“Người về từ Sao Hỏa”

Một siêu phẩm của Hollywood

Một trong những tình huống kịch tính nhất của bộ phim là khi mọi nỗ lực của phía Mỹ nhằm cứu phi hành gia của mình bị thất bại, họ đã nhận được sự tình nguyện trợ giúp từ cơ quan hàng không vũ trụ… Trung Quốc!

Đây có lẽ không chỉ đơn thuần là một chi tiết được đưa thêm vào phim nhằm “vét” số khán giả nói tiếng Trung ở các thị trường như Hồng Công, Đài Loan và cả Trung Quốc đại lục, yếu tố ngày càng mang tính quan trọng sống còn dẫn đến thành công về thu nhập phòng vé cho các bộ phim “bom tấn” của Hollywood thời gian gần đây.

 Nó phản ánh dưới hình thức nghệ thuật một thực tế khác phía sau màn ảnh: Bất chấp những chủng chẳng trong quan hệ giữa hai nước, sẽ luôn tồn tại một sự phụ thuộc Trung-Mỹ nào đấy trong các vấn đề địa-chính trị và sự phụ thuộc lẫn nhau này, không nghi ngờ gì nữa, sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình diện mạo thế giới những năm trước mắt. 

Bí mật và thực dụng

Nếu như có một từ nào đó có thể sử dụng để chỉ đặc điểm nổi bật về quan hệ Trung-Mỹ trong nửa thế kỷ qua thì đó có thể là “thực dụng”. Đó là một mối quan hệ khởi đầu đều dựa trên những cuộc tiếp xúc bí mật! Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn (R.Nixon), ông Hen-ri Kít-xinh-giơ (Henry Kissinger), tháng 7-1971, đã bí mật tới Bắc Kinh để dọn đường cho chuyến đi “phá băng” của Tổng thống R.Ních-xơn nửa năm sau đó, đưa Mỹ xích lại gần Trung Quốc sau nhiều thập niên thù địch. Tháng 5-1978, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ G.Ca-tơ (J.Carter) là Ghi-bích-niu Brê-din-xki (Zbigniew Brzezinski) lại bí mật đi Trung Quốc, dẫn tới việc phục hồi hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào ngày đầu tiên của năm 1979.

Những tính toán của Mỹ nhằm tìm kiếm các lợi ích chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc buộc Mỹ phải thực dụng từ những hành động nhỏ nhất cho tới các nhượng bộ mang tính then chốt. Tổng thống R.Ních-xơn tập ăn bằng đũa trên chiếc Không Lực Một khi bay tới Bắc Kinh, bắt tay Thủ tướng Chu Ân Lai ở chân cầu thang khi xuống sân bay cũng như sau đó chấp nhận một ghế ở Liên hợp quốc dành cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa!

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim “Người về từ Sao Hỏa”-một “biểu tượng” hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: HDwallpapers 

Trong suốt thời kỳ dài khi mà Trung Quốc náu mình chờ thời, kiên quyết “không tiến lên hàng đầu” theo phương châm của nhà lãnh đạo họ Đặng, quan hệ Mỹ-Trung không nhiều sóng gió. Lý do bởi Trung Quốc chưa phải là đối thủ xứng tầm và nước Mỹ còn phải dốc toàn lực ra để đua tranh với đối thủ chính, Liên bang Xô-viết.

Tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Xô khi ấy phần nhiều mang nặng tính lý thuyết, cung cấp đề tài cho các nhà nghiên cứu địa-chính trị và giúp ông cố vấn lắm mưu nhiều mẹo Kít-xinh-giơ, người tự cho mình là “kiến trúc sư” tạo lập nên mối quan hệ Mỹ-Trung để kiềm chế Liên Xô, viết hồi ký ăn khách.

Nhưng một khi kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã vượt con số 3.000 tỷ USD, đến ngay cả sản phẩm cờ Mỹ bán cho khách du lịch cũng “Made in China”, các tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093B của Trung Quốc có thể so đọ với tàu ngầm tấn công lớp Lốt An-giơ-lét (Los Angeles) cải tiến của hải quân Mỹ và Bắc Kinh có thể xúc tiến thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Đi-bu-ti (Djibouti), một nơi rất xa lãnh thổ Trung Quốc, thì mối quan hệ Mỹ-Trung buộc phải thay đổi!

Thực chất, nó là một cuộc đua tranh đã ảnh hưởng toàn diện đến bộ mặt thế giới khi bước vào thế kỷ 21.

Đua tranh chiến lược

Đấy là một cuộc đua tranh toàn diện giữa một cường quốc đang nổi lên với một siêu cường bị suy yếu tương đối vì đủ các vấn đề nội tại cũng như quốc tế. Bên cạnh đối đầu Nga-Mỹ, cuộc đua tranh Trung-Mỹ là điểm nổi bật thay thế cho bức tranh trật tự đơn cực sau khi Liên Xô tan rã chỉ tồn tại một thời gian ngắn, kết thúc với vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Bắt đầu từ ngày ấy, Mỹ bước vào cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu và không ít lần, dưới chiêu bài chống khủng bố, đã cùng đồng minh trực tiếp tiến hành hoặc “giật dây” các cuộc nổi dậy, “cách mạng màu” ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là các vùng trong không gian ảnh hưởng cũ của Liên Xô và Trung Đông, Bắc Phi.

Điều đó dẫn tới việc Mỹ sa chân vào hai cuộc chiến tranh hao người tốn của ở Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) và I-rắc (Iraq), đồng thời phải giải quyết hàng loạt rắc rối địa-chính trị ở Li-bi (Lybia), Xy-ri (Syria), Ai Cập, Xô-ma-li (Somalia)… Những cuộc nội chiến và xung đột khốc liệt ở Xy-ri, ở I-rắc bùng phát lại làm “nảy nòi” ra một tổ chức khủng bố cấp Nhà nước IS, một biến tướng tàn nhẫn hơn của Al-Qaeda khiến Mỹ không thể ngồi yên.

Các nguồn lực của Mỹ phải phân bổ cho những mối quan tâm và lợi ích địa-chính trị đó khiến sức mạnh Mỹ ít nhiều suy giảm và không thể tiếp tục giữ vai trò của một siêu cường duy nhất trên thế giới. Trong khi đó thì với tiềm lực kinh tế phát triển mạnh mẽ trong hơn hai thập kỷ, Trung Quốc không thể hài lòng với một chiếc áo đã quá chật.

Thế nên đua tranh chiến lược là không thể tránh khỏi.    

Đó là cuộc đua tranh giữa “Giấc mơ Mỹ” với “Trung Hoa mộng”! Mỹ thúc đẩy TPP (nay đang bị đặt dấu hỏi) thì Trung Quốc có “một vành đai, hai con đường”. Mỹ muốn giảm bớt, tiến tới xóa bỏ các hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do thương mại, thì Trung Quốc, với nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo các dự án ở các nước, thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB cạnh tranh với WB, IMF, ADB…

Trung Quốc đã có hàng không mẫu hạm đầu tiên, Liêu Ninh, cải biến từ một tàu sân bay cũ mua của U-crai-na (Ukraine), xúc tiến xây dựng một hạm đội tàu ngầm mà theo ước đoán của hải quân Mỹ, có thể kém đôi chút về công nghệ cũng như tính năng tác chiến so với tàu ngầm Mỹ, nhưng lớn gần gấp đôi về số lượng!

Chỉ trừ duy nhất năm 2010, khi Trung Quốc phải “thắt lưng buộc bụng” do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tính từ năm 1989 đến nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng hai chữ số một năm…

Tránh “bẫy Thucydides”

Điều không tránh khỏi là Mỹ bắt buộc phải có những điều chỉnh chiến lược trên diện rộng để thích nghi với một thế giới không còn đơn cực nữa.

Đóng vai trò then chốt trong các điều chỉnh đó chính là chiến lược “xoay trục” (sau được nói giảm nhẹ đi là “tái cân bằng”) sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với việc đặt trọng tâm chiến lược vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ muốn có những bảo đảm chắc chắn rằng, lợi ích an ninh của Mỹ không bị đe dọa và vị thế siêu cường của Mỹ không bị thách thức ở khu vực này. Muốn thế, Mỹ cần phải tăng cường sự hiện diện, tái bố trí lực lượng, củng cố các quan hệ đồng minh cũ-mới.

Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên với hàng loạt vụ thử vũ khí đã giúp Mỹ có một lý do để thực thi chiến lược tái bố trí này. Căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật trên biển Hoa Đông là một lý do khác.

Nhưng đặc biệt là Trung Quốc đã cung cấp lý do “giúp” Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” dễ dàng hơn với việc xây dựng, bồi đắp trái phép các thực thể nhân tạo trên Biển Đông, quân sự hóa các thực thể này với tham vọng kiểm soát các vùng biển lân cận. Ai cũng biết là có tới hơn 50% lượng hàng hóa toàn cầu hằng năm phải di chuyển qua khu vực Biển Đông.

Nước Mỹ, với nguyên tắc bảo vệ tự do an toàn hàng hải hàng không quốc tế, hẳn nhiên không thể chấp nhận điều này. 

Chiến lược “xoay trục” của Mỹ đã có tác động liên hoàn, dẫn tới hàng loạt động thái “xoay trục” lớn, nhỏ khác, từ Nga cho tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Phi-líp-pin (Philippines) cho tới Trung Quốc.

Trung Quốc đã không chỉ một lần lên tiếng chỉ trích chính sách “xoay trục” của Mỹ là nhằm kiềm chế nước này, ngăn chặn tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu của Bắc Kinh. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, vì thế, là điều không tránh khỏi khi các lợi ích an ninh của hai phía cọ xát nhau trên cùng một địa bàn chiến lược.

Nhưng căng thẳng đó có bị đẩy tới thành xung đột không lại là chuyện khác.

Khi giải thích nguyên nhân của cuộc đại chiến Pê-lô-pôn-nét-xi (Peloponnesse) diễn ra vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhà sử học Hy Lạp cổ đại Tu-xi-đi-đét (Thucydides) cho rằng, lý do chính gây ra chiến tranh là sự trỗi dậy của thành A-ten (Athens) và nỗi sợ hãi của thành Xpác-ta (Sparta). Trong quan hệ Mỹ-Trung, rõ ràng cả hai bên đều phải thận trọng để tránh rơi vào cái “bẫy Thucydides”, thuật ngữ ám chỉ việc khi một cường quốc trỗi dậy nhanh chóng cạnh tranh với một cường quốc đã xác lập vị thế trước đó, rắc rối sẽ xuất hiện và chiến tranh có thể xảy ra.

Cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, cho dù có căng thẳng đến đâu thì vũ khí hạt nhân vẫn là một bảo đảm để chiến tranh không xảy ra. Do đó, sẽ luôn tồn tại một sự căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ-Trung bởi những xung đột về lợi ích, nhưng cũng sẽ luôn có một quan hệ cộng sinh giữa hai bên.

Thách thức về kinh tế thì có thể xử lý một cách khôn khéo để hóa giải, nhưng thách thức về quân sự sẽ là một thảm họa. Sự kiểm soát các thách thức đã và vẫn là yếu tố mấu chốt, mang tầm quan trọng sống còn trong quan hệ Mỹ-Trung.

Giữa Mỹ và Trung Quốc luôn tồn tại những sự khác biệt như “đàn ông đến từ Sao Hỏa, đàn bà đến từ Sao Kim”. Nhưng giống như cái kết của bộ phim “bom tấn” Hollywood “Người về từ Sao Hỏa”, khi con tàu Thái Dương Thần của Trung Quốc đã góp phần hỗ trợ giải cứu phi hành gia Mỹ trở về Trái Đất an toàn, sự bắt tay hợp tác Mỹ-Trung là một trong những yếu tố bắt buộc cho một thế giới an toàn hơn. 

YÊN BA