CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ XUẤT NHẬP KHẨU HOAN TT – Một doanh nghiệp chuyên phân phối dòng sữa Úc chất lượng, đứng đầu thị trường Việt Nam, tôi luôn mong sản phẩm của mình mang đến sự phát triển toàn diện cho trẻ.