Người trưởng thành khóc: Cuộc sống bây giờ cô đơn quá…
Đối diện với nỗi cô đơn và tìm cách vượt qua – Ảnh: T.T.D.
Nhất là khi họ sống trong một xã hội hiện đại với những cái ảo nhiều hơn thật, đôi lúc đồng hành với sự hời hợt vô vị, mà lại không tìm thấy nguồn hơi ấm khác.
Vòng tròn luẩn quẩn
Tín Thành quyết định ở trọ dù nhà ba mẹ ở ngay Sài Gòn. Cảm giác cô đơn của Tín Thành xuất phát từ lúc gia đình bắt đầu không toàn vẹn. Ngày ba và mẹ của Tín Thành làm ăn riêng bởi những mâu thuẫn trong công ty gia đình cũng là lúc Thành cảm thấy nhà ít người và vắng đi hẳn. Cũng bấy nhiêu người thân, nhưng Thành thấy cô đơn nhiều lắm…
Thành quyết định trọ ở dãy nhà trọ có hẳn gần 20 phòng dành cho sinh viên và có việc làm thêm tại Tân Bình, những tưởng sẽ bớt cô đơn, vậy mà ai ngờ. Sau 2 tiếng đá bóng ở sân cỏ mini mỗi ngày, Thành về lại phòng trọ. Tuần đầu tiên còn gắng uống cà phê với hai bạn cùng công ty, tuần thứ hai còn có một buổi ăn cơm chung với bạn cùng phòng trọ dưới tầng trệt.
Tuần thứ 3, Thành chẳng biết làm gì sau giờ đi học và quay về nằm ì đọc sách kiếm hiệp nhiều năm còn đang xem dở.
Nỗi buồn làm Thành gầy cả vai, hại cả da khi lưng nổi mụn… Thành hiểu phải thay đổi. Nhưng trở về đến cổng nhà cũng chẳng muốn vào. Định gọi cho mẹ hay chị hai nhưng chẳng biết nói gì, vậy lại thôi. Thành quyết định gắn bó với Côn Đảo 2 tuần cho đỡ đi cảm giác buồn buồn, cô đơn.
Hay với Việt, sự tách mình ra khỏi “đám đông” lại đến một cách tự nhiên khi nhận thấy những kiểu giao tiếp mang tính xã giao của nhóm bạn, với kiểu phản ứng thái quá đầy hình thức của những người thân.
Nhiều bữa cơm, Việt chẳng muốn nói điều gì vì mọi người cứ bàn chuyện làm ăn, cạnh tranh nhà giàu, xe đẹp… Mỗi ngày vẫn về nhà nhưng Việt chẳng biết làm sao để mình có thể gần hơn với gia đình. Lâu dần, Việt cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Tham gia một khóa học, Việt khóc lúc thực hiện bài tập thổ lộ cảm xúc chân thật với nhóm: “Cuộc sống bây giờ cô đơn quá. Chỉ cần bớt chút ham hố, tham lam, chỉ cần chậm lại đôi chút để hiểu nhau và để tương tác, có lẽ đó là hạnh phúc”…
Buồn vì đời… đẹp quá!
Thực tế cho thấy nhiều người trưởng thành dễ có cảm giác cô đơn vì cuộc sống quá hoàn hảo, cô đơn vì cuộc sống tẻ nhạt hay cuộc sống chẳng có màu.
Họ rơi vào sự vô vị khi mọi nhu cầu từ ăn uống đến học hành, và những thách thức dường như chẳng có cơ hội xuất hiện. Mọi hoạt động đều có từ sự hoạch định của người thân hay sự đáp ứng của gia đình! Với cuộc sống ít màu sắc, tẻ nhạt, các bạn trẻ cũng chẳng cảm nhận được cuộc sống đúng nghĩa.
Cứ ngày qua ngày, tháng qua tháng, mọi sự lặp lại nhiều khi chẳng thể làm cho người ta vui nổi. Chẳng gặp thách thức, chẳng có khó khăn, chẳng biết thách thức, chẳng nhận niềm vui. Lâu dần thành ra chán. Ban đầu chỉ muốn trò chuyện với ít người, dần dần bắt đầu một mình và rồi chỉ một mình một thân trong nghĩ suy và hoạt động.
Và thế giới mạng làm không ít người trở nên sống vội, sống ảo và sống “giả”. Sống ảo với Internet, người ta dễ cho mình ảo hơn “sao ảo thuật”. Hình ảnh thì có công nghệ, thông tin cá nhân cũng nửa kín nửa hở để dễ hút hàng, nói và viết hằng ngày phải có “thính thơm” ảo diệu.
Đến lúc nào đó tự dưng thấy mình kỳ lạ. Thấy cứ lòng vòng, long đong và buồn buồn, đau đau nên cô đơn, lạnh lạnh.
Giải cứu mình khỏi sự cô đơn
Sự cô đơn của người lớn không phải là cá biệt khi mỗi người thiếu kiểm soát chính mình. Không tiết chế lòng tham, không biết quản lý bản thân, dần dà bớt đi sự chân thành, lao vào cuộc sống ảo với những giá trị thiếu điểm tựa, làm người ta mất niềm tin, mất chân đế của cuộc sống thật và thế là đa mang những giá trị ảo.
Cái ảo tồn tại, cái ảo lên ngôi làm cho người trưởng thành chới với, thế là buồn, dần đẩy mình vào thế cô đơn trong bản thể.
Không thể cấm và đổ lỗi cho cái ảo nhưng có thể tránh và kiểm soát cái ảo. Không thể cấm buồn bã nhưng có thể sống tích cực. Không thể ngăn nỗi cô đơn nhưng không được phép làm mình thường xuyên cô đơn trong tâm trí.
Điều quan trọng nhất là người ta biết đối diện với nỗi cô đơn nhưng không đẩy mình đi xa hơn bởi cô đơn chỉ làm người ta sống tiêu cực hơn. Không thể buồn và cô đơn trong bóng tối của chính mình hay cuộc sống xung quanh mà cần biết bước ra ánh sáng. Chân thành một chút, thân thiện hơn chút và từ chối những cảm xúc ảo.
Những bậc cha mẹ có bao giờ nghĩ con cái chúng ta đang cô đơn không?
Sinh viên còn nhận thức khá mơ hồ về hạnh phúc
Khảo sát trên 1.404 sinh viên của các trường sư phạm ở Việt Nam (164 SV từ ĐHSP Hà Nội, 764 SV từ ĐHSP Huế và Đà Nẵng, và 476 SV từ ĐHSP TP. HCM) dựa trên thang đo Phổ sức khỏe tinh thần – bản rút gọn (Mental Health Continuum-Short Form/MHC-SF) của tác giả Keyes cho thấy trong một tháng qua (tháng tham gia khảo sát) sinh viên chỉ thấy hạnh phúc tinh thần (tâm lý) hai hoặc ba lần mỗi tuần.
Cụ thể hơn, trong 1.404 sinh viên tham gia khảo sát cảm nhận hạnh phúc tinh thần trong một tháng qua có 0,93% chưa bao giờ hạnh phúc, 8,19% chỉ hạnh phúc một hoặc hai lần trong tháng, 20,3% thì hạnh phúc một lần mỗi tuần, 29,6% hạnh phúc hai hoặc ba lần mỗi tuần, 32,3% hầu như mọi ngày đều hạnh phúc, và chỉ 8,69% hạnh phúc mọi ngày trong tháng qua.
(Khảo sát do Trần Chí Vĩnh Long, Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự thực hiện từ tháng 3 đến tháng 10-2018)
Dùng nhiều Facebook dễ cô đơn, trầm cảm