Nghiên cứu lý luận và thực tiễn để phát triển bền vững thể dục thể thao quần chúng – Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ

Cập nhật vào: Thứ hai – 20/02/2023 00:25
Cỡ chữ
Nhỏ 
Lớn

Thực trạng tham gia hoạt động thể dục thể thao của nhân dân phản ánh trình độ phát triển thể dục thể thao quần chúng của mỗi quốc gia, trong đó số người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên so với tổng số dân là một chỉ số quan trọng để đánh giá phong trào thể dục thể thao quần chúng. Mặc dù chỉ số này được xác định khác nhau ở các quốc gia, nhưng nhìn chung người ta vẫn dùng chỉ số này để tham khảo so sánh sự phát triển thể dục thể thao quần chúng giữa các quốc gia với nhau.

Thực hiện được nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy sự phát triển bền vững Thể thao Việt Nam nói chung và thể dục thể thao (TDTT) quần chúng nói riêng là một trong những yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận là nền tảng vô cùng quan trọng bởi lý luận là kinh nghiệm, kiến thức, tri thức, trí tuệ của các thế hệ tích lũy lại, cung cấp cho người nghiên cứu cơ sở kiến thức để lập luận và kiến giải các vấn đề nghiên cứu. Vì lẽ đó, có thể nói hệ thống lý luận chính là “quỹ đạo” của nghiên cứu. Và để kết quả nghiên cứu đảm bảo đạt những giá trị khoa học cần thiết, thì quá trình triển khai nghiên cứu, nghiên cứu không thể đi chệch cái “quỹ đạo” đó. Không chỉ gọi là “quỹ đạo”, mà hệ thống lý luận còn có thể được xem là “chìa khóa” để nhà nghiên cứu trả lời các câu hỏi nghiên cứu trên nền tảng khoa học và lý luận.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Nguyễn Cẩm Ninh thực hiện “Nghiên cứu lý luận và thực tiễn để phát triển bền vững thể dục thể thao quần chúng” với mục tiêu: Hệ thống hóa các vấn đề lý luận về phát triển thể dục thể thao quần chúng; Những điều kiện thực tiễn và cơ sở pháp lý để phát triển bền vững thể dục thể thao quần chúng.

Trong nghiên cứu, đề tài đã sử dụng cách tiếp cận hệ thống; thực tiễn; tiếp cận định tính và định lượng; lịch sử và logic để thấy mọi lý luận và thực tiễn để phát triển bền vững TDTT quần chúng với tư cách là đối tượng nghiên cứu đều phải được xem xét trong mối quan hệ tương tác với các yếu tố môi trường xung quanh, những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như những cơ hội và thách thức khi phát triển bền vững TDTT quần chúng phải đặt trong mối liên hệ với các điều kiện của môi trường xã hội.

Xác định được những khó khăn, những vướng mắc, những trì trệ, yếu kém của thực tiễn. Phải phân tích sâu sắc những vấn đề của thực tiễn để tìm ra bản chất của hiện tượng. Đồng thời phải bám sát thực tiễn, sao cho lý luận và thực tiễn luôn gắn bó, song hành với nhau.

Thông tin thu được luôn tồn tại dưới dạng định tính hoặc định lượng. Đối tượng khảo sát luôn được xem xét cả khía cạnh định tính và định lượng. Trong nghiên cứu, cách tiếp cận này chủ yếu mang lại những thông tin định tính, quá đó giải quyết được các nội dung nghiên cứu đặt ra.

Tiếp cận lịch sử là xem xét sự vật qua những sự kiện trong quá khứ. Trong nghiên cứu, cách tiếp cận này chủ yếu tìm hiểu chuỗi sự kiện xảy ra trong lĩnh vực TDTT quần chúng, như: những quan điểm, khái niệm về TDTT quần chúng đã tồn tại; những văn bản quy phạm pháp luật và thiết chế về TDTT quần chúng đã ra đời và quá trình triển khai thực hiện… Cách tiếp cận này đòi hỏi sắp xếp các sự kiện, thông tin nghiên cứu theo một trật tự nhất định, nhờ đó mà có thể nhận biết được logic tất yếu của quá trình phát triển TDTT quần chúng.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

– TDTT quần chúng là hoạt động TDTT tự nguyện của tất cả mọi người trong thời gian nhàn rỗi, nhằm củng cố, nâng cao sức khoẻ, phát triển thể chất, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu vận động, vui chơi, giải trí, giao lưu văn hoá của các tổ chức và cá nhân trong xã hội.

– Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp TDTT theo các định hướng lớn là: xây dựng nền TDTT mang tính dân tộc, khoa học và nhân dân; đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, góp phần phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần phong phú, lối sống lành mạnh trong nhân dân; xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa về tổ chức và hoạt động TDTT; TDTT quần chúng là cơ sở, nền tảng của TDTT sự nghiệp TDTT nước nhà.

– Qua phỏng vấn chuyên gia, cán bộ quản lý và cán bộ thực thi công tác TDTT quần chúng, đề tài đã xác định được 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển TDTT quần chúng, gồm: Chủ trương, chính sách về TDTT quần chúng: 5 yếu tố; Nguồn nhân lực tổ chức phong trào TDTT quần chúng: 5 yếu tố; Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương: 3 yếu tố; Điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ phong trào TDTT quần chúng: 5 yếu tố.

– Trong những năm qua, TDTT quần chúng phát triển sâu, rộng trên địa bàn cả nước, thể hiện ở sự tăng trưởng về số lượng người tập thể dục thể thao thường xuyên, gia đình thể thao sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện, các câu lạc bộ thể dục thể thao và chất lượng hoạt động thể dục thể thao ở từng đối tượng. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế khi triển khai công tác TDTT QC ở địa phương: Việc tiếp nhận hoặc ban hành văn bản qui định, hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động TDTT quần chúng ở cơ sở vẫn còn nhiều địa phương chưa làm tốt, đội ngũ cán bộ TDTT địa phương vẫn còn thiếu; Kinh phí tổ chức các hoạt động phong trào, điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT của người dân còn khó khăn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18053/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)