Người phụ nữ nhặt rác nuôi bé gái bị bỏ rơi được tặng biệt thự lớn
Một buổi sáng năm 1992, tại ngôi làng nhỏ ở Nhạc Tây, An Khánh, An Huy (Trung Quốc), bà Hồ Hạnh Trân (lúc đó 49 tuổi) nghe tin bé gái chưa đầy 40 ngày tuổi bị bỏ rơi nên vội chạy đến xem.
Trời hôm ấy lạnh cóng, ôm sinh mệnh bé nhỏ trong vòng tay, bà thực sự cảm thấy sợi dây tình cảm được kết nối. Vì vậy, Hồ Hạnh Trân quyết định mang bé gái về nhà.
Nhìn thấy đứa trẻ, chồng bà lắc đầu: “Nhà nghèo thế này, làm sao nuôi được con”. Người làng cũng khuyên can: “Con bé gầy nhom, không nuôi được đâu, rồi nó sẽ lại bỏ đi thôi”. Trước đó, bà Hồ Hạnh Trân và chồng từng nhận nuôi một bé gái. Nhưng đứa trẻ mới 2,5 tuổi đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Hai vợ chồng bà đau đớn mãi không thôi.
Tuy vậy, khi nhìn cái miệng bé bỏng của đứa trẻ đang nằm gọn trong vòng tay, Hồ Hạnh Trân tin rằng đây là món quà mà ông trời ban cho bà và định mệnh đã sắp đặt cho hai người gặp nhau. Bà bỏ qua lời can ngăn của mọi người, quyết giữ lấy đứa trẻ.
Trước sự kiên quyết của vợ, chồng bà cuối cùng cũng đồng ý nhận nuôi. Hai vợ chồng đặt tên cho đứa trẻ là Vương Đông Hồng.
Sau khi có đứa trẻ trong nhà, chồng bà Hồ Hạnh Trân làm việc bên ngoài, còn bà quán xuyến việc nhà và chăm sóc Vương Đông Hồng.
Nhưng số phận dường như quá khắc nghiệt với Hồ Hạnh Trân. Khi đang làm việc tại công trường, chồng của bà không may bị ngã từ trên cao xuống. Ông giữ được mạng sống nhưng phải nằm liệt giường.
18 tháng sau, người chồng qua đời, bỏ lại bà và con gái Đông Hồng mới 4 tuổi. Bà Hồ Hạnh Trân như bị mất phương hướng, không biết phải làm sao trong một thời gian.
“Cuộc sống lúc ấy nghèo khó quá, con gái thì khóc suốt đêm. Nhiều lúc mệt mỏi, tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng sau đó, tôi lại nghĩ đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ, con bé sẽ làm gì nếu tôi bỏ đi”, Hồ Hạnh Trân tâm sự trong một cuộc phỏng vấn. Sau đó, mỗi lần nhìn con gái nhỏ, bà lại không cho phép mình đắm chìm trong đau buồn. Bà quyết định phải mạnh mẽ lên vì con.
Bà Hồ Hạnh Trân và con gái nuôi
Để nuôi con gái, Hồ Hạnh Trân làm mọi việc từ nhặt rác, bán rau đến làm thuê làm mướn. Có lần đi nhặt rác được người ta cho miếng ăn, bà cũng để dành mang về cho con, tiết kiệm từng chút một để Đông Hồng được đến trường.
Cũng may, Đông Hồng là cô bé thông minh, chăm chỉ và hiểu chuyện. Ở lớp, cô luôn đứng trong top học sinh xuất sắc và được thầy cô vô cùng yêu quý. Biết gia cảnh mình khó khăn, mẹ nuôi vất vả nên khi học năm cuối tiểu học, Đông Hồng vừa đi học, vừa làm thêm ở một tiệm ăn trên thị trấn.
Tuy vậy, số tiền hai mẹ con kiếm được cũng không đủ để Đông Hồng học lên trung học.
Năm ấy, các bạn cùng trang lứa đã bắt đầu nhập học trung học, Đông Hồng vẫn miệt mài đi làm. Một hôm, cô hiệu trưởng trường trung học đi qua nhìn thấy Đông Hồng liền đến hỏi thăm tình hình.
Sau khi biết hoàn cảnh, cô đã nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức phúc lợi xã hội cho Đông Hồng. Sau đó, với sự hỗ trợ của những người tốt bụng, Đông Hồng đã có học phí và hoàn thành tốt việc học cấp 3, thi đỗ vào trường đại học.
Khi Đông Hồng tốt nghiệp đại học, Hồ Hạnh Trân cũng đã già. Trong những cuộc nói chuyện, bà luôn mong con gái nuôi sớm lấy chồng, có gia đình nhỏ của riêng mình. Bởi bà không biết mình có thể đồng hành cùng con gái được bao lâu nữa. Chỉ khi con gái lấy chồng, có người để nương tựa, có người chăm sóc thì bà mới cảm thấy thanh thản hơn.
Đông Hồng đã sống đúng với kỳ vọng của mẹ nuôi, cô học hành thành tài rồi kết hôn và sinh một đứa con.
Sau đó, cô đưa mẹ lên thị trấn sống cùng mình. Tuy nhiên, Hồ Hạnh Trân không quen với cuộc sống nơi đông người nên quyết trở về quê. Đông Hồng đành bất lực. Nhưng căn nhà ở quê đã quá cũ nát nên cô không thể yên tâm.
Cuối cùng, Đông Hồng quyết định mua một mảnh đất rộng ở quê và xây cho mẹ một căn biệt thự 2 tầng, giống như mơ ước của mẹ khi còn trẻ. Sau đó, cứ vài tuần, cô lại đưa gia đình về thăm mẹ.
Đông Hồng xây tặng mẹ căn biệt thự lớn.
Sự hiếu thảo của Đông Hồng khiến mọi người trong làng hết lời khen ngợi. Ai cũng nói rằng Hồ Hạnh Trân may mắn khi có một cô con gái ngoan và giỏi như vậy.
Cách đây vài năm, Văn phòng Văn minh quận Nhạc Tây đã chọn mẹ con Hồ Hạnh Trân và Đông Hồng là hình mẫu đạo đức của quận.
Hiện Hồ Hạnh Trân đã 79 tuổi, cuộc sống hàng ngày của bà rất bình dị và ấm áp. Vương Đông Hồng rất bận rộn với việc kinh doanh, chăm sóc mẹ nhưng cô cũng tích cực làm thiện nguyện để trả ơn cho những điều mà cô đã nhận được trước đó.
Linh Giang (Theo Sina)
Chàng trai Bình Thuận chi gần 7 tỷ đồng để xây biệt thự tặng cha mẹ
Năm 28 tuổi, anh Trương Gia Phùng đã hiện thực hóa mong muốn của mẹ là có một ngôi nhà mới sang trọng, tinh tế làm nơi nghỉ ngơi, sum họp gia đình.