Người dân Long Hẹ giã biệt cây thuốc phiện
Và gần 3 thập kỷ qua, với sự vào cuộc quyết liệt các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triệt phá cây thuốc phiện và đưa cây, con giống mới vào sản xuất, đến nay những “nương vườn chết” ở vùng đất này đã được thay thế bằng vườn cây táo mèo, cây ăn quả…
1kg thuốc phiện đổi được con trâu mộng
Từ thị trấn Thuận Châu đi xã Long Hẹ, chúng tôi phải vượt qua một quãng đường dài 48km qua đỉnh Copia cao trên 1.500m so với mực nước biển và “cổng trời” Co Mạ với những con dốc đứng ngoằn ngoèo, sương mù dày đặc. Long Hẹ hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh thu nhỏ tươi đẹp giữa đại ngàn Tây Bắc. Kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Những nương vườn ngập tràn cây ăn trái, cây lương thực cho năng suất và giá trị kinh tế cao…
Chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Vàng Giống Xào (sinh năm 1940, ở bản Há Tầu). Ông là một trong những người chứng kiến sự “thay da đổi thịt” ở vùng quê gian khó này. Mặc dù, ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Xào vẫn minh mẫn và khoẻ mạnh.
Đồng bào vùng cao Sơn La được Nhà nước hỗ trợ phát triển cây dược liệu sa nhân, tăng nguồn thu để chống tái trồng cây thuốc phiện. Ảnh: Tuệ Linh
Ông Xào kể: Người Mông ở Long Hẹ bắt đầu trồng thuốc phiện từ những năm 80 đến năm 93 của thế kỷ 20. Trong đó, gia đình ông Xào cũng không ngoại lệ. Thời điểm trồng rầm rộ nhất là từ năm 1989 đến năm 1993. Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch xong mùa màng, tháng 10 âm lịch là khi bà con bắt đầu gieo trồng cây thuốc phiện với rau cải mèo và thu hoạch vào tháng 3 năm sau.
Ông Xào cho biết, cây thuốc phiện trồng ở Long Hẹ cho chất lượng thuốc phiện ngon nhất trong tất cả các vùng. Mỗi năm, trung bình một hộ thu được 3 – 4kg nhựa thuốc phiện. Cá biệt, có nhiều hộ ở bản Pú Chắn thu được 5kg nhựa thuốc phiện/vụ.
“Chúng tôi dùng thuốc phiện đổi lấy vải, muối, mì chính, tiền… Thời bấy giờ, 1kg nhựa thuốc phiện bán được 300.000 đồng. Nhiều hộ dùng 1kg thuốc phiện đổi được cả con trâu mộng của đồng bào Thái ở vùng thấp” – ông Xào bảo vậy.
Ngược dòng thời gian về một thời đau buồn do cây thuốc phiện gây ra, bà Hờ Thị Ly (ở bản Há Tàu) buồn rầu nhớ lại: “Gia đình tôi cũng như tất cả các hộ khác ở đây, có bao nhiêu diện tích đất thì đều dùng để trồng thuốc phiện. Chỉ cần có thuốc phiện thì muốn cái gì có cái đó, nên nhà nhà đều trồng thuốc phiện”. Mùa Xuân đến, khắp các bản trên, bản dưới, chỗ nào cũng chỉ thấy bạt ngàn hoa thuốc phiện nở. Cũng chính loài cây này đã khiến gia đình bà rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà. Chồng bà Ly – ông Vàng Súa Và cũng trở thành người nghiện và mất sớm.
Gian nan hành trình triệt phá thuốc phiện
Ông Thào Trường Sa – nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hẹ, là một trong những người có công triệt phá cây thuốc phiện tại mảnh đất này, cho biết: Từ năm 89 đến đầu những năm 90, ở Long Hẹ người dân trồng cây thuốc phiện như trồng lúa, trồng ngô, cây ăn quả bây giờ.
Chỉ tay về phía trang trại nuôi gia súc, gia cầm, ông Sa tâm sự: “Trước năm 1993, toàn bộ diện tích này là bạt ngàn cây hoa anh túc. Cả bản Long Hẹ nơi tôi đang ở, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Diện tích cây thuốc phiện trên địa bàn xã tăng lên một cách nhanh chóng. Người dân bỏ bê nương lúa, nương ngô. Nhà nào thiếu đồ dùng hay thích cái gì chỉ cần mang thuốc phiện ra đổi là có. Cùng với đó, tỷ lệ người nghiện tăng lên đáng kể, an ninh trật tự ngày càng phức tạp…
“May mắn với chúng tôi, đúng vào thời điểm đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/CP năm 1993 và tháng 11/1996 Ban Chấp hành T.Ư ra Chỉ thị 06/CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; yêu cầu vận động, thuyết phục đồng bào miền núi dứt khoát thôi trồng và xoá bỏ hoàn toàn việc trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, chuyển sang trồng các loại cây khác” – ông Sa nhớ lại.
Để thuyết phục người dân làm theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, năm 1993, ông Sa cùng với lãnh đạo xã Long Hẹ đã tiên phong phá bỏ cây thuốc phiện trên những mảnh nương vườn của gia đình. “Những năm 1993 -1994, chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện Thuận Châu vào bản Cán Tỷ vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện. Đoàn gồm 80 người là lãnh đạo huyện, công an, bộ đội do anh Cà Văn Chiu lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu làm Trưởng đoàn. CánTỷ là bản xa và khó khăn nhất của xã Long Hẹ. Thời điểm đó, rừng rú còn nhiều nên chỉ có một con đường mòn duy nhất dẫn vào bản. Biết đoàn công tác vào triệt phá cây thuốc phiện nên bà con dân bản tụ tập lại, làm hàng rào chắn kiên quyết không cho chúng tôi vào. Chúng tôi phải ăn rừng, ngủ rừng 3 – 4 ngày để tìm cách vào, tiếp xúc, vận động bà con” – ông Sa nhớ lại.
Cũng theo ông Sa, cán bộ đã kiên trì bám dân, khuyên nhủ bà con bỏ cây thuốc phiện chuyển hướng sang canh tác các loại cây trồng khác. Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để đảm bảo đời sống của bà con… Thấy được và nhận được nhiều lợi ích nên dần dà người dân Long Hẹ đã từ bỏ được thói quen trồng cây thuốc phiện. Đầu những năm 2.000, cây thuốc phiện trên địa bàn xã Long Hẹ đã cơ bản bị triệt phá. Đến nay, người dân không còn tái trồng cây thuốc phiện nữa.