Người đọc, hoạt động đọc và văn hóa đọc

Không ngừng học hỏi và trải nghiệm từ nhiều lĩnh vực, nhưng đọc sách hầu như vẫn là một trong những điều quan tâm đặc biệt của những nhân vật nổi tiếng. Steve Jobs với Atlas Shrugged (Ayn Rand) về chủ đề chính trị, kinh doanh; Tim Cook với Competing against time (George Stalk) về chủ đề kinh doanh, kinh tế, năng suất làm việc; Warren Buffet và Bill Gates với Business adventures (John Brooks) về chủ đề kinh doanh, tài chính; Bill Clinton với Life is what you make it (Peter Buffett) về chủ đề cảm nhận cuộc sống; Barack Obama với Self-Reliance (Ralph Waldo Emerson) về chủ đề chủ nghĩa cá nhân, không theo lề thói và độc lập;…

Mỗi cuốn sách ấy, không chỉ là để học hỏi và đồng hành, mà còn có ý nghĩa góp phần gắn liền với sự nghiệp vàtên tuổi của họ. Thậm chí, Jeff Bezos (CEO của Amazon) không chỉ tâm đắc với The remains of the day (Những giờ phút còn lại của một ngày) của Kazuo Ishiguro – cuốn sách viết về chủ đề lịch sử, chiến tranh thế giới thứ 2, cuộc sống và sự hối tiếc – còn nhấn mạnh: “Nếu bạn đọc The remains of the day –  một trong những cuốn sách yêu thích của tôi, bạn sẽ hiểu vì sao chỉ sau 10 giờ đồng hồ, tôi đã sống một cuộc sống khác”.Theo chia sẻ nói trên, phải chăng, giá trị cuốn sách không chỉ thể hiệnở sức mạnhkì diệuđối vớisự thay đổi của cả một số phận, một cuộc đời mà còn tạo nên sự kết nối “liên văn bản”, mở ra “tầm đón đợi”từ hệ quả của việc đọc?

Bởi thế, khi đề cập vấn đề phát triển văn hóa đọc, có lẽ cũng nên nói đến “người đọc” và “hoạt động đọc”.

Với phạm trù “người đọc”, người ta thường dễ nghĩ đến định nghĩa, để xác định ngoại diên hay nội hàmcủa khái niệm – thế nào là người đọc? Nhưng với người đọc – trong khái niệm cụ thể ở đây – nên chăng, trước hết cần tiếp cận ở bình diện mục tiêu hướng đích. Với canh cánh nỗi niềm “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?/ Sông Hồng chảy về đâu?/ Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?”,  với niềm khát khao cháy bỏng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”,suốt cuộc đời hoạt động cách mạng kiệt xuất của mình, Bác Hồ là một người đọc vĩ đại. “Luận cương đến Bác Hồ/Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin” (Chế Lan Viên).

Không những thế, “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo. Báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần, báo ngoại quốc. Báo có gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem” (Cứu Quốc, số 420/1946). Người từng khuyên: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng”, “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách.

Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi “Vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều”. Bài học sâu sắc được rút ra từ đây là: với Bác, muốn hiểu thấu đáo một vấn đề gì cũng cầnnghiên cứu tài liệu một cách thấu đáo qua nhiều nguồn sách, báo; không phải chỉ đọc thông thường, mà phải đọc với tinh thần tích cực, chủ độngđể chiếm lĩnh thế giới thông tin. Theo đó, người đọc không chỉ là chủ thể tiếp nhận thông tin mà còn thể hiện phẩm cách tư tưởng và bản lĩnh văn hoá.

Nói đến “hoạt động đọc”, tức cũng nói đến mục tiêu, nội dung, phương thức của đọc. “Cuộc sống là những điều mà bạn tạo nên nó” – đúng như tên cuốn sách của Peter Buffett mà Bill Clinton tâm đắc. Tái tạo năng lượng sống và hoàn thiện con người văn hóa không chỉ là mục tiêu duy nhất của đọc.

Đọc để thay đổi tư duy, đọc còn là một động lực thay đổi cuộc đời, một giải pháp nhận thức hoàn thiện bản thân; phải chăng đọc còn như một sự dấn thân vào thử thách, nếm trải, với hi vọng tạo nên sự khác biệt? Văn hoá đọc sách là một phần truyền thống và tính cách nổi bật nhất của người Do Thái – một dân tộc chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới nhưng có số người đoạt giải Nobel gấp 3 lần Đức hay Pháp (Albert Einstein – Nobel Vật línăm 1921, Niels Bohr – Nobel Vật línăm 1922, Boris Pasternark – Nobel Văn học năm 1958, Milton Friedman – Nobel Kinh tế năm 1976, Bob Dylan – Nobel Văn học năm 2016).

Cũng giống người Do Thái khi cho trẻ em làm quen và cảm nhận sự thú vị, ngọt ngào của sách từ rất sớm, người Nhật cho rằng cuốn sách tuyệt vời nhất là cuốn sách được đọc bằng giọng của cha mẹ, có lẽ vì thế đã tạo nên một hình ảnh quen thuộc khi thấy họ đọc sách ở mọi không gian và thời gian có thể. Điều này cũng đượcJon Westenberg – nhà văn, diễn giả và doanh nhân trong lĩnh vực truyền thông xã hội – người thường xuyên tham gia chia sẻ các bài viết trên các tạp chí nổi tiếng như Time, Inc.om, Business Insider,… khẳng định: “Chỉ có duy nhất một thứ, một thứ liên tục khiến tôi tin rằng sẽ giúp tôi tiến gần hơn với những mục tiêu của mình và kiên định với những gì đang làm. Thứ mà tôi đang muốn nhắc đến – “vũ khí” bí mật của tôi đó là đọc”.

Từ sự thức nhận: nếu không đọc, sẽ không nạp thêm được thông tin, sự thấu hiểu và ý nghĩ cần để đưa ra được những quyết định đúng đắn vào đúng thời điểm; sẽ không bao giờ nhìn xa hơn được vào từng vấn đềphải đối mặt mỗi ngày, tác giả còn chia sẻ: “Khi mọi người hỏi tôi lời khuyên để đạt được những gì mà tôi đang có, tôi nói rằng câu trả lời chính là thói quen đọc sách. Chính nó đã tạo nên những khác biệt trong cuộc đời tôi. Hãy biến việc đọc sách như là một phần rất quan trọng trong danh sách công việc phải làm hằng ngày”.Thiết nghĩ, đó cũng là một ý kiến đáng suy ngẫm.

Là một hình thái chuyển mã từ kí hiệu ngôn ngữ trong văn bản thành biểu tượng, hình ảnh để làm giàu nhận thức, đọc đồng thời cũng là một phương pháp phát triển tư duy. Bởi vì, đọc bao giờ cũng gắn liền với hoạt động liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo – nhất là trong thời đại tri thức, thế giới vừa phẳng vừa nhanh tuyệt vời này đang không ngừng tạo ra nhữnggiới hạn. Đọc vừa là một hành trình tìm kiếm con người bản thể, vừa là cơ hội đánh thức tiềm năng phát hiện và kiến tạo thế giới của mỗi cá nhân.

Văn hóa đọcđược phát triển trên nền tảng của truyền thống giáo dục gia đình, nhà trường, môi trường cộng đồng và gắn liền với nhu cầu tự học. Để vượt qua mức độ từ người đọc chăm chỉ trở thành người đọc thông minh, việc giáo dục ý thứchọc tập suốt đời và hình thành phương pháp, kĩ thuật đọcphù hợp vì thế có vai trò cực kì quan trọng.