Ngôi thuận của thai nhi là gì?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park . Bác sĩ Liên đã có trên 10 năm kinh nghiệm là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh khoa Siêu âm tại bệnh viện đầu ngành sản phụ khoa phía Nam – bệnh viện Từ Dũ.
Ngôi thai là phần trình diện của thai nhi trước eo trên (khung chậu mẹ), qua đó ngôi sẽ lọt và tiến triển trong quá trình chuyển dạ sinh. Ngôi thai thuận là điều kiện lý tưởng nhất giúp mẹ có ca sinh nở dễ dàng.
Ngôi thai là thuật ngữ chỉ tư thế của em bé so với cổ tử cung của người mẹ. Trong quá trình chuyển dạ, phần ngôi thai sẽ tiến triển và lọt ra ngoài trước. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ ( dưới 28 tuần) ngôi thai thường không cố định và được gọi là ngôi di động. Khi thai càng lớn ngôi thai sẽ có sự điều chỉnh tốt hơn.
Ngôi thuận của thai nhi là tư thế trục dọc của thai song song với trục dọc của người mẹ. Lúc này thai sẽ ở tư thế chúc đầu xuống dưới âm hộ, gáy quay về phía bụng, mông thai nhi hướng về phía ngực của người mẹ.
Ngôi thuận của thai nhi sẽ giúp người mẹ chuyển dạ dễ dàng hơn. Lúc này thai sẽ tạo áp lực lên buồng tử cung và gây nên các cơn co thắt trong quá trình sinh nở. Khi sinh, phần đầu của thai sẽ chui ra khỏi âm hộ trước sau đó mới đến các chi. Ở tư thế này, bé sẽ dễ dàng đi qua vòng hông của mẹ và trượt ra ngoài trong quá trình chuyển dạ.
Khi thai nằm ở đáy xương chậu, vùng lưỡng đỉnh (vùng đầu có chu vi lớn nhất) sẽ ở vị trí rộng nhất của xương chậu. Tuy nhiên, một số trẻ lại không nằm đúng tư thế ngôi thai dọc (ngôi thai ngang, ngôi thai mông…) sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ.