Nguồn gốc người Việt: Một lược sử tư tưởng – Tạp chí Tia sáng

Nguồn gốc người Việt là một vấn đề nóng hổi ở mọi thời điểm lịch sử. Người Việt đến từ đâu luôn là câu hỏi mang tính triết học, xuất phát từ một câu hỏi lớn hơn: ta là ai, ta từ đâu tới, và ta sẽ đi về đâu? Bài viết này sẽ không thảo luận về các câu trả lời nào là đúng hay sai, chính xác hay không chính xác, khoa học hay không khoa học mà trình bày các kiến giải khác nhau về nguồn gốc người Việt như là một tham số khả biến trong hoạt động tri nhận của con người, cố gắng lý giải vì sao người ta lại đặt ra câu hỏi ấy, những bối cảnh lịch sử – văn hóa của các câu hỏi – và cả câu trả lời, cũng như bối cảnh tri thức, động lực chính trị và nền tảng khoa học của các phương thức được sử dụng để giải quyết.


Truyền thuyết Lạc Long Quân Âu Cơ được khởi từ ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái. Ảnh: Internet.

“Người Việt” là gì?

 

“Người Việt” (Việt nhân) là một khái niệm được sử dụng trong vài trăm năm trở lại đây, nhưng ngày nay đôi khi được dịch là “Việt tộc” hay “Kinh tộc” hay “dân tộc Kinh”. Tất cả những thuật ngữ này cần được phân biệt với khái niệm “dân tộc Việt Nam”, “người Việt Nam”. Hai thuật ngữ sau thể hiện diễn ngôn chính trị với mong muốn nhất thể hóa các tộc người khác nhau vào một kiến tạo lịch sử đồng nhất, nhằm che lấp sự khác biệt đa chiều kích (hàm ẩn bên trong những mâu thuẫn mà người ta đang muốn khỏa lấp từ văn hóa – lịch sử, cho đến quyền lực chính trị). Trong khi đó “người Việt” ở thời điểm hiện tại là một thuật ngữ của dân tộc học, cũng đã mang trong mình những diễn ngôn chính trị cùng chiều với khái niệm “dân tộc Việt Nam”. Ta có thể tìm thấy vô số các cách diễn đạt mờ nhòe giữa các khái niệm này, từ các bài báo phổ thông, cho đến các nghiên cứu của giới học giả. Một sự mờ nhòe được tạo nên từ cả hữu thức và vô thức. Nó cho thấy, cái cộng đồng người nói tiếng Việt đã luôn sử dụng khái niệm “người Việt” trong những bối cảnh tri thức khác nhau, dù trên thực tế “người Việt” có nhiều nguồn gốc khác nhau, như nhóm Hoa kiều đã Việt hóa, nhóm các dân tộc ít người đã bị Kinh hóa đến mức nhận đồng nguồn gốc, để lãnh thêm những đặc quyền mới từ phía dân tộc chiếm ưu thế. Cái cộng đồng người Việt chiếm hơn 80% dân số đã đồng thanh để tạo nên một giọng nói đồng nhất về nguồn gốc của mình dưới sự điều phối của hệ tư tưởng thời đại, bằng cả khoa học và niềm tin thuần thực.

Chỉ khi nào ta hệ thống hóa được các nguồn sử liệu nguyên ngữ với những niên đại tuyệt đối, thì khi ấy ta mới có thể tiến hành nghiên cứu một cách cẩn thận về một lịch sử tư tưởng về những cộng đồng người mà nay gọi là “người Việt”.

Nhưng khi nghiên cứu về lịch sử, các nhà nghiên cứu thường chỉ để ý đến các sự kiện mà mình mong muốn tìm thấy, và thường bỏ sót những “khái niệm mang tính lịch sử” cho biết người đương thời đang nghĩ gì, bằng những công cụ tư duy như thế nào. Một thao tác cơ bản của sử liệu học và khảo cổ học tri thức là phải lần tìm theo các dấu vết ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ và chữ viết là sử liệu hiển ngôn cho biết người xưa đã nghĩ gì. Cụ thể như ở đây, các dòng sử chí Nho giáo- dòng sử chí thực dân và dòng sử chí Marxist đã dùng những khái niệm nào để chỉ về cộng đồng người mà ngày nay ta gọi là “người Việt”? Ví dụ thứ nhất, Đào Duy Anh trong cuốn “Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam” (1957) chỉ dùng khái niệm “dân tộc Việt Nam” với tư cách đây là một thuật ngữ của các nhà lý luận của chủ nghĩa Marx về dân tộc. Ví dụ thứ hai, học giả Nguyễn Văn Tố (1889-1947) trong công trình (Đại Nam dật sự) (đăng tải vào các năm 1943-1945) chỉ dùng khái niệm “người Nam” trong tương quan với “nước Nam”, đối lập với “người Tàu”, “nước Tàu”. Ví dụ thứ ba, Phan Bội Châu trong “Việt Nam quốc sử khảo” (1906) gọi là “người nước ta” trong sự đối lập với “người châu Âu”, “người Nhật Bản”. Ví dụ thứ tư, các dòng sử chí từ triều Nguyễn thường tự nhận mình (những người nói tiếng Việt và viết văn ngôn chữ Hán) là Hán nhân, và những người dân (phần lớn chỉ biết nói tiếng Việt) là Hán dân. Còn người Hán khi đó thì được gọi là Thanh nhân, và lưu dân của nhà Minh phiêu dạt, ngụ cư ở mảnh đất này thì được gọi là Minh nhân.1 Ví dụ thứ năm, Ngô Sĩ Liên (1479) đã sử dụng khái niệm “Việt nhân” trong sự đối lập với “Hán nhân”. Vậy khái niệm “Việt nhân” trong quan niệm của Ngô Sĩ Liên có khác gì với khái niệm “người Việt” trong não bộ của người Việt hiện tại? Chỉ khi nào ta hệ thống hóa được các nguồn sử liệu nguyên ngữ với những niên đại tuyệt đối, thì khi ấy ta mới có thể tiến hành nghiên cứu một cách cẩn thận về một lịch sử tư tưởng về những cộng đồng người mà nay gọi là “người Việt”. Mỗi một lớp từ vựng đổi thay là một lần người Việt được “thay não đổi tiếng”, có khi nó là sản phẩm của quá trình “tự chuyển hóa trong quá trình tiếp xúc văn hóa”, cũng có khi là hệ quả của một sự va đập cưỡng bức từ chính trị.

Về một phả hệ Hán trong dòng sử chí Nho giáo

 


Kỷ về Hồng Bàng thị là một sáng tạo truyền thống (invented traditon), là một sáng tạo lịch sử của Ngô Sĩ Liên, trong đó tập hợp các huyền thoại về quốc tổ của các thể chế chính trị Nho giáo Hoa Hạ, với các truyền thuyết dân gian.

“Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên soạn (1479) là cuốn chính sử đầu tiên giải quyết về vấn đề nguồn gốc của “Việt” 督 (trong đó có khái niệm “người Việt ta” (我越人), “nước Việt ta”- ngã Việt quốc, đối lập với Hán nhân 漢人). Tức, Ngô Sĩ Liên và các sử thần sau ông không chỉ tư duy về vấn đề con người, mà còn quan tâm đến vấn đề “quốc”- thể chế chính trị. Lần đần tiên trong lịch sử chép sử, một phả hệ chính trị tại Đại Việt được xác lập nhằm củng cố cho chính quyền Nho giáo đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Người ra lệnh viết sử là hoàng đế Lê Thánh Tông, còn Ngô Sĩ Liên là một sử thần lãnh nhiệm vụ viết về lịch sử chính trị- lịch sử chính thống của nhóm người đang cầm quyền. Nếu như trước đó không lâu, Nguyễn Trãi coi Triệu Đà như là vị hoàng đế mở đầu cho truyền thống chính trị ở nước Việt (Bình Ngô đại cáo), thì Ngô Sĩ Liên đã kiến tạo nên một phả hệ Hán trong dòng sử chí Nho giáo. Quan niệm Nho gia cho rằng, lịch sử chính trị là lịch sử của các dòng họ cầm quyền, và dòng họ đầu tiên nắm quyền cai trị vùng đất Việt là họ Hồng Bàng. Kỷ về Hồng Bàng thị là một sáng tạo truyền thống (invented traditon), là một sáng tạo lịch sử của Ngô Sĩ Liên,2 trong đó tập hợp các huyền thoại về quốc tổ của các thể chế chính trị Nho giáo Hoa Hạ, với các truyền thuyết dân gian (trong Lĩnh Nam chích quái) và truyện truyền kỳ thời Đường3.

Nhiều người hiện nay cho rằng, đây là một phả hệ không thể chấp nhận, vì phả hệ này cho rằng “người Việt” có nguồn gốc là “người Hán”. Song, ta cần phân tích đây là một quan niệm lịch sử mang tính thời điểm. Ta biết rằng, cuốn sử của Ngô Sĩ Liên là một sản phẩm sử chí trong dự án chính trị của Lê Thánh Tông: dùng lịch sử và việc chép sử để củng cố cho tính chính thống của quyền lực chính trị đương thời. Thủ pháp của Ngô Sĩ Liên là “dĩ sử chứng kinh” (dùng sử để chứng minh cho kinh điển), và ngược lại, những gì trong kinh điển Nho giáo (như kinh Thư) đã được tái dụng để chắp nối, kéo dài cho những trang sử chính thống của Đại Việt. Ngô Sĩ Liên cho rằng, nguồn gốc của thế chế chính trị Đại Việt thời ông là bắt nguồn từ mô hình chính trị trong kinh điển Nho giáo. Cho nên, ta thấy hàng loạt các vị Hoàng đế viễn cổ huyền thoại của Hoa Hạ đã được lắp ghép vào bảng phả hệ chính trị Đại Việt. Dường như hiểu được sự mong manh của cách thức kiến tạo truyền thống này, nên Ngô Sĩ Liên đã đưa toàn bộ Kỷ Hồng Bàng và các triều đại sau đó (cho đến Kỷ nhà Ngô) vào phần Ngoại kỷ. Như vậy, điều khiến cho Ngô Sĩ Liên tạo nên một bảng “phả hệ Hán” cho Đại Việt chính là tư tưởng Nho giáo. Lịch sử chính trị Hoa Hạ dài đến đâu, lịch sử Đại Việt dài đến đó. Đây là một truyền thống chính trị Nho giáo được kiến tạo nhằm củng cố cho quyền lực chính trị Đại Việt đương thời.


Vào triều Nguyễn, các hoàng đế quân chủ của triều đại này như Gia Long- Minh Mệnh- Thiệu Trị- Tự Đức và các sử gia Nho thần, coi rằng mình là hậu duệ chính thống của Hán nhân, là những người tiếp nối chính đáng nhất của nền chính trị Nho giáo. Tranh Vua trong lễ phục tế Nam Giao của Nguyễn Văn Nhân. Nguồn: laodong.vn.

Hệ quả của nhận đồng chính trị dẫn đến nhận đồng lịch sử và nhận đồng nguồn gốc dân tộc: người Việt là một nhánh di cư của người Hán, tổ tiên của người Việt là người Hán, lịch sử Hoa Hạ dài bao nhiêu, lịch sử Đại Việt dài bấy nhiêu. Hạt nhân của bảng phả hệ chính trị (có mang tính huyết thống- gia tộc này) là khái niệm “chính thống”. Xung quanh hạt nhân này, nhiều thế hệ nhà Nho đã sử dụng một tập hợp các khái niệm hữu quan như “Hán văn minh” –  “Hán lễ nhạc” – “Đường chế độ”- “văn hiến chi bang”4. Sự nhận đồng chính trị, nhận đồng mô hình nhà nước của các triều đình phong kiến tại Việt Nam trong lịch sử kéo theo sự nhận đồng về huyết thống và dân tộc. Những sử liệu Hán văn từ thế kỷ 12 về sau đều cho thấy, với quan điểm văn hiến- lễ giáo ở đâu thì nơi ấy là trung tâm của chính trị, các triều đình quân chủ từ Lý- Trần- Lê- Nguyễn đều tự coi nước mình là “vương quốc trung tâm” với các danh xưng tự nhận là Trung Hoa, Trung Châu, Trung Quốc. Như giáo sư A. B. Woodside đã nhận định, trên nền tảng kinh điển Nho giáo, những từ này có khả năng dùng cho bất kỳ nước nào nếu nước đó sử dụng tiếng Hán, chữ Hán và kinh điển Nho giáo.5

Sự nhận đồng được đẩy lên đến đỉnh điểm vào triều Nguyễn, khi các hoàng đế quân chủ của triều đại này như Gia Long- Minh Mệnh- Thiệu Trị- Tự Đức và các sử gia Nho thần, coi rằng mình là hậu duệ chính thống của Hán nhân, là những người tiếp nối chính đáng nhất của nền chính trị Nho giáo. Cặp khái niệm “Việt nhân”- “Hán nhân” không còn hữu dụng nữa, thay vào đó các sử gia đã thực hiện thủ pháp “hoán thai đoạt cốt” các vỏ ngôn từ. Các văn bản triều đình nhà Nguyễn (như Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí, Đại Nam thực lục,…) đều tự xưng mình là “Hán nhân”, còn những nhóm người đến từ Trung Quốc được gọi bằng tên của các triều đình đương nhiệm, như Thanh nhân (người nhà Thanh), Minh nhân (người nhà Minh).  Điều gì đã xảy ra trong tư tưởng của các nhà Nho thời này?

Trên quan điểm Hoa-Di, triều đình nhà Nguyễn cho rằng, nhà Thanh là một triều đình có nguồn gốc di rợ, họ là những người đến từ phía Bắc, và cai trị người Hán. Nhà Thanh đã thực thi nhiều chế độ khác với truyền thống Nho giáo ở Trung Quốc, như chế độ lễ nhạc, chế độ mũ áo. Việc người Thanh bắt quan dân (gốc Hán) phải gọt tóc thay áo theo phong tục của người Mãn đã khiến nhà Nguyễn cho rằng nhà Thanh (và dân Hán khi ấy) không còn bảo lưu được nội hàm căn cốt của “Hoa- Hán” nữa. Vua Minh Mạng từng phát biểu hiển ngôn rằng: “Đại Thanh vốn xưa là người Mãn,… mà Mãn thì là Di” (大清、其先滿人、…夫滿、夷也, Đại Nam thực lục)6. Tiêu chí kép đã được sử dụng để phân biệt Hoa- Di. Nhà Thanh là một chế độ do người Di cai trị. Nên Trung Quốc khi ấy không còn được coi như là “Trung Quốc” nữa, mà chỉ là một loại người Di/ hoặc đã “Di hóa”. Trong khi đó, với bảng phả hệ do Ngô Sĩ Liên sắp đặt, với chế độ lễ giáo, chế độ mũ áo và kinh điển Nho gia nằm lòng, triều Nguyễn đã khẳng định mình mới là hậu duệ chính thống của Hán tộc (cả về mặt huyết thống lẫn văn hóa- chính trị). Đây chính là lý do khiến các Nho sĩ triều Nguyễn (từ vua đến quan) đều tự nhận rằng mình là Hán nhân. Trung tâm của thế giới văn minh-văn hiến đã chuyển sang Việt Nam. Việt Nam là nơi duy nhất khi ấy, vừa bảo lưu dòng máu Hán truyền, là hậu duệ của Thánh đế Thần Nông, vừa học theo Khổng- Mạnh- Trình- Chu, vừa có chế độ tuân theo Chu-Hán- Đường-Tống.7 Trang phục của phái đoàn sứ Việt Nam năm 1841 và bài Di biện của Lý Văn Phức ngay trên đất Mân đã khiến cho nhiều kẻ sĩ nhà Thanh phải than khóc vì lâu lắm mới thấy được văn hóa Hán, và có vị Huấn đạo đã ném áo mũ của mình xuống đất, vì nhận ra rằng mình đã trở thành Di. Vương tử Hương Tuyết bình rằng: “Di, Nhung, Man, Địch, Hoa – từ xưa chỉ là nói về đất đai 5 phương, không phải là có ý gì. Cho nên cũng xem lại ở đạo học rạng rỡ hay tăm tối, phong tục tốt đẹp hay xấu ác như thế nào vậy. Bài biện này thẳng thắn mà thấu đạt.”8 Điểm thú vị là ở chỗ, Lý Văn Phức là người gốc Mân, di cư đến Việt Nam, làm quan cho triều Nguyễn. Ông đi sứ về Mân với tư cách về cố hương, bài biện di của ông thể hiện một quyền lực chính trị mạnh mẽ thông qua các diễn ngôn về đạo học. Đối thoại Hoa-Di của họ Lý là một chứng cứ xác nhận về một tư tưởng về nguồn gốc người Việt và nội hàm “hoán cốt” của khái niệm Hán nhân.

Những phát biểu trên của Minh Mệnh và Lý Văn Phức là hiện trường hiển minh cho tư tưởng về nguồn gốc người Việt (là Hán nhân) đã được sử dụng như thế nào trên trường chính trị Đông Á. Diễn ngôn về Hoa- Di trở thành công cụ ứng xử cốt lõi để Việt Nam thực thi cách chính sách chính trị đối với các tộc người (trong cương giới lãnh thổ), cũng như đối với các nước láng giềng (Champa, Xiêm La, Lào, Java,…). Hán nhân được cho là nằm ở trung tâm chính trị của khu vực, còn những nhóm người khác đều được coi là Di-rợ-Nhung-Địch. Thậm chí, người phương Tây (như người Pháp, Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha…), trong con mắt của nhà Nguyễn khi đó, cũng chỉ là một đám Dương di (man di đến từ biển), hoặc được định danh một cách kỳ thị về mặt nhân dạng như là một “đám lông tóc màu đỏ” (hồng mao) chưa biết đến giáo hóa (cultivation) mà thôi. Tư tưởng về nguồn gốc Hán nhân đã phải trả giá, khi Việt Nam đối mặt với một nền văn minh khác Hán: văn minh phương Tây. Và những kỳ thị chủng loài sẽ một lần nữa được “thay máu tẩy não” trong cuộc va chạm Đông- Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

 

Đón đọc kỳ 2: Giống nòi- tiến hóa- sự dung hội Đông-Tây

———–

Chú thích

1Choi Byong Wook, Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820-1841): Central Policies and Local Response, Cornell, SEAP Publications, 2004, p.136-8.

2 Kelley, L.C. “The Biography of the Hồng Bàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition,” Journal of Vietnamese Studies 7.2 (2012): 87-130. Kelley, L.C. “Inventing Traditions in Fifteenth-Century Vietnam,” trong Imperial China and Its Southern Neighbours, Victor Mair and Liam C. Kelley biên tập (Singapore: ISEAS, 2015), 161-193.

3 Trần Trọng Dương, 2013, Kinh Dương Vương- ông là ai? Tia Sáng, 3-2013.

4 Liam C. Kelley, Vietnam as a ‘Domain of Manifest Civility’ (Văn Hiến Chi Bang), Journal of Southeast Asian Studies, Vol. 34, No. 1 (Feb., 2003), pp. 63-76.

5 Woodside, Alexander, 1970, Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century. Cambridge: Cambridge University Press. P.18-19.

6 Trần Quang Đức, 2013, Ngàn năm áo mũ: lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945, NXB Thế giới.

7 Lý Văn Phức, 1841, Di biện, trong “Chu nguyên tạp vịnh thảo” 周原雜詠草,  Viện nghiên cứu Hán Nôm, VHv.2258, p.18b.

8 Phan Thu Hiền, 2018, Nghiên cứu Lý  Văn Phức và Mân hành thi thoại tập, LATS, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.231.

Author


  • Trần Trọng Dương