Ngoại tình có bị tước quyền nuôi con không?

Ngoại tình có bị tước quyền nuôi con không?

Luật sư cho hỏi về vấn đề quyền nuôi con khi ly hôn do một bên vợ, chồng ngoại tình như sau: Tôi và chông tôi lấy nhau được gân 9 năm đã có với nhau 2 đứa con trai một cháu gần 9 tuổi , một cháu 5 tuổi.Trong đời sống vợ chồng không được hòa thuận chồng đi làm xa một tháng về 2 lần hoắc 3 lần .

Tình cảm vợ chồng nhạt dần ngày càng không cùng chung quan điểm thườn xuyên cãi nhau , nên khi chồng đi làm tôi do thiếu thốn tình cảm tôi đã ngọai tình mấy lần chồng tôi đều phát hiện được tôi ngoại tình qua các dòng tin nhắn trên điện thoại mà chông tôi lấy được từ điện thoại của tôi, Mấy lần được gia đình khuyên răn bắt tôi viết bản tường trình hứa sẽ không tái phạm và chồng tôi đã tha thứ cho tôi. Nhưng sau đó tôi lại tiếp tục nhắn tin hẹn hò với người tình bị chồng tôi lấy được điện thoại của tôi trong đó là những dòng tin nhắn tôi và người ấy gửi cho nhau.

Bây giờ chồng tôi đòi ly hôn và đòi quyền nuôi hai đứa con, không cho tôi nuôi đứa nào ? Vì tôi ngoại tình, xin hỏi luật sư trong trường hợp của tôi tôi có bị tước quyền được nuôi con không? xin luật sư trả lời giúp tôi trong thời gian gần nhất .Tôi xin cảm ơn.

1. Tư vấn: Ngoại tình khi ly hôn có bị tước quyền nuôi con không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghi tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

– Về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Theo Luật hôn nhân và gia đình thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trừ trường hợp người chồng không có​ quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, chồng bạn hoàn toàn có quyền làm đơn ly hôn đơn phương gửi Tòa án nhân dân để giải quyết.

– Về quyền nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

”Xem trích dẫn quy định về quyền nuôi con”

Thông tin bạn cung cấp kết hợp quy định của pháp luật thì đối với đứa trẻ 9 tuổi cần xét tới nguyện vọng xem đứa trẻ có nguyện vọng ở cùng bố hay mẹ. Trường hơp, đứa bé nguyện vọng ở với bố thì Tòa án sẽ trao quyền nuôi dưỡng cho người bố. Trường hợp, đứa trẻ nguyện vọng ở với mẹ thì Tòa án sẽ trao quyền cho người mẹ nuôi.

+ Đối với đứa trẻ 5 tuổi, thì hai bên cần chứng minh được các yếu tố sau: khả năng kinh tế, chỗ ở ổn định, khả năng đảm bảo các yếu tố về mặt tinh thần đối với đứa trẻ… Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ xét xem bên nào có thể đảm bảo tốt hơn thì sẽ trao quyền nuôi dưỡng cho người đó.

>> Tư vấn về quyền nuôi con khi một bên ngoại tình, gọi: 1900.6169

Như vậy, để xét tới viêc bạn có quyền nuôi hay không cần xem nguyện vọng của đứa trẻ ( trẻ 9 tuổi) có mong muốn ở cùng bạn không cũng như việc bạn chứng minh các yếu tố đảm bảo về mọi mặt cho cuộc sống của con đến đâu( trẻ 5 tuổi). 

– Hành vi ngoại tình có bị tước quyền nuôi con không?

Căn cứ theo quy định pháp luật đã nêu và các điều kiện về giành quyền nuôi con khi ly hôn, hạn chế quyền nuôi con theo quy định thì: Đối với hành vi ngoai tình của bạn chỉ là căn cứ để giải quyết đơn ly hôn cho hai bên chứ không phải là căn cứ chính để giải quyết về quyền nuôi con.

2. Ly hôn vì chồng ngoại tình thì vợ có quyền nuôi con không?

Câu hỏi:

Em chào anh chị luật sư, cho em hỏi trường hợp nếu một bên vợ chồng ngoại tình thì khi ly hôn người kia có quyền nuôi con không, như sau: Vấn đề của em như sau: Em và chồng em kết hôn với nhau đến nay được 6 năm.Chúng em đã có với nhau 3 đứa con.Trong thời gian chúng em là vợ chồng, chồng em cũng có qua lại quan hệ với 1 người khác.

Hiện họ cũng có với nhau 3 đứa con. Chồng em có mua cho cô ta 1 căn nhà chung cư, hiện căn nhà này đã bị em thu hồi và bán.Chồng em không bỏ bê gia đình và rất yêu thương con cái.Còn cô gái kia đã từng đến nhà em, chửi rủa, đánh nhau và đập phá đồ đạc trong nhà em.Cô ta nhắn tin, email uy hiếp dọa giết em bắt chồng em phải mua nhà cho cô ta… Bé nhà em 3 đứa sinh các năm lần lượt: 201x, 201x, 20xx. Em muốn hỏi, nếu em kiện cô gái kia về tội quan hệ với người đã có gia đình thì cô ta sẽ bị xử lý ra sao. Và thủ tục để khởi kiện như thế nào. Chồng em là người nắm tài chính chủ yếu trong nhà. Và nếu em li hôn với chồng em thì khả năng em được nuôi cả 3 con có lớn không ạ. Em có đủ khả năng chứng minh mình có đủ thu nhập và nuôi dạy 3 con. Em cảm ơn anh, chị.

Trả lời tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với thông tin mà bạn đưa ra tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:

Thứ nhất: Hành vi ngoại tình bị xử lý thế nào?

Như bạn trình bày thì hành vi ngoại tình tùy theo mức độ vi phạm mà có thể xử lý như sau:

– Xử phạt hành chính

Căn cứ, tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng như  sau:

+ Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

+ Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

+ Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

– Xử lý hình sự

Ngoài ra, nếu hành vi ngoại tình gây ra hậu quả nghiêm trọng đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì trường hợp này có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

…”

Như vậy, nếu chị có thể chứng minh được sự việc trên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như luật đã quy định thì chị có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm hình sự  với mức hình phạt bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Thứ hai: Về quyền nuôi con

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014  về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“Xem trích dẫn quy định về quyền nuôi con”

Theo đó, sau khi ly hôn thì vợ chồng bạn có thể tiến hành thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Nếu không thể thỏa thuận được thì do Tòa án quyết định.

Đối với bé sinh năm 200x và 20xx thì được giao cho bạn trực tiếp nuôi, trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện trực tiếp trông non, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Thứ ba: Hành vi ngoại tình có mất quyền nuôi con

Như đã phân tích, hành vi ngoại tình là căn cứ giải quyết vấn đề tình cảm khi ly hôn và không phải căn cứ duy nhất xác định quyền nuôi con hoặc tước quyền nuôi con của người cha hoặc mẹ. Khi giải quyết giao con cho người trực tiếp nuôi dưỡng tòa án sẽ xem xét các yêu tố sau đây để đưa ra quyết định sẽ giao các con cho ai nuôi như sau:

– Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

– Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.

Như vậy để giành được quyền nuôi con bạn cần chứng minh mình có đủ khả năng nuôi con căn cứ vào những yếu tố sau:

– Chứng minh về điều kiện kinh tế: Tòa án sẽ xem xét đến mức thu nhập bình quân một tháng của cha, mẹ. Mức độ ổn định của nghề nghiệp, nếu như cha hoặc mẹ có mức thu nhập rất tốt nhưng nguồn thu nhập đó lại được tạo ra từ công việc bất hợp pháp, hoặc nghề nghiệp có rủi ro kinh tế cao thì Tòa án cũng chưa chắc công nhận quyền nuôi con cho người đó.

– Chứng minh về nhân phẩm, đạo đức: Tòa án sẽ xem xét đến cách giáo dục con cái, lối sống, quan hệ của cha, mẹ đối với gia đình, xã hội.

– Chứng minh thời gian chăm sóc nuôi dưỡng con: Việc xem xét đến thời gian của cha, mẹ có đủ để dành cho con không cũng là một yếu tố quan trọng. Cha, mẹ có đủ thời gian để chăm sóc con thì con mới cảm nhận được sự yêu thương, chở che từ cha mẹ. Đó cũng là yếu tố chứng minh tình cảm của cha mẹ dành cho con.

Như vậy, việc bạn có thể dành được quyền nuôi các con hay không phụ thuộc vào việc bạn chứng minh có đủ các yếu tố trên.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Ngoại tình có bị truất quyền nuôi con sau khi ly hôn? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình để được giải đáp.