Người bị mèo cắn không chảy máu cần phải làm gì?
Hỏi
Chào bác sĩ,
Cháu bị mèo nuôi trong nhà cắn ở vùng mặt trong khủy tay trái, có trầy xước và không chảy máu. Cháu đã xử lý vết thương bằng nước sạch và dùng dịch sát khuẩn, mèo không có biểu hiện gì lạ. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi người bị mèo cắn không chảy máu cần phải làm gì? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Người bị mèo cắn không chảy máu cần phải làm gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Mèo của bạn đang nuôi và không có biểu hiện gì của tình trạng đau ốm. Bạn cũng đã biết xử lý vết thương khi bị mèo cắn, điều đó rất tốt. Khi bị mèo cắn, các nguy cơ nhiễm bệnh như nhiễm trùng vết thương, bị uốn ván, bị bệnh dại do mèo truyền vào có thể xảy ra. Vì không có thông tin về việc bạn đã bị mèo cắn bao nhiêu ngày, tình trạng vết thương hiện tại có biểu hiện bất thường như sưng nóng đỏ,… nên bác sĩ chưa thể tư vấn chính xác cho bạn được.
Tốt nhất, bạn nên khám bác sĩ để được đánh giá lại vết thương xem có cần uống kháng sinh hay không, cần thiết tiêm vắc-xin dại, kháng huyết thanh phòng bệnh uốn ván, bệnh dại hay không. Nhân tiện, bác sĩ cũng cung cấp một số thông tin đơn giản để bạn có thể xử lý ngay vết thương do mèo cắn trước khi đến bệnh viện:
- Khi bị mèo cắn việc đầu tiên đó là phải xử lý vết thương thật sạch bằng xà phòng dưới vòi nước đang xả mạnh. Dù có bị mèo cắn chảy máu nhiều hay ít thì bạn vẫn cần xử lý vết thương bằng cách rửa dưới vòi nước chảy mạnh trong 10 phút đầu, để máu chảy không nên cầm máu.
- Sau khi đã rửa sạch hãy sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, hoặc bôi thuốc khử khuẩn lên vết mèo cắn. Tiếp theo dùng miếng vải mềm, sạch phủ lên vết thương và băng nhẹ lại, tránh việc băng kín vết thương bị mèo cắn. Tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập khi sơ cứu vết thương. Tiêm phòng dại, tiêm phòng uốn ván.
- Khi bị mèo cắn, nhớ đến gặp bác sĩ trước 48 giờ để có việc xử lý và điều trị vết thương được đảm bảo.
- Sau khi đã xử lý vết thương khi bị mèo cắn tại nhà, bạn nhất định phải đi đến cơ sở y tế để được khám chữa sớm nhất. Bác sĩ sẽ xem xét vết thương và quyết định có nên tiêm vắc-xin uốn ván, vắc-xin ngừa dại và huyết thanh dại hay không? Nếu vết cắn nhẹ, xa nơi thần kinh trung ương thì có thể tiêm uốn ván và theo dõi con vật đã cắn.
- Nếu bạn bị cắn tại những nơi gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục,… thì phải tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại ngay.
Nếu bạn còn thắc mắc về người bị mèo cắn không chảy máu, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!