Người nông dân vĩ đại nhất hành tinh

Tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” – ông Masanobu Fukuoka một chủ trang trại được coi là “Người nông dân vĩ đại nhất hành tinh… Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên…” (Trích Lời giới thiệu in đầu cuốn sách).

Bây giờ chúng ta đang nói đến “Nông nghiệp xanh”, nói đến những sản phẩm “sạch”, đến môi trường sống trong lành… Nhưng có một người chủ trang trại ở Nhật Bản ông Masanobu Fukuoka đã quyết tâm từ bỏ thuốc trừ sâu, phân hóa học, thuốc diệt cỏ… từ lâu trong nông trại của mình. Ông đã thực hiện thành công phương thức canh tác “sạch” này và đã viết một cuốn sách nói về “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” làm đảo lộn lối tư duy cũ của hàng triệu con người không chỉ ở nước Nhật. Hơn thế nữa, ông còn cho rằng: “Nông nghiệp tự nhiên là con đường. Bởi thượng đế là thiên nhiên, và thiên nhiên là thượng đế!”.

Tác giả cuốn sách – ông Masanobu Fukuoka một chủ trang trại được coi là “Người nông dân vĩ đại nhất hành tinh… Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên…” (Trích Lời giới thiệu in đầu cuốn sách).

Người nông dân vĩ đại nhất hành tinh -0
Ông Masanobu Fukuoka – “Người nông dân vĩ đại nhất hành tinh”.

Với tôi, đây là một trong những cuốn sách gối đầu dường. Hơn hai mươi năm sống ở nhà vườn Sóc Sơn (ngoại thành Hà Nội), cuốn sách như một người bạn tâm giao, như một sự minh triết, một sự đồng cảm bởi vì những gì mà ông chủ nông trại Masanobu Fukuoka viết ra đúng như những gì mà tôi cảm nhận hàng ngày.

“…Một loại chất tạo màu… được sử dụng, với hóa chất này trái cây sẽ có màu trái chín sớm hơn một tuần; Giá bán tăng gấp đôi… bởi vậy người nông dân sử dụng hóa chất thúc trái cây trổ màu nhanh hơn, rồi sau khi thu hoạch họ để trái cây trong phòng ủ chín bằng khí ga… Nhưng vì trái cây hái sớm hơn vẫn chưa đủ độ ngọt nên người ta sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo. Thông thường ai cũng nghĩ rằng hóa chất tạo ngọt đã bị cấm sử dụng rồi, nhưng loại hóa chất được phun lên cây thì không bị quy định là phạm luật một cách rõ ràng, minh bạch. Câu hỏi này liệu có rơi vào nhóm “hóa chất nông nghiệp” hay không? Dù câu trả lời có là gì đi nữa thì hầu hết mọi người ai cũng sử dụng nó rồi… Như vậy, từ trước khi trái cây được thu hoạch cho đến khi nó được xuất đi và bày bán thì năm sáu loại hóa chất đã được dùng. Đấy là chưa kể tới phân bón và các hóa chất phun, xịt đã được sử dụng khi cây đang sinh trưởng trong vườn…” (trang 133-134).

Tôi đọc những dòng này mà rùng mình vì thực tế đang diễn ra nhiều nơi trên đất nước ta. Bây giờ, có lẽ nước Nhật đã khác nhiều so với thực tế khi tác giả cuốn sách viết ra. Nhưng, ở ngay cạnh tôi, nó đang diễn ra hàng ngày. Tôi còn nhớ nhà sử học Dương Trung Quốc lúc còn là đại biểu quốc hội đã nói về hiện trạng “Rau hai luống, lợn hai chuồng” đang diễn ra ở nhiều nơi mà nhiều tờ báo đã đưa tin.

 Rau trồng để ăn thì người trồng không phun thuốc sâu, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng vì ai cũng biết nó có thể dẫn đến tình trạng ung thư! Lợn cũng vậy, chủ nuôi làm thịt ăn thì không dùng thuốc kích thích tăng trưởng, không cho ăn loại cám tăng trọng …

Dạo trước chính mắt tôi đã nhìn thấy chủ một vườn chè xanh, ông chỉ phun thuốc trừ sâu, phun nhiều lần vào những luống chè mang ra chợ bán, còn chè ông hái để dùng thì không phun, chỉ tưới nước cho cây thôi!

Tôi rất mừng là gần đây trên các phương tiện truyền thông ở nước ta đang lên án những hiện tượng như thế, đang khuyến khích người nông dân trồng rau sạch, chăn nuôi “sạch” và nêu nhiều tấm gương sáng về làm nông “sạch” hạn chế tối đa dùng hóa chất, nhất là hóa chất độc hại.

Ông Masanobu Fukuoka là một cán bộ hải quan thành đạt, nhưng ông đã xin thôi việc về làm ở nông trại của mình. Chuyện bắt đầu từ một cọng rơm: “Tôi nhặt lên vài cọng rơm vướng trước sân căn chòi và nói: Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khai mào…”. Ấy là qua thời gian thử nghiệm ông dùng rơm trải xuống ruộng và cho đến khi rơm mục, ông gieo lúa và ông thấy lúa tốt, bông sai, không có sâu bọ gì cả. Từ vụ lúa bội thu này, ông đã nghĩ đến một phương pháp canh tác mới mà không dùng đến các loại phân bón hóa chất, không cần đến thuốc trừ sâu…”…Sợi rơm này có vẻ nhỏ nhoi và nhẹ bẫng mà hầu hết người ta không biết nó thực sự nặng thế nào. Nếu người ta biết giá trị thực sự của cọng rơm này thì một cuộc cách mạng của nhân loại có thể diễn ra, sẻ trở nên đủ mạnh để dịch chuyển đất nước này và cả thế giới…” (trang 250).

Cuốn sách không chỉ dừng lại hiện trạng ô nhiễm môi trường sống, mà cao hơn là triết lý sống. Tác giả đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa ấy là: “Ham muốn vô độ của con người là nguyên nhân cơ bản đưa thế giới đến tình trạng khó khăn hiện nay… Nhân loại phải thôi nuông chiều cho cái ham muốn sở hữu vật chất và lợi ích cá nhân, thay vào đó hãy hướng tới nhận thức tâm linh… Đời sống vật chất và chế độ ăn uống cần phải đơn giản đi. Nếu làm được điều đó, lao động sẽ trở thành niềm vui và đời sống tinh thần sẽ trở nên phong phú hơn…” ( trang 184).

Thế giới tự nhiên với các quy luật của nó tồn tại ngoài ý muốn của con người, cho dù đó là ý muốn tốt đẹp nhất. Không ai, không một sức mạnh nào có thể thay đổi hướng đi của một cơn bão từ biển Tây, sang biển Đông trừ phi cơn bão tự chuyển hướng. Đó chính là ý nghĩa sâu xa từ “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm”. Như chính tác giả đã viết: ” …Tự nhiên không bao giờ có thể thấu hiểu hết được hoặc cải tạo được nhờ vào nổ lực của con người. Cuối cùng thì, để hòa vào làm một với tự nhiên, để được sống cùng thượng đế …Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình…” (trang 257).

Thế giới tự nhiên tồn tại trước khi có con người trên trái đất này. Và nói như tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một- cọng- rơm”: “…Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng “tự nhiên” là điều tốt, nhưng chẳng mấy ai nắm bắt được sự khác biệt giữa tự nhiên và phi tự nhiên… Con người với sự can thiệp của họ đã làm một điều gì đó sai trái, để lại sự hư hại mà không được sửa chữa…Và khi hệ quả bất lợi này chồng chất, lại dùng mọi nỗ lực để sửa sai. Khi những hành động sửa sai đó có vẻ thành công họ lại đi đến chỗ cho những biện pháp này là những thành tựu hay ho. Người ta làm thế hết lần này đến lần khác…” ( trang 43).

Nếu con người nhận thức được ngay từ đầu về sự can thiệp vô lối vào tự nhiên, hẳn không dẫn đến những hậu quả về sự biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều thảm họa như hiện nay. Khi dư luận đồng tình và hết lời ngợi ca tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” chính tác giả đã nói: “Không, bản thân tôi không có gì đặc biệt cả, nhưng điều mà tôi thoáng nhìn thấy được đó thì quan trọng vô cùng”  (trang 259).

Khi cuốn sách được dịch ra tiếng Việt rất nhiều bạn đọc đã nói lên ý kiến của mình: “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm giống như một cuốn kinh Phật được viết bằng ngôn ngữ trồng trọt, kỹ thuật nông nghiệp hết sức hấp dẫn, giản dị…” (Nhiếp ảnh gia Na Sơn). “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm là sự tự do và minh triết của một người nông dân khi nói về công việc của mình chứ không phải tính khắc khổ của một nhà lý thuyết khi giải thích triết học… Chính sự tự do và minh triết nơi những bài học thực tế này theo tôi đã làm nên cuốn sách và tạo ra hạnh phúc cho người đọc…” (Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy). “…Cụ Fukuoka dạy: Không bỏ mặc thiên nhiên cũng không cải tạo thiên nhiên. Em nghĩ ra con cái cũng là một thực thể của thiên nhiên…”. (Nguyễn Phương Nhi).

“Cuộc chiến giữa cọng rơm và bình hóa chất diệt cỏ đã bắt đầu từ lâu, trước khi mình ra đời. Chắc chắn cho đến khi mình chết đi, nó vẫn chưa kết thúc. Nhưng mình chọn đứng về phía cọng rơm vì ít ra mình sẽ chứng kiến cuộc chiến lâu hơn trong tình trạng mạnh khỏe…” (Trần Quốc Khánh). Riêng tôi trải qua trên hai mươi năm sống ở nhà vườn Sóc Sơn, tôi cảm nhận sâu xa những gì mắt thấy tai nghe, cảm nhận từ thiên nhiên những niềm vui sống khi tôi tôn trọng tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên và quyết không dùng dù chỉ là một giọt thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hay bất cứ một loại hóa chất nào tác động vào thiên nhiên, vào cây cỏ hoa trái… Thế giới tự nhiên thực sự là một Bà mẹ vĩ đại.

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn