Nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng từ các gói thầu mua sắm trang thiết bị của Sở GD&ĐT Lạng Sơn

GD&TĐ – Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giáo dục đang là vấn đề được dư luận tại tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm, khi mà các gói thầu mua sắm trang thiết bị do Sở GD&ĐT tỉnh này làm chủ đầu tư có dấu hiệu bị đội giá, nâng giá gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Tiết kiệm nhỏ giọt

Theo phản ánh của bạn đọc tới Báo Giáo dục và Thời đại, trong năm 2020 và 2021, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn là đơn vị được giao làm chủ đầu tư mua sắm các trang thiết bị thông qua hoạt động đấu thầu.

Quá trình mua sắm máy móc, thiết bị đã được Sở GD&ĐT Lạng Sơn tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, các thiết bị, máy móc, mặt hàng tại các gói thầu do các đơn vị trúng thầu cung cấp đều có giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, có dấu hiệu bị gửi giá, thổi giá.

Điều này khiến ngân sách Nhà nước được giao cho Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư bị thất thoát, lãng phí, có dấu hiệu tư túi cá nhân.

Cụ thể, dấu hiệu đội giá thiết bị, nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng tại gói thầu số 03: Mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng khu nội trú cho các trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Đây là gói thầu do ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn ký phê duyệt ngày 15/12/2020 theo Quyết định số 3390/QĐ-SGDDT, cho liên danh Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Hoàng Mai – Công ty TNHH Công nghiệp FDI trúng với giá là 13.504.279.000 đồng. So với giá dự toán gói thầu là 13.648.829.000 đồng thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước là 144.550.000 đồng, tương ứng tỉ lệ 1,05 %.

Nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng từ các gói thầu mua sắm trang thiết bị của Sở GD&ĐT Lạng Sơn ảnh 1

Cũng tại gói thầu số 3 Mua sắm thiết bị phòng tin học trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ngày 27/12/2021, ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định số 1885/QĐ-SGDĐT phê duyệt cho Liên danh nhà thầu Công ty TNHH công nghệ T&C Việt Nam và Công ty cổ phần vật tư và thiết bị văn phòng CDC trúng thầu với giá 21.532.228.000 đồng, so với giá dự toán, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 24.614.000 đồng, tương ứng tỉ lệ 0,1%.

Thiết bị giá trên trời!?

Đáng chú ý, nhiều trang thiết bị tại hai gói thầu nêu trên có gia cao bất thường so với giá duyệt mua của một số đơn vị công lập khác, cũng như giá cả chào bán trên thị trường.

Đơn cử, Bộ sa bàn giáo dục giao thông, xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 970.200 đồng/cái. Trong khi đó, giá bán sản phẩm này do Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Miền Nam niêm yết chỉ 262.000 đồng/cái, còn Ban QLDA các công trình xây dựng thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng mua với giá chỉ 237.000 đồng, tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học năm 2020”.

Như vậy, với số lượng 904 bộ sa bàn cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hơn 600 triệu đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.

Ngoài ra, Thiết bị âm thanh (dàn âm thanh) TRAmp-STU được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 13.607.000 đồng/cái, trong khi cũng sản phẩm này, một đơn vị của Hà Nội chỉ mua với giá bằng một nửa, tức 6.050.000 đồng/cái. Với số lượng 143 chiếc, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao cũng lên tới cả tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, mặt hàng giá vẽ (3 chân hoặc chữ A, ký hiệu MN.GV001), xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 459.900 đồng/cái, nhưng cùng một sản phẩm này, một đơn vị của Hà Nội chỉ mua với giá 350.000 đồng/cái. Chưa kể, sản phẩm này trên thị trường thấp hơn khá nhiều, dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng.

Cũng theo bảng danh sách các trang thiết bị ở gói thầu do Sở GD&ĐT Lạng Sơn làm chủ đầu tư được bạn đọc cung cấp, ngoài các sản phẩm trên còn rất nhiều các sản phẩm khác có giá cao, có dấu hiệu bị đội giá.

Cụ thể, Ổn áp 15KVA nhãn hiệu LIOA SH 15000 II (Nguyên lý điều khiển: Động cơ Servo 1 chiều) được duyệt mua là 15.100.000 đồng/chiếc, hiện đang được chào mua chỉ với giá 8.800.000 đồng. Như vậy, với số lượng là 62 chiếc Ổn áp 15KVA, giá trị sản phẩm đã bị đội lên gần 400.000.000 đồng.

Nguy cơ thất thoát hàng tỷ đồng từ các gói thầu mua sắm trang thiết bị của Sở GD&ĐT Lạng Sơn ảnh 2

Tương tự, Cây nước nóng lạnh HC01-W, xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT Lạng Sơn duyệt mua với giá 4.455.000 đồng/cái nhưng theo khảo sát giá thị trường thấp hơn rất nhiều, chỉ 2.450.000 đồng/cái. Với số lượng cần mua 181 Cây nước nóng lạnh HC01-W, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao của Sở này đã lên tới hơn 360.000.000 đồng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các dự án đầu tư được triển khai thông qua hình thức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Việc chủ đầu tư thực hiện đúng, đủ, công khai, minh bạch, chí công, vô tư sẽ giúp lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án, ngoài ra vốn đầu tư ngân sách được giảm giá tốt sau hoạt động đấu thầu.

Đại diện chủ đầu tư nguồn vốn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn.

Tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn, ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh Lạng Sơn về hoạt động của Sở, việc quản lý sử dụng nguồn vốn tại các dự án do Sở này làm chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Dương Kim Sơn – Văn phòng luật Sen Vàng, Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm: “Hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cần phải công khai minh bạch, chí công vô tư để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực hiện dự án, giảm giá tối đa cho đầu tư ngân sách… Hoạt động này sẽ bị bóp méo, không có ý nghĩa nếu giữa chủ đầu tư – người quản lý nguồn vốn và nhà thầu bắt tay với nhau.

Các cơ quan của tỉnh Lạng Sơn cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh nếu phát hiện sai phạm, cần phải xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Cơ quan Công an có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can người có liên quan để làm rõ”.

Thời gian vừa qua, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT, bệnh viện, CDC các địa phương và một số công ty, doanh nghiệp đã bị khởi tố do liên quan đến việc mua sắm và nâng khống giá thiết trong hoạt động đấu thầu mua sắm. Đây có lẽ sẽ là bài học cho các đơn vị để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, tránh để xảy ra sai phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.