Ngọc Nữ Tâm Kinh Võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung
Ngọc Nữ Tâm Kinh là khái niệm võ học trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung nằm trong Xạ Điêu Tam Bộ Khúc. Ngọc Nữ Tâm Kinh là môn võ công lợi hại nhất của phái Cổ Mộ, theo lời kể của Tiểu Long Nữ thì đây là môn võ công do tổ sư bà bà Lâm Triều Anh sáng tạo ra.
Nguyên nhân là do Lâm Triều Anh từng có một mối lương duyên với tổ sư của phái Toàn Chân là Vương Trùng Dương, hai người này tuy yêu nhau nhưng không đến được với nhau vì quá nhiều mâu thuẫn, Lâm Triều Anh vừa yêu vừa hận nên đã sáng tác ra Ngọc Nữ Tâm Kinh dựa trên võ công của Toàn Chân Giáo nhưng lại khắc chế hoàn toàn võ công của Toàn Chân Giáo. Ngọc Nữ Tâm Kinh muốn luyện thành phải trải qua 3 giai đoạn:
– Thứ nhất phải luyện hết võ công của Toàn Chân Giáo (Toàn Chân Kiếm Pháp).
– Thứ hai phải luyện hết võ công của phái Cổ Mộ (Ngọc Nữ Kiếm Pháp).
– Thứ ba mới bước vào giai đoạn luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh (khi luyện tập phải có hai người cùng luyện và phải “lõa thể” để luyện công do lúc luyện khí nóng trong cơ thể phát tiết, nếu không trút hết áo quần thì khí nóng sẽ chạy ngược vào nội thể nhẹ thì tẩu hỏa nhập ma, nặng thì chết ngay tức khắc). Lúc luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh chia ra Âm Tiến và Dương Thoái, luyện Dương Thoái thì có thể ngừng lại nghỉ nhưng Âm Tiến thì phải liên tục không được đứt quãng, nếu không tẩu hỏa nhập ma chân khí chạy ngược vào lục phủ ngũ tạng.
Ngọc Nữ Tâm Kinh đa phần là kiếm pháp, mặc dù nó khắc chế võ công của Toàn Chân Giáo, nhưng ở chương cuối cùng trong Ngọc Nữ Tâm Kinh ghi một loại võ công vô cùng lợi hại, gọi là Ngọc Nữ Tố Tâm Kiếm Pháp. Yếu quyết của chương cuối trong Ngọc Nữ Tâm Kinh là phải dùng kiếm pháp trong Ngọc Nữ Tâm Kinh phối hợp với kiếm pháp của Toàn Chân Giáo. Nguyên do là Lâm Triều Anh mặc dù oán hận Vương Trùng Dương nhưng vẫn không quên tình xưa nên đã sáng tạo ra môn võ công dành cho đôi tình lữ. Người nam dùng Toàn Chân Kiếm Pháp phối hợp với người nữ sử dụng Ngọc Nữ Kiếm Pháp trở thành Ngọc Nữ Tố Tâm Kiếm Pháp, hai người “song kiếm hợp bích” kề vai sát chiến, bảo vệ lẫn nhau, vô cùng lợi hại.