Người đàn ông mất cả thanh xuân trồng ươi, ra thứ hạt được săn lùng
Giấc mơ ươi
Những ngày cuối năm 2019, mùa khô Tây Nguyên với gió, những cơn gió lồng lộng thổi trên sườn đồi Đạ PLoa, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đạ Huoai. Anh Nguyễn Phương Triên vừa hì hục lắp đặt hệ thống tưới tự động, vừa lau giọt mồ hôi trên mi mắt: “Vườn ươi nhà mình trồng được 14 năm rồi. Giờ cây đã cao cả chục mét, cho trái được ba năm. Mỗi mùa ươi bay là cả một khung cảnh khó tìm được ở đâu, đẹp lắm cô ạ”.
Đồi ươi của anh Nguyễn Phương Triên
Người đàn ông ấy đã gắn bó cả thanh xuân với những cây lười ươi, loài cây cho những trái ươi nhỏ, nâu, được thị trường dược liệu săn lùng.
Anh Triên kể, sinh năm 1972, anh gắn bó với mảnh đất Đạ PLoa từ khi còn bé. Lúc ấy, Đạ PLoa toàn điều, cây điều chịu được nắng hạn, giúp người Đạ PLoa có cái ăn, cái mặc. Nhưng cây điều chỉ giúp người no bụng chứ không làm giàu được. Năm 2005, anh xuống giống trồng cây măng cụt, loại cây có nguồn gốc đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng măng cụt chỉ chịu đất bằng, còn diện tích đất sườn đồi, măng cụt không chịu được gió lớn. Và khi ấy, cây ươi chợt nảy ra trong đầu anh Triên.
Nơm Trịa, tức núi Trịa, theo ngôn ngữ người K’Ho bản địa vốn là địa bàn của cây ươi, giống cây cho những trái nhỏ, hình bầu dục nâu nâu, được sử dụng làm thuốc và thức uống. Theo nhu cầu của thị trường, mỗi năm vào mùa ươi chín, hàng trăm người vào rừng nhặt hạt ươi. Mới đầu là nhặt hạt ươi bay, hạt rụng quanh gốc ươi già. Sau rồi người đi rừng chặt luôn cây ươi, hạ cây xuống để thu hoạch cho nhanh.
Anh Triên đứng trong đồi ươi
Dần dần, những rừng ươi đông đảo đã mất dần, mất dần, cây ươi non mọc ra không kịp khai thác bởi chu kỳ sống của cây ươi quá dài, từ 10-11 năm mới cho trái. Những vạt ươi lùi tít vào rừng sâu, cảnh ươi bay không còn phổ biến vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa cao nguyên nữa.
Xót xa cho những cánh rừng ươi, lại sẵn vạt đồi chưa trồng cây, anh Triên vào rừng tìm, chọn những gốc ươi già còn sót lại, nhặt hạt về ươm giống. Anh đào hố trên sườn đồi, thả từng cây ươi con, vun đất, tưới tắm với mục tiêu tạo ra một vạt đồi lấp lánh cánh ươi bay. Và, 14 năm đã trôi qua, chàng trai năm nào tóc đã pha sương muối. Anh đã chứng kiến được cảnh ươi bay la đà trên vạt đồi nhà, giữa cao nguyên đầy nắng và gió.
Tha thiết với ươi
Ngắm sườn đồi 1,5 ha với gần 800 cây ươi 14 năm tuổi là một cảnh tượng khó tả. Cây ươi thân thẳng tắp, cao tới 10-12 m, không có cành ngang cành dọc, chỉ có chỏm lá trên ngọn cây. Anh Triên bảo, tới mùa, ươi đậu trên ngọn và không bao giờ rụng. Chỉ tới lúc những cơn mưa đầu tiên rơi xuống, làm mềm đất đai, tấm bao quanh chùm quả mới bung ra, để những hạt ươi bay nhẹ xuống mặt đất. Những hạt nâu nâu ấy gặp đất ẩm, gặp điều kiện thuận lợi sẽ bung chồi, nảy mầm và cả thập kỷ sau sẽ tiếp tục có thêm những lứa ươi bay.
Để thu hoạch ươi kỳ thật không khó. Chọn cây ươi già, làm cây sào dài, móc vào cành và giật khẽ, cả cây ươi sẽ trở mình và nở, bay hết trái. Đặc biệt, ươi bay là bay hết cả cây, không còn trái nào trên cành. Ươi bay, người đứng dưới chỉ việc đi nhặt. Anh bảo, cảnh cả đồi ươi rùng mình, bay phấp phới, thả hàng vạn cây dù nhỏ có cánh bay loay xoay là một trong những cảnh ấn tượng khiến anh tha thiết với đồi ươi. Cây ươi ưa nắng, càng hạn cây càng nhiều hoa, nhiều trái. Những năm mưa nhiều, đồi ươi mất mùa, ít cây cho thu hoạch.
Nhặt hạt ươi mời khách uống thử
Anh kể có năm, anh thu 3 tạ hạt. Với giá ươi Lâm Đồng xấp xỉ 600 ngàn đồng/kg, đồi ươi cho anh 200 triệu đồng. Giá ươi Lâm Đồng tốt hơn hẳn ươi nhập Trung Quốc vì ươi Lâm Đồng tuy nhỏ nhưng chất lượng rất tốt, trái chắc, độ nở đều, đẹp, không sâu mọt.
Để tính đến hiệu quả kinh tế, đồi ươi không thể so với sầu riêng, cây trồng cũng rất thích hợp với đất đồi dốc. Anh Triên bảo, cả đồi ươi không cho thu nhập bằng 70 cây sầu riêng trồng vườn nhà, lại năm được năm thất. Sầu riêng trồng 4 năm đã ra trái, chăm tốt là năm nào cũng được thu hoạch. Còn rừng ươi, anh trồng cả chục năm cây vẫn ngủ yên, không ra hoa, không kết quả. Cũng có lúc anh nản lòng, định chặt quách vườn ươi bán lấy gỗ, đất để trồng sầu riêng, cho thu nhập cao trong tầm tay.
Nhưng bù lại, vườn ươi chịu nắng chịu gió, giúp cho con suối tự nhiên chảy trong vườn được dồi dào nước sạch. Với diện tích khá rộng, vườn ươi như một mảnh rừng độc lập, với nhiều tầng cỏ cây che phủ mặt đất, giữ cho không gian nhà, vườn của gia đình thật đẹp. Đã thành rừng, cây ươi cũng không cần chăm sóc tưới tắm, tạo thành một sinh cảnh độc nhất vô nhị ở đất Đạ PLoa.
Mỗi mùa ươi bay, ngắm những trái ươi la đà trong gió cũng là một niềm vui không nhỏ. Anh bảo, mình trồng cây kiếm ăn cả đời, trồng và giữ vườn ươi để con cháu còn biết cảnh ươi bay. Để dòng suối nhỏ còn giữ được nguồn nước trong mát. Để giữ lại những hình ảnh đẹp, rằng không chỉ vào rừng sâu mới thấy được rừng ươi. Và hơn hết, anh gắn bó với đồi ươi như dấu tích của những tháng năm tuổi trẻ hăng say, đổ mồ hôi lao động trên những sườn đồi gió lộng.