Nguy cơ sinh con dị tật ở tuổi tứ tuần

Hà NộiNgồi cuối hành lang Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, chị Liên, 49 và chồng 60 tuổi, thấp thỏm chờ được gọi tên vào khám.

Từng có với nhau hai người con, nhưng không may các bé đều qua đời do tai nạn giao thông. Ở tuổi muộn mằn, chị không nghĩ mình còn cơ hội làm mẹ như những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, do khát khao có gia đình trọn vẹn, cùng tiếng cười trẻ thơ, khiến người phụ nữ nỗ lực tích cóp kinh tế nhiều năm để làm thụ tinh nhân tạo (IVF).

Sáng 6/2, hai vợ chồng đến Bệnh viện Bưu điện để được khám miễn phí trong “Tuần lễ tư vấn, khám miễn phí” của bệnh viện. Thạc sĩ, bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, người trực tiếp thăm khám cho chị Liên, cho biết hai vợ chồng đã quá tuổi sinh sản. Kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng trứng của người vợ không tốt, chỉ số sinh sản và khả năng có con thấp. Ngoài ra, phụ nữ trên 40 tuổi có thể đối mặt với một số nguy cơ như sảy thai, tiền sản giật, sinh non, sinh con ra mắc hội chứng Down. Người chồng cũng ngoài 60 tuổi, mắc bệnh nền, sức khỏe không đảm bảo.

“Chúng tôi đã khuyên gia đình trở về nhà suy nghĩ, nếu vẫn muốn can thiệp thì quay lại bệnh viện và tìm cách xử trí”, bác sĩ nói. Tuy nhiên, gia đình vẫn kiên quyết “đánh cược”. Theo bác sĩ, trường hợp này chỉ có thể xin trứng, song “tỷ lệ IVF thành công cũng chỉ 5%”.

Cũng sốt ruột chờ lượt khám, chị Phương, 39 tuổi và chồng 45 tuổi bị hiếm muộn 15 năm. Song, do điều kiện kinh tế cộng thêm hai năm dịch bệnh nên hai vợ chồng trì hoãn kế hoạch sinh con. Thời gian trôi qua, áp lực ngày thêm nặng nề. Có người hỏi, “con lớn rồi sao không sinh thêm” hay “vợ chồng kế hoạch dài nhỉ” khiến chị thêm buồn phiền. Lần này, bác sĩ dự kiến can thiệp phẫu thuật Micro TESE để đi tìm từng con tinh trùng còn sót lại trong tinh hoàn, tỷ lệ thành công từ 50-60 %. Sau khi có tinh trùng, bác sĩ lên kế hoạch làm IVF cho vợ chồng.

Hành lang chật kín người đến thăm khám tại Bệnh viện Bưu điện, thậm chí kê thêm ghế để phục vụ nhu cầu người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cũng cấp

Hành lang chật kín người đến thăm khám tại Bệnh viện Bưu điện, thậm chí kê thêm ghế để phục vụ nhu cầu người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cũng cấp

Theo bác sĩ Hà, sau Tết, nhu cầu khám hỗ trợ sinh sản cao hơn so với mặt bằng chung trong năm. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 1.200 đến 1.400 lượt khám, tăng 30-40% so với trước. Một số bệnh viện khác như Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Hồng Ngọc, Thu Cúc, Nam học và hiếm muộn cũng tăng từ 30 đến 40%, có viện tăng trên 50%. Ngoài những bệnh nhân trẻ, bệnh viện tiếp nhận nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi đến khám để sinh con.

“Tuy nhiên, độ tuổi phụ nữ càng cao, khả năng mang thai càng giảm, nguy cơ bệnh tật lên mẹ và thai nhi cao hơn. Chưa kể chất lượng tinh trùng cũng kém, khó mang thai hơn”, bác sĩ nói

Bác sĩ Phan Chí Thành, khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, cũng cho rằng mang thai bé đầu lòng ở độ tuổi ngoài 35, người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường cao hơn. Mẹ càng lớn tuổi, nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo. Thai nhi của họ cũng thường rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn so với những bà mẹ khác.

Nghiên cứu mới từ Bộ Y tế cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250 ca; 1/952 ở mẹ tuổi 30; 1/378 ở mẹ tuổi 35; 1/30 ở mẹ trên 45. Tỷ lệ sảy thai, biến chứng thai sản cũng như nguy cơ mang thai ngoài tử cung đều tăng lên sau tuổi 30, đặc biệt là sau tuổi 35. Ở tuổi 20, tỷ lệ phải sinh mổ khoảng 30%, nhưng sẽ tăng lên mức 43% ở tuổi 35.

Hiện Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-17, tỷ lệ 3,1%. Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ là vận động và ngôn ngữ. Trong đó, nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ là khuyết tật bẩm sinh (chiếm khoảng 55-65%), còn lại là bệnh tật. Bộ Y tế cũng khuyến cáo mẹ trên 35 và bố ngoài 45 tuổi có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.

Bên cạnh đó, hành trình điều trị vô sinh hiếm muộn tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Thống kê tại Bệnh viện Phụ Sản trung ương, trung bình một cặp gia đình từ lúc khám đến khi sinh em bé cần 20 đến 30 lần đến bệnh viện. Ví dụ, người phụ nữ đi khám hiếm muộn cần theo dõi, đánh giá toàn diện chu kỳ kinh nguyệt, từ lúc bắt đầu đến khi sạch kinh, kiểm tra xem giữa chu kỳ có rụng trứng. Bác sĩ cần kiểm tra tử cung, vòi trứng, buồng trứng, tối thiểu từ ba đến bốn buổi khám để chẩn đoán nguyên nhân, sau đó mới có phác đồ điều trị.

Các cặp vợ chồng được lấy máu làm xét nghiệm kiểm tra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các cặp vợ chồng được lấy máu làm xét nghiệm kiểm tra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc tử cung mỏng hoặc viêm lộ tuyến… Trong các cặp vợ chồng vô sinh, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị như thụ tinh nhân tạo (IUI) bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các trường hợp vô tinh do tắc nghẽn sẽ được áp dụng phương pháp PESA, chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da. Trường hợp vô sinh không do tắc nghẽn phù hợp để triển khai phương pháp TESE hoặc Micro TESE.

Các bác sĩ khuyến cáo người phụ nữ nên có kế hoạch sinh con ở độ tuổi trước 30, để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. “Nếu có ý định mang thai ngoài 30 tuổi, chị em nên khám sức khỏe sinh sản trước, đồng thời cần tầm soát dị tật thai nhi để tránh những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ nói.

Minh An

*Tên nhân vật được thay đổi