Ngọc Trinh và miền Tây

Một đoàn 5 cô gái lên xe từ chợ Tân Phú, huyện tỉnh Bến Tre. Các cô đều trẻ măng, chỉ trên dưới 20 tuổi, đều xinh đẹp bắt mắt và nhất thể theo một kiểu: Da trắng nõn từ đầu đến chân kiểu tắm trắng, tóc dài tới lưng nhuộm vàng, mặt gọt V-line, mũi sửa dọc dừa, mắt cắt to tròn hai mí, lông mày phun thêu, môi xăm đỏ mọng, đôi tay móng để dài sơn kỹ. Lên xe đò, đi gần trăm cây số về Sài Gòn nhưng chỉ có một cô mặc bộ đồ dài thể thao thun hồng, cô còn lại mặc chiếc váy yếm. Còn lại đều mặc đồ bộ bằng vải hoa cotton bạc màu và nhàu nát hết mức. Có vẻ như các cô mặc nguyên bộ đồ ngủ đêm qua, sáng nay tung cái mền ra là lên xe luôn. Nhưng, mặc dù bộ đồ nào cũng hở đến nửa ngực, các cô đều mặc ngoài thêm một chiếc áo thun đen dày và dài tay, có mũ để che nắng. Những làn da trắng như bông bưởi nhờ tẩy hóa chất rất sợ nắng.
Qua câu chuyện vui đùa giữa các cô và anh chàng phụ xế cũng trẻ ngang tuổi, cởi trần trùng trục chỉ mặc mỗi chiếc quần lửng xệ mông, biết các cô đều con gái xứ này lên Sài Gòn làm việc. Cuối tuần vừa rồi có đám giỗ nhà ai đó, họ về.

Sẽ rất võ đoán và thiếu công bằng với các cô gái khi tôi không thể xác quyết họ lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề gì, nhưng thật lòng  ý nghĩ đầu tiên của tôi là … họ giống Ngọc Trinh quá. Giống cái vẻ, cái cách ăn mặc trang điểm của thời cô idol ấy mới lên Sài Gòn. Chắc chắn họ không làm trong sở: cách ăn mặc, nói năng của họ không thể phù hợp. Họ cũng không phải là người buôn bán vì sự vô lo trên khuôn mặt và suồng sã cũng trong cách ăn mặc đó. Tôi chỉ trông thấy các cô gái y khuôn như vậy tại một số nơi rất đặc trưng: quán nhậu lớn, vài quán bar trên khu phố tây, các quán bida, cà phê, hớt tóc, massage dành riêng cho nam giới.

Người mẫu Ngọc Trinh ở Liên hoan phim Cannes, Pháp, hôm 19/5/2019
Người mẫu Ngọc Trinh ở Liên hoan phim Cannes, Pháp, hôm 19/5/2019
AFP

Trước đó mấy hôm, ngồi ăn sáng ở một quán ven đường trong chợ ở huyện Chợ Lách (cũng tỉnh Bến Tre), tôi tình cờ nghe được câu chuyện bàn bên. Cũng là những phụ nữ, mặc những bộ đồ bộ hoa đỏ tươi rất nổi bật. Một người khoảng ba mấy tuổi, khuôn mặt dễ nhìn, da trắng, thân hình nở nang thon thắt như hầu hết các cô gái miền Tây đang sinh sống tại miền Tây (thường các cô gái miền Tây đã lên Sài Gòn không còn hình thể này, tôi cũng không rõ tại sao. Có lẽ do ít vận động bằng.) dắt theo bé gái dễ thương giống mẹ. Người kia nhìn bình dân và lớn tuổi hơn.
Họ nói với nhau như vầy:

-Rồi em có tính qua không?

-Không chị. Qua đó cực thấy bà. Ở đây mình sướng hơn chớ chị.
-Nói vậy cũng không được em. Chồng một nơi vợ một nẻo lâu quá lỡ nó có bồ sao.

-Em cũng hổng cần. Chỉ cần chu cấp cho hai mẹ con sống đủ là được.

-Lỡ nó bỏ sao em?

-Tới lúc đó bé Mi lớn nuôi mẹ được gồi.

Họ ăn xong, ngó đồng hồ nói giờ này shop bán rồi, qua đi còn kịp đi mấy chỗ khác, rồi đi.

Thấy tôi tò mò, chủ quán cười nhẹ nói: “Cổ sướng lắm, ăn ở không không hà, có người gởi tiền về nuôi. Ôi người ta có số hưởng thiệt há, đâu như mình sáng sớm dậy nướng thịt bán thấy mẹ. Nuôi con nuôi cả thằng chồng nữa chớ”.

Tôi đi chơi ở miệt trái cây Bến Tre được hơn một tuần rồi. Lạ là không thấy có mấy thanh niên. Trong vườn toàn người trung niên trở lên và ông già bà lão. Hỏi vậy tới mùa thì sao, ai leo cây bẻ trái? Người ta nói thuê hết. Chớ thanh niên lên Sài Gòn làm công nhân hết rồi, có mấy công vườn huê lợi một năm không đủ tụi nó sống, và nhàn rỗi lắm, buồn. Kiếm tiền mua đất thêm thì khó, giá vườn giờ mắc lắm, vườn sầu riêng ngon tới gần tỷ một công (một công là 1.000 m) nhưng những vườn lớn nhiều mẫu (một mẫu là 10.000 m) hầu như đều của những nhà có con cái đi học hành làm xa, khấm khá gởi tiền về cho cha mẹ mua thêm đất, hoặc của người thành phố xuống mua đầu tư. Ít người nên nhân công cũng làm phách lắm, thuê tính công theo giờ nhưng người ta không làm hết mà lủi đi ngủ, chủ cũng phải chịu. Rồi hai ba ngày đòi nhậu, chủ cũng phải cho nhậu. Toàn người lớn tuổi hết mà, không thuê họ hái kịp vụ thì trái chín hết trên cây trễ hẹn bạn hàng sao?

Làm vườn ngó thấy thong thả. Ai siêng thì tự tay làm cỏ, tưới nước, bón phân, vun gốc. Ai có vốn hoặc không thích làm-không đủ sức làm thì thuê hết. Gà heo nuôi được. Rau hái ngoài vườn. Không bão lũ. Trúng mùa thì tiền rủng rỉnh. Thất, có lỗ cũng không tới đỗi đói. Trời thương, cho cuộc sống nhàn hạ. Một số người “số hưởng” ở không dài dài chờ chồng nuôi, con nuôi.

Bởi vậy hồi trước mới chết tên “đảo Đài Loan”, chỉ cù lao Tân Lộc ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Chắc ai cũng biết vì sao nó có cái tên này, nổi tiếng quá mà (xin mở ngoặc giải thích cho ai chưa biết, là vì gần như nhà nào trên cù lao cũng có con gái đi lấy chồng Đài Loan, hầu hết là để kiếm tiền lo cho gia đình).

Hình minh họa. Một cô gái bưng chậu hoa cúc vạn thọ ở vườn nhà để bán ở Sa Đéc, nơi chuyên trồng hoa ở đồng bằng Sông Cửu Long
Hình minh họa. Một cô gái bưng chậu hoa cúc vạn thọ ở vườn nhà để bán ở Sa Đéc, nơi chuyên trồng hoa ở đồng bằng Sông Cửu Long
AFP

Nhưng không phải ai cũng làm biếng như vậy. Cũng như mấy cô gái tắm trắng mà tôi gặp trên xe, họ có vẻ nhiều nhưng không phải bất cứ cô gái miền Tây nào cũng vậy. Có những gia đình trên “đảo Đài Loan” nói với tôi, nghèo cách mấy họ cũng không bán con như vậy. Có những cô gái đi lấy chồng Đài Loan, may mắn gặp được gia đình chồng nông dân hiền lành, lương thiện, thương dâu. Vợ chồng cần cù làm việc nên đời sống dễ thở, về lại quê đón em gái, bạn gái đi theo. Cô cũng nhắm trước những người đàn ông tốt cho họ.

Không ít người phụ nữ ở miệt vườn Chợ Lách tôi đã gặp, siêng năng, giỏi giang gì đâu. Hai vợ chồng anh Hai có gần ba mẫu vườn trồng sầu riêng và chôm chôm. Không có con, nhưng cả hai anh chị đều không giữ tư tưởng lạc hậu cổ hủ vẫn còn phổ biến ở Việt Nam là “không con thì kiếm tiền để lại cho ai”. Họ chăm chỉ kiếm tiền và sống thật vui. 4 giờ sáng đã dậy, chị soi đèn đi hái rau mang chợ sớm bán, lâu lâu theo chòm xóm đi chùa. Anh bón phân, tưới nước, làm cỏ, vun gốc mấy cái vườn. Quần quật cả ngày nhưng lúc nào mặt mũi cũng rạng ngời. Ngôi nhà ba trăm mét. Năm phòng ngủ rộng lớn. Không thiếu thứ đồ dùng gì hiện đại. Ngoài sân đầy hoa, rau và cây thuốc. Vườn đầy rau và trái cây đang trổ, đậu đũa trổ hoa tím cả hàng rào. Hiên và sân giăng cả chục cái võng để hàng xóm qua nằm chơi tám chuyện. Xung quanh cũng toàn những gia đình khá giả, người vừa làm nhà nước vừa nuôi cả trại heo rừng, trồng cây ăn trái. Người không có heo thì vừa có vườn bên Bến Tre, vừa có vườn ở Tiền Giang, tổng cộng mấy mẫu. Con cái ai cũng đi học tới nơi, làm công có, làm tư có, mua nhà ở riêng. Nếu chịu khó dành dụm thì rồi họ lại có thể mua thêm đất vườn gần cha mẹ để có hai ba nguồn thu nhập, đời sống vững chắc và lành mạnh hơn ai hết. Nhiều người quê ở miền Tây lên Sài Gòn học hành rồi ở lại làm việc cũng gởi tiền về quê mua cái đìa tôm (thuê kỹ sư chăm sóc), hay mua cái vườn để sẵn như vậy. Để mai mốt già, về sống với đất đai cho sướng.

Mấy tuần nay, theo cái đà nổi của bộ váy hiếm có tại Cannes của cô gái miền Tây Ngọc Trinh, dư luận dường như đã tỉnh ra so với hồi cô còn lừng lẫy với danh hiệu tự phong “Nữ hoàng nội y”. Hồi đó mấy đứa cháu tôi kể, vô sở làm việc chúng nghe nhiều cô kỹ sư du học về, làm công ty lớn lương cao (mà còn) ao ước được (ở không, nhàn hạ mà giàu có, hưởng thụ) như Ngọc Trinh. Tới nay, ngoài một số cô gái còn cố nói “chị Trinh đẹp chị Trinh có quyền” thì đa số (trên các diễn đàn mạng xã hội) người ta đặt câu hỏi “Trinh làm nghề gì mà có nhiều tiền?”

Cho dù vẫn còn những thế hệ đàn em bắt chước từ cách ăn mặc trang điểm cho tới cái sự “ngoan”, thì coi bộ, cô Trinh không còn được người ta xem là gương mặt đại diện của con gái miền Tây (như có thời từng là vậy) nữa rồi.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do