Người tiêu dùng và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng
Mức độ phát triển và văn minh của một quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng của GDP, của thu nhập bình quân đầu người mà còn phụ thuộc vào giá trị công bằng và khả năng thực thi của pháp luật.
Một nền pháp chế văn minh phải ưu tiên bảo vệ kẻ yếu[1]. Có lẽ vì thế, pháp luật về quyền của người tiêu dùng luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật thương mại của các quốc gia phát triển và đã trở thành vấn đề pháp lý quốc tế.
Mức độ phát triển và văn minh của một quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng của GDP, của thu nhập bình quân đầu người mà còn phụ thuộc vào giá trị công bằng và khả năng thực thi của pháp luật. Một nền pháp chế văn minh phải ưu tiên bảo vệ kẻ yếu[1]. Có lẽ vì thế, pháp luật về quyền của người tiêu dùng luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật thương mại của các quốc gia phát triển và đã trở thành vấn đề pháp lý quốc tế.
Tại Việt Nam, với quan niệm người tiêu dùng là chủ thể trong các giao dịch thương mại – dân sự, pháp luật luôn hướng đến việc bảo vệ sự công bằng và duy trì tính minh bạch của các hợp đồng là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại … Bảo vệ người tiêu dùng đã thực sự trở thành một lĩnh vực pháp luật độc lập và có vị trí đáng kể trong hệ thống pháp luật thương mại kể từ khi Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Pháp lệnh) được ban hành năm 1999. Dù các văn bản pháp luật trên đã có hiệu lực, song thực trạng vi phạm quyền của người tiêu dùng ngày càng nghiêm trọng. Các nhà khoa học, các cơ quan có thẩm quyền và các hiệp hội của người tiêu dùng đã có nhiều cố gắng tìm kiếm và phân tích các nguyên nhân của tình trạng trên như sự thờ ơ của người tiêu dùng trong việc sử dụng các công cụ pháp lý để tự bảo vệ, sự lãnh cảm của nhiều công chức và của các cơ quan có trách nhiệm, vai trò mờ nhạt của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng … Như một tất yếu, nguyên nhân quan trọng nhất được quy về cho sự không đồng bộ và thiếu hiệu quả của hệ thống pháp luật. Để giải quyết tình trạng trên, Nhà nước đang cố gắng nâng cấp Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Luật BVNTD). Chúng tôi cho rằng, việc nâng cấp pháp lệnh thành luật là cần thiết để khẳng định giá trị pháp lý của lĩnh vực pháp luật này. Song nhiệm vụ quan trọng hơn vẫn là pháp luật phải có nội dung hợp lý và xây dựng được thiết chế thực thi hiệu quả. Trong đó, đạo luật đang được xây dựng cần khắc phục những nhược điểm căn bản của các văn bản hiện hành và được đặt vào môi trường pháp lý thuận lợi thì mới có thể phát huy giá trị thực sự.
1. Xây dựng cơ chế tự vệ cho người tiêu dùng – trọng tâm của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng
Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng không thể coi người tiêu dùng như một đối tượng được bảo vệ một cách thụ động mà cần kích thích và trao cho từng cá thể người tiêu dùng khả năng tự bảo vệ một cách hiệu quả. Để thực hiện yêu cầu này, cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
Thứ nhất, để pháp luật bảo vệ người tiêu dùng được thực thi hiệu quả, Nhà nước và pháp luật phải phát huy được vai trò cơ bản và chủ động của từng người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ và thiết lập các cơ chế để họ thực hiện quyền năng của mình một cách tích cực. Bởi lẽ, pháp luật chỉ có thể đem lại giá trị thực tế khi người tiêu dùng nhận biết và có khả năng vận dụng một cách hiệu quả quyền năng của mình. Nhà nước không thể tự cho mình hoặc tự thành lập những tổ chức có vai trò bảo vệ người tiêu dùng, trong khi chính người được bảo vệ không nhận biết và không có được môi trường để thực hiện quyền tự vệ. Sự thiếu hiểu biết pháp luật của người tiêu dùng lại tạo nên cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm. Như một tất yếu, khi người tiêu dùng không nhận thức trọn vẹn địa vị pháp lý của mình và không thể tự vệ, sẽ xuất hiện hiện tượng coi thường pháp luật từ các doanh nghiệp; thái độ thờ ơ, lãnh cảm trước pháp luật và sự cam chịu của người tiêu dùng. Để thay đổi được thực trạng, cần có những cải cách mang tính đột phá về hình thức và nội dung của Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được xây dựng. Trong pháp luật hiện hành, công thức chung của các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể thường là liệt kê các quyền, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm. Sự liệt kê không giải thích hoặc không được cụ thể hóa bằng cơ chế thực thi thích hợp đã làm cho các quy định của pháp luật trở thành những tuyên ngôn không có giá trị thi hành trên thực tế. Pháp lệnh không là ngoại lệ. Đặc thù của lĩnh vực pháp luật này là các quyền của người tiêu dùng phát sinh và được thực hiện chủ yếu trong quan hệ giữa từng cá nhân có nhu cầu tiêu dùng với doanh nghiệp hoặc với các cơ quan nhà nước khi có khiếu nại, khởi kiện. Do đó, với nguyên lý đối ứng, quyền của người tiêu dùng chỉ được tôn trọng khi pháp luật có cơ chế hợp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, của các cơ quan nhà nước, các cán bộ có liên quan một cách chi tiết, cụ thể. Ví dụ, quyền được thông tin của người tiêu dùng chỉ được thực hiện trên thực tế khi pháp luật xác định cụ thể nội dung minh bạch thông tin của các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm mà họ cung cấp. Đương nhiên, Luật BVNTD không thể dự liệu tất cả các vấn đề và cơ chế ràng buộc trách nhiệm cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi lĩnh vực với đặc thù riêng về sản phẩm và cách thức cung cấp, tiêu thụ sẽ có những quy chuẩn khác nhau cho doanh nghiệp và những người có liên quan trong việc cung cấp thông tin. Vì vậy, xây dựng luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được thực hiện đồng thời với công tác rà soát hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan để khi ghi nhận một quyền năng nào đó cho người tiêu dùng cần dự liệu những nguyên tắc cho việc hoàn thiện cơ chế thực thi ở những lĩnh vực pháp luật tương ứng. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức pháp lý cho người tiêu dùng cần được thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả. Đầu tư cho các cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này có lẽ chỉ giải quyết các yêu cầu mang tính chiến lược, định hướng cho công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện cơ chế thực thi. Giá trị thực tế của một đạo luật hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và sự hợp tác của các chủ thể là đối tượng áp dụng của đạo luật đó. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật vẫn còn là một nhu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay.
Thứ hai, pháp luật đã đưa ra được khái niệm pháp lý hoàn chỉnh về người tiêu dùng, song cần nhận thức chính xác về giá trị ứng dụng của khái niệm này. Điều 1 Pháp lệnh quy định người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức. Như vậy, thuật ngữ người tiêu dùng không phải là khái niệm chung chung như nhân dân, đồng bào, thanh niên, phụ nữ… Người tiêu dùng phải được hiểu là những cá thể mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sinh hoạt (end consumer). Cá thể hóa khái niệm trên giúp từng người tiêu dùng cụ thể ý thức được chính họ đang có các quyền mà pháp luật quy định. Mỗi người đều có khả năng sử dụng các công cụ pháp lý để tự vệ khi có sự vi phạm, cho dù sự vi phạm chỉ là cá biệt, không phổ biến và giá trị thiệt hại không đáng kể.
Những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của một hoặc một số ít người tiêu dùng dường như bị công luận bỏ quên có lẽ do tính cá biệt, riêng lẻ và hậu quả không lớn. Xã hội chỉ bị chấn động và dành sự quan tâm nhiều hơn đến các vụ việc có tác động lớn đến thị trường như vụ việc về điện kế điện tử, vụ việc nước tương, vụ việc duy trì giá xăng dầu, giá vận tải hành khách, vụ việc nhắn tin bằng điện thoại di động để lấy số thứ tự mua vé tàu lửa … Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam không có những phản ứng mãnh liệt (dù là phản ứng cá nhân hay tập thể) trước những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp. Với những vụ việc mà thiệt hại gây ra cho một cộng đồng, phản ứng của người tiêu dùng chỉ là cung cấp các thông tin cho báo chí hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Dường như không có người tiêu dùng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào đệ đơn khiếu nại hoặc khởi kiện doanh nghiệp. Trong những vụ việc này, quan niệm mang tính đại chúng, không cụ thể về người tiêu dùng có những tác động khác nhau đến thực tiễn. Dước góc độ tích cực, thiệt hại của người tiêu dùng đã được cộng gộp để có được những con số gây chấn động dư luận. Phản ứng của dư luận thông qua các phương tiện truyền thông đã buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng chấm dứt hành vi vi phạm. Song, ở góc độ khác, quan niệm chung chung về người tiêu dùng có thể tạo nên tâm lý chậm phản ứng trong từng cá thể vì mỗi người tự nhận thấy thiệt hại của họ không đáng kể so với thiệt hại chung. Doanh nghiệp nại ra những khó khăn trong việc chi trả thiệt hại tủn mủn để đề xuất những giải pháp thiếu tính sòng phẳng như dùng tiền thu được một cách bất chính để làm từ thiện (!?). Với những vụ việc mà người chịu thiệt hại chỉ là các cá thể, sự phản ứng của người tiêu dùng thường yếu ớt do thiệt hại không lớn, và vị trí của họ chưa đủ để tạo nên sức ép cho doanh nghiệp. Cũng từ quan niệm mang tính khái quát, chung chung, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng chậm phản ứng hoặc không tích cực trong các vụ việc mà số lượng người bị thiệt hại không đáng kể. Nếu có phản ứng, người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ họ cũng sẽ nhận được những lời lý giải từ phía doanh nghiệp cho rằng sự vi phạm chỉ là những sai sót nhỏ, dễ thông cảm. Như vậy, trong mọi trường hợp, nếu từng cá thể không phản ứng thì chắc chắn pháp luật không có cơ hội được thực thi.
Từ những lập luận trên, chúng tôi đề nghị lưu ý khi xây dựng Luật BVNTD:
(i) Tính cá biệt và không phụ thuộc vào giá trị thiệt hại phải là đặc thù quan trọng của pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vấn đề cần giải quyết không phải là việc thay đổi khái niệm người tiêu dùng mà phải là xây dựng cơ chế hợp lý để tạo điều kiện cho từng cá nhân – người tiêu dùng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của từng cá nhân bằng cách buộc người vi phạm bồi thường những thiệt hại, cho dù giá trị thiệt hại không lớn và xử lý hành vi vi phạm, cho dù chỉ xâm phạm đến một đối tượng cụ thể. Pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền không được từ chối giải quyết những yêu cầu mang tính cá nhân, giá trị bồi thường không lớn. Có như vậy, pháp luật mới thực sự trở thành công lý cho người dân và là công cụ hữu hiệu để từng người, tập thể người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân.
(ii) Pháp luật cần xây dựng cơ chế khiếu kiện cá nhân và tập thể một cách cụ thể và minh bạch. Trong pháp luật hiện hành, quyền khiếu nại, yêu cầu bồi hoàn, bồi thường thiệt hại đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã gây ra thiệt hại được ghi nhận tại Điều 22 Pháp lệnh, song nội dung của quy định chỉ là đề ra các nguyên tắc cơ bản. Theo đó, người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua người đại diện thực hiện việc khiếu nại. Pháp luật chưa khuyến khích và đặt ra cơ chế giải quyết khiếu nại tập thể. Như vậy, người tiêu dùng chưa thể liên kết với nhau để khiếu nại hay khởi kiện doanh nghiệp. Trong khi đó, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng chỉ có quyền nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng và tổ chức hòa giải giữa người khiếu nại với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh[2]. Việc thay mặt người tiêu dùng, tập thể người tiêu dùng để khiếu nại, khởi kiện của các tổ chức này cũng chưa được Pháp lệnh quy định. Khiếu nại tập thể phải được hiểu là việc nhiều người tiêu dùng thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoặc tự liên kết thành các nhóm chủ thể để khiếu nại doanh nghiệp hoặc khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi xâm hại quyền lợi hợp pháp của họ. Như vậy, nếu như việc giải quyết triệt để các vụ khiếu kiện cá biệt có thể kích thích khả năng phản ứng của từng người tiêu dùng thì việc thừa nhận quyền khiếu kiện tập thể có thể tạo cơ hội cho người tiêu dùng liên kết thành sức mạnh tập thể, nhằm gây sức ép buộc doanh nghiệp nhanh chóng chấm dứt sự vi phạm và khắc phục hậu quả đã gây ra. Mặt khác, sự liên kết của các cá nhân trong cùng vụ việc có thể giúp người tiêu dùng vượt qua tâm lý ngại tranh chấp, ngại phiền hà để đấu tranh bảo vệ các quyền lợi đã được pháp luật ghi nhận.
(iii) Người tiêu dùng cần được trao quyền kêu gọi cộng đồng tẩy chay một sản phẩm hoặc một doanh nghiệp cụ thể để tạo nên sức ép đối với người có hành vi vi phạm. Hiện tượng tẩy chay tập thể đối với một hoặc các sản phẩm của một doanh nghiệp thể hiện sức mạnh tối cao của quyền được lựa chọn của người tiêu dùng. Đã rất lâu, người tiêu dùng Việt Nam quên mất sức mạnh của họ trước doanh nghiệp. Thế nên, khả năng liên kết trong cộng đồng người tiêu dùng cũng trở nên manh mún, yếu ớt. Gần đây, các vụ việc liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường (không phải là hành vi vi phạm pháp luật BVNTD) đã làm dấy lên những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm từ các phương tiện truyền thông. Có lẽ, không có biện pháp trừng phạt nào nặng nề hơn đối với doanh nghiệp bằng việc người tiêu dùng (theo nghĩa rộng) quay lưng lại với sản phẩm của họ. Khi xây dựng Luật BVNTD, có lẽ nên quan tâm đến nguyên lý pháp luật chỉ phát huy hiệu quả điều chỉnh triệt để khi biết sử dụng những sức mạnh vốn có của xã hội và của thị trường một cách tối ưu và có trật tự. Do đó, nếu pháp luật tạo được môi trường để người tiêu dùng sử dụng triệt để quyền lựa chọn (bao gồm quyền chấp nhận và quyền từ chối) thì quy luật nghiệt ngã của thị trường sẽ tự trừng phạt người vi phạm mà chưa cần đến những chế tài của pháp luật. Đương nhiên, khi xây dựng quy chế về quyền được tẩy chay tẩp thể, người có trách nhiệm xây dựng pháp luật cần nghiên cứu thấu đáo mọi khía cạnh để người tiêu dùng thực hiện quyền của mình trong trật tự và có giới hạn.
Thứ ba, từ thực tiễn, có thể dễ dàng nhận thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam chưa khai thác triệt để các quyền mà pháp luật quy định cho họ để tự bảo vệ, trong đó có quyền được khiếu nại, khởi kiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do người tiêu dùng chưa ý thức đầy đủ quyền và trách nhiệm xã hội của mình với tâm lý ngại đấu tranh, ngại tranh chấp, ngại phiền hà mà còn vì sự lúng túng không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và thủ tục giải quyết khiếu nại. Hơn nữa, sự phức tạp trong thủ tục pháp lý và các chi phí phát sinh cũng là những cản trở lớn đối với việc khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng. Một lẽ đương nhiên, khi người bị hại chưa lên tiếng, pháp luật và nhà nước khó can thiệp hoặc không thể giải quyết triệt để hành vi vi phạm để khôi phục quyền lợi cho họ.
Dưới góc độ pháp lý, nhà nước và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không thể ép buộc hay kích động người tiêu dùng khởi kiện doanh nghiệp mà chỉ có thể thiết lập các cơ chế thuận lợi để quyền khởi kiện, khiếu nại của người tiêu dùng không những không bị cản trở mà còn được thực hiện một cách thuận lợi. Chúng ta cũng không nên kêu gọi ý thức cộng đồng hay ý thức xã hội trong từng cá nhân, mà cần nhận thức rằng trong thị trường, lợi ích sẽ dẫn dắt hành vi của chủ thể. Với tư cách là một chủ thể tham gia vào các quan hệ trên thị trường, người tiêu dùng luôn phải cân nhắc thiệt hơn khi quyết định khiếu nại doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi của họ. Thời gian và các chi phí để theo đuổi một vụ việc có thể sẽ làm giảm quyết tâm khiếu nại nếu như các khoản bù đắp khi thắng kiện không tương xứng hoặc không thỏa đáng với những gì đã phải bỏ ra cho vụ kiện. Trong điều kiện hiện tại, nếu sử dụng quyền khiếu nại của mình, người tiêu dùng thường gặp phải thái độ trây ỳ, chậm giải quyết của doanh nghiệp nhằm kéo dài thời gian. Mặt khác, khi sử dụng quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi thì người tiêu dùng phải đối diện với các thủ tục phức tạp, không tương xứng với mức độ thiệt hại. Chỉ cần dùng một phép tính đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra rằng tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho việc đòi bồi thường các khoản thiệt hại không đáng kể là thiếu khôn ngoan. Với tâm lý đó, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng bỏ qua những tình huống bị doanh nghiệp lừa dối trong quảng cáo, trong tiêu dùng hàng ngày vì giá trị thiệt hại không đáng kể. Vì thế, giải pháp được sử dụng phổ biến hiện nay là thông báo và mong chờ vào lương tâm của doanh nghiệp vi phạm. Một số không nhiều có cơ hội được các phương tiện truyền thông bảo vệ tạo nên dư luận ép buộc doanh nghiệp khôi phục quyền lợi cho người bị hại. Vai trò của tòa án và các cơ quan hữu quan khác khá mờ nhạt so với thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Để giải quyết tình trạng trên, chúng tôi cho rằng, quy trình giải quyết khiếu nại trong Luật BVNTD cần được xây dựng theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ. Nếu nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng được giao cho Tòa án, pháp luật nên áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn để không làm trầm trọng hơn tình trạng thiệt hại của người khiếu nại. Mặt khác, trách nhiệm bồi thường của người vi phạm không chỉ giới hạn trong các khoản thiệt hại do hành vi vi phạm trực tiếp gây ra mà cần bao gồm những chi phí phát sinh cho người tiêu dùng do phải theo đuổi vụ việc như chi phí thuê luật sư, các khoản thu nhập chính đáng và hợp lý …
2. Các quy định về xử lý các vi phạm của doanh nghiệp cần lưu ý đến chủ thể thực hiện hành vi
Cách tiếp cận của pháp luật hiện hành là cố gắng liệt kê đầy đủ những kiểu vi phạm và dự liệu mức xử lý thích đáng. Điều 7 Pháp lệnh đã liệt kê bốn loại hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, trái với thuần phong mỹ tục; thông tin quảng cáo sai sự thật; các hành vi vi phạm khác nhằm lừa dối người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cạnh tranh, khuyến mại, quảng cáo … có các quy định nghiêm cấm hành vi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm lợi ích người tiêu dùng. Trong tương lai, khi xây dựng Luật BVNTD, có lẽ ban soạn thảo sẽ cố gắng bổ sung thêm và làm rõ về từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bên cạnh những nỗ lực xây dựng các quy định đầy đủ và rõ ràng về vấn đề này, pháp luật cũng cần phân hóa cách xử lý theo đối tượng thực hiện hành vi. Với những đối tượng khác nhau, cách thức vi phạm, mức độ và phạm vi xâm hại sẽ khác nhau nên cách thức xử lý không thể giống nhau. Dưới góc độ cạnh tranh, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đang bị phân hóa theo mức độ và khả năng chi phối thị trường. Thực tế và lý luận đã cho thấy, vị trí của người tiêu dùng trước doanh nghiệp giảm dần khi khả năng chi phối thị trường tăng lên. Trước những doanh nghiệp có quyền lực thị trường, người tiêu dùng luôn yếu thế do thiếu kinh nghiệm và bị hạn chế quyền lựa chọn. Nhu cầu của họ bị lệ thuộc vào mức độ cung ứng của doanh nghiệp. Thế nên, phản ứng của tập thể và của từng cá nhân người tiêu dùng cũng yếu ớt và mờ nhạt hơn trước sự vi phạm của nhà độc quyền hoặc thống lĩnh so với vi phạm của các doanh nghiệp bình thường. Thậm chí, có thể xuất hiện những thái độ bất chấp dư luận của các doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh.
Đâu đó đã có hiện tượng doanh nghiệp tận dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền để bóc lột người tiêu dùng. Thậm chí, một vài doanh nghiệp còn khai thác cơ chế chủ quản để hợp pháp hóa hoặc duy trì những điều kiện giao dịch không có lợi cho người tiêu dùng … Qua các vụ việc về hành vi làm sai lệch cơ chế đo lường của điện kế điện tử tại TP Hồ Chí Minh, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, liên minh duy trì giá vận tải của các doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa … cho thấy phạm vi chịu thiệt hại khá lớn và mức độ thiệt hại không nhỏ. Nguy hại hơn là lòng tin của người dân vào năng lực quản lý của Nhà nước có phần suy giảm. Cơ chế xử lý vi phạm sẽ không có được kết cục tốt đẹp cho xã hội nếu được áp dụng chung cho mọi loại doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có hay không có quyền lực thị trường. Với khả năng chi phối thị trường, các tập đoàn, nhóm doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền hoàn toàn có đủ điều kiện tác động đến quyết định của người tiêu dùng bởi nhu cầu của họ đang bị lệ thuộc vào doanh nghiệp. Chưa kể đến khả năng doanh nghiệp sử dụng các quan hệ có sẵn chi phối các quyền định của người có thẩm quyền xử lý.
Như vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm đơn lẻ của một vài doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn so với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc so với việc xử lý các thỏa thuận bóc lột người tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường liên quan. Khi quyền lựa chọn còn trong tay người tiêu dùng, sự phản ứng của tập thể có thể là cơ chế tự vệ hiệu quả. Ngược lại, người tiêu dùng sẽ không còn khả năng tự vệ khi bị mất quyền lựa chọn. Với cùng một hành vi, mức độ và phạm vi thiệt hại sẽ khác nhau tùy theo người thực hiện có hoặc không có vị trí thống lĩnh thị trường. Thế nên, pháp luật khó phát huy được giá trị điều chỉnh nếu quy trình xử lý, thẩm quyền xử lý và các biện pháp xử lý không phân hóa theo chủ thể vi phạm. Một mức xử phạt nào đó có thể đủ để răn đe đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng lại không có tác dụng khi áp dụng cho doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền.
Với những lập luận trên, chúng tôi cho rằng, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng không thể trao tuyệt đối cho một đạo luật và một cơ quan duy nhất nào đó. Cần có sự phối hợp nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau để xử lý vi phạm tùy theo đối tượng thực hiện hành vi, đặc biệt phải lưu ý đến quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật về bảo về quyền lợi của người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh với các thiết chế đặc dụng có thể điều tiết và xử lý hành vi của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, các quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh cũng đã quan tâm đến việc bảo vệ người tiêu dùng bằng các quy định cấm đoán các hành vi ấn định giá mua, giá bán bất hợp lý, ấn định giá bán lại; hành vi phân chia thị trường để tạo lập vị thế độc quyền cục bộ; hành vi chi phối cung cầu của thị trường … Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hành vi bị bỏ sót như phân biệt đối xử hoặc áp đặt các điều kiện mua bán hoặc các nghĩa vụ không liên quan đến đối tượng của hợp đồng mà người bị thiệt hại là người tiêu dùng. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng ta cần phải rà soát các các quy định của Luật Cạnh tranh (tương tự với những văn bản khác có liên quan) để phát huy hiệu quả của cả hệ thống pháp luật trong việc duy trì sự công bằng cho người tiêu dùng.
3. Nhà nước cần sòng phẳng với người tiêu dùng
Các quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận trong Chương II (từ Điều 08 đến Điều 13) Pháp lệnh. Với quyền được thông tin, người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm đang lưu hành hợp pháp trên thị trường. Trong bối cảnh việc quản lý của Nhà nước đang can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh như hiện nay, việc đảm bảo cung cấp thông tin cho người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, dường như pháp luật hiện hành đang chỉ tập trung truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cung cấp thông tin không trung thực cho người tiêu dùng mà chưa có những chế tài và xây dựng trách nhiệm bồi hoàn của Nhà nước, khi người gây ra thiệt hại là các cơ quan có thẩm quyền do có hành vi cung cấp thông tin gian dối hoặc không cung cấp thông tin kịp thời (đôi khi có hành vi ém thông tin). Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà người vi phạm là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vụ việc về các thông tin mắm tôm có chứa vi khuẩn gây tiêu chảy cấp, vụ việc Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh không cung cấp thông tin về nước tương có chất gây ung thư… là những điển hình. Trong các vụ việc trên, có lẽ do chưa có cơ chế hợp lý nên người tiêu dùng đã không lên tiếng đòi những cơ quan trên bồi hoàn thiệt hại và không có những khảo sát, tính toán về thiệt hại mà xã hội đang gánh chịu. Dù sao chăng nữa, quyền được thông tin của người tiêu dùng mà pháp luật quy định đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Từ quan điểm về một xã hội dân sự tiến bộ, khi có hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước, người dân phải gánh chịu những chế tài cần thiết. Ngược lại, để sòng phẳng, Nhà nước cần chịu trách nhiệm trước cá nhân, tổ chức về hành vi vi phạm pháp luật do chính mình xây dựng, trong đó bao gồm những hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của người dân – người tiêu dùng. Mặt khác, một khi Nhà nước tự nhận trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng thì cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước xã hội và từng cá nhân người tiêu dùng nếu các cán bộ nhà nước lạm dụng trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại. Có lẽ, trong giai đoạn trước mắt, khó có thể trao cho ban soạn thảo Luật BVNTD nhiệm vụ xây dựng cơ chế truy cứu trách nhiệm của Nhà nước khi có hành vi vi phạm quyền hợp pháp của người tiêu dùng vì công việc này đòi hỏi sự nghiên cứu toàn diện và phức tạp. Tuy nhiên, điều đơn giản có thể làm được là sự ghi nhận trách nhiệm tôn trọng quyền của người tiêu dùng không chỉ của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà còn của các cơ quan, các cán bộ nhà nước và mọi tổ chức có liên quan. Từ trách nhiệm này, các lĩnh vực pháp luật khác có thể hỗ trợ để truy cứu người vi phạm, trong đó có pháp luật về bồi thường nhà nước.
4. Người tiêu dùng cần được khuyến khích tự thành lập các tổ chức của riêng mình
Bên cạnh việc tích cực phát huy và bảo vệ quyền được lựa chọn của người tiêu dùng, pháp luật cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để người tiêu dùng tự thành lập các tổ chức của riêng họ. Trong đó, có một số yêu cầu sau đây cần được tôn trọng:
Một là, về nguyên tắc, khi thành lập các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không nên đặt người tiêu dùng vào vị trí của đối tượng được bảo vệ thụ động mà cần phát huy vai trò tích cực, chủ động của từng cá nhân người tiêu dùng. Các tổ chức của người tiêu dùng không nên có nhiệm vụ chính trị mà chỉ có vai trò cùng với các thành viên lên tiếng trước Nhà nước và công luận về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp; là diễn đàn để thông tin và giúp tập thể người tiêu dùng thực hiện các quyền cơ bản của họ, thậm chí kêu gọi các thành viên tẩy chay một sản phẩm, một doanh nghiệp cụ thể nếu có thái độ không thiện chí trong việc phục hồi quyền lợi cho người bị thiệt hại.
Hai là, để người tiêu dùng tự thành lập các tổ chức của mình tùy theo nhu cầu hoặc sở thích, Nhà nước không nên tham gia chỉ đạo việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này và cũng không nên xếp những tổ chức của người tiêu dùng vào nhóm các tổ chức chính trị – xã hội. Chỉ khi người tiêu dùng tự thành lập nên các tổ chức của riêng họ, từng cá nhân người tiêu dùng với vai trò là thành viên sẽ tích cực tham gia xây dựng và phát triển tổ chức. Ngược lại, các tổ chức của người tiêu dùng sẽ tích cực và triệt để tham gia vào các vụ việc khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm khi người chịu thiệt hại là thành viên của họ. Trong pháp luật hiện hành, Điều 11 Pháp lệnh quy định người tiêu dùng được thành lập tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Nghị định 69/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh lại quy định khá đơn giản về thủ tục thành lập các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được phép đăng ký hoạt động tại ủy ban nhân dân địa phương các cấp. Với quy định đơn giản đó, quyền lập hội không thể được thực hiện trên thực tế, bởi người tiêu dùng không nhận biết được những công việc cần thực hiện, nội dung của hồ sơ lập hội và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký cho hội bảo vệ người tiêu dùng. Thực tiễn đang cho thấy, phần lớn tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đang hoạt động không do người tiêu dùng thành lập. Ví dụ, Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa, chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (tên giao dịch là VINATAS) là một tổ chức tự nguyện được thành lập bởi những người hoạt động trong các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng. Nhiệm vụ cơ bản của tổ chức này là các thành viên giúp nhau nâng cao trình độ nghề nghiệp, xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa chất lượng và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[3]. Với nhiệm vụ trên, vai trò của VINATAS chủ yếu thể hiện ở việc đảm bảo quyền lợi của các thành viên tham gia. Thông qua những kết quả hoạt động như áp dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng hoặc tiêu chuẩn hóa kỹ thuật … sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nói chung. Tương tự, với những tổ chức khác, người tiêu dùng chỉ là đối tượng được bảo vệ mà chưa là thành viên. Vì thế, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa thực sự phát huy được vai trò và chưa thực hiện trọn vẹn sứ mệnh đã đề ra. Thái độ lãnh đạm của người tiêu dùng trước sự tồn tại của các tổ chức này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trên.
Hiện nay, nhu cầu tự lập hội đang phát triển bằng sự xuất hiện của những nhóm người có chung sở thích đối với một sản phẩm hoặc có chung một nhu cầu sử dụng … Tuy nhiên, dù hoạt động có tổ chức, song các nhóm nói trên vẫn chưa thể là đại diện cho thành viên trong các tranh chấp về quyền lợi của người tiêu dùng do chưa có cơ hội được đăng ký hoạt động để mang tư cách pháp lý cần thiết. Cho dù số lượng thành viên không lớn, song nếu biết ghi nhận và phát triển, pháp luật có thể tạo điều kiện cho các nhóm người trên tự bảo vệ quyền lợi của họ một cách hiệu quả. Thế nên, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cần xây dựng quy trình pháp lý để người tiêu dùng có thể thực hiện quyền được lập hội một cách thuận lợi. Có như vậy, cùng với sự tăng trưởng của thị trường và xã hội, ý thức vì cá nhân và cộng đồng của người tiêu dùng sẽ phát triển ở những mức độ tương xứng.
Với những kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp và văn minh, các lực lượng tham gia thị trường đang đặt ra nhiều yêu cầu làm định hướng cơ bản cho sự phát triển và hoàn thiện của pháp luật. Việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đang trên lộ trình đó. Có lẽ, gần mười năm có hiệu lực của Pháp lệnh, di sản lớn nhất là sự ghi nhận các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra cho ban soạn thảo Dự án Luật BVNTD.
——————————
[1] Nguyễn Như Phát, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay, NXB Công an nhân dân, H, 2003, tr 10.
[2] Điều 17 Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 2/10/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
[3] Điều 1, 2 Bản điều lệ của Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa, chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được thông qua ngày 28/04/2000.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ – THS. NGUYỄN NGỌC SƠN
Trích dẫn từ:http://www.nclp.org.vn
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)