Người học tự chủ: Phát huy sự tự chủ của người học ngoại ngữ

TÓM TẮT:

Khái niệm tự chủ gần đây đã được xem là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ. Thuật ngữ này đề cập đến khả năng tách rời, phản ánh có phê phán, ra quyết định và hành động độc lập, thực thi có trách nhiệm, đưa ra lựa chọn sáng suốt, khả năng độc lập. Bài viết này nêu lên khái niệm tự chủ là gì, những lợi ích mà người học tự chủ có được cũng như những kỹ năng cần có để trở thành một người học tự chủ. Tuy nhiên, sự tự chủ của người học không phải tự nhiên có, mà phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài. Bên cạnh nỗ lực của người học, còn có sự đóng góp không nhỏ của giáo viên trong việc làm thế nào để thúc đẩy sự tự chủ của người học trong quá trình học ngoại ngữ.

Từ khóa: Sự tự chủ, người học tự chủ, dạy và học ngoại ngữ.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế hết sức tích cực với các hiệp định thương mại như EVAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) và tiếp đến là sự mở cửa giữa các nước trong khối ASEAN, dẫn đến một nhu cầu thực tế về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ. Chính vì vậy, việc dạy và học ngoại ngữ như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn là câu hỏi đặt ra không những cho các cơ sở giáo dục mà còn cho từng cá nhân người học và người dạy.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa ra triết lý giáo dục “Học cả đời” với một nhân tố then chốt là tính tự chủ trong học tập. Người học tự chủ có thể tự đưa ra mục tiêu, chọn nội dung và phương pháp học, giám sát và đánh giá quá trình học tập của mình. Thực tế các khảo sát của các nhà khoa học đã cho thấy người học tự chủ có tiềm năng học hỏi nhiều hơn so với những người sử dụng các phương pháp tiếp cận thụ động, họ không ngừng tăng cường khả năng giải quyết nhu cầu tri thức và tạo động lực để tiến bộ liên tục.

Nhân tố tự chủ được phát huy sẽ có vai trò to lớn trong nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách của chính người học. Đó là quá trình tác động làm biến đổi, nâng cao những yếu tố nội tại bên trong người học như năng lực tư duy, động cơ, thái độ, trách nhiệm, phương pháp học tập… nhằm khai thác một cách có hiệu quả những phẩm chất tâm lý, nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Tổng kết các phương pháp giáo dục tiên tiến hiện nay đều tập trung trong việc phát huy tính tự chủ của sinh viên; thúc đẩy họ tự chủ động xây dựng các mục tiêu đào tạo, hoàn thành được nhiệm vụ học tập rèn luyện trong thời gian học tập ở trường cao đẳng, đại học.

2. Đặc trưng của sự tự chủ trong học ngôn ngữ

2.1. Khái niệm tự chủ

Thuật ngữ tự chủ của người học đã được sử dụng trong giáo dục từ đầu những năm 1980, khi nó được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà giáo dục Henri Holec. Ông định nghĩa tự chủ của người học là khả năng người học chịu trách nhiệm về việc học của chính mình. Theo quan điểm của ông, chịu trách nhiệm học tập của một người học là phải có và chịu trách nhiệm cho tất cả các quyết định liên quan đến tất cả các khía cạnh học, bao gồm cả việc xác định mục tiêu, xác định nội dung và tiến trình, lựa chọn phương pháp học, giám sát và đánh giá quá trình học (Holec, 1981). Để chịu trách nhiệm cho việc học của mình, người học cần phải hợp tác với giáo viên và các sinh viên khác. Tự chủ của người học đặc biệt quan trọng trong học ngôn ngữ. Dickinson (1995) đưa ra 5 lý do cho việc thúc đẩy sự tự chủ của người học trong việc học ngôn ngữ: động lực, lý do thực tế, sự khác biệt cá nhân, mục tiêu giáo dục và cách học ngôn ngữ.

Cũng đề cập đến định nghĩa sự tự chủ của người học, Phil Benson và Peter Voller (1997) chỉ ra rằng trong giảng dạy ngôn ngữ, thuật ngữ này được sử dụng theo ít nhất 5 cách khác nhau:

(1) Cho các tình huống trong đó người học tự học hoàn toàn;

(2) Cho một tập hợp các kỹ năng có thể học và áp dụng trong quá trình học tự định hướng;

(3) Cho một năng lực bẩm sinh bị triệt tiêu bởi cơ chế giáo dục của tổ chức;

(4) Cho việc thực hiện trách nhiệm của người học về việc học tập của chính họ;

(5) Cho quyền của người học để xác định hướng học tập của mình.

2.2. Những kỹ năng cần có của người học tự chủ

Với định nghĩa như trên, người học tự chủ là người có khả năng chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc học của mình và cần có một số kỹ năng cần thiết. Cụ thể là:

– Khả năng xác định và thiết lập mục tiêu học tập;

– Khả năng lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động học tập;

– Khả năng phản ánh và đánh giá việc học của họ;

– Sự hiểu biết về mục đích học tập của họ;

– Sự hiểu biết về quá trình học tập của chính họ;

– Kiến thức về một loạt các chiến lược và kỹ năng học tập;

– Động lực rõ ràng, biết rõ bản thân học vì mục đích gì.

2.3. Những lợi ích chính mà người học tự chủ có được

Khi có được sự tự chủ trong quá trình học thì người học sẽ nhận thấy rõ những lợi ích chính mà học có được.

Thứ nhất, người học có tính chủ động. Thực tế hiện nay, việc học đang dần chuyển đổi từ sự phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên sang xu hướng tăng cường khả năng tự học, tự tìm kiếm tri thức của người học. Sinh viên phải tự chủ, có ý thức tự kiểm soát cách thức, thời gian và những gì được truyền đạt. Đây cũng là nền tảng của các phương pháp dạy và học tích cực hiện nay.

Thứ hai, người học tự chủ đạt hiệu quả hơn trong học tập. Bởi vì việc học sẽ mang tính cá nhân và tập trung hơn nên người học đạt được kiến thức họ cần để hoàn thành vai trò của họ theo cách riêng của họ.

Thứ ba, các kỹ năng cần thiết trong học tập tự chủ cũng là những kỹ năng sẽ cần thiết trong tương lai, ví dụ như tại nơi làm việc. Từ đó, người học sẽ có thêm động lực để học tập, nuôi dưỡng ý thức tự lập suốt đời, cả trong học tập và công việc.

Thứ tư, tăng cường khả năng tự khám phá. Khám phá là cách con người bắt đầu học từ thuở sơ khai một cách tự nhiên. Quan điểm này cho rằng, con người đã có quyền tự do khám phá và khám phá trước khi bắt đầu vào môi trường giáo dục chính thức, nơi mà việc học tập diễn ra theo các khuôn khổ của trường học. Nghiên cứu tâm lý học nói rằng, tự chủ là một nhu cầu cơ bản của con người thúc đẩy người học và nuôi dưỡng sự thích thú của họ đối với thế giới xung quanh, tăng cảm giác tò mò trí tuệ và khao khát kiến thức.

2.4. Những khả năng của người học tự chủ

Học để trở thành tự chủ là một tiến trình cá nhân diễn ra dần dần và không bao giờ kết thúc. Các nhà nghiên cứu thường đồng ý rằng những khả năng quan trọng nhất là những khả năng cho phép người học tự lên kế hoạch cho các hoạt động học tập của mình, theo dõi tiến bộ của họ và đánh giá kết quả của họ.

Đối với người học và sự tự chủ của họ trong học ngoại ngữ, Littlewood (1996) nêu ra các khả năng sau:

– Người học có thể tự đưa ra lựa chọn về ngữ pháp và từ vựng (như trong hoạt động đóng vai có kiểm soát hoặc và các hoạt động đơn giản liên quan đến trao đổi thông tin). Đây là bước đầu tiên hướng tới giao tiếp tự chủ;

– Người học chọn ý nghĩa mà họ muốn diễn đạt và chiến lược giao tiếp, từ đó đạt được mục tiêu giao tiếp của mình;

– Người học có thể đưa ra quyết định sâu rộng hơn về mục tiêu, ý nghĩa và chiến lược (ví dụ trong hoạt động đóng vai có sáng tạo, giải quyết vấn đề và thảo luận);

– Người học bắt đầu lựa chọn và định hình bối cảnh học tập phù hợp đặc điểm hoàn cảnh của từng cá nhân. Họ có thể đưa ra quyết định trong các lĩnh vực có truyền thống thuộc về giáo viên, ví dụ: về tài liệu và nhiệm vụ học tập;

– Người học tham gia vào việc xác định bản chất và sự tiến triển của giáo trình của chính họ;

– Người học có thể sử dụng ngôn ngữ (để giao tiếp và học tập) một cách độc lập trong tình huống lựa chọn của họ bên ngoài lớp học.

3. Phát huy tính tự chủ của người học ngoại ngữ

3.1. Vai trò của người dạy

Mặc dù người học tự chủ có thể đặt ra mục tiêu của riêng mình và lên kế hoạch làm thế nào để đạt được mục tiêu, họ có xu hướng học hiệu quả hơn, có động cơ học hơn và  sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn về việc học tập của chính họ. Tuy nhiên, không phải tất cả người học đều có thể làm điều này một mình mà cần có sự trợ giúp ban đầu từ những người có kinh nghiệm như giáo viên. Với sự hỗ trợ, người học có thể độc lập hơn và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của họ. Như vậy, phát huy sự tự chủ của người học không có nghĩa là giáo viên trở nên dư thừa, mà giáo viên phải thay đổi sang các vai trò, như: người giúp đỡ, người hướng dẫn, người cố vấn, người tham gia tích cực (Yang, 1998).

Khi giảng dạy ngoại ngữ, giáo viên nên sử dụng phương pháp để người học tự điều chỉnh việc học hoặc học theo hướng riêng của họ để tạo nguồn cảm hứng, đồng thời định hướng cho người học tham gia các khóa học, xem video hoặc sử dụng tài liệu học tập có thể truy cập bất cứ lúc nào… Trao quyền cho người học để họ giữ vai trò tích cực hơn trong quá trình học tập và giúp thúc đẩy sự tự chủ của họ. Ban đầu, giáo viên cần tạo cơ hội cho người học kiểm soát việc học của họ, có thể bao gồm các cơ hội để tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau hay các hoạt động đàm phán với người học. Trong thời gian đầu, người học có thể chưa có khái niệm phù hợp về việc tự học của họ, nghĩa là giáo viên sẽ cần phải giới thiệu và giải thích tầm quan trọng của sự tự chủ của người học và các kỹ năng cần có. Họ có thể thiếu khả năng xác định mục tiêu hoặc lập kế hoạch học tập, và giáo viên có thể hỗ trợ bằng cách tạo ra cơ hội học, đề xuất mục tiêu phù hợp hoặc đặt ra sự thương lượng thời gian biểu. Khi người học phát triển các kỹ năng cần thiết, sự hỗ trợ của giáo viên có thể giảm dần. Điều quan trọng là không loại bỏ hỗ trợ quá nhanh hoặc hoàn toàn, vì điều này có thể làm mất hứng thú nếu người học chưa sẵn sàng.

Bảng 1. Bảng so sánh vai trò của giáo viên với 3 nhóm người học

Bảng so sánh vai trò của giáo viên với 3 nhóm người học

Để làm rõ cách giáo viên có thể hỗ trợ học sinh, Bảng 1 cho thấy điều gì sẽ xảy ra với các nhóm người học khác nhau trong việc lập kế hoạch cho một bài tập, chẳng hạn như một bài luận hoặc bài tập trình bày. Trong Bảng 1 có 3 loại đối tượng: Người học không tự chủ, người học bán tự chủ (ở giữa một nửa tự chủ và không tự chủ) và người học tự chủ.

Liên quan đến vai trò của giáo viên trong việc thúc đẩy sự tự chủ của người học ngoại ngữ, Little (2003) liệt kê các bước sau đây giáo viên nên thực hiện:

– Sử dụng ngôn ngữ đích làm phương tiện ưa thích trong giao tiếp trong lớp và yêu cầu người học thực hiện tương tự;

– Hướng người học vào một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ cho các hoạt động học tập tốt thông qua chia sẻ, thảo luận, phân tích và đánh giá với cả lớp;

– Giúp người học đặt mục tiêu học tập của riêng họ, chọn các hoạt động học riêng của mình sau quá trình thảo luận, phân tích và đánh giá nghiêm túc;

– Yêu cầu từ người học xác định các mục tiêu cá nhân nhưng phải theo đuổi chúng thông qua làm việc với nhau trong các nhóm nhỏ;

– Yêu cầu từ người học phải ghi chép lại việc học của họ, kế hoạch bài học, liệt kê danh sách từ vựng, bài học hữu ích;

– Thu hút người học đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ của họ với tư cách cá nhân và tập thể.

Trong các lớp học giáo viên cố gắng liên tục chuyển người học từ sự phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên sang tự chủ. Theo Nunan (1999) có 9 bước để thực hiện. Các bước 1 đến 3 định hướng về mặt nội dung là chủ yếu trong khi các bước từ 4 đến 9 sẽ tập trung vào quá trình học tập.

Bước 1: Mục tiêu hướng dẫn rõ ràng cho người học. Giáo viên nên thiết kế lại mục tiêu bài học sao cho rõ ràng cho người học. Để làm được như vậy, giáo viên đưa người học chủ động tham gia để tự hiểu mục tiêu bài thay vì chỉ đơn giản là giải thích cho họ.

Bước 2: Cho phép người học tạo ra mục tiêu của riêng họ. Mỗi người có mức độ tiếp thu khác nhau cho nên hãy trao cho người học quyền tự đặt ra mục tiêu học của mình.

Bước 3: Khuyến khích người học sử dụng ngôn ngữ đích bên ngoài lớp học. Mục đích của ý tưởng này là để người học kích hoạt ngôn ngữ đích bên ngoài lớp học để có cơ hội thực hành nhiều hơn.

Bước 4: Nâng cao nhận thức về quá trình học tập. Cho phép người học quyết định học cái gì và tự chọn cách học phù hợp với chính mình.

Bước 5: Giúp người học xác định và rèn luyện phương pháp và chiến lược học phù hợp với sở thích của từng cá nhân. Học sinh không thích các lớp học mà họ ngồi thụ động, đọc hoặc dịch,  không thích những lớp học mà giáo viên kiểm soát mọi thứ.

Bước 6: Khuyến khích sự lựa chọn của người học. Thường trong lớp học ngoại ngữ, khái niệm lựa chọn của sinh viên có thể là xa lạ. Trong trường hợp như vậy, tốt hơn là thu hút người học vào một mức độ ra quyết định tương đối. Ví dụ, nếu dữ liệu cho một bài học bao gồm một đoạn đọc và một bài nghe, người học có thể được yêu cầu quyết định xem học cái gì trước, đọc hay nghe. Nếu giáo viên không thoải mái với ý tưởng học sinh làm những việc khác nhau cùng một lúc, có thể thực hiện cuộc bỏ phiếu lớp để lựa chọn theo số đông.

Bước 7: Cho phép người học tạo các bài tập của riêng họ. Khi đã khuyến khích người học đưa ra lựa chọn, bước tiếp theo là cho họ có cơ hội điều chỉnh các loại bài tập trong lớp. Đây có thể coi là một bước sơ bộ để dạy người học tạo ra các nhiệm vụ học tập của riêng mình. Điều này không cần phải liên quan nhiều đến kỹ năng thiết kế tài liệu. Ví dụ, giáo viên đưa ra một bài đọc hiểu nhưng không phải là câu hỏi trong tài liệu mà yêu cầu sinh viên làm việc theo nhóm nhỏ để viết ra các câu hỏi riêng của nhóm mình, sau đó trao đổi với một nhóm khác để thảo luận và tìm câu trả lời.

Bước 8: Khuyến khích người học trở thành giáo viên. Hãy để cho sinh viên dạy cho nhau. Khi người học được yêu cầu trình bày một cái gì đó cho người khác nhóm thì không những nêu ra trách nhiệm của từng cá nhân đối với nhóm của mình mà còn tăng cường động cơ học và cải thiện độ chính xác đáng kể. Sự thành công của mỗi bài thuyết trình nhóm được đo lường bằng phản hồi của nhóm khác.

Bước 9: Khuyến khích người học trở thành người nghiên cứu. Hãy tạo ra những cơ hội bên ngoài lớp học để người học tự nghiên cứu và tìm tòi những gì liên quan đến nội dung mà họ học.

Như vậy, để trở nên tự chủ, người học cần được tiếp xúc với một loạt các hoạt động học tập hữu ích và có cơ hội đánh giá và phản ánh về những hoạt động này.

3.2. Vai trò của người học

Là một người học, bên cạnh sự hỗ trợ và hướng dẫn của giáo viên thì bản thân bạn phải nỗ lực tăng cường khả năng tự chủ của mình. Thúc đẩy tính tự chủ trong học ngoại ngữ của bạn chủ yếu xoay quanh việc bảo vệ ý thức tự chủ. Nếu một cá nhân cảm thấy được trao quyền tự chủ để học và hiểu lợi ích của tự chủ đối với sự phát triển, người đó sẽ có xu hướng tự mình tìm kiếm cơ hội học tập. Để người học tự chịu trách nhiệm về việc học của mình, hoặc có mong muốn làm điều đó, chiến lược học phải thấm nhuần ý thức tự chủ trong người học. Không có nó, người học khó có thể quan tâm đầy đủ đến việc tự mình theo đuổi việc học, bất kể tài liệu học tập có dễ dàng như thế nào đi chăng nữa.

Bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng trong học tự chủ là điều kiện để người học phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình trong học ngoại ngữ. Học phải có kế hoạch, phương pháp học tập (Học lúc nào? Học ở đâu? Học phần nào trước, phần nào sau?…). Để tạo được hứng thú, người học nên bắt đầu từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến khái quát, trừu tượng. Người học cũng phải tự nghiên cứu tài liệu, tự ghi chép đánh giá quá trình học, nghiên cứu của mình. Đẩy mạnh phương pháp tự học, cũng cần chú ý đến sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập. Do đó, người sinh viên có thể học theo nhóm để trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau nhằm khắc sâu nội dung bài học. Trao đổi với giáo viên, người hướng dẫn về những vướng mắc trong quá trình học của mình.

Phương pháp học trong thời đại công nghệ khuyến khích sự tự chủ của người học ngoại ngữ. Khi không bị ràng buộc bởi người hướng dẫn, người học có thể tự do sử dụng các công cụ công nghệ mà thế giới mang lại để tìm kiếm tra cứu tài liệu, lựa chọn hình thức học như trực tuyến, chọn lựa nội dung và thời điểm học phù hợp cho mình.

Theo Dam (2011), ông đưa ra 3 cách để sinh viên thúc đẩy sự tự chủ của mình, đó là: tự báo cáo, ghi nhật ký và bảng đánh giá, có niềm tin và thái độ tích cực.

Cách thứ nhất: Tự báo cáo là một cách tốt để thu thập thông tin về cách sinh viên thực hiện một nhiệm vụ học tập và giúp đỡ họ nhận thức được chiến lược của riêng mình. Điều này đạt được thông qua cách thức giao nhiệm vụ và yêu cầu họ báo cáo những gì họ nghĩ trong khi họ đang thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cách thứ hai: Nhật ký và bảng đánh giá cung cấp cho sinh viên khả năng lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá việc học của họ, xác định bất kỳ vấn đề họ gặp phải và đề xuất giải pháp.

Cách thứ ba: Có niềm tin và thái độ. Sự thành công của việc học và mức độ mà người học khai thác vào các nguồn tài liệu để vượt qua khó khăn và đạt được sự tự chủ được xác định bởi các yếu tố như: động cơ thúc đẩy của người học, khao khát học hỏi và niềm tin của họ về bản thân mình với tư cách là người học và học hỏi. Thay đổi một số niềm tin và thái độ tiêu cực là bắt buộc để tạo điều kiện học tập.

4. Kết luận

Phát huy tính tự chủ trong học ngoại ngữ đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ từ nhiều phía, song tất cả đều tác động đến người học làm sao để họ chủ động, tự giác, có trách nhiệm trong việc học tập của mình nhằm đạt được mục tiêu là nâng cao chất lượng học. Trong phương pháp học tự chủ, người học là trung tâm, nghĩa là nâng cao vai trò chủ động của người học, nhưng không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của giáo viên. Người dạy cần thể hiện vai trò của mình trong quá trình dạy để giúp người học nhận ra lợi ích của phương pháp này và định hướng, hỗ trợ cho họ khi áp dụng, nhằm đáp ứng tốt nhất mục tiêu học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dam, L. (2011). Developing learner autonomy with school kids: Principles, practices, results. In D. Gardner (Ed.), Fostering autonomy in language learning, pp. 126 – 136.

2. Dickinson, L. (1995). Autonomy and motivation: A literature review. System, 23 (2), 165 – 174.

3. Holec, H. (1981). Autonomy and foreign language learning. Oxford: Pergamon.

4. Little, D. (2003). Autonomy in language learning Some theoretical and practical considerations. In Ann Swarbricks (ed.). Teaching Modern Languages. Routledge.

5. Littlewood, W. (1996). “Autonomy”: an Anatomy and a Framework. System. 2 (4). 427 – 435.

6. Nunan, D. (1999). Second Language Teaching and Learning. Boston MA: Heinle/Thomson.

7. Phil Benson & Peter Voller (1997). Autonomy & independence in language learning. New York: Longman.

8. Yang, N.-D. (1998). Exploring a new role for teachers: promoting learner autonomy. System, 26/1998. 127 – 135.

AUTONOMOUS LEARNERS:

FOSTERING THE AUTONOMY OF FOREIGN LANGUAGE LEARNERS

●NGUYEN THI NGOC LINH

● TRAN QUANG SON

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

The concept of autonomy has recently been seen as an important element in foreign language learning and teaching. The autonomy term refers to the ability to separate, reflect critically, make decisions and act independently, implement things responsibly, make informed choices and be independent. This article raises the concept of autonomous learners, skills, benefits and abilities of an autonomous learner. However, autonomous learners are not formed from a natural process but a long training one. In addition to the learner’s effort, the teacher’s role on how to foster autonomous learners in their foreign language learning process cannot be abdicated.

Keywords: Autonomy, autonomous leanrers, foreign language learning and teaching.