Người lính phòng không hơn 40 năm chế tạo mô hình máy bay chiến đấu
Những ngày cuối tháng 4, trong căn nhà nhỏ tại ngõ 1A đường Lê Trọng Tấn (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ông Thành vẫn miệt mài cho ra đời những chiếc máy bay chiến đấu sống động như thật.
Ông Thành kể, năm 1975, sau thời gian huấn luyện, ông được Quân chủng Phòng không – Không quân tạo điều kiện về làm việc ở Nhà máy A32. Đến tháng 7/1978, ông chuyển vào Đà Nẵng và gắn bó với TP này cho đến bây giờ.
Có thời gian dài là công nhân sửa chữa máy bay, ông có dịp thực hiện nhiều mô hình máy bay chiến đấu như MIG-17, Su-22, Su-22 M4…
Ông Thành miệt mài chế tạo máy bay chiến đấu làm quà lưu niệm
“Cơ duyên đưa tôi đến với nghề máy bay mô hình bắt đầu từ nhiệm vụ của lãnh đạo nhà máy, yêu cầu làm mô hình máy bay chiến đầu bằng mica để tặng lãnh đạo cấp cao đến thăm. Những chiếc tôi làm ban đầu nhận được nhiều lời khen, từ đó thôi thúc tôi mày mò thêm mẫu mã và chuyển sang làm bằng chất liệu nhôm vì bền và đẹp”, ông nhớ lại.
Hơn nửa đời người làm mô hình máy bay chiến đấu, ông Thành chẳng thể nhớ hết đã chế tạo ra bao nhiêu chiếc máy bay. Nhưng có lẽ vinh dự nhất là thời điểm ông được nhà máy tin tưởng giao nhiệm vụ làm tặng mô hình máy bay Su-30 MK2 dài 1m cho Văn phòng TƯ Đảng vào năm 2004. Hay mô hình máy bay Mic-17 được tặng cho các chuyên gia Triều Tiên khi họ đến thăm quan, học tập tại Nhà máy A32.
Máy bay mô hình chế tác bằng chất liệu nhôm
Theo ông Thành, công đoạn đầu tiên để làm máy bay mô hình là dùng máy mài thô, sau đó lấy dấu và khoan các lỗ lắp ráp các giá trên lửa, giá anten… Sau khi khoan xong, các mô hình sẽ được chà giấy nhám, rồi tiến hành sơn lại. Đặc biệt, quá trình sơn phải trải qua 5 công đoạn, mất 5 ngày với nhiều lớp sơn khác nhau.
“Hiện nay tôi chủ yếu làm các mô hình máy bay như: MiG 17, MiG 21, Su 22, Su 27, Su 30 và có làm thêm Su 35…Qua việc làm chiến đấu mô hình tôi mong muốn lan tỏa tình yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam ra khắp thế giới”, ông bày tỏ.
Từ đôi bàn tay khéo léo và những khối nhôm ngỡ vô tri, hơn 40 năm nay, ông Bùi Xuân Thành đã tạo nên hơn hàng nghìn mô hình máy bay chiến đấu các loại
Ông Thành đặt lò đúc làm giúp được phần thân, cánh. Còn các chi tiết khác phải chế tác thêm. Trong hình là máy bay chiến đấu Su-22M4 ông đang chế tác
Sau khi nhận thân máy bay về, ông Thành kiểm tra và khoan, cắt ở các vị trí để lắp đặt buồng lái, tên lửa… theo đúng bản thiết kế, rồi đánh bóng và sơn
Công đoạn gắn tên lửa lên máy bay chiến đấu. Những chi tiết nhỏ cần độ chính xác cao hơn và phải gắn đúng chủng loại của từng dòng máy bay chiến đấu
Tùy theo mẫu máy bay mà số lượng tên lửa có sự khác biệt như Su-30 có 12 giá treo vũ khí, Su-27 và Su-22 có 10 giá…
Các mẫu tên lửa cũng được gia công bằng nhôm với hình ảnh và màu sắc giống với bản gốc
Từng chi tiết đều được làm rất tỉ mỉ
Những mô hình máy bay ông Thành làm ra lưu giữ kỷ niệm của người lính Không quân trong những năm tháng chiến đấu trên bầu trời
Nhiều mô hình máy bay chiến đấu này đã được chọn làm quà tặng cho các lãnh đạo cấp cao
Trong năm 2020, ông Thành đã nhận chế tác hơn 100 mô hình máy bay theo các đơn đặt hàng. Mỗi chiếc có giá từ 3 đến 5 triệu đồng tuỳ vào kích cỡ. Ông cho biết việc chế tạo xem như thú vui khi về hưu, không đặt nặng vấn đề kinh tế
Hồ Giáp
Ngắm dàn mô tô khủng xuống đường trước dịp lễ 30/4
Gần 100 chiếc mô tô phân khối lớn của các thành viên đang sinh hoạt tại CLB mô tô thể thao H-D TP.HCM đã đồng hành cùng đoàn đua xe đạp cúp Truyền hình TP.HCM 2021, tạo thành “lá chắn” tin tưởng bảo vệ cuộc đua.