Ngộ độc mạn tính hóa chất bảo vệ thực vật

Nước ta là một nước nông nghiệp với diện tích trồng lúa, hoa màu rất lớn. Ðiều này đồng nghĩa với việc phải sử dụng thường xuyên các loại hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nấm mốc, ký sinh trùng…), các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Về nguyên tắc, tất cả các loại hóa chất này đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài danh mục, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc,…

Nhiễm độc do sử dụng thường xuyên

Các hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay có  một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor, thuốc diệt cỏ… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý. Các thế hệ thuốc trừ sâu diệt cỏ mới thường an toàn hơn nhưng không phải là không có độc tính như một số người vẫn lầm tưởng. Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bất hợp pháp vẫn diễn ra tràn lan. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, tại nước ta hằng năm số lượng các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp như: kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc vi phạm nhãn mác không rõ nguồn gốc, chiếm từ 35 đến 40% trong tổng số các trường hợp được xác định là vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật… Điều đó có thể gây tác hại khôn lường đối với mọi cấp trong hệ sinh vật, tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng mà phần lớn là bà con nông dân.

Nguyên nhân gây ngộ độc mạn tính hóa chất bảo vệ thực vật thường do tiếp xúc hàng ngày: người sử dụng khi phun thuốc qua đường hô hấp, qua da, niêm mạc, do ăn các loại rau củ quả vẫn còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật chưa phân hủy hết, do sử dụng các nguồn nước bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, do ở gần nơi có trồng hoa màu, các nhà máy sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật mà không đảm bảo an toàn trong việc bảo quản hóa chất bảo vệ thực vật.


 

Phun thuốc trừ sâu không đúng quy tắc an toàn là nguyên nhân gây nhiễm độc.

Triệu chứng khó nhận biết

Khác với ngộ độc cấp tính là một lượng lớn chất độc vào cơ thể nên triệu chứng thường rầm rộ và như vậy dễ xác định căn nguyên, ngộ độc mạn thường do lượng chất độc vào cơ thể lâu dài, số lượng ít một nên triệu chứng biểu hiện kín đáo: Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt ù tai, nôn mửa, ăn uống khó tiêu. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H, 55 tuổi, làm ruộng. Gần một năm nay, bà thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ, ăn uống khó tiêu, đôi khi xuất hiện đau vùng thượng vị, buồn nôn, da chân tay lạnh, khô. Bà đã đi khám và làm xét nghiệm ở một số cơ sở y tế, được chẩn đoán là suy nhược cơ thể. Bà đã uống thuốc nhưng không đỡ. Qua khai thác kỹ tiền sử nghề nghiệp cho thấy: gia đình bà có 5 sào đất chuyên trồng rau, thường xuyên dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men cholinesterase trong máu giảm nặng. Chẩn đoán xác định bà bị nhiễm độc mạn tính thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ.

Tình trạng nhiễm độc khác nhau tuỳ theo loại hoá chất và liều lượng dùng. Các chất lân hữu cơ thường gây nhiễm độc cấp tính qua đường hô hấp, qua đường tiêu hoá, qua da; ngoài ra còn các dấu hiệu khác như nhịp tim chậm, huyết áp giả… Chất clo hữu cơ tồn lưu trong cơ thể rất lâu, gây nhiễm độc mạn tính: rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể; sức khoẻ suy nhược; phụ nữ bị các tai biến sinh sản (sảy thai, đẻ non, chửa trứng…), các dị tật bẩm sinh ở trẻ em (sứt môi, hở hàm ếch, cụt chi,…); quái thai, thai đôi dính, vô sọ… do tác động đến bộ gen ở mẹ và bố, di truyền cho các thế hệ con cháu; gây ung thư. Các triệu chứng nói trên thường xảy ra chậm, mức độ từ nhẹ đến nặng, không đặc trưng cho ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật nên rất khó xác định nguyên nhân và dễ lầm với các bệnh khác (như suy nhược cơ thể, trầm cảm…).


 

Rau quả cần ngâm nước kỹ để tránh ngộ độc. Ảnh: MH

Phòng tránh như thế nào? 

Để hạn chế tối đa ngộ độc mạn tính các loại hóa chất bảo vệ thực vật, bà con nên lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật. Khi sử dụng các thuốc nói trên cần tuân thủ nghiêm ngặt các qui tắc vệ sinh an toàn lao động: đi găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc…. Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết “thời gian cách ly” là thời gian hóa chất bảo vệ thực vật còn không đáng kể trên rau quả. Rửa sạch và gọt bỏ vỏ rau củ quả khi sử dụng. Không rửa dụng cụ phun, đựng hóa chất bảo vệ thực vật hoặc chôn, ném các loại chai lọ, hộp bảo quản các loại hóa chất này một cách tùy tiện dễ gây nhiễm độc môi trường. Người tiêu dùng khi sử dụng rau quả nghi là có khả năng đã bị phun thuốc hóa chất bảo vệ thực vật cần rửa sạch, ngâm nước nhiều lần, loại rau quả có vỏ vẫn phải rửa thật sạch rồi mới cắt bỏ vỏ.

Khi có biểu hiện ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, bà con nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có thể làm các xét nghiệm cần thiết phục vụ chẩn đoán và điều trị kịp thời.       

 Thạc sĩ  Vũ Ðức Ðịnh