Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng HCM – Thư viện Hóa – Sinh – GDNGLL – Hướng nghiệp – LLCT

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ giữa trí tuệ lớn của Hồ Chí Minh với trí tuệ của dân tộc và trí tuệ thời đại. Chính sự vận động, phát triển của tư tưởng yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX, khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, đã hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ tiếp thu, vận dụng sáng tạo, Hồ Chí Minh từng bước góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin bằng những luận điểm mới, được rót ra từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình.Vì vậy khi nghiên cứu tư tưởng HCM không thể không gắn liền với việc nghiên cứu những nhân tố khách quan và chủ quan để hình thành tư tưởng của Người.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam đều do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo. Từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, với đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân dân cả nước ta đã vượt qua mọi thử thách, hy sinh, lập nên những kỳ tích vĩ đại, viết nên pho sử bằng vàng chói lọi của Tổ quốc Việt Nam. Bộ mặt của đất nước, xã hội và con người Việt Nam đã đổi mới sâu sắc.

Tư tưởng HCM được hình thành qua nhiều giai đoạn:

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần II (năm 1951), Đảng ta kêu gọi “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong, đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch” và chỉ ra rằng “”sự học tập ấy là điều kiện tiên quyếtlàm cho đảng Mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Đại hội VII (năm 1991), lần đầu tiên Đảng đưa ra khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh (TT HCM) đánh dấu một bước tiến trong nhận thức của Đảng, khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin và TT HCM làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Năm 2001, khái niệm TT HCM tiếp tục được nêu ra trong Đại hội XI . Năm 2011, khái niệm TT HCM được nêu ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH.

Như vậy, Đảng ta đã hình thành khái niệm về TTHCM một cách hoàn chỉnh nhất, cụ thể: “TT HCM là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của CMVN, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo CN Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quí báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp CM của nhân dân ta giành thắng lợi”.

* Nguồn gốc hình thành TT HCM

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cái cốt lõi, cái cuối cùng vẫn là  thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lênin. Nhưng không thể hiểu đầy đủ tư tưởng của Người nếu bỏ qua cội nguồn dân tộc, truyền thống phương Đông, phương Tây, tinh hoa nhân loại và chủ nghĩa Mác- Lênin đã góp phần tạo nên tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh.

a. Giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Theo quan điểm của HCM với tính cách là 1 dân tộc, 1 quốc gia thì dân tộc nào cũng có truyền thống tốt đẹp. Truyền thống tốt đẹp giữa các dân tộc có điểm tương đồng, đồng thời cũng có những điểm khác biệt. Điểm tương đồng là hướng tới cái chân- thiện- mỹ “ dân tộc nào cũng yêu hoà bình và ghét chiến tranh”. Điểm khác biệt là vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử và truyền thống của mỗi nước, đôi khi điều kiện thời tiết của mỗi nước tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia.

Muốn hiểu được sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ tìm hiểu những truyền thống tư tưởng – văn hóa của dân tộc đã góp phần hun đúc nên con người Hồ Chí Minh.

Dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý.

* Trước hết, đó là chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trường kỳ lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất, đứng đầu bảng giá trị văn hóa – tinh thần Việt Nam. Mọi học thuyết đạo đức, tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều được tiếp nhận khúc xạ qua lăng kính của tư tưởng yêu nước đó. Yêu nước- nó là sợi dây bền chặt gắn Hồ Chí Minh với cả dân tộc Việt Nam.

 Bác nói dân tộc ta có lòng yêu nước nồng nàn, đó là thứ quý hiếm, nó xuất phát từ sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một dân tộc thời gian cầm súng dài hơn thời gian hoà bình. Chính sức mạnh truyền thống ấy đã thúc giục Bác ra đi tìm đường cứu nước. Bác đã viết: “ Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ III.”

* Thứ hai, là tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” trong hoạn nạn khó khăn.

* Thứ ba, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lạc quan yêu đời. Trong muôn ngàn khó khăn, người lao động vẫn động viên nhau “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” và tiếng cười không ngớt vang lên trong cuộc sống.

* Thứ tư, dân tộc Việt Nam là một dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu nên cũng là một dân tộc ham học hỏi và không ngừng mở rộng cửa đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại. Người Việt Nam từ xưa đã rất xa lạ với đầu óc hẹp hòi, thủ cựu, thãi bài ngoại cực đoan. Trên cơ sở giữ vững bản sắc dân tộc, nhân dân ta đã biết chọn lọc, tiếp thu, biến những cái hay, cái tốt, cái đẹp của người thành những giá trị riêng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh trọn vẹn, sinh động của những truyền thống cao quý đó.

Trong những truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, HCM đề cao chủ nghĩa yêu nước, đó là cội nguồn sâu xa, bền chặt để hình thành tư tưởng HCM, nó cũng là cội nguồn thúc đẩy HCM ra đi tìm đường cứu nước. Nó là sợi dây kết chặt dân tộc ta lại.

b. Tinh hoa văn hóa nhân loại

Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ Người đã hấp thụ một nền Quốc học và Hán học khá vững vàng. Khi ra nước ngoài, Người đã không ngừng làm giàu trí tuệ của mình bằng tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính điều đó làm nên nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh, một con người tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông – Tây.

* Tư tưởng văn hóa phương Đông: HCM đặc biệt nhấn mạnh đến nho giáo. Bác quan điểm; Nho giáo không phải là tôn giáo mà nó là tinh hoa về ứng xử, về đạo đức.

– Trước hết nói về Nho giáo, chúng ta thấy trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh sử dụng khá nhiều mệnh đề của Nho giáo và đưa vào đó những nội dung và ý nghĩa mới. Chẳng hạn như: “ không thể thiếu, chỉ sợ không công bằng”, “ không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”, “ Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”…

Trong Nho giáo có những yếu tố duy tâm, lạc hậu, phản động cần phê phán, tiêu cực như bảo vệ chế độ phong kiến, phân chia đẳng cấp (quân tử và tiểu nhân), trọng nam khinh nữ.nhưng cũng có những yếu tố tích cực, tạo nên sức sống của nó trong suốt mấy ngàn năm.

Đó là triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đời; đó là lý tưởng về một xã hội bình trị, tức là ước vọng về một xã hội an ninh, hòa mạc, một “thế giới đại đồng”; là triết lý nhân sinh: tu thân, dưỡng tính, chủ trương từ thiên tử đến thứ dân, ai cũng phải lấy tu thân làm gốc; nó đề cao văn hóa, lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học. Về điểm này nó hơn hẳn các học thuyết cổ đại, bởi vì nhiều học thuyết cổ đại chủ trương ngu dân để dễ cai trị.

Hồ Chí Minh đã khai thác nho giáo, lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng. Cái khác nhau về nguyên tắc vì hệ tư tưởng Nho giáo là hệ tư tưởng phong kiến, Khổng tử là người phát ngôn, bảo vệ chế độ phong kiến. Tư tưởng HCM là phải thủ tiêu chế độ phong kiến. Người dẫn lời của Lênin “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”.

– Tiếp theo là về Phật giáo. Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm, trước cả Nho giáo và có ảnh hưởng rộng rãi trong nhân dân. Phật giáo là tôn giáo, nên có nhiều mặt tích cực và tiêu cực lớn nhất là thủ tiêu đấu tranh, khuất phục kẻ thù. Nhưng những mặt tích cực cũng đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong tư duy, hành động, cách ứng xử của con người Việt Nam.

Người cũng đã tìm thấy ở “chủ nghĩa tam dân” (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn những điều phù hợp với điều kiện của cách mạng nước ta là Tý tưởng dân chủ tiến bộ. Nhưng Tôn Trung Sơn làm cách mạng đưa Trung Quốc lên CNTB, còn Hồ Chí Minh làm cách mạng đưa Việt Nam lên CNXH.

* Tư tưởng và văn hóa phương Tây

Tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, đây là tư tưởng rất quan trọng đối với HCM, vì trong thời điểm đó, nước ta bị mất tự do.

Đây là điểm xuất phát đầu tiên trên con đường tìm đường cứu nước của HCM “ kể từ khi trạc tuổi 13 lần đầu tiên nghe thấy 3 từ tự do, bình đẳng, bác ái, tôi là suy nghĩ là tìm cách nào để sang Pháp xem người ta làm như thế nào để tôi về giúp đồng bào tôi”. Đây là hướng đi mới của đất nước ta trong thời kỳ này, là hướng đi sáng suốt thể hiện bản lĩnh của HCM.

Trong đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ba mươi năm ở nước ngoài, mà chủ yếu ở châu Âu nên Người cũng chịu ảnh hưởng rất sâu rộng của nền văn hóa dân chủ – cách mạng phương Tây. Người đã từng sống và làm việc ở thủ đô các nước tư bản phát triển nhất như Mỹ, Anh và nhất là Pháp… Tại quê hương của lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, Nguyễn Ái Quốc đã được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm của các nhà tư tưởng khai sáng: Vonte, Rútxô, Môngtetxkiơ… những lý luận gia của Đại cách mạng Pháp 1789, như tinh thần pháp luật của Môngtetxkiơ, Khế ước xã hội của Rútxô… tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng đã có ảnh hưởng tới tư tưởng của Người.

Chính tại Pari, Trung tâm văn hóa chính trị của châu Âu nơi hợp lưu của các dòng văn hóa – nghệ thuật của thế giới, Bác đã có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng chiếm lĩnh vốn tri thức của thời đại, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân chủ, nhân đạo và cách mạng của nước Pháp.

Nhờ lăn lộn trong phong trào công nhân Pháp, Bác đã sớm đến được với phái tả của cách mạng Pháp, để trở thành một chiến sỹ xã hội rồi một chiến sỹ cộng sản, một chiến sỹ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

c. Chủ nghĩa Mác – Lênin: Cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trên cơ sở những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết hợp với tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây và những hoạt động cách mạng trên khắp các châu lục đã đưa Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin vào tháng 7-1920. Việc Hồ Chí Minh đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lênin “cái cần thiết” và “con đường giải phóng chúng ta”, “ngọn hải đăng soi đường cho toàn thể nhân loại bị áp bức đi tới giải phóng”, là bước quyết định nhảy vọt về chất trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là tìm con đường giải phóng cho dân tộc, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn Việt Nam chứ không phải từ nhu cầu tư duy, để tìm ra kim chỉ nam cho mọi hành động để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, nắm những biện chứng của CN Mác – Lê nin để vận dụng Người hồi tưởng lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa Lênin, “khi ấy ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng: hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.

CN Mác- Lê nin không phải là kinh thánh nên khi bắt gặp CN mác Lê nin , HCM tiếp thu rất dễ dàng. Người vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương pháp mác-xít và theo tinh thần phương Ðông, không sách vở, không kinh viện, không tìm kết luận có sẵn mà tự tìm ra giải pháp riêng, cụ thể cho cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ nghĩa Mác – Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, để tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn, tích lũy kiến thức tìm ra con đường cứu nước mới. Chính chủ nghĩa Mác – Lênin đã giúp Người vượt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời, khắc phục cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, vạch ra con đường cứu nước đúng đắn – giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta… là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội…”.

Như vậy chủ nghĩa yêu nước là cơ sở ban đầu và là động lực thôi thúc Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Còn chủ nghĩa Mác – Lênin đã nâng  chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới; tạo ra bước phát triển mới về chất lượng phù hợp với thời đại mới.

d. Những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Nguyễn Ái Quốc đó là:

Đó là ý chí quyết tâm của một người yêu nước, 1 chiến sĩ cộng sản sản với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc;

Đó là tài năng và trí tuệ mà biểu hiện trước hết là sự kiên trì học tập: biết 28 thứ tiếng, nói thông thạo 5 thứ tiếng

Đó là năng lực hoạt động thực tiễn phong phú: người tham gia viết cho nghiều tờ báo với khoảng 160 bút danh

Chính những phẩm chất cá nhân hiếm có đó đã quyết định việc Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận, chọn lọc, chuyển hóa phát triển những tinh hoa của dân tộc và thời đại thành tư tưởng đặc sắc của mình.

 2. Quá trình hình thành và phát triển TT HCM:

Tư tưởng Hồ Chí Minh không hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi, xác lập, phát triển và hoàn thiện, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng phong phú của Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành và phát triển của TTHCM trải qua các giai đoạn sau:

2.1. Giai đoạn tiếp nhận chủ nghĩa yêu nước và hình thành ý chí cứu nước (1890 – 1911):

Đây là giai đoạn Nguyễn Sinh Cung được tiếp nhận các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước – nhân văn Việt Nam trong môi trường gia đình, quê hương. Người cũng được tiếp nhận tinh hoa văn hóa phương Đông qua nền giáo dục Nho giáo Việt Nam và bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây.

Được giáo dục chủ nghĩa yêu nước, nhưng phải chứng kiến sự khổ đau của một dân tộc nô lệ, sự bất công của xã hội đương thời cùng những cuộc đấu tranh bất khuất của cha ông đã hình thành nên ý chí cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành. Bằng trí tuệ và sự mẫn cảm, Nguyễn Tất Thành đã quyết định đi theo con đường mới, tìm mẫu hình mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và con người Việt Nam.

2.2.  Giai đoạn đi tìm đường cứu nước (1911 – 1920):

Đây là giai đoạn Nguyễn Tất Thành đi sang phương Tây, đến các châu lục khảo sát, tìm hiểu một cách toàn diện đời sống của các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và nghiên cứu về các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, đặc biệt là cách mạng tư sản Anh, Pháp và Mỹ. Người đã rút ra những kết luận quan trọng về nguồn gốc của áp bức dân tộc và giai cấp, đã nhận thấy tính không triệt để của cách mạng dân chủ tư sản và quan trọng là các cuộc cách mạng này đã lạc hậu đối với lịch sử phát triển của nhân loại.

Trên cơ sở cội nguồn văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, trải nghiệm qua hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin sau khi Người tiếp xúc với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tìm ra con đường của cách mạng Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản. Người đã biểu quyết tán thành Quốc tế III, tham gia sáng lập ĐCS Pháp, trở thành người cộng sản.

2.3. Giai đoạn tư tưởng HCM hình thành (1920 – 1930) :

Đây là giai đoạn Người tham gia và trưởng thành qua hoạt động thực tiễn trong phong trào CS quốc tế và giải phóng dân tộc thế giới, bắt đầu tiến hành tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đây cũng là giai đoạn HCM, thông qua các tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1927), Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt (1930) của ĐCSVN khẳng định những luận điểm cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc và CMVN. Đó là những quan điểm về cách mạng vô sản đối với công cuộc giải phóng dân tộc, giai cấp, con người trong thời đại mới; về xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin.

2.4. Giai đoạn TTHCM được thực hiện và phát triển ở Việt Nam (từ 1930 – 1969):  

+ Giai đoạn 1930-1940: Tư tưởng HCM gặp khó khăn thử thách: Xây dựng Đảng Cộng sản VN với đường lối cách mạng vô sản qua Cương lĩnh chính trị  đầu tiên là sự sáng tạo của HCM khi vận dụng CN Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng VN. Tuy nhiên do tình hình thực tế lúc bấy giờ và bị chi phối bởi quan điểm tả khuynh của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị lần thứ nhất BCH TW đã chỉ trích phê phán quan điểm của HCM xung quanh các vấn đề mối quan hệ dân tộc, giai cấp, Mặt trận dân tộc thống nhất, tên Đảng và đã ra nghị quyết thủ tiêu các văn kiện này và đổi tên Đảng CSVN thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

HCM vẫn kiên trì quan điểm của mình; một mặt vẫn chấp hành sự phân công của tổ chức (Quốc tế cộng sản). Chỉ sau Đại hội VII của Qtế CS (07/1935) đã phê phán khuynh hướng tả khuynh, biệt phái trong phong trào cộng sản quốc tế, và từ thực tiễn cách mạng VN đã chứng minh tư tưởng HCM là đúng đắn. Đảng ta đã từng bước điều chỉnh và đề ra những chủ trương theo quan điểm của Người.

+ Giai đoạn 1941 – 1945: Tư tưởng HCM được thực hiện đúng đắn ở Việt Nam:

Từ năm1941, HCM được phép về nước để lãnh đạo CMVN. Tháng 5 năm 1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Tại hội nghị, những quan điểm của HCM về đường lối cách mạng VN: mối quan hệ dân tộc giai cấp, đoàn kết toàn dân trong xây dựng lực lượng cách mạng, vấn đề xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc, phương pháp cách mạng… được khẳng định.

Những quan điểm đúng đắn của Người đã đưa tới thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi này đã khẳng định tư tưởng HCM đã được thực hiện đúng đắn ở Việt Nam.

+ Giai đoạn 1945-1969: Tư tưởng HCM phát triển trong điều kiện mới:

Thời kỳ này tư tưởng HCM phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, của cả dân tộc Việt Nam. Đó là, tư tưởng HCM: Về xây dựng nhà nước dân chủ mới ở nước ta; về những vấn đề chính trị đối nội, đổi ngoại; về xây dựng nền kinh tế, văn hóa, con người mới, v.v. để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám; đó là những quan điểm về vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

TT HCM trong công tác xây dựng Đảng thể hiện qua Cương lĩnh, Điều lệ, tên mới cả Đảng là Đảng LĐ VN và về đường lối cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ( thể hiện tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951). Đường lối đúng đắn đó đã dẫn dắn nhân dân ta tới chiến thắng lịch sử Điện biên phủ 1954, g.phóng nữa đất nước và đánh dấu sự sụp đổ CN thực dân cũ trên thế giới.

TTHCM tiếp tục phát triển đấp ứng tình hình và nhiệm vụ mới với việc hình thành đường lối thực hiện xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh cách mạng ở miền Nam được thông qua tại Đại hội lần thứ III của Đảng -1960 và đã dẫn dắt nhân dân ta giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Trước lúc ra đi năm (1969), HCM đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng chi rõ sự tất thắng của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; tổng kết những bài học của cách mạng Việt Nam; chỉ ra những phương hướng lớn để xây dựng đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện cho được mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đó là di sản tư tưởng vô cùng quý báu của Đảng và nhân dân ta.

Từ năm 1969 đến nay, thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên CNXH. Đảng vẫn xem TT HCM là nền tảng tư tưởng để định hướng soi đường trog mọi hoạt động của Đảng.

3. Ý nghĩa thực tiễn: từ thực tế diễn ra của tình hình VN và trên thế giới sau năm 1991 đến nay cho thấy việc nghiên cứu và học tập tư tưởng HCM có ý nghĩa rất to lớn

Thứ nhất, tư tưởng HCM cùng với CN Mác Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng VN. Tư tưởng HCM trên nền tảng thế giới quan và phương pháp luận của CN Mác Lênin. HCM đã vận dụng sáng tạo và phát triển CN Mác Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, phù hợp với lịch sử và văn hóa VN, xuất phát từ đất nước và con người VN nhằm giải đáp những yêu cầu thực tiễn và lý luận của cách mạng VN. Vì vậy, phải nghiên cứu học tập CN Mác Lênin và đồng thời phải đẩy mạnh học tập nghiên cứu tư tưởng HCM.

Thứ hai, cốt lõi của tư tưởng HCM là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Dưới ngọn cờ TT HCM, cách mạng VN đã vững bước tiến lên giành được thắng lợi lịch sử có ý nghĩa thời đại. Trong quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập, hợp tác liên quốc gia, khu vực … các thế lực thù địch cũng lợi dụng để ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ CNXH ở nước ta. Làm thế nào để không chệch hướng, làm thế nào để bảo vệ được độc lập, chủ quyền dân tộc ? Chỉ có nắm vững cốt lõi của tư tưởng HCM và độc lập dân tộc gắn liền với CNXH thì chúng ta mới đổi mới, hội nhập vững vàng, tự tin và chủ động.

Thứ ba, tư tưởng HCM là mẫu mực của tinh thần độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo. Người luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, hết sức tránh lặp lại những lối cũ, đường mòn, không ngừng đổi mới, tìm ra câu trả lời mới cho thực tiễn không ngừng biến đổi. Đó là nét đặc sắc nhất của tinh thần và phong cách HCM. Ngày nay, thế giới đang diễn biến theo xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa. Để giải quyết tốt những vấn dề đang đặt ra trong thực tiễn đổi mới thì phải nắm cái tinh thần khoa học và cách mạng, tính biện chứng của CN Mác Lênin, tính độc lập tự chủ, đổi mới không ngừng sáng tạo của Chủ tịch HCM, biết gắn lý luận với thực tiễn, lời nói và việc làm.

Tóm lại, nghiên cứu học tập tư tưởng HCM là để thấm nhuần sâu sắc hệ thống quan điểm, phương pháp cách mạng của HCM, để kiên định mục tiêu, lý tưởng nâng cao lòng yêu nước, tinh thần phục vụ nhân dân, nâng cao đạo đức CM, tạo ra và giữ vững vị thế của Đảng, đưa sự nghiệp CM nước ta đến thắng lợi.

4. Liên hệ bản thân

Là một cán bộ quản lí – đảng viên giáo viên, bản thân luôn thấy cần phải quán triệt tinh thần lấy CN Mac-Lenin và TT HCM làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động nhằm gương mẫu tiên phong cho các cán bộ giáo viên nghiêm túc thực hiện đáp ứng được yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kì hội nhập hiện nay.

Thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức theo quy định về Đạo đức nhà giáo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo;

Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; năng lực tin học ngoại ngữ để cấp thể đáp ứng được với yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước gắn với hội nhập quốc tế./. 

Nhắn tin cho tác giả