Người nhà ngủ ngáy, bạn nên làm gì? – Bệnh viện Thống Nhất

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước hướng dẫn làm thế nào để sống chung “hòa bình” với người ngủ ngáy? Cách gọi người ngủ ngáy dậy an toàn? Phương pháp giúp người ngủ ngáy mau hết bệnh?…

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước – trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thống Nhất

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ngủ ngáy có thể mang đến những hệ lụy nguy hiểm như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Khi bạn ngủ ngáy sẽ ảnh hưởng đến:

– Người xung quanh: Một người ngủ ngáy trước tiên làm ảnh hưởng đến
người xung quanh rất nhiều như con cái, vợ, chồng, hàng xóm,… vì âm
thanh tiếng ngáy của bạn có thể đạt đến 120 dB. Ngủ ngáy được ví như một
tiếng xe máy nổ, nhưng tiếng xe máy nổ này lại không hề êm dịu, lúc
xuống lúc lên khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu và không thể đi
vào giấc ngủ.

– Bản thân:

+ Nguy cơ lớn nhất của ngủ ngáy là việc việc khiến bạn “ngưng thở khi ngủ”.
Nghĩa là chúng ta có thể bị hẹp đường thở khi đó oxy lên não bị thiếu
đi, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: sáng hôm sau thức giấc bạn sẽ gặp
phải tình trạng mệt mỏi, uể oải; thậm chí ngủ gật khi lái xe; chất
lượng công việc bị giảm sút không được linh hoạt và minh mẫn.

+ Nếu ngưng thở khi ngủ kéo dài trên 10 giây hoặc hơn nữa thì đôi khi
sẽ dẫn đến trường hợp xấu nhất đó là đột tử. Tuy đây là trường hợp hiếm
gặp những vẫn có thể xảy ra.

+ Những bệnh đi kèm theo: huyết áp cao; suy tim; thay đổi nhịp, mạch của cơ thể,…

2. Có nên gọi người ngủ ngáy thức dậy theo kinh nghiệm dân gian?

Có nên áp dụng các kinh nghiệm dân gian như bỏ muối, chanh hoặc đổ nước… vào miệng người ngủ ngáy để đánh thức?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Có rất nhiều những kinh nghiệm dân gian giúp người bệnh giảm bớt việc ngủ ngáy. Nhưng phổ biến nhất vẫn là:

– Đánh thức bệnh nhân để giúp họ chủ động về đường thở.

– Xoay bệnh nhân nằm nghiêng để đường thở của bệnh nhân được thông
hơn, khi bạn nằm nghiêng lưỡi sẽ không bị rớt xuống dưới họng làm hẹp
đường thở.

Hành động đổ trực tiếp nước vào miệng để đánh thức bệnh nhân là vô
cùng nguy hiểm. Vì nước có thể tràn vào đường thở của bệnh nhân gây ra
tình trạng sặc; nếu chẳng may trong một tư thế nào đó bệnh nhân không
tỉnh táo rất có thể sẽ dẫn đến việc suy hô hấp và tử vong. Trường hợp sử
dụng chanh hay dùng muối (theo phương pháp dân gian) giup kích thích vị
giác, đánh thức cơn ngủ ngáy của bệnh nhân thì có thể áp dụng được.

3. Làm sao để gọi người ngủ ngáy dậy an toàn?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Để giúp bệnh nhân tỉnh dậy một cách an toàn, tốt nhất người nhà nên
vỗ, lay nhẹ để bệnh nhân tỉnh dậy. Lưu ý đừng làm bệnh nhân giật mình
thức dậy một cách đột ngột vì sẽ gây ra một vài triệu chứng không tốt
như: kích động, tim đập hồi hộp. Trường hợp bệnh nhân ngủ quá sâu người
nhà nên nghiêng người của bệnh nhân sang phải hoặc trái điều này giúp
đường thở không bị tắc nghẽn.

Tất cả những biện pháp trên đều có thể áp dụng cho cả nam và nữ.

4. Những nguyên nhân nào gây nên ngủ ngáy?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Ở nam giới trên 40 tuổi rất dễ bị ngủ ngáy, vì lúc này cơ thể bắt đầu
bị lão hóa, các cơ bị trùng xuống, lưỡi dễ bị tuột hơn, vòm họng dễ
rung hơn.

Nếu bạn còn trẻ mà đã ngủ ngáy lúc này cần tìm hiểu những yếu tố nguy cơ như:

– Ban ngày lao động quá sức, công việc quá căng thẳng.

– Sử dụng nhiều thuốc an thần.

– Uống nhiều rượu, bia.

alobacsi Mô tả đường thở khi ngủ ngáyMô tả đường thở khi ngủ ngáy

Một trong những yếu tố quan trọng khiến bạn hay ngủ ngáy đó là thừa
cân. Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật điều trị ngủ ngáy rồi thì một trong
những điều cần lưu ý của hậu phẫu đó là không để thừa cân. Khi thừa cân
tất cả mô ở khu vực cổ đều bị to lên, do đó nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp
đến việc tắc nghẽn đường thở và làm giảm oxy. Đa số những người thừa
cân, béo phì, cổ ngắn, lưỡi to thường rất dễ bị ngủ ngáy tuy nhiên không
phải là tất cả.

Nguyên nhân gây ngủ ngáy có thể là do những vấn đề của não; điều này ở
chuyên khoa nội thần kinh sẽ giúp bạn. Những gì gây tắc nghẽn ngay tại
khu vực đường thở của bạn ví dụ lưỡi quá lớn, cằm quá nhỏ, khi lớn tuổi
vòm họng bị nhão và sa xuống phía dưới, amidan to, mũi bị nghẹt khi đó
chúng ta cần giải quyết triệt để những vấn đề này. Muốn đánh giá được
những điều này bạn cần đến gặp bác sĩ để khám tai – mũi – họng kiểm tra
xem ở khu vực họng của chúng ta có bị nghẽn lại hay không.

Ngoài ra chúng ta còn có một biện pháp giúp tìm hiểu nguyên nhân ngủ ngáy đó là thực hiện kĩ thuật đo đa kí giấc ngủ,
đây là một biện pháp giúp bác sĩ đánh giá được điện tim, điện não, điện
cơ,… giúp các BS biết được toàn bộ cơ thể bạn bị ảnh hưởng như thế nào
từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Nếu ngáy ít vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu ngáy to và gắn liền
với những cơn ngưng thở khi ngủ (trên 10 giây) cần cẩn thận vì có thể
dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của người bị ngủ ngáy. Vì thế
cần sớm đến gặp các bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

5. Có phải bệnh ngủ ngáy vô phương cứu chữa?

Nhiều người chữa trị bệnh ngủ ngáy nhưng không khỏi. Vậy bệnh có “vô phương cứu chữa”?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh để có thể xác định được bệnh ngủ ngáy của người đó có thể chữa khỏi hay không.

Có nhiều lí do cũng có thể do nguyên nhân ở trung ương hoặc tại vùng
hầu họng của người bệnh lúc này chúng ta sẽ quyết định được phương pháp
điều trị:

– Ngủ ngáy do trung ương: người bệnh cần đến gặp bác sĩ nội thần kinh
để kiểm tra điện não xem vấn đề não của chúng ta có bị tổn thương gì
hay không từ đó có phương pháp điều chỉnh.

– Nếu nguyên nhân là do vùng hầu họng của bạn bị tắc nghẽn do các mô
mềm, cấu trúc giải phẫu; lúc này có thể điều trị hoặc bằng nội khoa
hoặc sử dụng các loại máy để làm tăng áp lực dương oxy vào trong cơ
thể.

Nếu những điều này vẫn không giúp cho người bệnh đỡ hơn thì lúc này
chúng ta cần phải tìm đến các biện pháp như chỉnh hình lại vòm hầu, cắt amidan để làm thoáng khu vực vùng hầu họng. Có như vậy đường thở mới có thể thông thoáng, oxy gia tăng.

Mặc dù đã điều trị hoặc phẫu thuật rất tốt tuy nhiên người bệnh khi ngủ vẫn còn ngáy không thể dứt hẳn được nguyên nhân là do:

– Trong phẫu thuật nâng, chỉnh vòm họng nếu các bác sĩ nâng quá cao,
có thể sẽ khiến cho bệnh nhân bị sặc điều này vô cùng nguy hiểm.

Trong trường hợp đã phẫu thuật, điều trị cho hầu họng thông thoáng mà
bệnh nhân vẫn còn ngủ ngáy thì chúng ta cần xem lại liệu đây có phải
là kết hợp giữa cả ngoại vi và trung ương hay không.

6. Trẻ em ngủ ngáy là do bệnh gì?

Tại sao trẻ em cũng bị ngáy khi ngủ? Triệu chứng báo hiệu bệnh nguy hiểm là gì?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Ngủ ngáy ở người lớn đây là chuyện tương đối bình thường. Nhưng nếu ở
trẻ khi ngủ cũng bị ngáy thì cần phải đặc biệt lưu ý; rất có thể trẻ
đang gặp vấn đề về tai – mũi – họng. Ví dụ: amidan to, viêm VA, nghẹt
mũi,… Lúc này khi ngủ trẻ phải há miệng để thở, khi phải thở bằng miệng
như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống hô hấp của trẻ.

Cần kiểm tra lại toàn bộ đường hô hấp của trẻ: đường hô hấp trên,
dưới, hoặc nếu cần thiết phải cho trẻ cắt amidan, nạo VA,… Nếu giải
quyết được các vấn đề này thì hầu như là đã có thể giải quyết được hết
việc ngủ ngáy ở trẻ em.

7. Cách chung sống với người ngủ ngáy?

Làm sao để giúp người ngủ ngáy mau hết bệnh? Cách sống “hòa bình” với người ngủ ngáy?

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước:

Nếu như người bệnh kiên quyết không phẫu thuật vì họ sợ mổ (đây là
tâm lí chung) hoặc không có điều kiện phẫu thuật thì cuối cùng điều
chúng ta có thể làm là kiểm lại:

– Chế độ sinh hoạt, ăn uống

– Cân nặng ra sao.

– Có sử dụng các chất kích thích, rượu bia hay không.

– Có làm việc quá sức, stress hay không.

– Tư thế ngủ đã đúng chưa (lưu ý cần nằm nghiêng sang phải hoặc trái)

Tất cả những điều này kết hợp lại nếu vẫn thất bại thì có lẽ cần phải
cho chồng hoặc vợ của bạn sang ngủ phòng khác ngủ; phòng của người ngủ
ngáy phải được cách âm. Còn nếu không, việc duy nhất mà chúng ta có thể
làm để chung sống hòa bình với người ngủ ngáy là “nút bông gòn vào lỗ
tai”.

Ban Biên tập – Bệnh viện Thống Nhất
(Chương trình được thực hiện bởi AloBacsi.vn)