Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Hà Tĩnh tập trung phòng ngừa
Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong dịp tết Nguyên đán và quá trình tái đàn của bà con nông dân, Hà Tĩnh đang triển khai các giải pháp nhằm khống chế, không để dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan rộng.
Hộ chăn nuôi có lợn bị DTLCP ở Cẩm Xuyên tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường.
Ngày 10/1, 4 con lợn có trọng lượng hơn 1.000 kg của gia đình chị Dương Thị Xuyên (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) bị ốm chết, xét nghiệm cho kết quả dương tính với DTLCP. Ngay sau đó, địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn như: tiêu hủy lợn, cấp phát hóa chất, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch…
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Dương cho biết: “Trên địa bàn xã, chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học vẫn chiếm tỉ lệ rất cao. Trong khi đó, để đón thị trường tết Nguyên đán, trước đó, bà con đã tranh thủ tái đàn với số lượng lớn, do vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Đặc biệt, thời điểm này,; thời tiết mưa lạnh, ẩm ướt làm sức khỏe gia súc giảm sút cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình phòng, chống dịch”.
Cán bộ kiểm dịch của huyện Cẩm Xuyên kiểm tra sức khỏe lợn khi nhập về chuồng.
Ông Phan Thanh Nghị – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên thông tin: “Cẩm Xuyên là địa phương có quá trình tái đàn nhanh với tổng đàn lợn lớn (trên 61.000 con). Hơn nữa, cuối năm là thời điểm các hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn trên địa bàn huyện diễn ra sôi động nên dịch càng khó kiểm soát”.
Trước những nguy cơ đó, huyện Cẩm Xuyên đã bám sát hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo chăn nuôi an toàn để cung ứng nguồn thịt ổn định cho thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán.
Người dân sẽ xuất bán số lượng lớn lợn trong giai đoạn cận tết Nguyên đán để phục vụ thị trường.
Huyện Cẩm Xuyên đã giao các địa phương đang có dịch thực hiện khoanh vùng diện hẹp, theo dõi chặt hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật. Cơ quan chuyên môn cấp huyện, đoàn liên ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, lực lượng công an xã tổ chức kiểm tra hằng ngày, đảm bảo 100% gia súc được đưa vào giết mổ tập trung; tổng hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo về cơ quan thú y huyện trước 16h30 phút hằng ngày để tổng hợp lên cấp trên.
Tại huyện Thạch Hà, sau xã Lưu Vĩnh Sơn, địa bàn vừa có thêm 2 xã xuất hiện DTLCP là Đỉnh Bàn và Thạch Văn. Tính từ 4/1 đến nay, huyện có 29 con lợn bị nhiễm DTLCP, buộc tiêu hủy 1.200 kg lợn.
Ông Trần Hậu Sinh – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: “Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, kéo dài, huyện đã tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch. Cùng với đó, thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra hoạt động xuất bán, giết mổ lợn, kinh doanh thịt tại chợ dân sinh để kiểm soát thị trường một cách chủ động, không để dịch xâm nhập phức tạp trên địa bàn”.
Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn siết chặt công tác phòng dịch nhất là trong thời điểm hoạt động vận chuyển, xuất lợn ra khỏi trang trại tăng cao.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc trong năm qua gặp rất nhiều khó khăn, song đến nay, tổng đàn gia súc của tỉnh vẫn được đảm bảo. Hiện, tổng đàn lợn đạt hơn 408.000 con, tăng hơn 3.300 con so với thời điểm cuối năm 2020.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Tĩnh có gần 50 con lợn nhiễm DTLCP bị chết và tiêu hủy, trọng lượng gần 3.000 kg thuộc 7 xã của 4 huyện: Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang và Thạch Hà. Hiện, DTLCP đang chủ yếu xuất hiện trong chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và đang được kiểm soát ở quy mô hẹp, cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường đầu năm 2022.
Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Khắc Khánh, thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguy cơ xảy ra dịch bệnh đàn gia súc trên địa bàn rất cao do nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn tăng nhanh. Vì thế, các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, cảnh báo sớm nguy cơ cho người dân xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Các địa phương phải có trách nhiệm quản lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn.
Đặc biệt, thành lập các đoàn liên ngành, tổ chức quản lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn, nhất là thời điểm cận tết; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định; chính quyền địa phương phải có trách nhiệm theo dõi để kịp thời báo cáo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý kịp thời đối với lợn mắc bệnh theo đúng quy định để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch.
Theo BHT