Nguyên nhân gây các loại mụn ở vùng kín
Ít có vùng nào trên cơ thể nhạy cảm như da vùng sinh dục. Đây là vùng rất dễ phản ứng với các yếu tố ngoại lai cũng như các bất thường bên trong cơ thể. Đa số mụn mọc ở vùng kín thường không phải là một tình trạng dẫn đến bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể gây ra một số cảm giác khó chịu cùng những bất tiện trong sinh hoạt.
Mục Lục
1. Viêm da tiếp xúc
Các loại mụn mọc ở vùng kín có khả năng là do viêm da tiếp xúc. Viêm da tiếp xúc là một phản ứng dị ứng khi một thứ gì đó chạm vào da. Viêm da tiếp xúc ở bộ phận sinh dục có thể do da nhạy cảm với:
- Sữa tắm, xà phòng tắm, đặc biệt nếu chúng có thành phần tạo hương
- Khăn lau, chất khử mùi, kem dưỡng da, hoặc nước hoa,…
- Băng vệ sinh hoặc tampon
- Thụt rửa
- Thuốc diệt tinh trùng, bao cao su, chất bôi trơn hoặc chất kích thích tình dục
- Thuốc bôi không kê đơn
- Bột giặt và nước xả vải
Ngoài ra, da các nguyên nhân như: mồ hôi trộm, dịch tiết âm đạo, nước tiểu, tinh dịch,… cũng có thể khiến da bạn bị kích ứng.
Triệu chứng: Ngứa nhiều, ban đỏ, mọc mụn ở vùng kín, các nốt mụn sinh dục này thường chứa dịch lỏng trong suốt hoặc bị vỡ đóng vảy, các vết trầy do gãi, có thể kèm bội nhiễm có mủ. Khi bạn xác định được nguyên nhân gây ra mụn mọc ở vùng kín là do viêm da tiếp xúc, hãy tránh tiếp xúc với chất gây kích ứng.
2. Viêm nang lông
Viêm nhiễm nang lông do vi khuẩn có thể gây ra các nốt mụn mọc ở vùng kín.
Cạo lông vùng sinh dục không đúng cách là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh viêm nang lông. Ngoài ra viêm nang lông còn có thể do vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc không sạch, dùng quá nhiều hóa chất để tẩy rửa hoặc dùng các dung dịch vệ sinh, mặc quần áo quá chật, bó sát cơ thể trong thời gian dài.
Các mụn sinh dục trong trường hợp này thường phân bố chủ yếu ở gốc nang lông, có mủ, sưng đỏ, đau rát, ngứa và có nguy cơ nhiễm trùng cao.
3. Viêm tuyến mồ hôi mủ (HS)
Viêm tuyến mồ hôi mủ (HS), là một bệnh da nhiễm trùng mãn tính của tuyến mồ hôi. Nó gây ra các tổn thương giống như mụn trứng cá trên khắp cơ thể, bao gồm cả vùng sinh dục. Nguyên nhân của căn bệnh hiếm gặp này hiện chưa được làm rõ.
4. U mềm lây
U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng do virus molluscum một loại virus thuộc nhóm poxvirus có thể gây ra mụn mọc ở vùng kín và ở bất kì vị trí nào trên cơ thể. Lây truyền do tiếp xúc trực tiếp, tự nhiễm trùng và qua các vật dụng (ví dụ, khăn tắm, bọt biển tắm) và nước tắm.
U mềm lây là bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Ở người trưởng thành mắc bệnh thông qua tiếp xúc gần với vùng da của người nhiễm bệnh (ví dụ như quan hệ tình dục, đấu vật).
Thương tổn cơ bản của u mềm lây ở vùng sinh dục có dạng sẩn tròn màu hồng, hình vòm, mịn, bóng, hoặc hình ngọc trai, lõm giữa, đường kính 2-5 mm, thường xuất hiện ở mặt, thân của trẻ em và trên bụng dưới, dương vật, hoặc âm hộ ở người lớn.
Có thể điều trị u mềm lây bằng phương pháp cơ học (như nạo, phẫu thuật lạnh) và các thuốc bôi tại chỗ (như imiquimod, tretinoin).
5. Mụn rộp sinh dục
Mụn rộp sinh dục gây ra bởi herpesviruses người 1 (HSV-1) hoặc 2 (HSV-2), lây qua đường tiếp xúc với tổn thương hoặc tiếp xúc với da người bạn tình khi các triệu chứng biểu hiện chưa rõ ràng. Sau khi nhiễm trùng, HSV thể không hoạt động sẽ tồn tại trong các hạch thần kinh, cho nên có thể tái phát nhiều đợt.
Tổn thương ban đầu là các mụn rộp có màu đỏ hoặc hồng, mọc riêng lẻ, chứa dịch lỏng. Sau đó dần dần mụn phát triển thành từng cụm giống như chùm nho, gây viêm, sốt đau cơ, mệt mỏi, khi mụn vỡ ra có thể bội nhiễm tạo thành các vết loét khiến người bệnh đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Mụn rộp sinh dục phân bố ở đầu dương vật, trục dương vật, trên âm vật, âm đạo, âm hộ, đáy chậu và cổ tử cung, quanh vùng hậu môn và trực tràng khi có quan hệ tình dục qua hậu môn – trực tràng.
Đặc biệt ở phụ nữ mang thai loại mụn sinh dục này có thể truyền cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, HSV lây qua cho trẻ khi chúng tiếp xúc với dịch tiết âm đạo của người mẹ trong quá trình sinh nở, hiếm khi truyền qua nhau thai và nhiễm HSV sơ sinh là một nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Đây có thể coi là một trong các loại mụn ở vùng kín gây ra hậu quả khá nghiêm trọng, và không phải lúc nào các nốt mụn sinh dục và các triệu chứng kèm theo cũng xuất hiện và báo trước về tình trạng bệnh.
Điều trị bằng thuốc kháng virus nhằm giảm sự lan truyền của virus và các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc cho mụn rộp sinh dục, người bệnh chỉ có thể điều trị triệu chứng làm lành các vết loét và hạn chế khả năng tái phát.
6. Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nội tiết tố ở những giai đoạn khác nhau như dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ làm tăng sự hoạt động của các tuyến nhờn từ đó tăng tốc độ sừng hóa tế bào, gây bít tắc các lỗ chân lông và hình thành mụn thịt. Các loại mụn ở vùng kín do nguyên nhân này có đặc điểm chung là không lây lan, đầu mụn màu trắng thương phân bố ở vùng mu và không gây cảm giác ngứa ngáy.
7. Viêm nhiễm phụ khoa gây ra mụn sinh dục ở nữ giới
Viêm nhiễm phụ khoa là tình trạng phổ biến ở nữ do nhiều lý do khác nhau như nhiễm nấm, nhiễm trùng,… . Khi bị viêm nhiễm kéo dài và không điều trị đúng cách sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mụn mọc ở vùng kín với đặc điểm: mụn cứng, kèm theo các triệu chứng khác như ngứa ngáy, ra khí hư bất thường với màu sắc lạ và lượng nhiều, có mùi hôi, tiểu buốt tiểu rắt, cảm thấy đau rát khi quan hệ tình dục.
Nguyên nhân chủ yếu là do vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, quan hệ tình dục không an toàn tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển.
8. Mụn cóc sinh dục
Mụn sinh dục này là một trong các loại mụn ở vùng kín khá phổ biến do vi rút gây u nhú ở người (HPV) gây ra. Trong đó nhiễm HPV có nguy cơ cao (đặc biệt là loại 16 và 18) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Mụn cóc sinh dục là là căn bệnh xã hội nguy hiểm lây lan qua đường tình dục. Thông thường thì sau khi có sự phơi nhiễm với virus từ 6 – 8 tháng, bệnh bắt đầu xuất hiện các nốt mụn sinh dục màu đỏ, thường không đau, không ngứa và có kích thước nhỏ, mọc riêng lẻ tại phần mu, bên trong môi lớn, môi nhỏ, trên dương vật, bao quy đầu, bìu…. Sau đó các nốt mụn thịt này nhanh chóng phát triển thành hình dạng giống như mào gà gây khó chịu nhiều cho người bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có khả năng cao dẫn đến viêm nhiễm và ung thư ở cơ quan sinh dục.
Sùi mào gà nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có khả năng cao dẫn đến viêm nhiễm và ung thư ở cơ quan sinh dục. Tiêm phòng HPV là cách tốt nhất và an toàn để hạn chế căn bệnh này đồng thời ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ
9. Bệnh nấm bẹn
Tình trạng da ẩm ướt thường xuyên, vệ sinh kém, môi trường khí hậu nóng ẩm là yếu tố nguy cơ dẫn đến hình thành bệnh nấm bẹn. Tổn thương ở da vùng bìu bẹn có màu sẫm hơn vùng da thường, trên ranh giới da thường và da bệnh có thể xuất hiện các mụn nước xếp thành hình vòng cung, kèm theo ngứa nhiều gây khó chịu cho bệnh nhân.
Để điều trị bệnh này cần phải dùng kết hợp thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ.
Khi phát hiện mụn rộp sinh dục giai đoạn đầu, người bệnh cần chủ động đến các cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.