Nguồn vốn là gì? Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp?
Nguồn vốn là gì? Phân loại các loại nguồn vốn? Các phương thức huy động vốn của doanh nghiệp? Khái niệm về nguồn vốn theo pháp luật và các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp?
Để một doanh nghiệp có thể phát triển và thành công có rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng, tiên quyết đó là nguồn vốn. Dù ý tưởng có hay, mới lạ, kế hoạch được xây dựng, phát triển chặt chẽ, dự kiến tình huống đa dạng đến đâu nhưng không có vốn không thể triển khai.
Trước khi phát triển dự án, thành lập công ty, bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng phải tính đến nguồn vốn, dự kiến tài chính để đảm bảo duy trì, phát triển ổn định, các chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Vậy, nguồn vốn là gì? Doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng những hình thức nào, hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn các quy định về nguồn vốn, huy động vốn: 1900.6568
1. Nguồn vốn là gì?
Nguồn vốn là những quan hệ tài chính mà thông qua đó đơn vị có thể khai thác hay huy động một số tiền nhất định để đầu tư tài sản cho đơn vị. Nguồn vốn cho biết tài sản của đơn vị do đâu mà có và đơn vị phải có những trách nhiệm kinh tế, pháp lý đối với tài sản đó.
Nguồn vốn tiếng Anh là Source of capital.
Ngoài ra, một số từ vựng liên quan đến từ Nguồn vốn có thể bạn quan tâm:
Tổng cộng nguồn vốn (tiếng Anh là Total liabilities and owners’ equity)
Nguồn vốn kinh doanh (tiếng Anh là Stockholders’ equity)
Nguồn vốn chủ sở hữu (tiếng Anh là Owners’ equity)
Lợi nhuận thuần (tiếng Anh là Net profit)
Doanh thu thuần (tiếng Anh là Net revenue)
Nguồn kinh phí sự nghiệp (tiếng Anh là Non-business expenditure source)
Nguồn kinh phí sự nghiệp (tiếng Anh là Non-business expenditure source)
Các khoản phải thu (tiếng Anh là Receivables)
Nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định (tiếng Anh là Funds that form of fixed assets)
Xem thêm: Vốn ODA là gì? Đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm của nguồn vốn ODA?
2. Phân loại các loại nguồn vốn:
Theo nguồn gốc hình thành nên tài sản thì có 2 loại nguồn vốn là vốn chủ sở hữu và tài sản.
Nguồn vốn chủ sở hữu là nguồn vốn ban đầu do chủ doanh nghiệp bỏ ra để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc lợi nhuận thu được do hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn chủ sở hữu có đặc điểm là nguồn vốn sử dụng dài hạn và không cam kết phải thanh toán.
Nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của Doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và các sự kiện đã qua mà Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán bằng các nguồn lực của mình. Nợ phải trả có đặc điểm là nguồn vốn sử dụng có thời gian kèm theo nhiều ràng buộc như phải thế chấp, phải trả lãi,…
Xem thêm: Huy động vốn góp khi mua nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào?
3. Các phương thức huy động vốn của doanh nghiệp:
Tùy theo lại hình doanh nghiệp và các đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp có thể có các phương thức tạo vốn và huy động vốn khác nhau… Trong điều kiện kinh tế thị trường, các phương thức huy động vốn cho doanh nghiệp được đa dạng hóa, giải phóng các nguồn tài chính trong nền kinh tế, thúc đẩy sự thu hút vốn vào cách doanh nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và thị trường tài chính sẽ sớm tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng khả năng thu hút vốn vào kinh doanh.
Các phương thức tạo vốn mà doanh nghiệp có thể khai thác là:
– Huy động vốn chủ sở hữu từ:
+ Vốn góp ban đầu
+ Lợi nhuận không chia
+ Vốn từ phát hành cổ phiếu
– Huy động vốn nợ từ
+ Tín dụng Ngân hàng
+ Tín dụng thương mại
+ Phát hành trái phiếu
3.1. Vốn góp ban đầu:
Khi doanh nghiệp được thành lập bao giờ chủ doanh nghiệp cũng phải đầu tư một số vốn nhất định.
Trong công ty tư nhân, chủ doanh nghiệp phải có đủ vốn pháp định cần thiết để xin đăng kí thành lập doanh nghiệp. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp.
Đối với công ty cổ phần, nguồn vốn do các cổ đông đóng góp là yếu tố quyết định để hình thành công ty. Mỗi cổ đông là một chủ sở hữu của công ty và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên trị giá số cổ phần mà họ nắm giữ. Tuy nhiên, các công ty cổ phần cũng có một số hình thức khác nhau, do đó cách thức huy động vốn cổ phần cũng khác nhau.
Trong thực tế, vốn tự có của chủ doanh nghiệp thường lớn hơn nhiều so với vốn pháp định, nhất là sau một thời gian hoạt động và mở rộng kinh doanh.
Ưu điểm của vốn góp ban đầu là doanh nghiệp hoàn toàn chủ động sử dụng vốn, không bị phụ thuộc vào bên ngoài. Nhưng nó cũng có nhược điểm là thường vốn góp ban đầu không lớn, trong doanh nghiệp nguồn vốn tự có chỉ chiếm khoảng 20% – 30% tổng vốn của doanh nghiệp.
3.2. Huy động vốn từ lợi nhuận không chia:
Lợi nhuận không chia là một phần trong lợi nhuận của doanh nghiệp, được tích luỹ lại để tái đầu tư. Rất nhiều công ty coi trọng chính sách tái đầu tư từ số lợi nhuận để lại. Họ đặt ra mục tiêu số vốn ngày càng tăng, tuy nhiên, đôí với công ty cổ phần thì việc để lại lợi nhuận có liên quan đến một số yếu tố rất nhạy cảm.
Khi công ty để lại một phần lợi nhuận trong năm cho tái đầu tư, tức là không dùng số lợi nhuận đó để chia lãi cổ phần. Các cổ đông không được cổ tức nhưng bù lại, họ có quyền sở hữu số vốn cổ phần tăng lên của công ty.
Như vậy, trị giá ghi sổ của các cổ phiếu sẽ tăng lên cùng với vịệc tự tài trợ bằng nguồn vốn nội bộ. điều này một mặt khuyến khích cổ đông giữ cổ phiếu lâu dài, nhưng mặt khác dễ làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu trong thời kì trước mắt (ngắn hạn), do cổ đông chỉ nhận được một phần cổ tức nhỏ hơn. Nếu tỷ lệ lợi nhuận dùng để chi trả cổ tức thấp, hoặc số lãi ròng không đủ hấp dẫn thì giá cổ phiếu có thể giảm sút.
Hình thức tự tài trợ bằng lợi nhuận không chia có ưu điểm là nó tác động rất lớn đến nguồn vốn kinh doanh, tạo cơ hội cho công ty thu được lợi nhuận cao hơn trong các năm tiếp theo. Đồng thời giúp doanh nghiệp tự chủ trong vấn đề tài chính, dễ dàng hơn trong quan hệ tín dụng với Ngân hàng, tổ chức tín dụng và các cổ đông.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại có nhược điểm là gây mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nhà quản lý và cổ đông, giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu và thời gian đầu. Khi doanh nghiệp trong trả cổ tức cho cổ đông mà giữ lại lợi nhuận có thể làm cho giá cổ phiếu trên thị trường giảm, ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp.
3.3. Huy động vốn từ phát hành cổ phiếu:
– Phát hành cổ phiếu như một công cụ giúp doanh nghiệp thu được lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển doanh nghiệp. Hình thức này giúp doanh nghiệp tăng lượng vốn đối ứng để thực hiện các dự án có quy mô lớn hơn, cũng như nâng cao khả năng vay vốn của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp không phải trả lại tiền gốc cũng như không bắt buộc phải trả cổ tức nếu như doanh nghiệp làm ăn không có lãi bởi cổ tức của doanh nghiệp được chia từ lợi nhuận sau thuế.
– Mở rộng quy mô tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh do tiếp thu được các nguồn lực mới cả về tài chính, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm và bản lĩnh kinh doanh cũng như các tiềm lực phát triển khác từ cổ đông và các dối tác mới trong và ngoài doanh nghiệp trong và ngoài nước.
3.4. Huy động vốn bằng tín dụng Ngân hàng:
Tín dụng Ngân hàng là một trong những nguồn vốn quan trọng nhất, không chỉ đối với sự phát triển của bản thân các doanh nghiệp mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Sự hoạt động và phát triển của các công ty, các doanh nghiệp đều gắn liền với các dịch vụ tài chính do các ngân hàng thương mại cung cấp, trong đó có việc cung ứng các nguồn vốn tín dụng. Theo hiệp hội ngân hàng Việt Nam(VNBA) có 40% tổng nhu cầu của các doanh nghiệp được tài trợ bởi tín dụng
Ngân hàng, 80% lượng vốn cung ứng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là từ kênh Ngân hàng. Các doanh nghiệp sử dụng vốn vay Ngân hàng để đầu tư vào tài sản cố định, bổ sung thêm vốn lưu động và phục vụ các dự án.
Sử dụng vốn vay Ngân hàng đem lại cho doanh nghiệp nhiều thuận lợi. Doanh nghiệp có thể huy động được khối lượng vốn lớn trong ngắn hạn hoặc dài hạn, do vậy đáp ứng nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cho các mục tiêu khác nhau.
Thêm vào đó, lãi vay ngân hàng được xem là chi phí của doanh nghệp, do đó khi sử dụng vốn vay ngân hàng doanh nghiệp được giảm một phần thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, so với các nguồn vốn khác thì chi phí cho việc sử dụng tín dụng ngân hàng được coi là rẻ nhất.
3.5 Huy động vốn bằng tín dụng thương mại:
Tín dụng thương mại hay còn gọi là tín dụng của người cung cấp. Nguồn vốn này được hình thành tự nhiên trong quan hệ mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp. Nguồn vốn tín dụng thương mại có ảnh hưởng hết sức to lớn không chỉ với các doanh nghiệp mà cả đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong một số công ty, nguồn vốn tín dụng thương mại dưới dạng các khoản phải trả có thể chiếm tới 20% tổng nguồn vốn, thậm chí có thể chiếm tới 40% tổng nguồn vốn.
Có 3 loại tín dụng thương mại:
– Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu (tín dụng xuất khẩu) là tín dụng do người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tín dụng xuất khẩu được cấp dưới hình thức chấp nhận hối phiếu và mở tài khoản.
– Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu (tín dụng nhập khẩu): là loại tín dụng do người nhập khẩu cấp cho người xuất khẩu để nhập hàng thuận lợi. Hình thức tồn tại của loại tín dụng này là tiền ứng trước để nhập hàng.
– Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu: các ngân hàng thương nghiệp cỡ lớn thường không cấp tín dụng trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu mà thông qua nhà môi giới, loại hình này sử dụng rộng rãi ở các nước Anh, Đức, Bỉ và Hà Lan.
Ưu điểm và nhược điểm của tín dụng thương mại
Ưu điểm:
– Tiện dụng và linh hoạt trong kinh doanh
– Giúp doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh một cách lâu bền
– Chủ động khi huy động vốn chủ về thời gian, số lượng, nhà cung ứng
– Huy động nhanh chóng dễ dàng
– Không phải chịu sự giám sát của Ngân hàng
– Ngoài ra, đối với doanh nghiệp làm chủ nợ có thể vay ngân hàng thông qua hình thức chiết khấu thương phiếu, bán hoặc cầm cố thương phiếu.
Nhược điểm:
– Hạn chế về quy mô tín dụng: hạn chế về số lượng mua chịu, khả năng của nhà cung ứng
– Hạn chế về đối tượng vay mượn
– Hạn chế về không gian vay mượn
– Hạn chế về thời gian vay mượn do chu kì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khác nhau
– Phụ thuộc vào quan hệ sản xuất kinh doanh trên thị trường
– Có thể gặp rủi ro khi buộc phải thay đổi nhà cung ứng và phụ thuộc nhiều vào sự đúng hạn, uy tín của nhà cung ứng.
– Dễ gặp rủi ro dây chuyền
3.6. Huy động vốn bằng phát hành trái phiếu:
Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.
Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ).
Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh).