Ngụ ngôn, hài hước: Túi khôn Trung Hoa by Dong A Sang – Ebook | Scribd

NGỤ NGÔN, HÀI HƯỚC-TÚI KHÔN TRUNG HOA

By Đông A Sáng

Copyring Đông A Sáng

Smaswords Edition.

Chương một:KHÁI QUÁT VỀ NGỤ NGÔN–HÀI HƯỚC

Chương hai:TIÊN TẦN

Chương ba:HÁN, NGỤY, TẤN, NAM BẮC TRIỀU, TÙY ĐƯỜNG, NGŨ ĐẠI, TỐNG, NGUYÊN

Chương bốn:MINH – THANH

SÁCH THAM KHẢO

MỤC LỤC

AUTHOR- ĐÔNG A SÁNG

Chương một:KHÁI QUÁT VỀ NGỤ NGÔN HÀI HƯỚC TRUNG HOA.

I. NGỤ NGÔN:

1. THEO TỪ HẢI:

Ngụ ngôn là một thể tài của tác phẩm văn học, mục đích khuyên răn, can gián ; kết cấu của ngụ ngôn phần nhiều là ngắn ; nhân vật của truyện là người, là loài vật hoặc không phải loài vật ; ngụ ngôn mượn mình để ám chỉ đến người khác, mượn chuyện xa để nói chuyện gần, mượn chuyện xưa đề cập chuyện nay, mượn cái nhỏ nói cái lớn, trong những mẩu chuyện đơn giản ẩn chứa những đạo lí sâu xa.

2. THEO LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC:

Là truyện dân gian:

Ngụ ngôn bắt nguồn từ dân gian, là những sáng tác truyền miệng trong dân gian, là một bộ phận văn học của dân gian, xuất hiện rất sớm trong lịch sử Trung Hoa.

Đến thời Chiến quốc, truyện ngụ ngôn được phổ biến rất rộng rãi đến mọi tầng lớp trong xã hội : các nhà chính trị ; các bậc đại thần, các nhà ngoại giao ; các nhà du thuyết, các triết gia ; các nhà binh pháp.

Song song với thói quen dùng ngụ ngôn của nhiều tầng lớp trong xã hội, các truyện ngụ ngôn cũng dần đi vào kinh điển, sách sử, binh thư, tiểu thuyết, truyện tiếu lâm của Trung Hoa, từ Chiến quốc cho đến thời Minh – Thanh.

Tương tự những bộ phận văn học dân gian khác (thần thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca), ngụ ngôn cũng ảnh hưởng văn chương bác học, càng ngày càng trở nên phong phú.

Ngụ ngôn là tài sản chung của một dân tộc, của nhân loại, nên có những cốt truyện giống nhau, nhiều người sử dụng với những mục đích khác nhau, nhiều sách vở có thể kể một câu chuyện giống nhau.

Là một loại tỉ dụ:

Ngụ ngôn có tính độc lập tương đối, thường được tách ra thành một chuyện hoàn chỉnh được dùng trong các tác phẩm văn chương của bách gia chư tử và những tác phẩm sau này.

Một mặt, nó tăng thêm vẻ sáng sủa của ngôn từ, mặt khác nó có thể tránh được các điều cấm kị dễ gặp khi cần nói thẳng.

Thông thường, ngụ ngôn giàu hình ảnh, ý tứ nổi bật, gây ấn tượng khó quên.

Nói cách khác, ngụ ngôn là một trong những thủ pháp nghệ thuật của các nhà sáng tác văn chương Trung Hoa.

3. THEO TRANG TỬ :

Nam hoa kinh:

Trang Tử đã giành một chương để nói về ngụ ngôn, trọng ngôn và chi ngôn : Trong cuốn sách này (Nam hoa kinh), ngụ ngôn chiếm chín phần mười, trọng ngôn chiếm bảy phần mười trong chín phần mười đó, một phần mười là chi ngôn, tùy cơ ứng biến, mỗi ngày một khác nhưng vẫn hợp với cái lí của tự nhiên.

Ngụ ngôn:

Ngụ ngôn chiếm chín phần mười là mượn việc hay người ngoài để luận (vì tự mình nói ra thì nhiều người không tin).

Chẳng hạn, cha không đích thân mà nhờ bà mai hỏi vợ cho con, vì cha khen con mình thì người ngoài không tin bằng người ngoài khen nó.

Người cha làm như vậy, không có lỗi gì cả, tâm lí mọi người như vậy thì phải theo.

Nói cách khác, ngụ là ở, là gửi, là mượn, mượn lời người khác nói thay cho mình.

Trọng ngôn:

Trọng ngôn chiếm bảy phần mười (của ngụ ngôn) vì muốn ngăn những lời tranh biện của thiên hạ, nên phải dẫn lời của các bậc tiền bối.

Nói cách khác, những lời nói mà thiên hạ cho là đáng tin như lời của Hoàng Đế, Khổng Tử, Lão Tử, Nhan Hồi hoặc những nhân vật có tiếng tăm trong lịch sử.

Chi ngôn:

Là tùy cơ ứng biến, mỗi ngày mỗi khác nhưng vẫn hợp lí với tự nhiên, suy diễn ra hoài cho đến suốt đời.

Nói cách khác, chi ngôn xuất hiện mỗi ngày là tùy theo hoàn cảnh, hợp với lí tự nhiên để truyền đạo lí.

II. HAI LOẠI NHÂN VẬT

Căn cứ vào các truyện được trích dẫn, chúng tôi tạm chia nhân vật truyện thành hai loại :

Một, nhiều tầng lớp người trong xã hội : vua chúa, quan lại, nông dân, thương nhân, thư sinh, thầy thuốc, hoà thượng, đạo sĩ, đánh xe, đồ tể, người giàu, kẻ nghèo.

Hai, những con vật, đồ vật được nhân cách hoá : rồng, cọp, rắn, chim, chuột ; những đồ vật như tượng gỗ, tượng đất.

Như Trang Tử đã nói về trọng ngôn : Đôi khi chúng ta nói ra, người ta không tin, nên phải mượn lời của những người đi trước (thánh nhân, hiền nhân, vua chúa) để nói, thì người ta mới tin.

Tức là đôi khi những nhân vật trong truyện ngụ ngôn không phải là nhân vật có thật, mà đó là những nhân vật tưởng tượng, hư cấu.

III. NỘI DUNG VÀ MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG NGỤ NGÔN:

Nội dung truyện ngụ ngôn rất phong phú, có nhiều tầng nghĩa, nên được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau :

1. Các triết gia (Trang Tử, Mạnh Tử, Liệt Tử) dùng ngụ ngôn để nêu lên học thuyết của mình.

2. Các nhà chính trị (Quản Trọng, Án Anh, Mạnh Tử) nêu cách cai trị đất nước, hoặc can gián các vua chúa.

3. Các nhà ngoại giao (Án Anh) ứng dụng vào trong ngoại giao, giữ gìn quốc thể, giữ thể diện trong giao tiếp.

4. Các nhà du thuyết (Chiến Quốc sách) dùng để thuyết phục các vua chúa nên dùng chiến lược, mưu kế của mình hoặc dâng sách lược, mưu kế cho các vua chúa.

5. Chỉ trích những thói hư tật xấu của con người : chủ quan, bảo thủ, thói keo kiệt, tự cao tự đại, nịnh bợ, giả dối.

6. Phản ánh những điều ngang trái, nhân tình thế thái trong xã hội : người trung thực bị kẻ giảo hoạt lợi dụng, kẻ dối trá hưởng nhiều lợi lộc, người thật thà chịu thiệt thòi.

7. Những kinh nghiệm, những bài học khôn ngoan giúp người ta thêm vốn sống ở đời.

Nội dung ngụ ngôn rất phong phú, mỗi câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng phản ánh được những khía cạnh của đời sống.

Bấy nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu cảnh đời, là bức tranh xã hội sinh động của mấy nghìn năm của Trung Hoa được thu gọn vào mấy trăm trang sách.

Mỗi chuyện ngụ ngôn có nhiều tầng nghĩa khác nhau, có nhiều công dụng khác nhau ; tùy theo kinh nghiệm sống, tùy cách suy nghĩ, tùy theo hoàn cảnh, mà mỗi người có những suy luận khác nhau, tìm ra ý nghĩa khác nhau.

IV. TRUYỆN NGỤ NGÔN – THẦN THOẠI,TRUYỀN THUYẾT

VÀ TRUYỀN THUYẾT LỊCH SỬ:

Theo các nhà nghiên cứu, khó mà phân biệt được ranh giới giữa truyện ngụ ngôn với thần thoại, truyền thuyết và truyền thuyết lịch sử ; do ba nguyên nhân :

Một, ngụ ngôn với thần thoại, truyền thuyết có chung một nguồn gốc (bắt nguồn từ dân gian).

Hai, ngụ ngôn và thần thoại, truyền thuyết đều được thể hiện bằng phương pháp nhân cách hoá và bút pháp khoa trương.

Ba, một số nhà sáng tác đã dùng truyền thuyết, thần thoại, hoặc truyền thuyết lịch sử, từ đó nhào nặn, thêm thắt, thành chuyện ngụ ngôn.

Ví dụ : Những truyện ngụ ngôn của Trang Tử rất gần gũi với thần thoại và truyền thuyết. Những truyện ngụ ngôn của Hàn Phi Tử thì lại gần gũi với truyền thuyết lịch sử.

V. NGỤ NGÔN VÀ HÀI HƯỚC:

Như đã nêu ở trên, chuyện ngụ ngôn thường dùng lối khoa trương phóng đại, nêu ra những mâu thuẫn bất ngờ ; hư hư, thực thực ; nửa đùa, nửa thực, nên ngụ ngôn rất gần gũi với chuyện hài hước (u mặc), tiếu lâm.

Ranh giới giữa ngụ ngôn và truyện hài hước, tiếu lâm rất mong manh, đôi khi không phân biệt được truyện hài hước, tiếu lâm hay ngụ ngôn. Vì vậy, có nhiều tác giả trích những chuyện tiếu lâm xếp vào thể loại ngụ ngôn.

Đọc những truyện ngụ ngôn, chúng ta cảm thấy rất lí thú và không khỏi bật cười, có tiếng cười rất sảng khoái, có tiếng cười ưu tư ; có thể cười người nhưng cũng có thể tự cười mình.

Tiếng cười sảng khoái làm cho chúng ta quên mệt nhọc, lao khổ, lọc bớt những u ám trong tâm hồn, khôn ngoan hơn và vui sống.

VI. NGỤ NGÔN VÀ THÀNH NGỮ, NGẠN NGỮ, CÁCH NGÔN:

Qua quá trình lưu truyền và sàng lọc, những tên truyện ngụ ngôn đã được đúc kết, tinh luyện thành những thành ngữ, ngạn ngữ và cách ngôn.

Ví dụ : Ngu Công dời núi, Cò trai tranh nhau ngư ông đắc lợi, Bào Đinh mổ bò, Vẽ rắn thêm chân, Cáo mượn oai cọp, Nhất tiễn song điêu, Ếch ngồi đáy giếng.

VII. SỰ PHÂN CHIA THỜI KÌ:

Theo Vương Chấn, tác giả cuốn Ngụ ngôn cố sự, chia những ngụ ngôn được trích trong các tác phẩm văn chương Trung Hoa làm ba thời kì :

1. TIÊN TẦN

Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu : Quản Trọng, Án Tử, Tôn Tử, Mặc Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Thận Tử, Doãn Văn Tử, Hàn Phi Tử, Vu Lăng Tử, Lã Thị Xuân Thu, Chiến quốc sách.

2. HÁN, NGỤY, TẤN, NAM BẮC TRIỀU, TÙY, ĐƯỜNG, NGŨ ĐẠI, TỐNG, NGUYÊN:

Các tác phẩm tiêu biểu : Hàn thi ngoại truyện, Hoài Nam tử, Sử kí, Thuyết phạm, Thuyết uyển, Tân tự, Luận hành, Phong tục thông, Kim lâu tử, Xuất diệu kinh.

3. MINH, THANH

Các tác phẩm tiêu biểu : Úc Ly tử, Tạp ngôn, Ứng giai lục, Tiếu lâm, Tiếu phủ, Tuyết đào tiểu thuyết, Luận hành, Ngự trai chí tập.

Chương hai:THỜI TIÊN TẦN.

1. LÀM HÀNG RÀO CHUỒNG NGỰA (Quản Tử)

Một lần, Tề Hoàn Công đi xem xét chuồng ngựa, hỏi người coi chuồng ngựa :

– Làm hàng rào chuồng ngựa có khó không ?

Người coi chuồng ngựa ấp úng, không dám trả lời. Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng. Quản Trọng tâu :

– Làm hàng rào chuồng ngựa, khó là chọn cây cọc. Chọn cây cọc thứ nhất cong, chọn cây cọc thứ hai cong, thì những cây cọc khác thẳng cũng vô ích. Chọn cây cọc thứ nhất thẳng, chọn cây cọc thứ hai thẳng, thì những cây cọc tiếp theo đều ngay hàng thẳng lối.

Tề Hoàn Công hiểu ra.

LẠM BÀN

Quản Trọng mượn chuyện chọn cọc gỗ để nói về công việc và thuật dùng người : Mọi sự vật khó là chỗ bắt đầu, bắt đầu cẩn thận thì thành công, bắt đầu không cẩn thận thì thất bại.

Dùng những người có tính ngay thẳng, chính trực thì làm nên sự nghiệp, dùng người có tính cong queo, lươn lẹo thì mọi việc không thành công.

2. CỌP SỢ NGỰA (Quản Tử)

Một hôm, Tề Hoàn Công cưỡi ngựa đi chơi, đến khu rừng, bỗng thấy con cọp. Con cọp thấy con ngựa không dám tấn công, chỉ len lén nhìn.

Tề Hoàn Công lấy làm lạ, hỏi Quản Trọng :

– Xưa nay, ngựa sợ cọp, tại sao nay cọp lại sợ con ngựa của trẫm ?

Quản Trọng tâu :

– Con cọp không phải sợ con ngựa mà sợ sắc lông con ngựa có nhiều màu (tạp sắc), cộng với ánh sáng mặt trời, con cọp tưởng là con beo, con báo, nên không dám tấn công.

LẠM BÀN:

Thân xác con ngựa là nội dung, sắc lông con ngựa là hình thức ; đôi khi, sự hào nhoáng bên ngoài làm cho người ta loá mắt và bị lừa.

3. CHUỘT TRONG MIẾU THỔ ĐỊA (Án Tử Xuân Thu)

Vua nước Tề là Cảnh Công, hỏi Án Tử :

– Cái gì có hại cho quốc gia và đáng lo nhất ?

Án Tử tâu :

– Những con chuột trong miếu thổ địa là có hại cho quốc gia và đáng lo nhất ?

Tề Cảnh Công ngạc nhiên hỏi :

– Tại sao ?

Án Tử đáp :

– Tường vách các miếu thổ địa được xây bằng bùn đất, nhào nặn mà thành, chuột đào vách ẩn náu trong đó hoặc sau những tượng thần. Lúc im ắng chúng bò ra, xơi hết đồ cúng kiếng, khi có tiếng động, chúng lại rúc vào vách hoặc sau tượng thần để ẩn náu. Nếu dùng lửa đốt chuột, thì cháy miếu, đổ tượng.

Tương tự, bọn tay chân, tâm phúc, sủng thần vốn là tiểu nhân nhưng ngụy trang thành những người lương thiện, nấp sau lưng hoặc dưới bóng của bệ hạ ; chờ lúc nước đục thả câu tha hồ thao túng, kiếm chác, xúi dục bệ hạ làm điều bất đức.

Nếu để những con chuột cỡ bự tầm quốc gia sống thì đất nước đại