Người khuyết tật là gì? Thế nào được gọi là người khuyết tật?

Khái niệm khuyết tật? Người khuyết tật là gì? Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật? Về các dạng tật và mức độ khuyết tật? Quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật? Người như thế nào được gọi là người khuyết tật?

    Hiện nay, sau những cuộc vận động kiên trì của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, nhận thức rằng người khuyết tật cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người mới dần dần chiếm ưu thế trên thế giới. Sự chuyển biến về nhận thức dẫn tới thay đổi cả cách gọi tên của nhóm xã hội này. Thay cho việc dùng từ “những người tàn tật” (disable persons) có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm xã hội này được gọi một cách chính xác và trân trọng là những người khuyết tật (persons with disabilities). Tên gọi mới, ngoài những yếu tố khác, mang hàm ý rõ ràng rằng đây là nhóm người tuy có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, nhưng họ không phải và không được coi họ là những người vô dụng, đứng ngoài lề dòng chảy và là gánh nặng cho xã hội.

    1. Người khuyết tật là gì?

    Khái niệm người khuyết tật hiện đang là một khái niệm gây rất nhiều tranh cãi ở các quốc gia và cho đến nay vẫn chưa có khái niệm thống nhất về người khuyết tật áp dụng chung cho các nước. Giữa các quốc gia có sự khác nhau về quan điểm khuyết tật, những quy định liên quan tới tình trạng và mức độ khuyết tật, cũng như cách sử dụng từ ngữ diễn tả.

    Ví dụ:

    Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có ba mức độ suy giảm là: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap). Khiếm khuyết chỉ đến sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể liên quan đến tâm lý hoặc/và sinh lý. Khuyết tật chỉ đến sự giảm thiểu chức năng hoạt động, là hậu quả của sự khiếm khuyết. Còn tàn tật đề cập đến tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của người mang khiếm khuyết do tác động của môi trường xung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ.

    Theo quan điểm của Tổ chức Quốc tế Người khuyết tật, người khuyết tật trở thành tàn tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác. Do vậy, khuyết tật là một hiện tượng phức tạp, phản ánh sự tương tác giữa các tính năng cơ thể và các tính năng xã hội mà trong đó người khuyết tật sống.

    Ở Việt Nam, khuyết tật và tàn tật là hai từ để chỉ cùng một khái niệm, từ năm 2009 trở về trước chúng ta vẫn dùng song song hai từ này trên cả phương tiện truyền thông đại chúng và văn bản pháp quy. Tuy nhiên, trong các pháp lệnh trước đây của Nhà nước Việt Nam, tàn tật là cụ từ được chính thức sử dụng. Tại Điều 1 – Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, người tàn tật được định nghĩa như sau: “Người tàn tật theo quy định của Pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn“.

    Đến năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho tàn tật trong các bộ luật ban hành có liên quan. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, người khuyết tật được định nghĩa như sau:

    “1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

    Người khuyết tật có những đặc điểm cơ bản như: Người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất; Người khuyết tật có ở mọi nơi trên thế giới và các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người khuyết tật.

    Xem thêm: Thủ tục cấp giấy xác nhận khuyết tật và hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật

    2. Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật:

    Các nguyên nhân dẫn đến khuyết tật như: Bẩm sinh, bệnh tật, chiến tranh, sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Nếu như giai đoạn trước đây, các nguyên nhân như: bẩm sinh, bệnh tật, chiến tranh là nguyên nhân chính dẫn tới khuyết tật. Thì trong những năm tới, các nguyên nhân như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường sẽ khiến cho số lượng người khuyết tật có xu hướng ngày một gia tăng.

    Xem thêm: Điều kiện để được hưởng trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật

    3. Về các dạng tật và mức độ khuyết tật:

    Tại Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về Dạng tật và mức độ khuyết tật:

    “1. Dạng tật bao gồm:

    a) Khuyết tật vận động;

    b) Khuyết tật nghe, nói;

    c) Khuyết tật nhìn;

    d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần;

    đ) Khuyết tật trí tuệ;

    e) Khuyết tật khác.

    2. Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

    a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

    b) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;

    c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.

    Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật đã giải thích rõ ràng và chi tiết về các dạng tật theo Điều 2 và các mức độ khuyết tật theo Điều 3 Nghị định này. Cụ thể theo Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ – CP:

    – Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

    –  Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

    – Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

    – Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

    – Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

    –  Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần và khuyết tật trí tuệ.

    Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định:

    –  Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

    – Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

    – Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại người khuyết tật đặc biệt và người khuyết tật nặng.

    Xem thêm: Mẫu đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật theo thông tư mới nhất

    4. Quyền của người khuyết tật:

    Người khuyết tật thuộc nhóm người dễ bị tổn thương và theo cách phân loại theo chủ thể của quyền, thì quyền của người khuyết tật nằm trong quyền của nhóm. Nếu như quyền cá nhân được hiểu là các quyền thuộc về mỗi cá nhân, bất kể họ có hay không là thành viên của bất kỳ một nhóm xã hội nào và việc hưởng thụ các quyền này là tùy thuộc ý chí của mỗi cá nhân thì ngược lại, theo nghĩa rộng của nó, quyền của nhóm được hiểu là những quyền đặc thù, chung của một tập thể hay một nhóm xã hội nhất định, mà để được hưởng thụ các quyền này cần phải là thành viên của nhóm, và đôi khi cần phải thực hiện cùng với các thành viên khác của nhóm. Người khuyết tật cũng có các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

    Nếu quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế thì khái niệm quyền của người khuyết tật có thể được hiểu như sau: Quyền của người khuyết tật bao gồm các quyền tự do cơ bản của con người, là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người – với tư cách là thành viên của cộng động nhân loại và được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt với tư cách là nhóm người đặc thù dễ bị tổn thương bởi sự khuyết tật, được thừa nhận và bảo hộ bằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

    Điều 4 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật như sau:

    Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật

    1. Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây:

    a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;

    b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;

    c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;

    d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;

    đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    2. Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật“.

    Như vậy, pháp luật người khuyết tật năm 2010 đã có quy định khá rõ thế nào là người khuyết tật và các vấn đề khác có liên quan đến người khuyết tật.

    Xem thêm: Các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người khuyết tật

    5.

    Người như thế nào được gọi là người khuyết tật?

    Tóm tắt câu hỏi:

    Luật sư cho em hỏi pháp luật quy định người như thế nào được gọi là người khuyết tật?

    Căn cứ pháp lý:

    – Luật Người khuyết tật năm 2010;

    – Nghị định 28/2018/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

    Nội dung tư vấn:

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, người khuyết tật được định nghĩa như sau: “1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

    Người khuyết tật có những đặc điểm cơ bản như: Người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất; Người khuyết tật có ở mọi nơi trên thế giới và các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người khuyết tật.

    Khuyết tật có thể là sự khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể của một người hay bị suy giảm chức năng trong vấn đề về nhận thức, khuyết tật được biểu hiện dưới nhiều dạng tật và dị dạng khác nhau khiến cho đời sống sinh hoạt và cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

    Hiểu theo cách khác khuyết tật có thể là khiếm khuyết diễn ra rất lâu dài và không có cơ hội phục hồi về mặt tinh thần, thể chất, trí tuệ không được minh mẫn hoặc sự ảnh hưởng của các giác quan mà khi tương tác với xã hội họ gặp rất nhiều cản trở và ảnh hưởng; gây bất lợi đến quá trình làm việc và có thể những khiếm khuyết đó làm họ không thể hoạt động và làm các công việc giống như người bình thường.