Người phụ nữ nuôi đàn chó bị bỏ rơi
Hơn 5 năm cưu mang những chú chó bệnh tật, bà Thủy không còn khóc khi có “bé” nào chết nhưng trái tim vẫn thắt lại khi nghe có “bé” bị bỏ rơi.
Câu chuyện kỳ lạ của Hòa thượng và lời dặn “Không nên ăn thịt chó?”
3h30 sáng, bà Trần Thị Lệ Thủy, 52 tuổi, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, bật dậy khi nghe tiếng rên của Hero – chú chó bị gãy xương sống, liệt hai chân sau mới được cứu về hơn một tháng nay. Bà đoán Hero đã đi vệ sinh, nếu không dọn ngay, lát nữa sẽ vấy bẩn ra sàn nhà. Hero là một chú chó giống Golden, rất thông minh, hiền lành, bình thường giá mỗi con đến vài triệu đồng.
“Lúc nó còn đẹp đẽ, khỏe mạnh thì cưng nựng, đến lúc bệnh tật thì lại đem bỏ bãi rác. Dù hai chân sau bị liệt nhưng tui thấy nó vẫn cố lết đuổi theo chủ một đoạn trước khi bất lực nhìn chiếc xe bỏ đi mất hút”, bà Thủy rơm rớm nước mắt khi nhớ lại đoạn video được camera của một nhà dân cạnh đó ghi lại khi đến đón Hero.
Thỉnh thoảng bà Thủy cho lũ chó ăn xúc xích, đây là món quà vặt khoái khẩu của chúng. Ảnh: Diệp Phan.
Hơn 20 năm, bà Thủy làm nghề bán trái cây. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình bà kèm nuôi 36 chú chó nhặt ngoài đường về.
Trước đây, nhà bà Thủy chỉ nuôi 1-2 con chó để bầu bạn. Tuy thương chó, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ nuôi đến hàng chục con trong nhà. Nhưng số phận đã lần lượt đưa những con chó đến với gia đình bà từ cuối năm 2014. Lần đó, khi Cần Thơ vào mùa nước nổi, một buổi sáng thức dậy, bà Thủy nghe tiếng kêu của chó con. Lần tìm thì thấy 2 chú chó khoảng 1 tháng tuổi lẫn trong đám lục bình và rác dạt vào góc vườn. Bà Thủy vội mang vào nhà, lấy khăn ấm lau khô rồi cho uống sữa. Hai chú chó được cứu này đã ở lại với gia đình bà.
Sau khi chúng khỏe mạnh, bà đăng lên một hội yêu chó ở Cần Thơ trên Facebook và được mọi người khen ngợi. Kể từ đó, như một cái duyên, bà Thủy liên tục nhận được lời kêu gọi cứu giúp những chú chó bị bỏ rơi, sống lang thang bệnh tật ở khu vực Cần Thơ.
“Cứu đứa này mà không cứu đứa khác thì tội quá nên ai gọi ở đâu tui cũng đến mang về”, bà Thủy chia sẻ.
Hầu hết những chú chó khi đến tay bà Thủy đều có bệnh. Nhẹ thì đường ruột, viêm da, nặng thì ký sinh trùng máu, ung thư… Vì vậy, ngoài chuyện nuôi ăn uống, chăm sóc, bà Thủy còn phải chữa bệnh cho chúng.
Chú chó siêng tu suốt 5 năm vào chùa gióng đại hồng chung
Cách đây gần hai năm, bà cứu một chú chó Pitbull bị viêm da nặng ở một bãi rác. Người dân xung quanh kể nó đã ở đó gần 10 ngày, không ai dám mang một chú chó được xem là hung dữ và bệnh tật về nhà. Vì chỉ ăn rác để sống nên chú chó bị hỏng đường ruột, hễ cử động lại đi vệ sinh ra máu.
Có người bảo “thôi thì cứ nuôi nó, sống được ngày nào thì sống” nhưng bà Thủy không chấp nhận. Suốt hơn một tháng, bà đem nó đến các bệnh viện thú y ở Cần Thơ nhưng không có nơi nào chữa khỏi. May mắn, bà Thủy tìm được một bệnh viện thú y ở Sài Gòn hứa sẽ chữa miễn phí nhưng với điều kiện phải mang chú chó đến tận nơi. Lần đó, chồng bà Thủy – vốn là một bộ đội về hưu đã phải thuê chiếc xe 4 chỗ chở con chó lên Sài Gòn chữa trị. Năm ngày sau, bà lại phải thuê xe chở nó về.
Mỗi cái tên bà Thủy đặt cho những chú chó đều có một ý nghĩa đặc biệt riêng. Vì thế, bà Thủy đặt một cái tên khá hài hước cho chú chó là Pháo Hoa, bởi vì đi tới đâu là “bắn pháo hoa” đến đó.
Thời gian đầu, bà Thủy chưa có kinh nghiệm chữa trị nên thường đến phòng khám thú y, rất tốn kém. Sau một thời gian, ngoài việc tìm hiểu thêm trên mạng và kinh nghiệm của của mình, những bệnh nhẹ bà Thủy đều biết cách chữa. Bà cũng tự tay tiêm thuốc, tiêm vaccine phòng bệnh cho chúng. “Chỉ có phẫu thuật là tôi chưa dám làm thôi”, bà nói.
Chị Thanh Hà, phường Bình Thủy Cần Thơ, một người yêu chó thường theo dõi những việc làm của bà Thủy trên Facebook chia sẻ: “Phải có lòng thương lắm thì mới không ngại việc tắm rửa cho những con chó bị ve bám đầy tai hay bị ghẻ lở. Tui thấy còn rùng mình, không dám làm như chị ấy”.
Thỉnh thoảng bà Thủy cho lũ chó ăn xúc xích, đây là món quà vặt khoái khẩu của chúng. Ảnh: Diệp Phan.
Tuy những chú chó đến với bà Thủy đều bệnh tật, nhưng sau một thời gian chữa lành, khỏe mạnh, bà Thủy vẫn muốn tìm cho chúng một người chủ thật sự yêu thương. “Ở đây chúng được an toàn, được ăn no, nhưng tôi không có đủ thời gian dành tình cảm hết cho gần 50 chú chó được”, bà Thủy phân trần.
Vậy là cũng có nhiều lần bà Thủy tặng chó cho người khác. Có lần, có một người phụ nữ quen biết trên mạng, một tháng liền thường đến chơi, tắm rửa cho đàn chó. Thấy người này thương chó, bà Thủy đồng ý để cô ấy đem một con về. Tối đó, bà nhắn tin và nhờ quay phim để xem nhà mới của “đứa con” mà mình đã cứu sống như thế nào, nhưng người phụ nữ đó không đồng ý. Linh cảm thấy điều không lành, 11 giờ đêm, bà Thủy chạy xe máy đến tận nhà hỏi thì mới biết người phụ nữ ấy đã đem bán lấy 300 nghìn. Lúc đó, bà Thủy nhất quyết bắt người đó phải dẫn đến nơi bán nó để mang chó về. Từ đó đến nay, bà Thủy quyết giữ những chú chó lại bên mình, chỉ cho những người thân quen, biết họ sẽ yêu thương và có trách nhiệm lo cho nó đến khi nó qua đời.
Luận bàn về những đức tính đáng quý của loài chó
Nhưng không phải lúc nào những chú chó bệnh cũng được bà Thủy cứu sống. Những con bệnh nặng không qua khỏi, bà Thủy thường mang đến dịch vụ hỏa táng rồi lấy cốt về rải bờ sông. Chi phí hỏa táng là 100.000 đồng mỗi kg cân nặng nên có những chú chó nặng vài chục ký, bà Thủy phải tốn tiền triệu.
Mỗi tháng chi phí ăn uống, thuốc men cho đàn chó lên đến gần 10 triệu đồng. Khoản tiền lời từ nghề bán trái cây và tiền lương hưu của chồng, bà Thủy cố gắng gói gém để lo cho đàn chó.
“Tháng nào dư giả thì cho ăn ngon, ăn ngày hai bữa, một bữa cơm, một bữa hạt. Tháng nào hụt quá thì ăn một bữa cơm, hạt thì mỗi đứa một ít cho đỡ thèm thôi chứ không có nhiều. Ngoài vườn có rau, bầu, mướp nấu chung tụi nhỏ cũng ăn hết”, bà Thủy cười.
Chị Thu, một người bán cơm cạnh nhà bà Thủy kể: “Bà Thủy cưng chó lắm, có cả một cái phòng lớn lắp máy lạnh, trời nắng bật máy lạnh cho tụi chó vào nằm ngủ. Tụi chó đông vậy nhưng tuyệt nhiên không sủa bậy, bả la to cái là nín”.
Bữa chiều ăn cơm nấu với thịt xay và rau củ trong vườn nhà. Mỗi ngày đàn chó ăn hết khoảng 6kg gạo, 3kg thịt xay. Ảnh: Diệp Phan.
Trước đây, mỗi dịp nghỉ hè, dịp lễ cả vợ chồng bà Thủy cùng hai cô con gái thường đi du lịch. Bà cũng thường mua sắm những vật dụng trong nhà và quần áo… Nhưng từ ngày cưu mang đàn chó hoang, bà Thủy và gia đình phải suy nghĩ kỹ mỗi lần định chi tiền vào việc gì đó. “Buổi sáng thèm ly cà phê tui cũng suy nghĩ có nên uống hay không”, bà Thủy cười.
Có nhiều người thường chỉ bà Thủy đến lò mổ chuộc chó, nhưng bà không có đủ kinh phí cũng như sức lực để chăm sóc hết. Bà nghĩ, việc chuộc lại càng làm tiếp tay thêm cho những người trộm chó. Bà chỉ có khả năng cứu những con chó bệnh tật, lang thang trước mắt mình.
“Cứu một sinh mạng thì dễ những để nuôi chúng thêm mấy năm sống nữa thì rất khó. Tui chỉ mong mọi người đừng bỏ rơi chú chó của mình”, bà nghẹn giọng.
Chuyện chú chó con bên cạnh xác mẹ đã qua đời nhiều ngày
Gần trưa, bà Thủy đứng bếp múc cơm và đồ ăn vừa nấu xong trộn lại một nồi lớn chờ nguội, chuẩn bị bữa chiều vào lúc 4h cho đàn chó. Xong xuôi, bà lại quay sang hút bụi nền nhà. Lũ chó cứ lững thững quấn quanh chân bà không rời. Có đứa lại vào phòng, nằm bẹp xuống nền gạch men mát rượi, mắt lim dim ngủ.
Nắng ấm, nhìn bé Cà phê bị ung thư gan giai đoạn cuối ra sân phơi nắng, cà lưng xuống nền xi măng cho đỡ ngứa, bà Thủy tâm sự: “Trước đây tui thường hay khóc mỗi lần có đứa nào ra đi, nhưng giờ thì chỉ cảm thấy nhẹ lòng, bởi đôi khi đó là một sự giải thoát cho nó khỏi những đớn đau”.