Người áp lực nhất nhóm nhạc

Trong một nhóm nhạc, mỗi thành viên đều có vai trò riêng. Trong đó, trưởng nhóm là vị trí khó khăn hơn cả khi phải gánh vác trách nhiệm và lợi ích của cả tập thể.

Là một trong những vị trí quan trọng và khó khăn nhất, trưởng nhóm luôn được các công ty lựa chọn kỹ. Người được bổ nhiệm ở vị trí này phải là cá nhân được tin tưởng và có sức ảnh hưởng nhất nhóm.

Tuy nhiên, vẫn có số ít nhóm nhạc hoạt động không có người lãnh đạo, điển hình là BlackPink. Giải thích về điều này, nhóm nữ nhà YG cho biết mỗi thành viên đều có vai trò quan trọng ngang nhau cũng như sở hữu tố chất phù hợp vị trí trưởng nhóm. Bởi vậy, thay vì cố chọn một người lãnh đạo, họ quyết định cùng nhau hoạt động dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau.

Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 1Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 2Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 3Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 4

BlackPink và iKON là hai nhóm hiện hoạt động không có trưởng nhóm. Ảnh: Naver.

Khác với BlackPink, iKON hoạt động không có trưởng nhóm chỉ sau khi B.I rời nhóm vào năm 2019. Các thành viên quyết định để trống vị trí bởi không ai phù hợp và đủ khả năng đảm nhận ngoài B.I.

Gánh vác trách nhiệm lớn nhất

Trang Soompi nhận định mỗi mảnh ghép trong nhóm nhạc đều có nhiệm vụ và tầm quan trọng riêng. Tuy nhiên, trưởng nhóm là người phải gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất dù trong bất kể hoàn cảnh nào. Nếu center cho thấy hình ảnh và diện mạo của nhóm, leader lại là người đại diện cho trí tuệ, sự chuyên nghiệp cũng như cách hành xử của cả tập thể trước công chúng.

Sở dĩ RM được truyền thông cũng như người hâm mộ khen ngợi là “trưởng nhóm của những trưởng nhóm” bởi anh luôn thể hiện sự thông minh, nhạy bén trong cách giải quyết các vấn đề dù ở ngoài đời hay trên sân khấu.

Bên cạnh đó, RM cũng cho thấy sự hiểu biết rộng về mọi lĩnh vực đời sống qua các show thực tế của nhóm.

Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 5Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 6Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 7Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 8

Trưởng nhóm RM là niềm tự hào của BTS. Ảnh: Naver.

Trưởng nhóm thường là người đại diện phát ngôn cho tập thể. Bởi vậy, khả năng diễn thuyết được coi là một trong những yếu tố cần có ở người lãnh đạo. Điều này được thể hiện rất rõ ở trưởng nhóm BTS. Không chỉ sở hữu khả năng diễn đạt vượt trội bằng nhiều ngôn ngữ, RM còn được khen ngợi bởi sự trau chuốt và chuyên nghiệp trong từng câu nói. Mỗi bài phát biểu của trưởng nhóm BTS, dù bằng tiếng Hàn hay Anh luôn thể hiện được sự logic và tính thuyết phục với người nghe.

Tháng 9/2018, RM đã đại diện cho BTS – nghệ sĩ Kpop duy nhất được vinh dự phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Trong bài phát biểu dài 6 phút hoàn toàn bằng tiếng Anh, nam idol sinh năm 1994 đã truyền tải những thông điệp tích cực mà anh muốn hướng đến thế hệ trẻ, thức tỉnh trái tim của nhiều người trên thế giới. Cũng chính từ sự kiện này, RM đã giúp thế giới có cái nhìn khác về những thần tượng Kpop đồng thời khẳng định đẳng cấp mang tên BTS.

Theo Koreaboo, vai trò của leader không thể diễn đạt cụ thể hay được nhìn nhận rõ ràng, nhưng dù trên sân khấu hay ngoài đời thực, trưởng nhóm luôn là người đứng ra giải quyết những sai lầm hay sự cố của nhóm. Thậm chí, nếu nhóm thất bại, họ cũng phải gánh vác một phần trách nhiệm.

Mới đây, Tae Yong bất ngờ chia sẻ những suy nghĩ và trăn trở của anh với tư cách là trưởng nhóm NCT. Nhóm hiện có 4 đơn vị nhỏ gồm NCT U, NCT 127, NCT Dream và WayV. Sự phổ biến của NCT dẫn đến việc mở rộng quy mô thêm hai đơn vị là NCT Hollywood và NCT Tokyo.

Với tư cách là người dẫn dắt 22 thành viên hiện tại, Tae Yong cảm thấy áp lực sau khi giáo viên nói rằng nếu NCT thất bại, đó là lỗi của anh. Đã là người đứng đầu một nhóm, nếu chỉ riêng bản thân tốt là chưa đủ. Trưởng nhóm phải đảm bảo các thành viên đều đạt kết quả tương tự, không để ai thụt lùi hoặc chênh lệch quá nhiều so với mặt bằng chung.

Trong những chương trình sống còn tuyển chọn nhóm nhạc, leader luôn là vị trí được lựa chọn đầu tiên khi bắt đầu xây dựng đội hình. Ở mỗi buổi đánh giá, khi có thành viên mắc lỗi, người bị các huấn luyện viên khiển trách đầu tiên chính là nhóm trưởng.

Jay B – người dẫn dắt GOT7 từ những ngày đầu tiên chia sẻ lý do từng không muốn đảm nhận vị trí lãnh đạo: “Khi có sự cố, tôi buộc phải chịu trách nhiệm với công ty và cả các thành viên trong nhóm. Tôi rất sợ và áp lực khi phải gánh vác trách nhiệm lớn khi còn quá trẻ. May sao, GOT7 nhận được nhiều tình cảm của khán giả”.

Thực tế, xung đột, mâu thuẫn là điều chắc chắn xảy ra khi làm việc nhóm. Dù nhóm chỉ có hai hay nhiều người vẫn có thể xảy ra mâu thuẫn. Vì mỗi cá nhân đều có những quan điểm riêng. Khi đó, tầm quan trọng của trưởng nhóm sẽ được thể hiện qua vai trò là người hòa giải và gắn kết các mối quan hệ.

Để có thể là cầu nối cho các thành viên, thủ lĩnh cần thấu hiểu, kiên nhẫn, lắng nghe và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho mỗi người. BTS từng nhiều lần nói về tầm quan trọng của RM trong việc tạo nên nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu. Không chỉ đóng vai trò là “bộ não” của nhóm, rapper sinh năm 1994 còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của cả nhóm.

Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 9Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 10Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 11Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 12

Trưởng nhóm luôn phải gánh vác trọng trách lớn nhất. Ảnh: Naver.

Hơn nữa, khi hoạt động trong nhóm, sự chênh lệch về mức độ nổi tiếng giữa các thành viên cũng là điều không thể tránh khỏi.

Tae Yong từng tiết lộ anh cảm thấy lo lắng khi người hâm mộ chỉ ủng hộ cho từng cá nhân thay vì cả nhóm. Điều này khiến các thành viên kém nổi cảm thấy tự ti và hoài nghi về năng lực của bản thân.

Bởi vậy, anh đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ và hy vọng khán giả có thể dành sự yêu thương cho tất cả thành viên vì họ đều tài năng và chăm chỉ. Với cương vị là nhóm trưởng, nam idol sinh năm 1995 cho biết anh luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên bất cứ khi nào họ cần.

Việc gánh vác trách nhiệm nặng nề từ nhiều phía đã tạo nên những trưởng nhóm mạnh mẽ và trưởng thành, dù tuổi đời còn trẻ. Là một nhà lãnh đạo, JR trân trọng việc mọi người trong nhóm coi anh là chỗ dựa tinh thần, bởi điều đó giúp anh thoát khỏi ý nghĩ bỏ cuộc.

Chịu thiệt thòi nhất

Park Jin Young từng chia sẻ: “Đức hy sinh là điều quan trọng nhất mà trưởng nhóm cần có, không gì khác. Có áo đẹp thì để người khác mặc trước, đồ ăn ngon cũng phải nhường người khác nếm trước”.

Sở dĩ RM luôn được coi là hình mẫu trưởng nhóm lý tưởng bởi anh luôn đặt lợi ích của nhóm lên hàng đầu và dẫn dắt các thành viên vượt qua nhiều thời điểm khó khăn ngay từ những ngày đầu ra mắt. Khi Chủ tịch Bang buộc RM phải quyết định hoạt động nhóm hay solo, anh đã không ngần ngại chọn BTS. Hành động này thay cho lời khẳng định chắc chắn BTS luôn là ưu tiên hàng đầu với RM.

Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 13Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 14Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 15Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 16

Trưởng nhóm luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Ảnh: Twitter.

Với vai trò là người kết nối và tạo động lực cho các thành viên, trưởng nhóm không thể yếu đuối hay có suy nghĩ tiêu cực trước các thành viên. Bởi mọi cảm xúc của người đứng đầu đều có thể gây ảnh hưởng đến tinh thần của cả tập thể.

Thời kỳ đầu khi mới debut, BTS từng vướng phải nhiều chỉ trích, miệt thị từ khán giả. Với cương vị leader, RM luôn phải tỏ ra mạnh mẽ bởi nếu ngay cả trưởng nhóm cũng gục ngã, các thành viên sẽ không biết nương tựa vào ai.

Tuy nhiên, chính việc che giấu cảm xúc cá nhân đã khiến nhiều trưởng nhóm cảm thấy cô độc và dần khép mình hơn theo một cách nào đó.

Lee Teuk từng nói: “Tôi yêu công việc của một trưởng nhóm. Nhưng điều khó khăn nhất trong những ngày này là tôi cũng muốn được người khác an ủi. Bởi là trưởng nhóm, tôi không thể dễ dàng nói ra những điều như mọi thứ thật khó khăn quá”.

Anh nói thêm: “Quản lý hiểu tôi rất rõ nên bất cứ khi nào gặp khó khăn hoặc cảm thấy mệt mỏi, anh ấy sẽ hỏi ngay lập tức ‘Có chuyện gì vậy? Nếu em cảm thấy mệt mỏi thì các thành viên khác cũng sẽ mệt mỏi theo đấy? Trong quá khứ, những lời đó từng khiến tôi trở nên quyết tâm hơn nhưng gần đây tôi chỉ muốn nghe những lời như: Khó khăn quá phải không? Cố lên. Đôi khi, tôi thật sự cần những lời động viên đó”.

Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 17Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 18Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 19Ganh nang voi truong nhom Kpop anh 20

Trưởng nhóm đóng vai trò là trụ cột tinh thần của các thành viên. Ảnh: Naver.

Trở nên nổi tiếng đều là mong muốn của mỗi thần tượng. Thế nhưng, trưởng nhóm thậm chí phải hy sinh cả cơ hội được khán giả biết đến nhiều hơn cho các thành viên khác. Đó cũng là lý do nhiều leader dù hội tụ mọi yếu tố về tài năng, ngoại hình, họ vẫn là thành viên kém nổi nhất nhóm.

JR là thành viên có cả ngoại hình, kỹ năng cũng như sức hút không thua kém các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, anh luôn dành cơ hội tỏa sáng cho các thành viên khác và lùi về sau với vai trò hỗ trợ. Bởi vậy, trước khi NU’EST nổi tiếng, JR từng bị đánh giá mờ nhạt. Mãi đến khi tham gia Produce 101 và nổi tiếng, anh mới được khán giả chú ý.

Thế nhưng, đối với những người đảm nhận vai trò lãnh đạo, thành công lớn nhất của họ không phải sự nổi tiếng của bản thân mà là thành tựu của cả nhóm. Bởi vậy, chỉ khi nhóm nổi tiếng, khả năng của những người lãnh đạo mới thực sự được ghi nhận.