Nghiên cứu lý luận – Tìm hiểu một số đặc điểm về thể loại đồng dao

23 Tháng Sáu 2016

Nguyễn Thị Thanh Loan [*]

 

Đồng dao – một sản phẩm văn hóa tinh thần quan trọng với trẻ nhỏ, là tiếng nói lời ca tuổi thơ được ông cha sáng tạo, đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đồng dao xuất hiện từ rất sớm và phát triển gắn liền với từng giai đoạn lịch sử xã hội loài người. Khúc Đồng dao có lời thơ vần điệu nhí nhảnh vui vẻ nhưng ẩn chứa nhiều giá trị giáo dục.

Có nhiều ý kiến khác nhau khi bàn về khái niệm Đồng dao như: Trong cuốnTừ điển tiếng Việt của Phan Canh, xuất bản 1999 Nxb Mũi Cà Mau, Cà Mau định nghĩa: “Đồng dao là câu hát của trẻ con” [2, tr.444].

Cuốn Từ điển văn học Việt Nam định nghĩa về Đồng dao:

Đồng dao là loại dân ca sinh hoạt đặc thù hầu như chỉ dùng cho trẻ em hát. Tuy có khi người lớn cùng hát và bao giờ cũng do người lớn đặt ra rồi dạy cho trẻ em. Ở dạng thông thường mỗi bài Đồng dao gắn với một trò chơi, mỗi câu ứng với một hành động trong trò chơi, vừa giống phần thanh âm đệm theo và cầm nhịp cho phần diễn xướng, vừa giống như lời chỉ dẫn cho động tác. [1, tr.155].

Theo cuốn Tìm hiểu về Đồng dao người Việt: Đồng dao là thể loại văn học dân gian, thuộc phương thức diễn đạt tự sự bằng văn vần, gồm phần lời của những bài hát dân gian trẻ em [6, tr.70]. Trong cuốn sách Vấn đề Đồng dao là một thể loại âm nhạc cho rằng: “hát Đồng dao là thể kết hợp văn hoá, văn nghệ dân gian gồm trò chơi, lời ca và âm nhạc” [12, tr20].

Nhìn chung, các tác giả trên có quan điểm khác nhau về Đồng dao nhưng họ có chung nhận định: Đồng dao là những bài hát dân gian được trẻ em hát nơi cửa miệng từ bé và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng có khi chúng là những câu đố giản dị mà ý nhị, lý thú hoặc nó có thể chỉ là vần điệu hát của đám trẻ, câu hò vè trong các trò chơi dân gian, bài Đồng dao như có nhạc và thơ hiện diện trong trò chơi dân gian và tại các hoạt động vui chơi của trẻ.

Bài Đồng dao thường có tính chất nhẹ nhàng, tình cảm, dễ in vào tâm trí trẻ thông qua hình ảnh sống động, sự vật, hình thể bằng con đường tình cảm, hát Đồng dao là sự nối tiếp chức năng của tiếng hát mẹ ru. Đồng dao sử dụng ca từ đơn giản ngắn gọn chỉ hai từ, ba từ, bốn hoặc năm chữ tưởng chừng không có ý nghĩa kết hợp với vần điệu tiết tấu nhịp nhàng dễ nhớ khiến học sinh yêu thích. Về nội dung và nghệ thuật diễn xướng ta thấy có nhiều hoạt động như: hoạt động hát, hoạt động vui chơi, hoạt động trò chơi. Nhưng tôi chỉ tìm hiểu nghiên cứu đặc điểm về thể loại Đồng dao qua nội dung Đồng dao trẻ em hát – trẻ em chơi.

1. Đặc điểm Ngôn ngữ

Thể thơ phổ biến thường sử dụng trong hát Đồng dao là thể thơ bốn chữ, bốn chữ biến thể và thể thơ lục bát, thơ hai chữ, ba chữ, thể thơ hỗn hợp. Thành phần cấu tạo một bài Đồng dao bao gồm âm điệu và thanh điệu, lối bắt vần chân, vần lưng tạo cho lời ca bài Đồng dao gần với chất ca xướng. Cùng với sự xuất hiện phổ biến của vần bằng (thanh không – thanh huyền), vần trắc (gồm 4 thanh còn lại) ở giữa dòng và cuối dòng tạo sự luân phiên thanh bằng, trắc làm nên tính trầm bổng cho giai điệu có chứa cả phần nhạc và phần thơ.

Vd: bài Thả đỉa ba ba xây dựng ở thể thơ bốn chữ, sử dụng lối bắt vần chân luân phiên thanh bằng trắc tương đối nhịp nhàng:

Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông…

Ngoài ra, trong một số bài Đồng dao khác sử dụng thể thơ hỗn hợp, thể thơ lục bát, có khi lời ca là sự kết hợp của thể thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ nhưng thực chất lại là sự biến thể của thể bốn chữ do yêu cầu mở rộng nội dung câu thơ. Thể thơ này hoàn toàn phù hợp với nhận thức của trẻ

Vd:                         Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè…

            Lời ca của Đồng dao có vị trí quan trọng trong việc thực hiện trò chơi âm nhạc bởi giúp trẻ dễ nhớ, dễ phát âm, nội dung lời ca có mối liên hệ mật thiết với môi trường xung quanh, sự vật hiện tượng, nội dung trò chơi. Đặc biệt phần lời ca hỗ trợ cho động tác vận động của trò chơi linh hoạt phong phú và hấp dẫn.

Vd:                               Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Con ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật…

Phần lời ca rất thực tế với hình ảnh quen thuộc ăn sâu vào thế giới tâm hồn trẻ thơ ngay từ lúc còn rất nhỏ như: cái cống, con ong, củ khoai chấm mật… kết hợp với lời thơ chân thành, giản dị là việc chơi trò chơi Nu na nu nống.

2. Đặc điểm âm nhạc

Về mặt tiết tấu, Đồng dao là những bài hát có cấu trúc nhịp theo chu kỳ lặp đi lặp lại và nói theo tiết tấu. Đặc điểm này phù hợp với khả năng âm nhạc học sinh tiểu học, có 2 loại tiết tấu theo chu kỳ là:

Loại thứ nhất: Cấu trúc theo chu kỳ đơn

Là những bài Đồng dao có loại nhịp điệu thuần nhất thuộc nhóm cấu trúc tiết tấu chu kỳ đơn như: Nu na nu nống, Kéo cưa lừa xẻ… được trẻ ngắt nhịp theo hơi thở từng câu với phần nhịp điệu quan trọng, sơ đồ nhịp điệu gồm 3, 4 âm tiết 1 câu:

   Kéo         cưa          lừa         xẻ

  Ông        thợ           nào        khỏe

  Thì          ăn            cơm       vua…

 

Nhìn chung, đa số bài Đồng dao ít mang tính giai điệu, sự cảm âm chính xác lứa tuổi này bước đầu bộc lộ. Vì vậy, bài Đồng dao dưới dạng vần vè, diễn xướng, nhịp điệu rõ ràng là phù hợp nhất với sự phát triển tâm sinh lý học sinh tiểu học.

Loại thứ hai: Cấu trúc theo chu kỳ phức

Là những bài Đồng dao viết ở nhiều dạng (thường là hai) nhịp điệu kết hợp theo lối xen kẽ hoặc luân phiên.

Bài Đồng dao sử dụng cấu trúc thang 4 âm, các âm son – si – đô – rê là âm ổn định thay nhau xuất hiện, kết hợp giai điệu ở âm khu cao, sử dụng 2 loại nhịp điệu là loại 6 âm tiết nhịp  và 8 âm tiết nhịp , xen kẽ tiết tấu lượn sóng uyển chuyển, các bước nhảy quãng hẹp tạo ổn định về giai điệu đậm chất Tây Bắc.

Về mặt nhịp điệu, Đồng dao gắn liền với trò chơi và chủ yếu là đồng bộ mối quan hệ trường độ nốt đơn, đơn chấm dôi hoặc nốt đen, tiết tấu ở thể thơ có ca từ chẵn, trọng âm rơi vào từ chẵn và thể thơ 3 chữ, 5 chữ, 7 chữ trọng âm rơi vào từ lẻ. Nhịp điệu đã ghi nhận Đồng dao là thể loại âm nhạc dân gian cho trẻ với phần lời thơ được chuyển tải dưới dạng mô hình tiết tấu đồng bộ như:

       Thả     đỉa      ba     ba,    chớ    bắt   đàn  bà,   phải  tội   đàn    ông    

 

Cấu trúc nhịp điệu theo kiểu chu kỳ là nét đặc trưng trong Đồng dao. Trong đó, mỗi bài lại tồn tại dưới dạng trò chơi riêng và có lối chơi nhất định, mang tính tổ chức chặt chẽ. Nếu bài Đồng dao viết ở chủ đề lao động thì phần nội dung gắn liền với hình thức công việc. Nhịp điệu có nhiệm vụ tổ chức liên kết hành động nhiều người thành thể thống nhất như trong bài: Xỉa cá mè, Bắc kim thang sử dụng phần cao trào bằng cách mở rộng nhịp điệu câu cuối đã phá vỡ đi tính chu kỳ thông thường.

Về đặc điểm thang âm: Đồng dao là thể loại hát nói, đọc diễn cảm nên phần thang âm xây dựng trên khoảng âm hẹp, đơn giản, dễ hát, dễ nhớ, phù hợp đặc điểm tâm sinh lí của các em học sinh tiểu học. Như bài Bắc kim thang viết ở điệu thức 5 âm điệu Son cung:

 

 

Âm son là âm ổn định nhất trong bài, xuất hiện liên tiếp tạo nên nét giai điệu vui tươi, trong sáng, kết hợp bước nhảy quãng 2, quãng 3 (h1- a1, d1  e1, g1 – e1) là chủ yếu. Phần lời ca đậm chất Nam Bộ qua những từ: cà lang bí rợ, kèo, té, chi… là từ đặc trưng trong cách nói người Nam Bộ.

3. Đặc điểm môi trường diễn xướng

Đối với trẻ, Đồng dao trở thành món ăn tinh thần gắn với hoạt động thực tiễn lao động, phác họa bức tranh đời sống nhân dân, nó bao gồm những bài hát và trò chơi, cách thức diến xướng gắn liền hoạt động thực tiễn vui chơi và lao động của trẻ. Theo cuốn Từ điển tiếng Việt định nghĩa diễn xướng như sau: “Đó là việc trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu” [8, tr85]

Diễn: hành động xảy ra, Xướng: hát lên, ca lên.

Qua đó, khái niệm diễn xướng Đồng dao là việc trình bày sáng tác Đồng dao qua thể hiện đồng nhất giữa hành động và lời hát, câu hát Đồng dao vang lên với giai điệu vui rộn ràng, khí thế lao động tạo không khí ồn ã, khẩn trương. Nhờ sự nhân cách hóa trong ngôn ngữ Đồng dao mà thế giới loài vật, con vật đã trở thành bạn bè và gắn liền với đời sống trẻ nhỏ. Trẻ em luôn tưởng tượng các con vật cũng có khả năng nghe và hiểu điều chúng nói.

     Vd:                                  Sừng mày sừng thân trúc

Thân mày thân cây ghiến

Mày cứ húc tao xem  [13, tr40]

Trong lao động, chăn trâu là lúc trẻ em có được gặp nhau, tổ chức trò chơi và hát Đồng dao, lời hát diễn xướng theo nhịp điệu khỏe khoắn như tiếng vang của nhịp điệu lao động. Đồng dao diễn xướng trong lao động thì phần nhịp điệu có vai trò quan trọng tạo nên cám hứng sáng tác. Nhịp điệu không chỉ là nhịp điệu âm thanh mà còn thể hiện tư tưởng tình cảm nhất định, cải thiện tình trạng lao động và khơi nguồn cho sáng tác nghệ thuật.

Diễn xướng Đồng dao gắn với lao động đã phác họa đời sống tinh thần nhân dân ta và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho trẻ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và là cơ sở cho sự tồn tại của Đồng dao trong đời sống trẻ nhỏ ở một bộ phận dân ca sinh hoạt trữ tình Việt Nam. Đồng dao có nội dung phong phú, hình thức diễn xướng đa dạng: đồng ca, xướng – xô, đối đáp hay là sự kết hợp của yếu tố biểu diễn và trò chơi. Tại môi trường lao động mà trẻ phát huy năng lực vui chơi, ca hát tối ưu. Diễn xướng Đồng dao là thể loại hát nói, lứa tuổi càng lớn thì bài hát càng giảm, tính hát nói và chất ca xướng trội lên.

4. Đặc điểm đối tượng sử dụng

Trò chơi là sản phẩm tinh thần của nhân dân, sinh ra bằng óc tưởng tượng của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, theo đó nó mang tính cộng đồng, chứa đựng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân nên rất phù hợp nhiều độ tuổi, thu hút nhiều đối tượng, thỏa mãn nhu cầu giải trí cho nhiều người. Tầng lớp bình dân là đối tượng chủ yếu vì họ rất gắn bó với trò chơi, họ coi đây là người bạn tinh thần.

Trò chơi không hạn chế độ tuổi tham gia, không chỉ người lớn mới được vui chơi mà trẻ con cũng được tham gia. Với đối tượng là trẻ con, trò chơi Đồng dao mang màu sắc riêng, tính chất và đặc điểm phù hợp tâm lý hiếu động, thích bay nhảy. Đối tượng tham gia trò chơi phụ thuộc đặc trưng từng trò chơi. Tùy theo tính chất từng loại trò chơi mà người tham gia sẽ là một hay nhiều người, số người chơi được quy ước giữa các thành viên. Trò chơi Đồng dao mang tính tập thể với số người tham gia không hạn chế và biến hóa linh hoạt, thỏa mãn đủ nhu cầu vui chơi giải trí của mọi đối tượng trong xã hội.

Có thể nói, Âm nhạc là loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm trong lịch sử loài người, gắn bó với cuộc sống và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Âm nhạc gắn với con người từ khi trào đời tới lúc giã từ cuộc đời, những bài Đồng dao, những điệu hò, điệu lý, bài hát dân ca là cuội nguồn của nghệ thuật âm nhạc hòa vào thế giới trẻ thơ như nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn các em. Bài hát Đồng dao và trò chơi nhằm giáo dục con người có cảm nhận, hiểu biết về tự nhiên, môi trường, xã hội và cộng đồng sâu sắc. Đồng dao bồi dưỡng trí tuệ, tạo cho trẻ có tình cảm tốt đẹp từ gia đình, xóm làng, xã hội. Vì vậy, chúng ta cần sớm khai thác những giá trị của Đồng dao, khơi lại cái thú của trẻ đối với Đồng dao. Bởi đây là bài học sơ khai về cuộc sống, lần đầu trong đời các em tự thực hành, tự sáng tạo các bài hát, trò chơi, điệu múa cho riêng mình.

 

                                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lại Nguyễn Ân (2012), Từ điển Văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội;;

2. Phan Canh (1999), Từ điển tiếng Việt, Nxb Mũi Cà Mau, Cà Mau;

3. Nguyễn Nghĩa Dân (2005), Đồng dao Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin biên tập và công ty sách Việt Nam phát hành, Hà Nội,

4. Phạm Lê Hoà (2012), Giáo trình phân tích tác phẩm Âm nhạc, trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội;

5. Trần Gia Linh (2005) Kho tàng Đồng dao ViệtNam, Nxb Giáo dục, Hà Nội;

6. Triều Nguyên (2002), Tìm hiểu Đồng dao người Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội;

7. Phạm Lan Oanh (2003), Kho tàng trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội;

8. Hoàng Phê (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng;

9. Võ Quế (chủ biên) (1999), Trò chơi dân gian, Nxb Dân tộc, Hà Nội;

10. Doãn Quốc Sỹ, (1969), Ca dao nhi đồng, Nxb Sáng tạo, Sài Gòn;

11. Tô Ngọc Thanh (1971), “Những ước mơ” Tạp chí văn hóa văn nghệ (số 10, tr.17), Nxb Giáo dục, Hà Nội;

12. Tô Ngọc Thanh (2011), Vấn đề Đồng dao là một thể loại âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội;

13. Đặng Diệu Trang, Nguyễn Huy Hồng, Trần Hoàng (1997), Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc