Nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học
Phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên của Tòa án thông qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự – Kết quả, những bất cập hạn chế và nguyên nhân
TS
TS. Phạm Minh Tuyên
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh
Phần 1:
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, trong
đó có Việt nam, là một những vấn đề nóng bỏng và là một trong những vấn đề đang
được xã hội quan tâm. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm
chưa thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm
tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột,
thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí
đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Số lượng các vụ án
tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cùng với tính chất phức
tạp của từng vụ án là những thủ đoạn tinh vi, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao
để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm
xôn xao dư luận xã hội. Việc gia tăng các vụ án có bị cáo là người chưa thành
niên phạm tội không chỉ tăng về số lượng các bị cáo, mà tuổi đời phạm tội của
các bị cáo là người chưa thành niên cũng trẻ hoá, có nhiều vụ án các bị cáo là
người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất
là chung thân hoặc tử hình như tội:
“Cố ý gây thương tích”, “Giết người”,
“Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản”.
Đặc biệt, vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang mà kẻ tội đồ Lê Văn
Luyện thì chưa đến 18 tuổi, hay mới đây nhất là vụ nữ sinh Nguyễn Thị Giang giết
bạn học ở Hưng Yên mới 15 tuổi đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về sự
gia tăng tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi này.
Theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ trình Quốc hội
khóa XIII tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng,
chiếm 15-18%. Hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115
nghìn người, trong đó có 16-18 nghìn trẻ vị thành niên… Với diễn biến như vậy,
như phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì
“theo
phép tính nhân thì chỉ sau 5-10 năm nữa đất nước chúng ta sẽ có gần 1 triệu
người có tiền án tiền sự, trong đó có 200 nghìn người dưới 30 tuổi”. Đây
chính là con số đáng báo động, buộc các cấp, các ngành phải có những giải pháp
hữu hiệu nhất nhằm phòng ngừa sự gia tăng của tình trạng phạm tội ở lứa tuổi
chưa thành niên.
Đánh giá về thực tiễn công tác phòng chống tội phạm của các cơ quan chức
năng, Viện Khoa học xét xử (TANDTC) nhận định, tội phạm do người thành niên thực
hiện vẫn có chiều hướng gia tăng, cơ cấu, tổ chức, tính chất tội phạm ngày càng
phức tạp và nghiêm trọng. Có không ít trường hợp đã bị Tòa án xét xử, áp dụng
mức phạt nghiêm khắc nhưng tác dụng phòng ngừa, cảnh báo chưa cao, tỷ lệ người
chưa thành niên tái phạm còn nhiều. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để có những
giải pháp hữu hiệu phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên thông qua hoạt động
xét xử của Tòa án là hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn
đấu tranh phòng, chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện trong giai
đoạn hiện nay.
II. THỰC TRẠNG NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI TRÊN PHẠM VI
TOÀN QUỐC THỜI GIAN QUA:
1. Khái niệm chung về người chưa thành niên, người chưa
thành niên phạm tội.
a. Khái niệm về người chưa thành niên.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người chưa thành niên là dưới 18 tuổi.
Như vậy, tất cả những người chưa đủ 18 tuổi đều được gọi là người chưa thành
niên, người từ đủ 18 tuổi trở nên được tham gia vào mọi quan hệ pháp luật và tự
chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi mà mình đã thực hiện. Dựa trên cơ sở
phân tích về tâm lý của người chưa thành niên, có thể thấy người chưa thành niên
là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tinh thần, bị hạn chế về
nhận thức cũng như kinh nghiệm và kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo vào các
hoạt động mang cảm giác mạnh, phiêu lưu, mạo hiểm, manh động dẫn đến vi phạm
pháp luật. Chính vì vậy, việc bảo vệ người chưa thành niên là trách nhiệm của
Nhà nước và toàn xã hội. Việt Nam, tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm
1989 và đã có những tiến bộ nhất định trong việc hoàn thiện hệ thống Pháp luật
nói chung và đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng, đáp ứng với nội
dung của Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Công ước về quyền trẻ em năm
1989 nêu rõ:
“Trẻ em do còn non nớt về thể chất và trí tuệ cần được bảo vệ, chăm sóc
đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra
đời”. Quy tắc tối thiểu phổ biến của LHQ về bảo vệ người chưa thành niên
bị tước quyền tự do thông qua ngày 14-12-1990 nêu cụ thể: “Người chưa thành niên
là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác
định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên” (Quy tắc 2.1 mục
a). Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định tại
Điều 65:
“Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ chăm sóc và giáo dục”.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành năm 2004, cũng đã quy
định các quyền cơ bản, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước
và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
b. Người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự.
Điều 8 Bộ luật hình sự quy định:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội
được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự
thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá,
quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức,
xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi
ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp
luật xã hội chủ nghĩa”.
Luật hình sự Việt Nam quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18
tuổi, đồng thời quy định hai mức tuổi khác nhau để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
“Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải
chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng
chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố
ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện những hành vi nguy
hiểm cho xã hội quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự thì mới có thể bị truy cứu
trách nhiệm hình sự.
2. Thực trạng tình hình người chưa thành niên phạm tội
trong thời gian qua.
Những năm gần đây, tình
hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra có diễn biến rất phức tạp. Phân
tích các số liệu về tình hình tội phạm chưa thành niên trong thời gian gần đây,
thì thấy đáng báo động về số trẻ em
phạm tội đang
“gia tăng và trẻ hóa” thực sự trở
thành mối lo ngại với con số trung bình 10.000 vụ tội phạm hình sự do trên
15.000 trẻ em gây ra trên toàn quốc mỗi năm. Con số này là một lời cảnh báo về
tình trạng trẻ em nhỏ tuổi phạm tội. Các vụ án, có người chưa thành niên phạm
tội tham gia có xu hướng tăng nhanh cả ở cấp huyện và cấp tỉnh. Nhiều vụ án đặc
biệt nghiêm trọng, do các bị cáo đang ở độ tuổi chưa thành niên một mình hay
cùng đồng bọn cũng là những người chưa thành niên gây ra như:
Vụ án Lê Ngọc Chung (sinh ngày 31/5/1991, trú tại Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội)
cũng có hành vi tàn ác không kém Lê Văn
Luyện trong vụ thảm sát hiệu vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang.
Là học sinh lớp 10A5 trường PTTH Thanh Oai, Hà
Tây, ngày 9/4/2007, do chán cảnh mẹ và bố dượng suốt ngày cãi nhau và chửi mắng
mình nên Chung đã quyết định bỏ học, bỏ nhà ra đi. Khi bỏ nhà đi, Chung lấy trộm của gia đình 1 triệu đồng và chiếc
xe máy của người bố dượng rồi lang thang lên Hà Nội và được giới thiệu đến làm
việc rửa xe thuê cho gia đình anh Đỗ Quốc Hùng ( 42 tuổi, ở số nhà 888 phố Minh
Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong một lần bị gia chủ nhắc nhở tội “tắt mắt”, Chung đem lòng thù
tức và đến ngày 2/5/2007, hắn mò đến nhà anh Hùng, xuống tay sát hại cả nhà anh.
Kẻ giết người đã bị bắt ngay khi sát hại 5 người trong gia đình. Hai nạn
nhân đã tử vong ngay sau khi bị đâm là bà Đặng Thị Nữ, 68 tuổi và cháu nội là Đỗ
Trung Nghĩa, 16 tuổi. Anh Đỗ Quốc Hùng, 42 tuổi sau đó cũng tử vong. Vợ anh Hùng
là chị Trần Thị Nguyệt Nga, 39 tuổi cùng con gái 7 tuổi là Đỗ Thùy Anh cũng bị
chém dã man nhưng sau đó may mắn được cứu sống…
Tuy ở độ tuổi còn rất trẻ, song hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy
hiểm và quyết liệt, có sự chuẩn bị về công cụ, phương tiện với thủ đoạn tinh vi,
xuống tay sát hại người khác một cách hết sức dã man. Do vậy, hậu quả để lại là
rất nặng nề, gây bức xúc trong nhân dân và gây dư luận xấu trong xã hội.
a. Về số lượng các vụ án có bị cáo là người chưa thành niên phạm tội.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, trong bốn năm qua từ 2008 đến 2011,
công an cả nước phát hiện 40.235 vụ gồm 67.200 người chưa thành niên vi
phạm pháp luật, tăng hơn giai đoạn 2001 – 2006 là 3.070 người. Trong
đó, nam chiếm 72.594 người. Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm 20%
so với tổng số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc.
Tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên gia tăng đến mức báo động.
Một số loại án tăng cao như cướp giật tài sản 63,8%, giết người tăng 38,7%…
Trung bình hằng năm xảy ra 10 nghìn vụ vi phạm pháp luật với hơn 13.000 đối
tượng có liên quan; trong đó, 67,1% số trẻ em vi phạm pháp luật ở độ tuổi từ 16
đến 18.
Trong những năm qua, ngành Tòa án đã hết sức chú ý đảm bảo về chất lượng xét
xử đối với các vụ án hình sự nói chung và các vụ án hình sự do người chưa thành
niên thực hiện nói riêng, ngoài xét xử tại trụ sở Tòa án, các Tòa án địa phương
cũng tăng cường công tác xét xử lưu động các vụ án điểm do người chưa thành niên
thực hiện, nhằm tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, góp phần phòng
ngừa tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội. Cụ thể từ năm 2008 đến 2011 số vụ án
hình sự do người chưa thành niên thực hiện được đưa ra xét xử trong toàn ngành
Tòa án là 10.403 vụ án với 14.271 bị cáo. Trong đó nữ là 284 bị cáo còn lại là
nam
Xét xử lưu động là 726 vụ, các hình thức xử lý khác là 109 đối tượng.
Trong số các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, được đưa ra xét xử
thì tập trung vào một số tội như trộm cắp tài sản 4.379 bị cáo chiếm 31%, cướp
tài sản 2.372 bị cáo chiếm 17%, cố ý gây thương tích 2.035 bị cáo chiếm 14,2%,
cướp giật tài sản 1.627 bị cáo chiếm 11,4%,
giết người 713 bị cáo chiếm 5%. Về đường lối xét xử nhìn chung đã bảo đảm
đúng các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự về xử lý đối với
người chưa thành niên phạm tội, được dư luận đồng tình ủng hộ. Nếu chỉ thông qua
số liệu xét xử hàng năm như trên thì chúng ta thấy có tín hiệu đáng mừng vì số
vụ án và số bị cáo là người chưa thành niên có chiều hướng giảm, phải chăng đây
chính là hiệu quả của công tác xét xử đã có tác dụng trong công tác phòng ngừa
người chưa thành niên phạm tội (năm 2008 là 3.900 bị cáo, năm 2011 là 3243 bị
cáo giảm 657 bị cáo bằng 16,7%). Tuy nhiên, chúng ta lại thấy tỷ lệ người chưa
thành niên phạm tội được đưa ra xét xử ít hơn rất nhiều so với người chưa thành
niên vi phạm pháp luật bị phát hiện 14.271 người/67.200 người, chỉ chiếm 21%.
Chính vì vậy, cũng chưa thể khẳng định chính xác hiệu quả của công tác phòng
ngừa người chưa thành niên phạm tội thông qua công tác xét xử của Tòa án là bao
nhiêu phần trăm! Cũng thông qua số liệu người chưa thành niên phạm tội được phát
hiện và số liệu người chưa thành niên phạm tội, được đưa ra xét xử thì thấy nguy
cơ số trẻ em phạm tội đang
“gia tăng và trẻ hóa”đang trong
tình trạng báo động bởi lẽ: Số người chưa thành niên phạm tội không đưa ra xét
xử được chiếm 79% có thể là do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hoặc ở độ
tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12
Bộ luật hình sự hoặc được đình chỉ điều tra, đưa vào trường giáo dưỡng… Thực tế
cũng chưa có số liệu thống kê chính xác số người chưa thành niên phạm tội không
bị đưa ra xét xử thì đã xử lý bằng biện pháp hành chính nào, tác dụng của các
biện pháp đó đến đâu? Số tái phạm lại là bao nhiêu, nên khó có căn cứ để đánh
giá hiệu quả phòng ngừa đối với những đối tượng này trong xã hội. Đây là vấn đề
đáng được quan tâm và cần có giải pháp để khắc phục.
b. Về độ tuổi và loại tội mà các bị cáo là người chưa thành niên thực hiện.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì thấy số người chưa thành niên
phạm tội chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 87% (12.439 bị cáo), từ
14 đến dưới 16 tuổi chiếm 12 % (1.832 bị cáo). Những loại tội mà các bị cáo là
người chưa thành niên thực hiện tập trung nhiều ở các tội như:
“Cố
ý gây thương tích”,
“Trộm cắp tài sản”, “Cướp tài sản”, “Giết
người”,” Cướp giật tài sản” chiếm
78,6% tổng các loại tội như đã phân tích ở phần trên
c. Về mức hình phạt được áp dụng đối với các bị cáo.
Trong 04 năm từ 2008 đến 2011, việc quyết định hình phạt khi xét xử đối với
người chưa thành niên phạm tội của ngành Tòa án đã vận dụng thì mức hình phạt từ
15 – 18 năm chỉ có 96 bị cáo chiếm 0,67%, từ 7 – 15 năm có 577 bị cáo chiếm 4%,
từ 3 đến 7 năm có 1.854 bị cáo chiếm 13%, dưới 03 năm có 6.645 bị cáo chiếm
46,5% và số bị cáo được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ là 4990 bị cáo
chiếm 35%. Số bị cáo được áp dụng các loại hình phạt khác
không phải là hình phạt tù là 109 bị cáo chiếm 0,76%. Nhìn chung hình
phạt phổ biến được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong thời
gian qua tập trung ở mức dưới ba năm và án treo. Có thể thấy mức hình phạt đối
với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là mang tính giáo dục thể hiện sự
nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, đã được quy định cụ thể trong Chương X
những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội của Bộ luật hình sự.
Phần 2:
III. MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA
NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI
Như đã phân tích ở phần trên, có thể khẳng định thông qua công tác xét xử
các vụ án do người chưa thành niên phạm tội của ngành Tòa án trong những năm
qua, đã phần nào bảo đảm được công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp
luật trong tầng lớp thanh, thiếu niên, các mức hình phạt mà Tòa án áp dụng đã
bảo đảm tính giáo dục, răn đe góp phần hạn chế và phòng ngừa người chưa thành
niên phạm tội trong xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn tình trạng người chưa thành
niên phạm tội có giảm nhưng không đáng kể, đặc biệt số lượng các vụ án đặc biệt
nghiêm trọng do người chưa thành niên phạm tội gây ra vẫn còn nhiều, gây hậu quả
đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội đã ở mức đáng báo động. Một trong những bất cập
và hạn chế hiện nay, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa tình trạng người chưa thành
niên phạm tội không cao đó là:
1. Bất cập, hạn chế từ những quy định của Bộ luật hình sự.
Như trên đã phân tích, số lượng các vụ án và người chưa thành niên phạm tội
được phát hiện là rất lớn song số vụ án và người chưa thành niên phạm tội được
đưa ra xét xử là rất thấp chỉ chiếm 21% (14.271 bị cáo/67.200 đối tượng phạm tội).
Sở dĩ có tình trạng này thì nguyên nhân chủ yếu xuất phạt từ quy định về độ tuổi
chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự. Theo quy định tại
Điều 12 Bộ luật hình sự thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Việt Nam là từ đủ
14 tuổi và từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về
tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng. Thực tiễn hiện nay,
có rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người dưới 14 tuổi gây ra nhưng
không thể xử lý bằng hình sự được ví dụ: Như vụ án Dương Phương Thuấn ở Trung
Chính – Lương Tài – Bắc Ninh sinh tháng 8/1998, đã giết cháu Nguyễn Đình Đào học
sinh lớp 6 cùng trường, giấu xác xuống ao để cướp xe đạp. Do khi phạm tội Thuấn
chưa đủ 14 tuổi nên Cơ quan Công an đã phải đình chỉ vụ án để đưa Thuấn vào
trường giáo dưỡng Bộ Công an.
Hay còn rất nhiều vụ án do người chưa thành niên phạm tội không thể đưa ra
xét xử được vì các đối tượng này mới chỉ ở độ tuổi đủ 14 đến dưới 16 tuổi nhưng
chỉ phạm các tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng dẫn đến họ có phạm tội những
chỉ xử lý hành chính, chứ không thể xử lý bằng hình sự được.
Bất cập tiếp theo, cũng xuất phát từ chính quy định của Bộ luật hình sự dẫn
đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội nhiều nhưng được đưa ra xét xử ít
đó là sự không thống nhất giữa các quy định của Bộ luật hình sự trong phần chung
và phần các tội phạm cụ thể như:
Tại Điều 115 Bộ luật hình sự có quy định về tội giao cấu với trẻ em là:
“Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, thì
bị phạt tù từ một năm đến năm năm…”
Điều 116 tội dâm ô đối với trẻ em cũng quy định:
“Người nào đã thành niên mà có
hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”
Như vậy, theo cấu thành cơ bản của hai tội này thì chỉ những người từ đủ 18
tuổi trở lên khi có hành vi giao cấu với trẻ em hoặc dâm ô đối với trẻ em mới bị
xử lý về hình sự, còn những người dưới 18 tuổi cho dù mức độ phạm tội có là bao
nhiêu lần cũng không bị xử lý hình sự. Quy định như vậy theo chúng tôi là bất
hợp lý, không phù hợp và mâu thuẫn với quy định tại Điều 12 BLHS là
“Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm…”.
Theo đó người từ đủ 16 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm hình sự đối với
tất cả mọi tội phạm kể cả ít nghiêm trọng, trong khi tội
“giao cấu với trẻ em” và
tội
“dâm ô đối với trẻ em” là những
tội rất nghiêm trọng thì họ lại không phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định
như vậy là không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam, đôi
khi còn bất công trong trường hợp cùng là hành vi giao cấu đối với trẻ em nhưng
có trường hợp người bị hại vừa đủ 13
tuổi thì họ không phải chịu tội, nhưng chỉ cần thiếu một ngày mới đủ 13 tuổi
(dưới 13 tuổi) thì họ lại
phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 112 BLHS (Tội hiếp
dâm trẻ em) với khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân
hoặc tử hình. Chính những bất cập này đã là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người
chưa thành niên phạm tội nhiều nhưng số lượng được đưa ra xét xử lại rất ít như
đã phân tích ở trên và đó cũng chính là nguyên nhân chưa nâng cao được hiệu quả
phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội thông qua công tác xét xử của Tòa án.
Một vấn đề nữa mà theo chúng tôi cũng là những bất cập hiện nay làm hạn chế
hiệu quả phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội thông qua công tác xét xử các
vụ án hình sự của Tòa án, đó chính là những quy định tại Điều 74, 75 Bộ luật
hình sự khi quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trong thời gian vừa qua, dư luận rất bất bình với những hành vi giết người không
ghê tay của những đối tượng Lê Văn Luyện, Lê Ngọc Chung cả hai đối tượng này đều
gây ra hai vụ thảm sát giết nhiều người và phạm một lúc cả hai tội là giết người
và cướp tài sản, trong đó hành vi giết người của chúng đều đáng bị xử với mức án
cao nhất là đến tử hình song chúng chỉ phải chịu mức án cao nhất là mười tám năm
tù vì lý do chúng đều chưa đủ 18 tuổi. Hay vụ Nguyễn Văn Ngọc ở Nam Sơn thành
phố Bắc Ninh đã có hành vi giết người cướp xe máy song cũng chỉ xử bị cáo 12 năm
tù vì khi phạm tội bị cáo chưa đủ 16 tuổi mà theo quy định tại Điều 74 BLHS thì:
“1. Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được quy
định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp
dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất
được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp
dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất
được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt
cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”
Tại Điều 75. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Quy định:
“Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có
tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt được áp dụng
như sau:
1. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt
chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ
luật này;
2. Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt
chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội”.
Theo chúng tôi, quy định về việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa
thành niên phạm tội theo Điều 74 BLHS và tổng hợp hình phạt theo Điều 75 BLHS
như Bộ luật hiện hành là không phù hợp gây dư luận bất bình trong nhân dân. Mặc
dù, mục đích của hình phạt nói chung không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục họ
trở thành người có ích cho xã hội còn
đối với người chưa thành niên phạm tội thì mục đích của chúng ta là chủ
yếu nhằm giáo dục giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm chứ không phải là mang tính trừng
trị song hiện nay rõ ràng việc người chưa thành niên phạm những tội đặc biệt
nghiêm trọng, gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không còn là cá biệt
mà đang có chiều hướng gia tăng thì mức hình phạt như quy định hiện nay là không
phù hợp, nếu như không nói chúng ta đang nhân đạo với một người mà lại không
nhân đạo với nhiều người khác đặc biệt là đối với những vụ thảm sát do người
chưa thành niên phạm tội gây ra trong thời gian qua. Ví dụ như vụ tên Nguyễn Văn
Ngọc khi phạm tội cướp tài sản và giết người bị cáo mới gần 15 tuổi, giả sử bị
cáo không được giảm án thì cũng chỉ 27 tuổi bị cáo được trở về gia đình, song
nỗi đau của gia đình người bị hại thì chưa biết bao giờ mới nguôi ngoai và cũng
không ai có thể biết trước liệu con người này có thực sự hướng thiện hay không?
Đặc biệt gần đây, lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật cũng như mức hình
phạt quy định với người chưa thành niên phạm tội mà đã có những đối tượng là
người thành niên, lợi dụng những người chưa thành niên để kích động, xúi giục họ
có những hành vi quá khích, trả thù hay tiến hành đâm thuê, chém mướn theo kiểu
xã hội đen nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối của các đối tượng phạm tội là
người thành niên gây mất trật tự trị an và gây hoang mang, lo sợ trong cộng đồng
dân cư. Theo chúng tôi, đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh tội phạm do
người chưa thành niên thực hiện và làm giảm hiệu quả phòng ngừa tội phạm do
người chưa thành niên phạm tội trên góc độ xét xử của Tòa án.
2. Những bất cấp từ mô hình của Tòa án và đội ngũ xét xử các vụ án người chưa
thành niên phạm tội hiện nay.
Như chúng ta đã biết, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ
về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ sẽ bị
hạn chế hơn so với người thành niên. Họ dễ bị kích động, bị rủ rê, lôi kéo vào
những hoạt động của người lớn, nghiên cứu về thái độ tâm lý của người chưa thành
niên phạm tội thông qua các phiên tòa xét xử đối với người chưa thành niên phạm
tội, chúng tôi thấy thường thường người chưa thành niên sau khi phạm tội có
những biểu hiện trái ngược nhau. Có những đối tượng sau khi phạm tội thì tỏ vẻ
rất sợ hãi, rất hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược
lại thì cũng có những đối tượng sau khi phạm tội thì cố tỏ vẻ
“chất
anh hùng” của mình, tạo ra vẻ bất cần, không có chút sợ hãi, cố tình
cười cợt… Thực chất, đây cũng chỉ là những phản ứng rất bình thường của lứa tuổi
đang trong quá trình hình thành nhân cách, đòi hỏi các quy định của pháp luật
phải làm sao vừa mang tính răn đe vừa mang tính giáo dục hiệu quả nhất và một
trong những biện pháp quan trọng nhất đó là việc thay đổi từ các quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hiện hành, mặc dù đã có một chương riêng
quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội (Chương
XXXII), tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy định mang tính chung nhất chưa cụ thể
và phù hợp với hoạt động tố tụng của các Cơ quan và người tiến hành tố tụng đối
với người chưa thành niên phạm tội. Như đã phân tích về đặc điểm tâm sinh lý của
người chưa thành niên ở trên, thì
các quy định của Bộ luật tố tụng cần quy định cụ thể và riêng biệt hơn nữa đối
với người chưa thành niên phạm tội trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Hiện chúng ta khi đưa người chưa thành niên phạm tội ra xét xử thì vẫn là phòng
xét xử chung của Tòa án, một phiên tòa vừa xét xử người chưa thành niên vừa xét
xử người đã thành niên phạm tội chung nhau với nhiều tội danh khác nhau là không
phù hợp, chính không khí trang nghiêm của phiên tòa cũng như của phòng xử án,
rồi thái độ lạnh lùng của các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, vị trí ngồi của
các bị cáo là người chưa thành niên trong vòng vây của Cảnh sát, cách xa người
thân rồi sự có mặt của nhân dân khi tham dự phiên tòa, những bình phẩm của họ đã
tác động đến tâm lý của bị cáo, ảnh hưởng đến việc khai báo sự thật…
Hiện nay, chúng ta cũng chưa có đội ngũ những người tiến hành tố tụng cả
Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán riêng biệt được trang bị những kiến
thức cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo
dục khi xét xử đối với các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội. Hiện các
Thẩm phán khi xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, cũng là những Thẩm
phán xét xử đối với người thành niên, thậm chí trong cùng một phiên tòa có khi
vừa xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với người thành niên song lại tiếp tục
xét xử đối với người chưa thành niên dẫn đến tình trạng Thẩm phán đó vẫn dùng
nguyên thái độ khi xét xử với người thành niên, thậm chí còn quát tháo, khi xét
hỏi còn có những lời lẽ không phù hợp với tâm lý của bị cáo là người chưa thành
niên, câu hỏi đôi khi không mang tính giáo dục mà còn mang tính truy chụp, buộc
tội, không mang tính thân thiện, hòa nhã, đẩy bị cáo là người chưa thành niên
vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng và có cảm giác bị kỳ thị dẫn đến tình trạng
tiêu cực từ phía bị cáo là người chưa thành niên. Dẫn đến tình trạng sau phiên
tòa, hoặc sau khi được về với gia đình họ có thể sẽ liều lĩnh và nguy hiểm hơn.
Đấy cũng chính là nguyên nhân mà hiệu quả phòng ngừa người chưa thành niên phạm
tội, thông qua công tác xét xử của Tòa án không đạt được kết quả như mong muốn.
Phần 3:
IV. NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI THỰC TRẠNG NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
PHẠM TỘI VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA
1. Nguyên nhân chủ quan.
Các công trình nghiên cứu khoa học về độ tuổi ở nước ta và một số nước trên
thế giới tương tự như nước ta đều đi đến kết luận: Người chưa thành niên (dưới
18 tuổi) về thể chất và tinh thần mới phát triển ở một mức độ nhất định. Vì vậy,
trong nhận thức và hành động của mình, người chưa thành niên còn hạn chế về kiến
thức nói chung và kiến thức xã hội nói riêng, không làm chủ được hành động của
mình thường bị kích động, rủ rê, lôi kéo và hay bị người khác lợi dụng. Về mặt
chủ quan, còn có thể thấy do người chưa thành niên, chưa được học hành, trang bị
đầy đủ kiến thức đặc biệt là kiến thức pháp luật nên nhận thức không hết thậm
chí không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, là phạm tội.
2. Nguyên nhân khách quan.
a. Nguyên nhân từ phía gia đình:
– Đất nước ta đã trải qua một thời gian dài sống trong chế độ bao cấp, từ
khi chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa, bên cạnh những mặt tích cực, thì nền kinh tế thị trường cũng tác động
tiêu cực tới không ít gia đình. Đó là do bố, mẹ, người lớn trong gia đình mải lo
làm ăn kinh tế, bon chen trong cuộc sống hoặc chỉ mưu cầu về chính trị, về quyền
lực lên không bố trí được thời gian, sức lực để quan tâm, chăm sóc con em mình,
buông lỏng việc giáo dục, quản lý con cái. Nhiều gia đình chỉ có thói quen cứ
giao cho con em mình một khoản tiền để chi tiêu, mà không cần quản lý xem chúng
chi tiêu vào việc gì có chính đáng hay không chính đáng, chính việc cho con em
mình là người chưa thành niên, tiếp xúc với đồng tiền quá sớm và tiêu tiền quá
dễ dãi, đã dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc trong lứa tuổi chưa thành niên, dễ bị
rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội.
– Do lợi ích kinh tế chi phối nên lợi ích về chuẩn mực đạo đức truyền thống
ở nhiều gia đình hiện nay có nguy cơ bị phá vỡ. Tình cảm, và các giá trị đạo đức
bị coi nhẹ đã tác động trực tiếp tới nhận thức, tư duy của con cái, người chưa
thành niên trong gia đình theo những hướng xấu ngược với những giá trị đạo đức
truyền thống. Đau lòng hơn nữa khi trong thực
tiễn còn có những trường hợp có nhiều bậc cha mẹ sử dụng, lợi dụng con cái tham
gia thực hiện tội phạm như trộm cắp, buôn người, buôn bán ma túy, cướp tài sản…
b. Nguyên nhân từ phía nhà trường:
– Cũng do ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường nên đã mất dần tình thương yêu
giữa thầy cô đối với học trò và sự tôn kính của trò đối với thầy cô cũng chỉ ở
một giới hạn nhất định. Sở dĩ có tình trạng này là do hiện nay, chúng ta quá chú
trọng vào dạy chữ, chứ chưa chú trọng dạy các em về
kỹ năng sống, kỹ năng làm
người. Điều đó thể hiện ở một bộ phận lớp trẻ, sau khi vụ án Lê Văn Luyện xảy ra
đã có nhiều bạn trẻ coi Lê Văn Luyện là “thần tượng”. Nếu các nhà trường chú
trọng hơn tới vấn đề dạy cho các em về kỹ năng sống, kỹ năng làm người và về đạo
đức truyền thống, thì các em sẽ phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác và sẽ
không bao giờ đi tôn sùng cái ác.
– Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được triển khai rộng khắp
nhưng phần lớn mang tính hình thức, nên hiệu quả mang lại không cao, các em học
sinh không nhận thức được nhiều về pháp luật. Việc xử lý học sinh vi phạm nội
quy nhà trường cũng như vi phạm pháp luật còn chưa thường xuyên, kiên quyết và
triệt để. Đáng lưu ý là tình trạng học sinh bỏ
học có chiều hướng gia tăng là nguy cơ, điều kiện để tội phạm lợi dụng xâm hại
hoặc dụ dỗ lôi kéo các em vào con đường phạm tội (số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy
hiện nay có gần 255.000 học sinh, sinh viên bỏ học). Ngoài ra, công tác phối hợp
đấu tranh, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng, ban
ngành, đoàn thể vẫn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, mới chỉ chú trọng xử lý các vụ
việc đã xảy ra mà chưa coi trọng công tác phòng ngừa.
– Việc kết hợp trong giáo dục giữa nhà trường và gia đình để quản lý học
sinh đã được thiết lập, nhưng hiệu quả chưa cao. Điều này có nguyên nhân từ hai
phía như đã phân tích ở phần trên.
c. Nguyên nhân từ xã hội:
– Chính quyền các cấp, các đoàn thể, cơ quan pháp luật chưa thực sự chú ý
tới công tác phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội, mới chỉ tập trung khi có
vi phạm pháp luật xảy ra đối với lứa tuổi này thì chống (trừng phạt) là chính
nên tính chủ động cũng như hiệu quả không cao. Mặt khác, trong một số hành vi vi
phạm pháp luật cụ thể của người chưa thành niên, việc xử lý còn chưa phù hợp,
không đúng pháp luật.
– Chưa có một Tòa án riêng mang tính thân thiện để xét xử đối với người chưa
thành niên phạm tội, việc xét xử người chưa thành niên phạm tội chung với người
thành niên, đã tạo tâm lý không tốt đối với họ, những người tiến hành tố tụng
khi điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội còn chưa
được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết để nắm bắt được tâm sinh lý của
người chưa thành niên dẫn đến đôi khi còn áp dụng pháp luật không đúng, nên tính
giáo dục không cao, còn mang tính tiêu cực ngược lại.
– Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm cũng như tranh, ảnh, băng,
đĩa, mạng internetcó nội dung xấu, kích động bạo lực không được ngăn chặn kịp
thời và có diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng xấu tới tâm lý, nhận thức và hành
động của người chưa thành niên.
3. Các giải pháp phòng ngừa.
a. Đối với xã hội:
– Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các đoàn thể và các nhà trường cần đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt
đối với người chưa thành niên. Cần coi trọng giáo dục để người chưa thành niên
hiểu rõ một số luật cơ bản liên quan tới quyền, nghĩa vụ của mình mà người chưa
thành niên hay phạm phải như: Luật giao thông, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
trẻ em, Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự…
– Tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho người chưa thành niên có các
sân chơi, bãi tập, các hình thức sinh hoạt bổ ích, lành mạnh nhằm thu hút học
sinh và người chưa thành niên tham gia học tập, rèn luyện, sử dụng thời gian
nhàn rỗi có ích và thiết thực.
– Giáo dục ở nhà trường, ngoài việc dạy chữ, truyền đạt những kiến thức cơ
bản cần hết sức quan tâm và giành nhiều thời lượng dạy cho người chưa thành niên
về kỹ năng sống, kỹ năng làm người thông qua việc giáo dục về đạo đức truyền
thống, lịch sử, pháp luật, giao tiếp trong gia đình và xã hội. Cần có sự liên hệ
chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, thông báo thường xuyên, kịp thời về kết
quả học tập, thời gian học tập những thay đổi về tư cách đạo đức, những biểu
hiện lệch lạc trong lối sống của các em với gia đình để có biện pháp kết hợp
cùng giáo dục giữa nhà trường và gia đình.
– Chính quyền các địa phương, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn cần quản lý các tụ điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, các quán internet…
có nguy cơ tiềm ẩn các vi phạm pháp luật. Chủ động thông báo với các cơ quan
chức năng để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Ủy ban nhân dân các địa phương cần có kế
hoạch thống kê, giám sát, theo dõi riêng đối với người chưa thành niên để sớm
phát hiện điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những biểu hiện sai lệch, nhưng hành vi
thái quá vi phạm các quy chuẩn đạo đức để ngăn chặn kịp thời, tránh tình trạng
để vi phạm xảy ra rồi mới lo xử lý. Đối với người chưa thành niên phạm tội bị
Tòa án xử tù giam, khi đã chấp hành xong hình phạt trở về sinh sống tại địa
phương với gia đình hay những trường hợp được hưởng án treo giao cho địa phương
giám sát, quản lý thì địa phương cũng cần có những cán bộ theo sát để động viên,
cảm hóa, xóa bỏ sự kỳ thị, mặc cảm, tạo công ăn việc làm cho các em tái hòa nhập
với xã hội.
Hiện nay trong phạm vi cả nước, đã nhiều năm nay chưa có báo cáo nào cụ thể
về người chưa thành niên phạm tội khi trở về gia đình thì số lượng tái phạm hay
được sự giáo dục của địa phương đã tái hòa nhập vào cộng đồng là bao nhiêu, công
tác giám sát, giáo dục của địa phương đối với người được hưởng án treo trong
thời gian thử thách là như thế nào? Vì vậy, cần có kế hoạch khảo sát và tổng kết
công tác này.
b. Về phía gia đình:
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, người chưa thành niên sinh ra và lớn
lên thời gian chủ yếu là sống trong gia đình. Truyền thống gia đình, đạo đức gia
đình và tấm gương của bố, mẹ ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, suy nghĩ của người
chưa thành niên. Vì thế những người làm bố, mẹ phải gương mẫu về đạo đức, lối
sống, cách hành xử phải có chuẩn mực, đúng với đường lối của Đảng và pháp luật
của Nhà nước và cần có thời gian hợp lý để chăm sóc, giáo dục con em mình, phải
là chỗ dựa tinh thần cho con em mình là người chưa thành niên và phải thường
xuyên kết hợp chặt chẽ với nhà trường, đoàn thể, chính quyền, cơ quan pháp luật
để kịp thời uốn nắn, giáo dục khi có hành vi vi phạm pháp luật do con em mình
gây ra.
c. Giải pháp về các quy định của pháp luật.
Thứ nhất: Cần
hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự.
Như trên đã phân tích, trong các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện
hành, đang có sự mâu thuẫn giữa các quy định tại phần chung và phần các tội
phạm, để khắc phục sự mâu thuẫn này chúng tôi thấy cần sửa đổi quy định tại cấu
thành cơ bản của các Điều 115 tội
“giao cấu với trẻ em” và Điều 116
tội
“Dâm ô đối với trẻ em” theo hướng
không quy định trong cấu thành cơ bản của hai điều luật này là
“người nào đã thành niên…” mà nên quy định như cấu thành cơ bản của các
Điều 111, 112, 113, 114 Bộ luật hình sự. Có như vậy, mới tránh lọt người phạm
tội và không mâu thuẫn với quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự như đã phân tích.
Thứ hai: Về
vấn đề áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trong thời gian gần đây đặc biệt là sau vụ án Lê Văn Luyện và Lê Ngọc Chung
vừa phạm tội cướp tài sản và giết nhiều người, song mức án chỉ là 18 năm tù, vụ
Nguyễn Văn Ngọc phạm tội giết người và cướp tài sản song mức án cũng chỉ là 12
năm tù, thì dư luận nhân dân cho rằng mức hình phạt của chúng ta là quá nhẹ,
không đủ sức răn đe đối với tội ác do người chưa thành niên phạm tội gây nên. Về
vấn đề này, hiện cũng đã có nhiều ý kiến trái ngược của các nhà khoa học, các
luật gia, các nhà chuyên môn trong việc có nên tăng hình phạt áp dụng khi xét xử
đối với người chưa thành niên phạm tội hay không? Có nên hạ độ tuổi chưa thành
niên xuống là 16 tuổi hay không… Về vấn đề này, quan điểm của chúng tôi cho rằng
việc quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng như độ tuổi chưa thành
niên thì theo công ước quốc tế cũng không bắt buộc về vấn đề này mà việc quy
định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay độ tuổi chưa thành niên là do quy
định của mỗi quốc gia thành viên, vấn đề này đã được thể hiện rõ tại
Điều 1 Công ước về quyền trẻ
em (Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông
qua ngày 20/11/1989 có ghi:
“Trong phạm vi của Công ước này,
trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18
tuổi, trừ trường
hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của LHQ về việc áp dụng pháp luật đối với
người chưa thành niên (còn gọi là Quy tắc Bắc Kinh), được Đại hội đồng LHQ thông
qua ngày 29-11-1985 nêu rõ:
“Người chưa thành niên là trẻ em hay người ít tuổi tuỳ theo từng hệ
thống pháp luật có thể bị xét xử vì phạm pháp theo một phương thức khác với việc
xét xử người lớn” (Quy tắc số 2.2 mục a). Hiện một số nước trên thế giới
và khu vực, cũng có những quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự khác nhau
như: Vương Quốc Anh là 10 tuổi, Liên bang Nga 13 tuổi, Irac là 7 tuổi…
Theo quan điểm
của chúng tôi, không cần thiết phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay hạ
độ tuổi người chưa thành niên, mà nên sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng
mức hình phạt khi xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, mặc dù hiện
cũng có nhiều quan điểm không đồng ý, song với thực trạng người chưa thành niên
phạm tội hiện nay, chúng ta cũng cần có sự thay đổi về chính sách hình sự theo
hướng nghiêm khắc hơn cho phù hợp với tình trạng gia tăng người chưa thành niên
phạm tội hiện nay. Điều đó cũng không trái với nội dung của các Công ước quốc tế.
Thực chất, khi nghiên cứu mức hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành
niên phạm tội ở một số nước thì thấy:
Trước đây, Điều
44 Bộ luật Hình sự năm 1979 của Trung Quốc quy định không áp dụng hình phạt tử
hình đối với những người chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm
tội. Tuy nhiên, người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi phạm tội đặc biệt
nghiêm trọng vẫn có thể bị kết án tử hình và bản án tử hình sẽ được
“treo” trong thời hạn hai
năm. Đây là quy định khá đặc biệt của điều luật, giúp người phạm tội
có cơ hội sống. Theo đó, nếu phạm nhân thực sự hối hận về hành vi phạm
tội của mình thì khi hết hai năm, án tử hình sẽ được giảm xuống thành tù chung
thân. Nếu phạm nhân vừa thực sự hối hận, vừa lập được thành tích đáng ca ngợi,
hình phạt sẽ được giảm xuống tù có thời hạn với mức tối thiểu là 15 năm và tối
đa là 20 năm, tính từ sau khi hết thời hạn hai năm. Trong trường hợp có bằng
chứng cho thấy phạm nhân chống lại việc cải tạo một cách rõ ràng thì hình phạt
tử hình sẽ được thực hiện với sự đồng ý của Tòa án Nhân dân Tối cao.
Quy định đặc biệt
trên vẫn được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1997 của Trung Quốc. Tuy nhiên,
điều luật này không còn ý nghĩa đối với NCTN phạm tội. Bởi lẽ Điều 49 Bộ luật
Hình sự năm 1997 của Trung Quốc đã cấm áp dụng hình phạt tử hình đối với người
chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Sửa đổi này của pháp
luật hình sự Trung Quốc phù hợp với yêu cầu quốc tế, bởi nước này đã phê chuẩn
Công ước Quốc tế về quyền trẻ em vào ngày 31-1-1992.
Thái Lan: Có thể giam 50 năm tù, trước đây, pháp luật hình sự Thái Lan quy định áp dụng hình phạt tử hình
đối với người chưa thành niên trên 17 tuổi phạm tội. Năm 2003, Thái Lan sửa đổi
quy định trên theo hướng cấm tuyên án tử hình hoặc tù chung thân đối với người
chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Mức phạt tù tối đa
dành cho đối tượng này là 50 năm tù. Trong trường hợp người phạm tội dưới 18
tuổi đã bị kết án tử hình hoặc tù chung thân, hình phạt dành cho họ sẽ tự động
giảm xuống còn 50 năm tù.
Nhật Bản: Chưa trưởng thành vẫn tử hình
Tuổi trưởng thành
của người Nhật Bản theo luật định là 20. Dù vậy, Nhật Bản vẫn quy định NCTN ở độ
tuổi 18, 19 cũng có thể bị tuyên án tử hình. Tháng 4-2008, Tòa án Hiroshima đã
tuyên án tử hình Takayuki Fukuda, một tháng sau sinh nhật lần thứ 18 (tức vẫn
còn là vị thành niên theo pháp luật Nhật Bản) vì Takayuki Fukuda đã thực hiện
hành vi phạm tội hiếp dâm và giết chết một phụ nữ cùng đứa con nhỏ của chị.
Ở Việt Nam, theo
Bộ luật Hình sự năm 1985, nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung
thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16
tuổi trở lên là 20 năm tù, đối với người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16
tuổi là 15 năm tù.
Bộ luật Hình sự
năm 1985 được sửa đổi bổ sung bốn lần nhưng quy định trên chưa một lần thay đổi.
Đến năm 1999, Quốc hội nước ta thông qua Bộ luật Hình sự năm 1999, vẫn quy định
không áp dụng tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Thậm chí, bộ luật này còn hạ
“mức trần” dành cho họ! Theo đó, nếu điều luật quy định hình
phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với
người từ đủ 16 tuổi tuổi đến dưới 18 tuổi là không quá 18 năm tù (trước đây là
20 năm tù), đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là không quá 12 năm tù
(trước đây là 15 năm tù).
Chính từ những
quy định về mức hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên như vậy, nên mức
hình phạt cao nhất dành cho Luyện là không quá 18 năm tù. Dư luận tỏ ra khá gay
gắt và phẫn nộ vì cho rằng mức án trên không tương xứng với hành vi máu lạnh của
sát thủ. Trên các diễn đàn, nhiều người
“đề xuất bắt giam Luyện vài tháng cho đủ
18 tuổi rồi đem ra xét xử, áp dụng hình phạt tử hình”. Đề xuất này không
thể áp dụng, bởi các mốc đủ 14, đủ 16, đủ 18 tuổi được xác định vào thời điểm
thực hiện hành vi phạm tội chứ không phải vào thời điểm xét xử.
Để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi cần nâng mức hình phạt nếu tới
tử hình thì độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 phải là chung thân và độ tuổi từ đủ 14
đến dưới 16 phải là 20 năm và khi tổng hợp hình phạt cũng nên tổng hợp theo
trường hợp bình thường là đến 30 năm. Việc sửa đổi này, theo chúng tôi cũng
không trái với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cụ thể như:
Khoản 5 Điều 6 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,
có hiệu lực ngày 23-3-1976. Việt Nam ký ngày 24-9-1982 quy định
“Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được
thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”. Hay Điều 37a Công
ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, có hiệu lực từ ngày 2-9-1990. Việt Nam
phê chuẩn ngày 20-2-1990 quy định:
“Các
quốc gia thành viên sẽ bảo đảm rằng:
a) Không có
trẻ em nào phải chịu sự tra tấn, đối xử, trừng phạt, độc ác, vô nhân đạo hay làm
mất phẩm giá. Sẽ không xử án tử hình hoặc tù chung thân không có khả năng phóng
thích vì những hành động phạm pháp do người dưới 18 tuổi gây ra”.
Theo pháp
luật của Việt Nam, thì trong quá trình cải tạo thì người bị kết án vẫn có cơ hội
được giảm án và phóng thích trước thời hạn. Do vậy, việc tăng mức hình phạt là
cần thiết và phù hợp với tình hình gia tăng tình trạng người chưa thành niên
phạm tội hiện nay và mới đủ sức để răn đe và mới nâng cao được hiệu quả phòng
ngừa tội phạm do người chưa thành
niên gây ra thông qua công tác xét
xử của Tòa án và không trái với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thứ ba: Cần thành lập Tòa án cho
người chưa thành niên và có một đội ngũ cán bộ riêng biệt cho công tác điều tra,
truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên.
Như phần
nguyên nhân, chúng tôi đã phân tích thì
việc thành lập tòa án cho người chưa thành niên là việc cấp bách, cần làm ngay.
Đây cũng chính là một công cụ để có thể phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi này
một cách hiệu quả. Bởi lẽ: người chưa thành niên có tâm, sinh lý chưa hoàn thiện,
nhận thức hạn chế, chịu nhiều tác động từ môi trường, điều kiện, hoàn cảnh và
hành vi của người lớn. Trong khi đó, thực tiễn xử lý đối với người chưa thành
niên phạm tội hiện nay đang có nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Các quy định về xử
lý người chưa thành niên phạm tội vừa ít, vừa thiếu; quy định về trình tự thủ
tục đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng với vai trò nạn nhân, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… hầu như chưa có.
– Cùng với việc thành lập Tòa án cho người chưa thành niên, thì chúng ta
cũng cần phải chú trọng đào tạo đội ngũ những người tiến hành tố tụng cả Điều
tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán riêng biệt được trang bị những kiến thức
cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo dục
khi xét xử đối với các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội.
– Thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc xử lý người chưa thành niên
phạm tội, ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử tại chương X Bộ luật hình sự,
Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết số 03/2004/NQHĐTP ngày 02/10/2004
của Tòa án nhân dân tối cao và một số văn bản khác liên quan đến việc bảo đảm
quyền cũng như đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.
– Tòa án nhân dân đặc biệt là ở cấp huyện, cần chú ý tăng cường xét xử lưu
động các vụ án tại địa phương nơi có người chưa thành niên phạm tội gây ra, chú
trọng hình thức vừa tuyên truyền, giáo dục vừa trừng trị những kẻ chủ mưu, cầm
đầu, cần áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự
và có mức án nghiêm khắc đối với người thành niên đã lôi kéo, rủ rê, kích động
người chưa thành niên phạm tội.
Bài viết này
Gửi bài
Các tin khác
Tìm hiểu về Tòa án Hàn Quốc (Phần 2) 26/03/2015
Tìm hiểu về Tòa án Hàn Quốc (Phần 1) 24/03/2015
Một số lưu ý khi giải quyết vụ việc dân sự theo luật hôn nhân và gia đình năm 2014 19/03/2015