Nguyễn Tử Quảng: Tại sao anh được gọi ‘chuyên gia chất nổ’?
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội .
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của Thế Giới Di Động
Bạn vui lòng chờ trong giây lát…
[Nhân vật] Nguyễn Tử Quảng: Tại sao người đời gọi anh là ‘chuyên gia chất nổ’?
Phan Huy Thái Nguyên
16/07/15
163 bình luận
Bphone ra mắt khiến cái tên Nguyễn Tử Quảng một lần nữa lại nóng lên. Bphone trục trặc thì cái tên Nguyễn Tử Quảng cũng lại được réo gọi. Và cái tên đó chẳng còn được gắn với một cách trìu mến cùng biệt danh là “bác sĩ máy tính” mà đã trở thành cái tên khá “kinh dị” – “chuyên gia chất nổ”. Từ đâu anh Nguyễn Tử Quảng có biệt danh đó, tại sao từ “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” anh trở thành “chuyên gia chất nổ”? Ý kiến người trong cuộc thế nào?
Nguyễn Tử Quảng là ai?
Nguyễn Tử Quảng là người viết phần mềm diệt virus máy tính Bkav, lần đầu ra mắt vào năm 1995 và liên tục được cải tiến, cập nhật, sử dụng cho tới nay. Anh nguyên là Giảng viên của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Bkav.
Nguyễn Tử Quảng sinh tại xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư (nay xã này thuộc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Dòng họ Nguyễn Tử ở Ninh Nhất, Ninh Bình là một dòng họ có truyền thống. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh học khối phổ thông chuyên Toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi anh Nguyễn Tử Quảng từng học tập và công tác
Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng bắt đầu viết phần mềm diệt virus Bkav khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng tới tận năm 2005.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa Công nghệ Thông tin và tiếp tục nghiên cứu Bkav cùng các chương trình khác. Tháng 7/1997, Nguyễn Tử Quảng công bố công trình hoàn thành phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên AV-ONLINE. Đến tháng 11/1997 anh viết thành công phần mềm hỗ trợ kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet, phục vụ cho việc kết nối Internet của công ty FPT – một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 12/2001, anh cùng chín thành viên khác thành lập Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội, và trở thành giám đốc của Trung tâm này.
Đến năm 2003, Nguyễn Tử Quảng được Tạp chí eChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin.
Anh Nguyễn Tử Quảng vào năm 2007
Năm 2005, sau 10 năm cung cấp miễn phí, Bkav chính thức được thương mại hóa. Từ đó, mọi lỗi nhỏ của sản phẩm cũng như những phát ngôn của anh thường chịu cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông.
Năm 2008, Nguyễn Tử Quảng đã cộng tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình điều tra vụ việc “Lộ đề thi toán khối A” trong cuộc thi tuyển sinh vào đại học năm học 2008 – 2009 và đã được tặng thưởng.
Tháng 9/2010, Bkav khởi động dự án Bphone, sản xuất điện thoại thông minh “designed by Bkav và made in Vietnam” bằng cách mua tên miền Bphone.vn.
Tháng 6/2015, Nguyễn Tử Quảng với vai trò là CEO của Bkav đã cho ra mắt chiếc điện thoại “tốt nhất thế giới” Bphone.
Màn ra mắt Bphone của CEO Nguyễn Tử Quảng
Đầy nhiệt huyết với niềm tin mãnh liệt
Sẽ là thừa khi nhắc đến những gì Nguyễn Tử Quảng tạo dựng được. Mười năm miệt mài diệt virus miễn phí cho cộng đồng, thêm mười năm kinh doanh để có được thương hiệu phần mềm diệt virus có thị phần lớn nhất Việt Nam và trở thành tập đoàn công nghệ cung cấp nhiều giải pháp điện tử hữu dụng. Một khoảng thời gian đủ dài để anh khẳng định thực lực trên thương trường.
Ấy vậy mà cái tên quen thuộc ấy vẫn đầy mới mẻ, đầy hấp dẫn ngay cả với những người không rành về công nghệ. Bởi, hai mươi năm “sống trong dư luận”, khi được trìu mến gọi là “Bác sĩ máy tính”, được phong tặng tước hiệu hiệp sĩ công nghệ, khi bị “ném đá” là “nổ”, là “bom”…, Nguyễn Tử Quảng vẫn chỉ có một cách ứng xử: mỉm cười và trung thành với cách sống của mình.
“Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”, đây là câu slogan mà chính Nguyễn Tử Quảng đã chọn cho Bkav. Đây là điều anh chiêm nghiệm được khi bị gán cho biệt danh “Quảng nổ” nhiều năm qua, “trừ khi mình làm bậy, còn nếu mình có năng lực, đam mê và có cái tâm tốt thì mọi người rồi cũng nhận ra và sẽ ủng hộ thôi.”.
Từ khi Việt Nam mới bắt đầu làm quen với công nghệ thông tin, cựu giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội này đã có niềm tin mãnh liệt rằng dù đi sau nhưng Việt Nam vẫn có thể sở hữu những công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm đủ sức chinh phục thế giới. Với phần mềm diệt virus BKAV, ứng dụng văn phòng điện tử eOffice, nhà thông minh SmartHome,… và gần đây nhất là Bphone, chiếc smartphone Designed by Bkav và Made in Vietnam thì niềm tin ấy đã được đền đáp.
Vậy tại sao lại là “Chuyên gia chất nổ”?
Bên cạnh danh hiệu “hiệp sĩ công nghệ thông tin” do eChip tặng, Nguyễn Tử Quảng còn bị một số thành viên ở các diễn đàn Việt Nam đặt cho biệt danh như “chuyên gia chất nổ”, “Quảng nổ”, “Quảng bom”,…
Biệt danh này bắt đầu xuất hiện sau một quảng cáo trên TV với lời ca ngợi sản phẩm của Bkis là phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Tiếp theo đó là những tuyên bố gây sốc như “Bkav đi trước cả Microsoft, Google, Samsung cả chục năm” cũng như thông điệp truyền thông “số 1” của sản phẩm. Đây vốn là những phát ngôn quá bất ngờ với người Việt cũng như ngành công nghệ Việt Nam.
Chính anh đã nói rằng: “Tính tôi thẳng thắn, thấy thế nào thì nói vậy và làm theo đúng những gì mình nói. Tuy nhiên, việc bị gọi là nổ cũng có những lý do, cả từ chủ quan từ tôi lẫn khách quan do hoàn cảnh.”.
Một bức ảnh chế về anh Nguyễn Tử Quảng
“Nếu ai đó nói với mọi người là tôi làm cái cốc, cái chén này ‘long lanh’ chẳng kém gì hàng ngoại thì không ai nói gì. Nhưng nếu bảo làm sản phẩm công nghệ này tốt hơn nước ngoài, mà nhất là so với những anh đứng đầu thế giới thì đúng là khó tin thật. Nhất là khi Việt Nam lại là một nước kém phát triển về công nghệ. Trong bối cảnh đó, việc những người không tin gọi tôi là Quảng ‘nổ’ cũng có lý do của họ. Vì ít có tiền lệ các sản phẩm công nghệ trong nước lại có thể cạnh tranh bình đẳng với nước ngoài, nên trọng số niềm tin đối với các phát biểu như vậy là rất thấp, đó cũng là một hoàn cảnh khách quan. Do đó, tôi chấp nhận việc có thể có nhiều người chưa tin mình”.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây với báo giới, Nguyễn Tử Quảng trả lời hóm hỉnh: “Bạn thấy đấy, tôi ít xuất hiện những vẫn thường xuyên được gọi là nổ, nếu mà tôi xuất hiện thường xuyên thì không hiểu sẽ còn thế nào nữa (cười).”.
Khi được hỏi về cảm giác về biệt danh “Quảng nổ”, anh đã nói: “Lúc đầu, điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Bị ‘chửi’ là nổ, chuyên quăng lựu đạn, quăng bom, tôi stress lắm. Anh thử hình dung, được mọi người gọi là Hiệp sĩ công nghệ thông tin, bác sĩ máy tính cả chục năm, giờ chuyển ngay sang thái cực ngược lại thì bảo không buồn sao được. Hay như ở gia đình, bố mẹ tôi xưa nay vẫn quen với việc người ta gọi con mình là ‘Hiệp sĩ’, giờ lên mạng thấy toàn thấy Quảng ‘nổ’ với Quảng ‘bom’, sao mà các cụ không buồn. Trong khi đó, thâm tâm mình cũng chỉ muốn làm tốt hơn cái việc trước kia mình đã làm, vẫn là giúp cho các máy tính được an toàn mà thôi.”.
Anh chia sẻ: “Tôi từng stress nặng khi bị gọi là Quảng ‘Nổ”
Những câu nói “để đời”
– Bkav đi trước Microsoft, Google, Samsung cả chục năm.
– Giải pháp nhà thông minh của Bkav là hệ thống hoàn chỉnh nhất thế giới.
– Đây là một trong những smartphone đẹp nhất thế giới.
– Đẹp hơn cả iPhone.
– Siêu phẩm hàng đầu thế giới Bphone.
– Thật không thể tin nổi.
– Không thể tin được.
– Nói vui chứ Tim Cook có sang Việt Nam, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa chắc đã sản xuất được smartphone.
Không phủ nhận những phát ngôn gây sốc của anh thực sự… sốc thiệt! Nhưng mười năm đi diệt virus miễn phí cho cộng đồng, mười năm xây dựng thương hiệu Bkav và chiếc smartphone Bphone đã đủ chứng tỏ sự đóng góp to lớn của Nguyễn Tử Quảng cho nền công nghệ nhỏ bé nước nhà. Chính niềm tin vào việc công nghệ nước nhà có thể đủ sức chinh phục thế giới đã giúp anh đứng vững trước sóng gió dư luận và đạt được thành công như ngày hôm nay.
Xem thêm loạt bài về nhân vật công nghệ >>>Tại đây
Không hài lòng bài viết
19.602 lượt xem
Hãy để lại thông tin để được hỗ trợ khi cần thiết (Không bắt buộc):
Anh
Chị