Người vợ ấm ức vì chồng ngoại tình còn về nhà hành hạ vợ
Những ngày đầu gặp gỡ, anh là bộ đội trở về sau khi thực hiện xong nghĩa vụ. Anh đi trên chiếc xe đạp quý giá ở thời điểm đó, gặp chị buôn bán thuốc lá ven đường. Nhìn thấy anh là thanh niên ưu tú lại có ba làm thầy giáo nên chị ngỡ như gặp người trong mộng.
Anh thường xuyên ghé chị mua thuốc lá. Cả hai phải lòng nhau, chị được dắt về ra mắt một thời gian sau đó.
“Tôi là người gốc Huế, ba mẹ tôi đổ vỡ từ lâu. Ngày trước tôi sống cùng ba ruột và mẹ kế, vì có mâu thuẫn với mẹ kế nên tôi bức xúc bỏ nhà vào Sài Gòn sinh sống. Tôi sợ nói thật sẽ mất anh nên tôi nói dối là ba mẹ đều qua đời”- chị A trải lòng.
Lúc đầu, gia đình anh ngăn cấm vì cho rằng không môn đăng hộ đối, nhưng qua sự thuyết phục của cả hai nên gia đình anh chấp nhận cho hai người làm mâm cơm cúng, ra mắt ông bà.
Năm 1986, cả hai được tổ chức một bàn tiệc nhỏ để về sống chung với nhau.
Thời gian đầu kết hôn là những ngày tháng êm đềm và hạnh phúc, anh buôn xe còn chị vẫn bán rau, thuốc lá… Nhưng khi có con, áp lực kinh tế ngày càng lớn khiến gia đình lục đục, điều gì đến cũng đến, anh có người thứ ba.
Anh đi làm về muộn hơn bình thường, thường xuyên bỏ bữa tối với gia đình. Qua 3 tháng, chị nghi ngờ chồng có người thứ 3, nhưng vì con và gia đình nên chị mắt nhắm mắt mở cho chồng đi tìm của lạ vì nghĩ đường nào rồi anh cũng quay về với vợ con.
Tình trạng cứ thế tiếp diễn gần nửa năm, cả hai không còn giữ được sự bình tĩnh, mâu thuẫn, xung đột bắt đầu xuất hiện.
Sống với nhau bằng mặt mà không bằng lòng nhưng chị vẫn cố giữ hình ảnh cho chồng. Một hôm, một người bạn gọi chị ra quán cà phê để bắt tại trận chồng mình ngoại tình, nhưng chị vẫn cố tỏ ra bình tĩnh ngay tại thời điểm đó.
Chị kể lại: “Lúc đó tôi không nghĩ mình lại có thể chửi một cách chợ búa như vậy. Tôi đứng chửi cả hai một lúc thì cô ta lén ra sau rồi bỏ đi.
Anh tức giận và hằn học với tôi nhưng vì mọi người ở quán ngăn cản, nếu không lại có ẩu đả xảy ra.
Đến tối về thì tôi không thể giữ bình tĩnh được nữa dù cho vẫn sống chung với ba mẹ chồng nhưng chúng tôi to tiếng với nhau. Hôm đó, tôi giận đến mức đập bể ly, con tôi ôm tôi lại, xin tôi đừng làm thế”.
Những ngày cuối cùng của cuộc hôn nhân là những ngày tháng ảm đạm. Chị vẫn chăm con, nấu cơm nước cho chồng như một thói quen, nhưng cũng phải gánh chịu những cơn bực tức của chồng.
20 năm sau, chị dọn ra ngoài cùng với con và không còn liên quan gì đến người chồng tệ bạc. Hiện tại, chị đã có dâu và cháu nội. Nhớ lại thời điểm đám cưới con trai, ba chồng không có mặt, một người bác đứng ra thế vai để tiến hành hôn lễ cho con.
Ngậm ngùi kể lại câu chuyện, chị A từ chối bật đèn vì để giữ hình ảnh cho con trước vợ và gia đình sui gia.
Cuối cùng, chị cho rằng trong hôn nhân nên có sự vị tha, quan trọng là để giữ hạnh phúc gia đình, nếu đối phương có ra đi thì chúng ta vẫn ngẩng cao đầu mà sống tiếp.
Đồng ý với thông điệp của chị A, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng sự vị tha không khiến chúng ta thiệt thòi, ở đời có cái trước mắt, cũng còn có cái lâu dài, những thứ trước mắt sẽ khiến ta thấy mình thiệt thòi nhưng giá trị lâu dài sẽ cho mình thấy cuộc đời đền đáp cho chúng ta xứng đáng.
Người thứ 3 được phát sóng định kì vào lúc 20 giờ thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.