Nghĩa vụ quân sự là gì?

Nghĩa vụ quân sự là một trong các nghĩa vụ bắt buộc của công dân đối với đất nước. Vậy pháp luật hiện hành quy định nghĩa vụ quân sự là gì? Chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết dưới đây. 

Khái niệm 

Khoản 1, Điều 4, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: 

“Điều 4. Nghĩa vụ quân sự

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.”

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. 

Từ quy định trên, có thể hiểu nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân được phục vụ trong lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ (phục vụ trong các lực lượng thường trực của Quân đội Nhân dân) và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân (đây là hình thức phục vụ quân sự ngoài biên chế của lực lượng thường trực). 

Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Các quy định chi tiết về nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và nghĩa vụ phục vụ trong ngạch dự bị, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong các bài viết tiếp theo. 

Nguyên tắc về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự 

Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong đó, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là độ tuổi công dân thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo quy định tại Điều 30, độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Các trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình 

Nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình là việc công dân phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân trong thời kỳ không có chiến tranh. 

– Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Trong đó, theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.

– Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;

– Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị. 

Trong đó, Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi chung là sĩ quan) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp Úy, cấp Tá, cấp Tướng. (căn cứ tại Điều 1, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam). 

Ngạch sĩ quan dự bị là ngạch gồm những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ. (căn cứ tại Khoản 3, Điều 7, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999)

– Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

– Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành Kiểm ngư; có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật; bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác thủy sản và các hoạt động kinh tế trên biển…

Tàu kiểm ngư là tài công vụ của cơ quan Kiểm ngư, phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan này.

Luật Hoàng Anh