Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn | Sở Y tế Nam Định
Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn
Tự kỉ là một chứng rối loạn phức tạp về hệ thần kinh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên nó vẫn có nhiều khả năng xuất hiện ở những người trưởng thành. Rối loạn tự kỷ ở người lớn vẫn gây ra những ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ khiến cho người bệnh biểu hiện những khuyết điểm về quan hệ nhân sinh của bản thân.
Ảnh minh họa
Chứng tự kỷ sẽ được đặc trưng bởi các rối loạn về hành vi, sở thích, khả năng giao tiếp, trò chuyện, cách kiểm soát suy nghĩ và hành động,…Mỗi bệnh nhân tự kỷ đều sẽ có những triệu chứng khác nhau. Tình trạng tự kỷ ở người lớn còn được gọi là phổ tự kỷ bởi vì sự đa dạng về triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh, từng đối tượng sẽ có mức độ nghiêm trọng riêng biệt.
Thông thường, các triệu chứng của bệnh tự kỷ sẽ hình thành vào lúc trẻ mới biết đi, tuy nhiên trong một số trường hợp người bệnh chỉ được phát hiện và chẩn đoán khi đã trưởng thành. Vì thế, những người thân trong gia đình nên chú ý quan tâm để nhận biết sớm các biểu hiện bất thường của người bệnh. Việc phát hiện bệnh sớm và áp dụng các phương pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp bệnh nhân được cải thiện sức khỏe tốt hơn.
Nguyên nhân gây nên bệnh tự kỷ ở người lớn
Tự kỷ là một căn bệnh phức tạp với những biểu hiện và mức độ nghiêm trọng khác nhau đối với từng bệnh nhân. Vì thế mà nguyên nhân gây ra bệnh có thể bao gồm cả yếu tố môi trường và tính di truyền.
-
Yếu tố di truyền
:
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện được một số gen có khả năng liên quan đến tình trạng rối loạn phổ tự kỷ. Bệnh tự kỷ có liên quan đến yếu tố di truyền, điển hình như hội chứng Fragile X hoặc chứng Rett. Ngoài ra, đột biến gen cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số đột biến gen có thể được di truyền, một số khác xảy ra tự phát.
-
Ảnh hưởng từ môi trường
: Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về khả năng ảnh hưởng của các yếu tố thuốc, nhiễm virus, biến chứng khi mang thai, ô nhiễm không khí,…đối với sự kích hoạt bệnh tự kỷ.
Triệu chứng của bệnh tự kỷ ở người lớn
Bệnh tự kỷ ở người lớn kéo dài liên tục cho đến suốt đời. Thông thường các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện ở 3 lĩnh vực như:
-
Giao tiếp bằng lời nói và phi ngôn ngữ
-
Tương tác xã hội
-
Hành vi lặp đi lặp lại
Các triệu chứng của bệnh tự kỷ ở người lớn sẽ khác so với trẻ em, đôi lúc có thể dễ nhầm lẫn với những dấu hiệu của rối loạn tăng động giảm chú ý. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của mỗi bệnh nhân mà các biểu hiện của người bệnh cũng sẽ có phần khác nhau.
Một số triệu chứng thường gặp ở những người trưởng thành bị bệnh tự kỷ như:
-
Có xu hướng tham gia vào các hành vi thường xuyên hoặc lặp lại nhiều lần.
-
Không thể điều tiết và cân bằng cảm xúc.
-
Gặp khó khăn trong việc diễn giải hoặc thể hiện biểu cảm trên gương mặt, diễn tả ngôn ngữ hình thể, tín hiệu xã hội.
-
Gặp rắc rối trong việc diễn giải những điều mà người khác đang cảm nhận hoặc suy nghĩ.
-
Bị cản trở trong việc tham gia vào một cuộc trò chuyện, trao đổi.
-
Khi trò chuyện sẽ khó cân bằng được sự cho và nhận tự nhiên, người bệnh sẽ có xu hướng độc thoại về một chủ đề mà họ quan tâm.
-
Bị hạn chế về phạm vi tham gia các hoạt động
-
Nhất quán trong việc thực hiện các thói quen hàng ngày, đồng thời sẽ bộc phát khi bị thay đổi đột ngột.
-
Có kiến thức sâu sắc về một chủ đề hoặc có sự quan tâm mãnh liệt với hoạt động nào đó.
Một số triệu chứng tự kỷ ở người lớn khi ở nhà:
-
Người bệnh luôn muốn có một người bạn ở cạnh nhưng họ lại không tiếp xúc, trò chuyện với bất kỳ ai.
-
Bệnh nhân thường va vào những đồ vật và tự vấp ngã.
-
Họ thường phát minh ra những ngôn ngữ hoặc cách diễn tả riêng biệt
-
Trong những lúc rảnh rỗi, họ thường muốn tham gia vào các hoạt động, trò chơi cá nhân.
-
Khi ở những không gian cần sự yên tĩnh, họ vẫn có thể tạo ra tiếng ồn.
Một số triệu chứng tự kỷ ở người lớn khi đến cơ quan:
-
Khi người bệnh nói chuyện với người khác, họ có xu hướng muốn nhìn vào tường hoặc bất kỳ đâu, trừ việc nhìn thẳng vào mắt đối phương.
-
Họ sẽ làm việc giống như một robot/ cỗ máy.
-
Họ thường sẽ sắp xếp đồ vật theo ý muốn và không thích người khác chạm vào.
-
Họ có thể giỏi toán nhưng lại gặp khó khăn trong các chuyên môn khác.
-
Gặp phải khó khăn trong việc trình bày, biểu đạt ý kiến hoặc biểu cảm khuôn mặt.
Chẩn đoán bệnh tự kỷ ở người lớn
Việc chẩn đoán bệnh tự kỷ ở người lớn là một thách thức lớn, bởi vì:
-
Những đối tượng không được chẩn đoán tự kỷ khi còn bé thường sẽ có những biểu hiện nhẹ, khó nhận biết, điều này sẽ gây cản trở rất nhiều cho các bác sĩ.
-
Nếu người bệnh đã đồng hành cùng các triệu chứng tự kỷ trong một thời gian dài thì họ có khả năng ngụy trang hoặc kiểm soát các triệu chứng rất tốt.
-
Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể chẩn đoán chính xác tình trạng tự kỷ ở người trưởng thành.
Nếu bạn đang nghi ngờ bản thân hoặc người thân xung quanh mắc phải căn bệnh tự kỷ thì có thể tìm gặp bác sĩ để nói chuyện trực tiếp. Các chuyên gia sẽ chẩn đoán thông qua các cách sau:
-
Khai thác về các triệu chứng từ thời thơ ấu cho đến thời điểm hiện tại
-
Tương tác nhiều với đối tượng
-
Trò chuyện và tìm hiểu thông qua những người thân bên cạnh
-
Tiến hành kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần, các yếu tố có thể hình thành bệnh.
-
Nếu nhận thấy không có bất kỳ tình trạng thể chất nào gây ảnh hưởng đến các triệu chứng thì bác sĩ có thể giới thiệu cho bệnh nhân đến gặp các nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán chính xác hơn.
Cách chữa trị
Tử kỷ là một căn bệnh duy trì và kéo dài đến suốt đời, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị triệt để tình trạng bệnh. Tuy nhiên nếu có thể sớm phát hiện bệnh thì việc cải thiện và làm thuyên giảm các triệu chứng sẽ hiệu quả hơn. Đối với những trường hợp bệnh tự kỷ xuất hiện ở người lớn thì quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Phác đồ điều trị bệnh ở người trưởng thành cũng sẽ khác so với những đối tượng trẻ em. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các triệu chứng riêng biệt mà các chuyên gia sẽ áp dụng một số phương pháp chữa bệnh phù hợp nhất. Đôi lúc bệnh nhân cũng sẽ được sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức, sử dụng lời nói để tiến hành kiểm soát bệnh.
Ngoài ra, dựa vào các vấn đề mà người bệnh đang gặp phải mà chuyên gia có thể lựa chọn những biện pháp phù hợp khác như:
-
Gặp trực tiếp các bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn
-
Được áp dụng liệu pháp nhóm và cá nhân dưới sự hỗ trợ của nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội.
-
Được hỗ trợ tạo điều kiện làm việc.
-
Áp dụng một số loại thuốc theo toa nếu xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các hành vi làm tổn hại đến bản thân và những người xung quanh.
-
Sự hỗ trợ và quan tâm, chia sẻ của những người thân xung quanh.
-
Nhờ vào một số nhóm, diễn đàn trực tuyến để có thể trò chuyện với những người đang mắc phải căn bệnh tự kỷ.
Các triệu chứng của bệnh tự kỷ ở người lớn đa dạng hơn so với trẻ em, quá trình chẩn đoán và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể. Tùy vào tình trạng bệnh mà các chuyên gia sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Tuệ Lâm
-
- Tweet
-