Ngủ bị trẹo cổ làm sao cho hết ?

Bị trẹo cổ sau khi ngủ dậy là tình trạng hay gặp ở một số người, gây cảm giác đau, khó chịu. Khi bị trẹo cổ sẽ khiến không chỉ hạn chế khả năng vận động, thực hiện các động tác xoay cổ mà còn làm ảnh hưởng đến dáng người, tư thế sinh hoạt và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên. Vậy làm gì khi bị trẹo cổ?

1. Nguyên nhân ngủ dậy bị trẹo cổ

Những người hay bị trẹo cổ sau khi ngủ dậy thường có chung một vấn đề là nằm ngủ bị sai tư thế. Điều này có thể là do thói quen hay sở thích nằm nghiêng đầu sang một bên hoặc trong lúc ngủ sâu, cơ thể thay đổi tư thế, lăn trở người mà bạn không kiểm soát được. Khi nằm nghiêng một bên trong thời gian dài sẽ làm lệch cổ, gây áp lực lên các cơ vùng cổ và dây chằng làm các cơ căng giãn quá mức gây đau.

Tiếp theo, tình trạng trẹo cổ có thể do thói quen gối đầu quá cao hay quá cứng của một số người bệnh. Khi đầu nằm ở tư thế không thoải mái sẽ làm cơ thang, cơ ức đòn chũm căng cứng, có trường hợp còn sưng cả một bên cổ bên cùng với việc bị trẹo cổ. Từ đó sẽ làm cho người bệnh căng cứng cơ và và đau cổ vào sáng hôm sau.

Ngoài ra, một số người gặp tình trạng khó ngủ, ngủ hay tỉnh sẽ thường lăn trở nhiều và cố gắng ngủ cũng là yếu tố gây trẹo cổ sau khi dậy. Điều này là do cổ phải chịu áp lực nặng nề và không được thư giãn, dẫn đến tình trạng đau và trẹo cổ sau khi ngủ dậy. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ cũng như thường xuyên làm người bệnh bị trẹo cổ.

Cuối cùng, một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn gây ra tình trạng ngủ bị trẹo cổ là để cổ bị lạnh trong lúc ngủ. Khi bị lạnh sẽ làm làm lưu thông tuần hoàn tại vùng cổ khiến cổ bị đau và các cơ co cứng làm trẹo cổ sang một bên khi thức dậy.

2. Ngủ bị trẹo cổ làm sao hết?

2.1 Thư giãn cổ

Cổ không chỉ phải chịu trách nhiệm chịu toàn bộ trọng lượng đầu mà còn phải thực hiện rất nhiều động tác như cúi, ngửa đầu, xoay sang 2 bên, xoay vòng tròn nên phải hoạt động liên tục. Vì vậy, điều đầu tiên nếu bạn bị đau cổ hoặc trẹo cổ sau khi ngủ dậy là cần thư giãn cổ trong một lúc. Vận động nhẹ nhàng, đưa cổ xoay sang hai bên một cách vừa phải vừa là cách giúp cổ thoải mái vừa giúp khởi động để chỉnh lại tư thế đúng của cổ sau khi bị trẹo.

Ngoài ra, bạn cần chú ý là bất cứ khi nào nằm xuống hoặc đi ngủ thì cần đặt đầu ở tư thế cân bằng, nằm trên một chiếc gối thoải mái, vừa để giữ thẳng cổ, không nên dùng gối quá cao hoặc quá cứng.

2.2 Chườm lạnh

Nếu bạn bị trẹo cổ đơn thuần và vừa mới phát hiện trong thời gian ngắn thì có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh. Bạn có thể lấy một chiếc khăn vải bọc một miếng đá lạnh ở trong và chườm lên vùng cổ bị căng đau khoảng 10 – 15 phút.

Một số người bệnh chia sẻ rằng sau khi bị trẹo cổ do ngủ sai tư thế, việc chườm lạnh khiến họ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn cũng như có thể giảm đau nhức. Tuy nhiên, nếu bạn không thích cảm giác lạnh hoặc sau khi đã chườm lạnh mà triệu chứng không đỡ thì không nên thực hiện nữa mà chuyển sang phương pháp khác.

2.3 Chườm ấm

Chườm ấm đa phần hiệu quả ở nhiều người bị trẹo cổ sau ngủ dậy. Hơi ấm sẽ giúp các cơ thư giãn, giảm tình trạng co cứng, tăng lưu thông tuần hoàn. Người bệnh không chỉ thấy thoải mái, giảm đau mà còn giúp cải thiện tình trạng trẹo cổ. Đặc biệt, những người bị thoái hóa cột sống cổ, người bị trẹo cổ thường xuyên thì nên áp dụng biện pháp chườm ấm.

Người bệnh có thể áp dụng nhiều phương pháp chườm ấm khác nhau như:

  • Chườm ấm bằng giấm: Bạn đổ ít giấm vào vài miếng bông sạch để cho ngấm rồi đặt lên vùng cổ bị đau. Sau đó bạn dùng túi nhiệt với nhiệt độ trong túi khoảng 50 – 60oC để tiếp tục chườm lên cổ. Cách làm này sẽ giúp cổ được thư giãn, giảm đau mà không làm bỏng vùng này. Bạn nên chườm khoảng 30 phút mỗi lần hoặc đến khi túi chườm hết ấm thì bỏ ra.
  • Chườm ấm bằng bột sắn dây: Nguyên liệu bao gồm: Sắn dây 100g, Cam thảo 20g, Bạch thược 50g. Người dùng cho tất cả các nguyên liệu này vào túi vải sạch và đun cho nóng trong khoảng 30 phút. Vớt túi vải ra và để đến khi đạt nhiệt độ thích hợp khoảng 50 – 60oC và chườm lên vùng đau ở cổ.
  • Chườm ấm bằng muối rang: Người dùng chuẩn bị khoảng 100 – 200 g muối hạt, cho lên bếp và rang nóng. Sau đó, đổ lượng muối đã rang vào một túi vải hoặc một khăn mềm, chờ đến khi đạt nhiệt độ vừa phải và từ từ chườm khắp vùng cổ bị đau. Khi bị trẹo cổ sau ngủ dậy, người bệnh có thể thực hiện 1 -2 lần mỗi ngày sẽ giúp tăng hiệu quả nhưng cần chú ý tránh bị bỏng.

2.4 Massage vùng cổ bị trẹo

Khi bị trẹo cổ sau khi ngủ dậy, hầu như các cơ vùng cổ đều bị căng cứng và hạn chế vận động. Việc massage nhẹ nhàng ở khu vực vùng cổ sẽ giúp các cơ giảm căng, giảm sưng và từ đó giảm đau cơ, không kéo lệch cổ về một bên nữa. Ngoài ra, khi gặp phải tình trạng ngủ bị trẹo và đau cổ thì massage cũng sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn, dễ chịu và giảm mệt mỏi.

Khi massage, bạn có thể kết hợp thêm dầu xoa bóp sẽ giúp làm tăng hiệu quả. Các loại dầu xoa bóp giúp làm nóng da, tạo sự thoải mái sau khi massage, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn, giúp kích thích vào vùng cổ một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, các loại dầu xoa bóp này cũng thường có mùi hương dễ chịu, tăng sự thư giãn cho người bệnh.

3. Phương pháp xoa bóp bấm huyệt chữa trẹo cổ

Bên cạnh các cách trị trẹo cổ như kể trên, người bệnh cũng có thể áp dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt dựa trên quan điểm y học cổ truyền cũng rất hiệu quả và được rất nhiều người tin tưởng. Tuy nhiên, cần chú là là chỉ nên áp dụng phương pháp này lại bệnh viện hoặc phòng khám y học cổ truyền và được thao tác bởi nhân viên y tế hoặc người đã được đào tạo xoa bóp bấm huyệt. Đây không chỉ là phương pháp an toàn, hiệu quả mà còn giúp người bệnh thư thái và hạn chế dùng thuốc hoặc can thiệp khác.

Chuẩn bị: Người bệnh ngồi trên một chiếc ghế không tựa và người thực hiện sẽ đứng sau lưng bệnh nhân. Người chữa lần lượt thực hiện các thao tác sau:

  • Đầu tiên là cần làm nóng và giãn cơ vùng cổ. Người chữa dùng gốc bàn tay hoặc mô bàn tay xoa day khắp vùng cổ, hai bên vai, vùng lưng dưới cổ giữa hai bả vai và hai cánh vai của người bệnh. Người chữa từ từ day từ nhẹ tới mạnh, từ chậm đến nhanh cho tới khi nóng lên. Ở bước này, người chữa có thể sử dụng thêm dầu cao hoặc cồn xoa bóp để tăng hiệu quả làm nóng và tăng lưu thông tuần hoàn.
  • Tiếp theo, người thực hiện sẽ lấy nắm bóp các khối cơ vùng cổ từ trên xuống dưới bằng cách đặt ngón cái một bên cổ và bốn ngón còn lại ở bên, từ cổ tới mỏm vai. Làm nhiều lần từ trên xuống dưới, đặc biệt đối với chỗ đau đến khi các cơ mềm ra và người bệnh cảm thấy dễ chịu.
  • Lúc này, người chữa sẽ bắt đầu bấm huyệt bên đau và cả bên không đau bằng cách dùng đầu ngón cái bàn phải phải. Bệnh nhân sẽ được bấm huyệt các huyệt giáp tích ở hai bên vùng gáy từ trên xuống và làm khoảng 5 lần mỗi bên.
  • Tập trung day vào điểm đau nhất của bệnh nhân bằng cách ấn ngón cái hoặc ngón giữa trong vài phút. Cần chú ý lúc này là phải day đều tay và với một lực từ nhẹ đến mạnh, khi người bệnh có cảm giác mỏi, tê tức là đạt yêu cầu. Có thể kết hợp xoay cổ sang trái, sang phải nhiều lần để tăng sự vận động và giãn cơ.
  • Tiếp theo là ấn các huyệt phong trì, phong phủ, thiên tông, lạc chẩm, đại chùy, kiên tỉnh, hậu khê của bệnh nhân để giúp thư giãn toàn bộ vùng cổ. Đối với mỗi huyệt, người chữa sẽ day ấn từ 1 – 2 phút.
  • Cuối cùng, khi các cơ đã trở nên giãn mềm, cổ đã bớt trẹo, người bệnh có thể vận động cổ ở mức vừa phải thì người sẽ tập vặn xoay cổ cho người bệnh. Một tay người chữa sẽ đỡ cằm, tay kia giữ đầu và phối hợp hai tay nhẹ nhàng để xoay đầu bệnh nhân qua trái, qua phải, xoay vòng tròn với góc độ tăng dần. Khi nào cảm thấy các cơ vùng cổ người bệnh đã mềm thì có thể dùng lực hơi mạnh lắc đầu sang phải và ra sau và làm tương tự phía bên còn lại. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi người bệnh đã được trị liệu phương pháp bấm huyệt nhiều lần và các cơ cổ đã mềm trở lại.

Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các thuốc giảm đau và giãn cơ để giúp điều trị triệu chứng trong giai đoạn cấp và hỗ trợ trong quá trình áp dụng các phương pháp kể trên.

4. Các biện pháp phòng tình trạng ngủ bị trẹo cổ

Để hạn chế tình trạng trẹo cổ sau khi ngủ dậy, người bệnh nên áp dụng các cách sau:

  • Không giữ cổ nghiêng một bên quá lâu khi ngủ
  • Không gối đầu quá cao hoặc quá cứng
  • Giữ đầu ở đúng tư thế khi làm việc hoặc học tập và cả khi ngủ.
  • Không bất ngờ xoay cổ quá mạnh.
  • Tránh nằm ngủ ở nơi gió lạnh, ẩm thấp hoặc có gió lạnh tác động trực tiếp lên vùng cổ.

Cuối cùng, sau khi đã áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng trẹo cổ sau khi ngủ dậy vẫn không đỡ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên chủ quan vì chứng trẹo cổ có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có nếu tình trạng này kéo dài lâu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.