Người cao tuổi là gì? Bao nhiêu tuổi thì được coi là người cao tuổi?

Người cao tuổi là nhóm người chiếm tỉ lệ đông đảo trong xã hội hiện nay. Vậy người cao tuổi là gì? Bao nhiêu tuổi thì được coi là người cao tuổi? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

1. Người cao tuổi là gì? Bao nhiêu tuổi thì được coi là người cao tuổi?

Tính đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, mọi người thường dùng thuật ngữ “người già” để chỉ những người có tuổi, còn hiện nay thì thuật ngữ “người cao tuổi” đã và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn. Hai thuật ngữ trên tuy không khác nhau về mặt khoa học, song xét về tâm lý, “người cao tuổi” lại là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng hơn.

Theo các quan điểm về y học thì người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa, gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Một số nước phát triển quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Các quy định về độ tuổi ở mỗi nước sẽ có sự khác nhau bởi vì độ tuổi dân số phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì thường tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao.

Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì “người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Như vậy, ở Việt Nam, những người tử đủ 60 tuổi trở nên sẽ được coi là người cao tuổi.

 

2. Đặc điểm của người cao tuổi

Nhìn chung, người cao tuổi trong xã hội hiện nay thường mang một số nhóm đặc điểm cụ thể như sau:

  • Nhóm đặc điểm về nhân khẩu học của người cao tuổi: (i) Quy mô người cao tuổi trên thế giới ngày càng lớn, tốc độ gia tăng dân số cao tuổi ngày càng mạnh và nhanh hơn các nhóm tuổi khác và số người cao tuổi tại các nước tăng nhanh; (ii) Già hóa dân số còn đang tiến triển ngay trong bản thân nhóm dân số cao tuổi; (iii) Có sự khác biệt lớn về phân bố của dân số cao tuổi giữa các nước phát triển và đang phát triển.
  • Nhóm đặc điểm về sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi: Người cao tuổi có sự đáp ứng kém nhanh nhạy, khả năng tự điều chỉnh và thích nghi cũng giảm dần theo độ tuổi. Người cao tuổi cũng thường gặp những thay đổi về tâm sinh lý. Theo đó, khi  bước qua độ tuổi 60, cả cơ thể và tinh thần sẽ đều thay đổi, da nhăn, tóc bạc, đi đứng cũng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, sức yếu cùng với xuất hiện những tâm lý cô đơn, bi quan, nóng nảy, đa nghi, … Đồng thời những khủng hoảng tâm lý cũng sẽ càng ngày càng tăng lên theo tuổi tác.
  • Nhóm đặc điểm về kinh tế, xã hội của người cao tuổi: Người cao tuổi thường trở lại giai đoạn phải lệ thuộc vào gia đình vì khi tới tuổi cao, khả năng làm việc của người cao tuổi giảm bớt do cơ thể lão hóa, đồng thời lại nảy sinh những bệnh liên hệ tới tuổi già, khiến người cao tuổi mất khả năng tự túc, tự tồn, thậm chí mất cả khả năng hiểu biết.

 

3. Chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

“1. Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

2. Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

4. Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khỏe; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

6. Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

7. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

8. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Bên cạnh những chính sách được quy định kể trên, người cao tuổi còn được hưởng một số chính sách đặc thù, cụ thể như sau:

  • Là đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đã liệt kê các trường hợp người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, bao gồm:

– Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

– Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP mà đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

– Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

– Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

  • Là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế:

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đã đề cập rằng người cao tuổi chính là người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật và được hưởng ngân sách do Nhà nước đóng.

  • Là đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh:

Theo quy định tại Điều 12 Luật Người cao tuổi năm 2009, thì việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi được thực hiện như sau:

– Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng;

– Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) phải có trách nhiệm sau: Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình; và kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi. Mặt khác, Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.

  • Là đối tượng được hưởng chính sách chúc thọ, mừng thọ:

Cũng là quy định trong Luật Người cao tuổi năm 2009, cụ thể là tại Điều 21 thì: Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà; Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau: Ngày người cao tuổi Việt Nam; Ngày Quốc tế người cao tuổi; Tết Nguyên đán; và sinh nhật của người cao tuổi.

Kinh phí thực hiện việc chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi do ngân sách nhà nước đảm bảo cùng nguồn đóng góp của xã hội.

  • Là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tổ chức tang lễ và mai táng:

Theo đó, Điều 22 Luật Người cao tuổi năm 2009 đã quy định về việc tổ chức tang lễ và mai táng khi người cao tuổi chết cụ thể như sau:

– Khi người cao tuổi chết, người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi có trách nhiệm chính trong việc tổ chức tang lễ và mai táng cho người cao tuổi theo nghi thức trang trọng, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; trường hợp người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này không có điều kiện tổ chức tang lễ và mai táng thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở bảo trợ xã hội nơi người cao tuổi cư trú chủ trì phối hợp với Hội người cao tuổi và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tang lễ và mai táng.

– Khi người cao tuổi chết, cơ quan, tổ chức nơi người cao tuổi đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của người cao tuổi, Hội người cao tuổi, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức đoàn thể tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với gia đình người cao tuổi tổ chức tang lễ và mai táng.

 

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về người cao tuổi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới bài viết hoặc các vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 để được Luật sư tư vấn miễn phí.