Ngôi làng sản sinh nhiều triệu phú

Thái BìnhChiếc xe khách bon bon trên đường, ngang qua làng Mẹo, bác tài liền chậm lại, chỉ về một nhà thờ tổ bề thế, nhìn rõ từ xa hàng km.

“Nhà thờ tổ mà to ngang một dinh thự!”, bác tài trầm trồ nói về nhà thờ họ Trần, do doanh nhân ngành đồ uống Trần Văn Sen dựng nên tại làng Mẹo, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Anh lơ xe chen ngang câu chuyện về vị đại gia Vũ Quang Huy, 85 tuổi, cũng người ở làng này, 5 năm qua, sáng đầu xuân nào cũng đứng một tiếng trước cửa dinh thự nhà mình, mừng tuổi cho bất cứ ai đi qua. Mấy hành khách thì nhao nhao kể về những đại gia mới nổi. Chuyện tiếp nối chuyện, giọng người kể đầy sự ngưỡng mộ.

Làng Mẹo, hay còn là làng Phương La 2 nằm giữa một cánh đồng, chỉ dài hơn 2 km. Ngăn sông, cách chợ nhưng không làm kinh tế nơi đây kém phát triển. Người làng sở hữu một cụm công nghiệp với hơn 100 công ty về ngành dệt, trong đó có những doanh nghiệp cả nghìn tỷ đồng, theo ông Trần Xuân Đáp, 68 tuổi, nguyên bí thư đảng bộ xã Thái Phương, hiện là bí thư thôn Phương La 2.

Doanh nhân Trần Văn Sen đã xây nhà thờ tổ họ Trần trong 10 năm, cao 41 m, trên diện tích 4 ha. Nhà thờ tổ nằm sát chợ Phương La, những nhà dân 4 tầng bên cạnh chỉ cao ngang mái tầng một. Ảnh: Phan Dương.

Doanh nhân Trần Văn Sen đã xây nhà thờ tổ họ Trần trong 10 năm, cao 41 m, trên diện tích 4 ha. Nhà thờ tổ nằm sát chợ Phương La, những nhà dân 4 tầng bên cạnh chỉ cao ngang mái tầng một. Ảnh: Phan Dương.

11 giờ trưa, trái với vẻ đìu hiu, yên bình của những làng quê, đường làng Mẹo xe vẫn tấp nập đi lại, thường là xe thồ vải. Hai bên nhà cao tầng san sát, thi thoảng lại có những ngôi nhà to như dinh thự kiểu châu Âu. Tiếng máy dệt kêu khắp ngõ ngách. Ở nhiều xưởng, công nhân luôn tay xếp khăn màu trắng, xanh, đỏ thành từng chồng cao ngất.

“Dân ở đây giàu đều là bám nghề truyền thống cả”, ông Đáp nói. Sổ sách xưa ghi lại, làng Mẹo vốn không có chợ, trong khi làng Then ngay cạnh lại có. Người dân làng Mẹo bèn nghĩ ra cách cá cược, nhờ đó mà thắng, chợ được di chuyển từ làng Then về làng Mẹo. Tên làng Mẹo nghĩa là tinh nhanh, lắm mưu mẹo trong các hoạt động kinh tế. Từ xa xưa, đời sống người dân nơi đây đã khấm khá hơn các làng lân cận nhờ có nghề dệt truyền thống.

Những năm 80, nghề dệt làng Mẹo đứng trước nguy cơ xoá sổ, do khó khăn về nguyên liệu, tiêu thụ. Nhiều người bỏ nghề. Tới năm 1986, Nhà nước xóa bỏ bao cấp, bung ra cơ chế thị trường, nghề dệt hồi sinh. Chỉ sau vài năm, trong làng đã xuất hiện những người giàu. “Các đại gia đầu tiên chính là những người đi đầu nghề dệt”, ông Đáp nói.

Như doanh nhân Trần Văn Sen, 79 tuổi – anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đầu thập niên 1980, ông Sen phụ trách kỹ thuật của làng nghề. “Ông ấy đi công tác ở các vùng, học được nghề dệt thổ cẩm của đồng bào. Sau đó đem dệt thổ cẩm, công nghệ in hoa tẩy nhuộm về làng, lập ra tổ dệt Tân Phương sớm nhất trong làng”, ông Đáp cho biết.

Sau này, ông Sen dấn sang các ngành bia, nước ngọt và rất thành công, song ông vẫn chung thủy với nghề dệt của tổ tiên, hiện để một người con điều hành.

Doanh nhân Vũ Quang Huy và con trai Vũ Quang Hội – chủ nhân của các toà nhà Bitexco, khách sạn JW Marriott, The Manor khắp trong Nam, ngoài Bắc – cũng đặt nền móng cho tập đoàn nổi tiếng của mình từ nghề dệt.

Tòa nhà tại thôn Phương La 2 của doanh nhân Vũ Quang Huy có kiến trúc giống như công trình The Manor mà gia đình xây dựng tại Hà Nội. Ảnh: Phan Dương.

Tòa nhà tại thôn Phương La 2 của doanh nhân Vũ Quang Huy có kiến trúc giống như công trình The Manor mà gia đình xây dựng tại Hà Nội. Ảnh: Phan Dương.

Bà Đinh Thị Dong, 83 tuổi, vợ ông Huy, chia sẻ đã biết dệt may từ năm 12 tuổi. Năm 17 tuổi bà lấy ông Huy, vẫn cầm cự bằng nghề dệt, còn chồng làm công nhân mỏ than Quảng Ninh. “Nhà tôi ngày ấy nghèo đến độ thường phải đi vay gạo. Nhưng dù nghèo, vợ chồng tôi vẫn cho các con ăn học”, bà Dong kể. 

Đầu những năm 1980 ông Huy trở về làng. Các con lúc này cũng có những người học xong, quen biết rộng. Vợ chồng ông bà cùng các con lập cơ sở nhuộm sợi, làm khăn xuất khẩu đi nước ngoài. Sau này, gia đình lấn sang lĩnh vực thuỷ điện, nước khoáng, bất động sản… Hiện người con gái thứ hai của vợ chồng ông Huy vẫn đang giữ nghề tổ, với công ty to bậc nhất ở làng Phương La 2. 

Gần đây, vợ chồng doanh nhân Vũ Quang Huy, Đinh Thị Dong đã chuyển từ tòa The Manor ở Hà Nội về lại quê sống. Ảnh: P.D.

Gần đây, vợ chồng doanh nhân Vũ Quang Huy, Đinh Thị Dong đã chuyển từ tòa The Manor ở Hà Nội về lại quê sống. Ảnh: P.D.

Làng Mẹo gắn liền với cái tên “làng tỷ phú” 10 năm nay, với các đại gia nổi tiếng thời kỳ đầu như Nguyễn Văn Châm, Đinh Đức Hoán, Vũ Văn Vườn, Đinh Hồng Quân… Hiện tại có nhiều người khác ghi tên mình vào danh sách này như Trần Văn Vực, Đinh Văn Cải, Vũ Thị Hương… Theo người dân trong làng thì họ Trần và Vũ vẫn là hai “kỳ phùng địch thủ” giàu nhất nhiều năm qua.

Tới làng Mẹo ngỡ như lọt vào một khu phố lớn bởi những ngôi nhà bề thế. Trường mẫu giáo, trường tiểu học và cả tượng đài liệt sĩ đều do một vị đại gia bỏ tiền mua từng sào đất của dân và xây mới.

“Kinh tế làng Mẹo cao gấp 3-4 lần các làng lân cận”, ông Trần Xuân Đáp cho hay.

Sự giàu có phải bền vững, gắn với sức khoẻ người dân - điều này làng tỷ phú này vẫn chưa làm được, ông Đáp nói. Bởi theo ông, nghề dệt ở làng Mẹo gây ra ô nhiễm hơn chục năm qua. Nhiều biện pháp và ban ngành phối hợp xử lý mà chưa hiệu quả. Gia đình ông Đáp cũng như đa số hộ dân khác ở làng Mẹo đều có máy dệt tại nhà. Ảnh: P.D.

“Sự giàu có phải bền vững, gắn với sức khoẻ người dân – điều này làng tỷ phú này vẫn chưa làm được”, ông Đáp nói. Bởi theo ông, nghề dệt ở làng Mẹo gây ra ô nhiễm hơn chục năm qua. Nhiều biện pháp và ban ngành phối hợp xử lý mà chưa hiệu quả. Gia đình ông Đáp cũng như đa số hộ dân khác ở làng Mẹo đều có máy dệt tại nhà. Ảnh: P.D.

Đầu giờ chiều, bà Đinh Thị Dong đón một người bạn già hàng xóm, để cùng đi một đám hiếu trong làng. Anh tài xế riêng của gia đình chở hai bà lão trên chiếc xe máy cũ, vận đồ nâu sòng như nhau, đi vào một con ngõ trong làng.

Những năm trước vợ chồng bà Dong ở tại toà tháp The Manor, giá đắt bậc nhất thủ đô. “Giờ già rồi, tôi với ông nhà bảo nhau quê hương là chùm khế ngọt, về quê sống thôi”, bà nói.

Phan Dương