Nguồn gốc lịch sử và vai trò của thuế TNCN?

Nguồn gốc lịch sử và vai trò của thuế TNCN?

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế phổ biến trên thế giới, đến nay đã có 180 quốc gia áp dụng. Xét từ gốc độ động viên ngân sách nhà nước, thuế TNCN đã trở thành một trong ba sắc thuế quan trọng nhất trong hệ thống thuế của Việt Nam.

Vậy thuế thu nhập cá nhân là gì? Thuế thu nhập cá nhân xuất hiện từ khi nào? Vai trò của thuế TNCN là gì?… Hãy cùng dịch vụ kế toán TinLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là một loại thuế trực thu, đánh vào tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư, kinh doanh và các loại thu nhập khác của cá nhân. Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần, tức là thuế được đánh theo tỷ lệ tăng dần khi thu nhập tăng. Những người có thu nhập cao phải trả mức thuế cao hơn so với những người có thu nhập thấp hơn.

Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

>> Xem thêm: Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu

Nguồn gốc lịch sử của thuế TNCN

Thuế thu nhập cá nhân đã có lịch sử hàng trăm năm, đầu tiên được áp dụng tại Hà Lan vào năm 1797, sau đó là Anh vào năm 1799, và Phổ vào năm 1808.

Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng thuế thu nhập vào năm 1864 trong thời kỳ nội chiến nhưng bị gián đoạn vào năm 1872. Các nước Châu Âu khác, cũng như Úc, New Zealand, và Nhật Bản áp dụng các loại thuế thu nhập thường xuyên vào nửa cuối Thế kỷ 19.

Các nước Châu Á: Thái lan bắt đầu áp dụng năm 1939, Philippiner năm 1945, Hàn quốc năm 1948, Indonesia năm 1949, Trung quốc năm 1984; Các nước Đông Âu mới áp dụng như Rumani năm 1990, Nga năm 1991, Ba lan năm 1992.

Thời kỳ mới ban hành, các Chính phủ thường đánh thuế vào đối tượng dễ đo lường được như đánh trên đất đai, tài sản, hàng hoá hữu hình, các hàng hoá và tàu biển, hoặc số lượng cửa sổ hoặc lò sưởi trong một toà nhà.

Hiện đã có 180 nước áp dụng thuế thu nhập cá nhân và Việt Nam cũng là một trong số đó.

Tại Việt Nam, thuế TNCN là một trong những sắc thuế được triển khai áp dụng khá sớm, ngay từ giai đoạn đầu của Đổi mới. Năm 1990, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ ngày 01/4/1991. Trong quá trình thực hiện, Pháp lệnh này đã được sửa đổi, bổ sung 7 lần, trong đó đáng chú ý nhất là 2 lần thực hiện điều chỉnh vào năm 2004 (mức thuế suất cao nhất giảm từ 50% xuống còn 40%, bãi bỏ quy định thuế bổ sung 30%). Tiếp đến, việc ban hành Luật Thuế TNCN năm 2007 đưa sắc thuế này trở nên hiện đại và toàn diện hơn, với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, thực hiện giảm thuế suất, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời cho phép áp dụng giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng.

Vai trò của thuế TNCN

Thuế thu nhập cá nhân có vai trò, chức năng quan trọng đối với nhà nước và xã hội. Cụ thể:

Thuế TNCN là một trong các nguồn thu chính cho ngân sách Nhà nước

Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước là chức năng cơ bản nhất của thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Mức thu thuế sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân trong xã hội, có nghĩa là thu nhập càng cao thì thuế TNCN càng cao.

Nếu không có thuế, chính phủ không thể có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Nguồn thu này sẽ phục vụ cho các lợi ích chung của quốc gia như: xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống, dịch vụ y tế, giáo dục, quốc phòng… Với thuế thu nhập cá nhân, phần tiền trích ra từ thu nhập của người nộp thuế thường được dùng để chi trả cho các khoản trợ cấp hưu trí, chi trả y tế và an sinh xã hội khác.

Tại Việt Nam, những năm gần đây các bạn có thể thấy kinh tế ngày càng một phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Điều này đồng nghĩa với thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành 1 nguồn thu quan trọng cho ngân sách.

Thuế TNCN góp phần phân phối lại thu nhập, nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo

Có thể xem đây là vai trò đặc trưng nhất của của thu nhập cá nhân. Điều đó thể hiện ở tính chất lũy tiến của thuế TNCN, tức là người có thu nhập càng cao thì nghĩa vụ thuế càng lớn. Tính chất này đã góp phần thu hẹp khoảng cách về chênh lệch mức thu nhập giữa các cá nhân với nhau.

Tính công bằng của thuế TNCN còn được thể hiện ở chỗ nghĩa vụ thuế được áp dụng trên cơ sở có tính đến điều kiện và hoàn cảnh sống của người nộp thuế. Người nộp thuế được phép giảm nghĩa vụ thuế của mình bằng cách kê khai các khoản giảm trừ (giảm trừ bản thân, người phụ thuộc; số lần từ thiện, nhân đạo, khuyến học…). Như vậy, cùng mức thu nhập bằng nhau nhưng số tiền thuế mỗi cá nhân phải nộp có thể khác nhau do các khoản giảm trừ, miễn thuế không giống nhau.

Thuế TNCN góp phần điều tiết vĩ mô của nền kinh tế

Thuế thu nhập cá nhân được coi là một trong các công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô. Thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia. Do sự đóng góp này, thuế giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó lại có tác động lên nền kinh tế đất nước; nâng cao mức sống, tăng giải quyết việc làm,…

Khi nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, nhà nước có thể giảm thuế, tăng chi tiêu (đầu tư công) để chống lại. Bởi, khi giảm thuế, phí sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính. Còn việc chính phủ tăng chi tiêu tức là số tiền dành cho đầu tư công sẽ nhiều hơn, tạo thêm việc làm giúp cho nền kinh tế có thêm tiền, làm tăng sức mua, kích thích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa.

Ngược lại, khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát, thì nhà nước có thể tăng thuế và giảm chi tiêu của mình để ngăn cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng quá nóng dẫn tới đổ vỡ. Tăng thuế làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân từ đó giảm bớt nhu cầu chi tiêu cá nhân trong xã hội, thị trường sẽ sản xuất hàng hóa ít hơn (cầu giảm thì cung giảm để trở về trạng thái cân bằng –> kiểm soát lạm phát).

Ngoài ra nhà nước cũng có thể khuyến khích người dân đầu tư hay không đầu tư, tiết kiệm hay không tiết kiệm thông qua việc đánh thuế hay không đánh thuế thu nhập đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, thu nhập từ lãi tiết kiệm.

Góp phần phát hiện và ngăn chặn thu nhập bất hợp pháp tại Việt Nam

Trên thực tế, nhiều khoản thu nhập của một số cá nhân xuất phát từ việc thực hiện các hành vi bất hợp pháp hoặc bằng cách lợi dụng những kẽ hở của pháp luật mà nhà nước không kiểm soát được cũng như tham ô, nhận hối lộ, buôn bán hàng cấm, trốn thuế, lừa đảo chiểm đoạt tài sản của người khác hoặc của nhà nước,…

Những hành vi này ảnh hưởng rất xấu đến đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia. Nghiêm trọng hơn là đánh mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thông qua việc bắt buộc nộp các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, cơ quan chức năng sẽ có cơ hội phát hiện và ngăn chặn các hành vi thu lợi bất chính thông qua các nguồn bất hợp pháp.

Trên đây TinLaw vừa chia sẻ khái niệm thuế thu nhập cá nhân và Nguồn gốc lịch sử và vai trò của thuế TNCN. Nếu vẫn còn thắc mắc vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới:

Gọi ngay: 1900 633 306

Tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí, gửi ngay hồ sơ đến hộp thư:  [email protected]

Hoặc nhấc máy lên, Gọi ngay cho Chuyên gia của chúng tôi 24/07:  1900 633 306

Làm nhanh, lấy gấp đáp ứng nhu cầu công việc, lên ngay Văn phòng TinLaw