Nguyên nhân gây đái dầm ở người lớn – VnExpress
Người lớn bị đái dầm có thể do nhiễm trùng đường tiểu, mắc chứng ngưng thở khi ngủ, cơ bàng quang hoạt động quá mức hay do lối sống thiếu lành mạnh.
Trẻ nhỏ thường đái dầm vào ban đêm, tuy nhiên một số người lớn cũng gặp phải tình trạng này. Đây là triệu chứng cảnh báo việc kiểm soát hoạt động của bàng quang gặp vấn đề và dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Theo các chuyên gia, đái dầm về đêm hoặc tiểu không chủ ý vào ban đêm xảy ra khi bàng quang không phản ứng với các tín hiệu của cơ thể khi ngủ. Dưới đây là một số nguyên nhân người lớn tiểu không tự chủ vào ban đêm.
Ngưng thở khi ngủ: Đây là tình trạng hơi thở ngừng lại trong thời gian ngắn khi ngủ say. Khoảng thời gian gián đoạn thở này khiến nồng độ oxy trong cơ thể giảm, ảnh hưởng tới việc kiểm soát bàng quang. Do đó, người lớn và trẻ em ngưng thở khi ngủ nhiều nguy cơ đái dầm.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh lý này khá phổ biến gây ảnh hưởng tới hệ tiết niệu gồm thận, bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể). Người bệnh thường có các triệu chứng như tăng cảm giác muốn đi tiểu, khó kiểm soát số lần tiểu, dễ tiểu không tự chủ vào ban đêm.
Đái dầm không tự chủ vào ban đêm khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ. Ảnh: Freepik
Rối loạn hormone: Khi hormone chống bài niệu (AHD) quản lý lượng nước trong cơ thể gặp vấn đề có thể khiến người lớn gặp chứng đái dầm buổi đêm. Thông thường, hormone này giải phóng vào ban đêm báo hiệu thận ngừng sản xuất nước tiểu, giảm cảm giác buồn tiểu khi ngủ. Nếu AHD mất cân bằng, thận tăng sản xuất nước tiểu gây đái dầm.
Cơ bàng quang hoạt động quá mức: Một số người bệnh có cơ bàng quang hoạt động quá mức, co thắt không chủ ý dù bàng quang không có nhiều nước tiểu. Điều này khiến người bệnh buồn tiểu đột ngột, tiểu không kiểm soát khi ngủ. Hầu hết người trưởng thành mắc chứng đái dầm đều có cơ bàng quang hoạt động quá mức.
Lối sống: Thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng tới bàng quang và chu kỳ giấc ngủ. Uống nhiều rượu, cà phê có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất nước tiểu, thay đổi giấc ngủ. Người dùng thuốc an thần, điều trị tâm thần dễ tiểu nhiều.
Mức độ hoạt động thể chất thấp, thường xuyên căng thẳng, lo lắng cũng là yếu tố thúc đẩy sản xuất nước tiểu, tăng số lần tiểu đêm.
Người lớn mắc tình trạng đái dầm có thể do bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, người bệnh cần đi khám sớm nhằm tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh. Bệnh nhân nên thông tin cho bác sĩ những thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống, dùng thuốc, tiền sử mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ sẽ khám sức khỏe, kiểm tra tình trạng tiểu không kiểm soát, lấy mẫu nước tiểu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe bất thường khác. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được kiểm tra thần kinh xác định vấn đề về cảm giác, phản xạ; đo niệu động học phát hiện lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi vệ sinh.
Nhằm khắc phục tình trạng tiểu đêm, người bệnh cần thay đổi lối sống, thói quen như không uống nhiều nước vào buổi tối, tránh uống rượu, cà phê, tập bài tập giúp tăng cường cơ bàng quang. Một số trường hợp tiểu không kiểm soát nặng có thể mặc tã cho người lớn. Cùng với đó, bệnh nhân có thể tập thiền, áp dụng liệu pháp trò chuyện nhằm giảm căng thẳng, dùng một số loại thuốc kiểm soát nước tiểu trong bàng quang khi ngủ hoặc giúp bàng quang chứa nhiều nước tiểu.
Nếu áp dụng các biện pháp điều chỉnh lối sống, uống thuốc không hiệu quả, bệnh nhân có thể cân nhắc phẫu thuật kích thích dây thần kinh xương cùng, tạo hình bàng quang tăng sinh, cắt bỏ cơ xung quanh bàng quang nhằm kiểm soát cơn co thắt bàng quang.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)