Người dân Quảng Ngãi đội sóng đi hái ‘lộc biển’
TPO – Những ngày đông, biển động, cũng là lúc nhiều người dân ở các làng chài ven biển Quảng Ngãi bước vào mùa hái rong mứt. Thứ rong mọc đầy gành đá, được người dân ví von như “lộc biển”.
Mùa rong mứt rộ từ khoảng tháng 11 đến cuối tháng 3 âm lịch, rong mứt bắt đầu sinh sôi trên những gành đá ven biển. Đó cũng là lúc người dân rủ nhau thu hoạch “lộc biển”. Chịu rét, “đội sóng”, người dân ở các làng chài ven biển có thể hái rong mứt suốt 4-6 giờ, kiếm thêm ít tiền để chi tiêu trong mùa biển động.
Rong mứt khá đặc biệt vì chỉ mọc trên các ghành đá cheo leo, hang hố. Thời điểm loại rong này sinh sôi thường là mùa đông, mưa, sóng lớn phủ nước biển lên các gành đá cùng với thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi để loại rong này phát triển.
Ảnh: Nguyễn Ngọc
Đây cũng là thời điểm biển động dữ dội nên người hái rong mứt phải chấp nhận trước nhiều nguy hiểm, vượt qua những bãi đá trơn, sắc nhọn, lởm chởm, gồ ghề đến các rạn đá sát biển để hái rong. Tay thì cào, hái mắt thì liên tục nhìn về phía biển đề phòng nguy hiểm từ những cơn sóng lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng (trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi), muốn hái được nhiều rong mứt phải ra chỗ đá ngay mép sóng, chứ ở gần trong bờ thì hái không được bao nhiêu, ra xa thì đá rất trơn, sóng vỗ liên tục phủ lên tới cả đầu. Tay thì hái, mắt phải luôn hướng về phía biển đề phòng những con sóng lớn ập vào bờ kéo mình ra mất mạng như chơi.
Rong mứt khá đặc biệt vì chỉ mọc trên các ghành đá cheo leo, hang hố. Thế nên, nghề hái rau mứt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì đá trơn trượt khiến người hái có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Nghề này nguy hiểm mà chủ yếu là phụ nữ làm thôi, đàn ông ít người đi lắm, vì cũng không được bao nhiêu tiền. Rong mứt mọc trên gành đá và chỉ có vào mùa biển động, bởi vậy nên vừa hái rong phải vừa canh sóng. Mới đây cũng có một chị đi hái rong mứt bị sóng cuốn ngã, tử vong”, bà Phượng nói.
Dù đi hái “lộc biển” nhưng không phải ai cũng cần mẫn, kiên trì, đủ sự chăm chỉ để làm nghề này. Người đi hái rong mứt bắt đầu từ 3- 4 giờ sáng, đây là thời điểm thích hợp để người dân đội đèn lọ mọ ra các bãi đá để hái.
Tay thì hái chứ mắt phải luôn hướng về phía biển đề phòng những con sóng lớn ập vào khiến người hái có thể rơi xuống biển bất cứ lúc nào. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Hái rong tùy vào con nước và muốn hái được nhiều thì thường phải thức dậy sớm tầm 3- 4 giờ sáng mang theo đèn pin đội trên đầu để soi, hái đến tầm 10 giờ là nghỉ vì lúc đó rong bắt đầu khô, rất khó hái. Ngày hái vài tiếng, cũng được cả ký bán cũng được 250-300 nghìn đồng cũng đủ đắp đổi qua ngày mưa gió”, bà Phạm Thị Ninh (trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi) chia sẻ.
Hành trang để hái rong mứt khá đơn giản, người dân thường dùng miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay để cạo hay dùng tay để nhổ, một chiếc rá nhựa và một cái xô nhỏ để đựng.
Mỗi kg rong tươi bán với giá từ 250.000 đến 300.000 nghìn đồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo bà Ninh, rong mứt rất sạch, có vị mặn đặc trưng của biển. Rong tươi và khô đều dùng nấu canh, hoặc làm gỏi rất ngon. “Người dân miền biển coi rong mứt là sâm biển. Loại rong này rất hiếm nên nhiều nơi họ phải đặt hàng chúng tôi từ mấy tháng trước. Hái xong mang về nhà là có người đợi để lấy rồi. Nghề này tuy cực nhưng có thêm thu nhập chi tiêu trong thời gian biển động”, bà Ninh chia sẻ.
Rong mứt mọc ở những vị trí nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Cũng không chỉ riêng ở xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi hái rong mứt là nghề khá phổ biến của người dân các vùng ven biển khác như ở xã Bình Châu, Bình Hải, (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).