Nghĩ về nâng cao dân trí! :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Có những sự việc xảy ra gần đây khiến nhiều người không khỏi nghĩ về dân trí và nâng cao dân trí.

Đầu tiên là “thần dược cứu… nhân vật” (Tuổi Trẻ 15-5-2007). Nhiều hệ lụy đã xảy ra sau khi nhiều người dùng loại “thần dược” này, và người ta bắt đầu đề cập tới việc quản lý đông dược, người ta kêu ca Bộ y tế và Cục quản lý dược đã không có biện pháp tịch thu, tiêu hủy những loại thần dược, mà chỉ cho ra đời một thông báo lạnh lùng!

Thế nhưng, bình tĩnh để nhìn nhận, Bộ y tế và Cục quản lý dược sẽ làm được gì khi mà vẫn có những người bất chấp sức khỏe nhân dân để bán “thần dược” một cách công khai và rộng rãi, người dân vẫn chấp nhận? Tại người dân không hiểu về thần dược hay tại họ không có tiền mua tân dược? Chắc chắn “thần dược” sẽ không thể tràn lan nếu những người buôn bán “thần dược” hiểu rằng: sức khỏe của người dân là vô cùng quan trọng, không nên buôn bán những loại thần dược không rõ nguồn gốc, tác dụng; nếu người dân hiểu rằng: sử dụng thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ, cần phải được hướng dẫn, cần phải qua chẩn trị; nếu có chính sách chữa bệnh hiệu quả, thông thoáng cho người nghèo, quản lý được giá thuốc để người nghèo có thể chi trả… Thế nhưng bao năm nay, người dân, đặc biệt là dân nghèo, làm gì có điều kiện để hiểu được những điều ấy, làm gì có ai đến để nói rõ cho họ những điều ấy! Giá thuốc vẫn ở… trên trời, người dân vẫn phải mua thuốc với sự cam chịu vì giá thuốc chẳng bao giờ minh bạch trong khi khỏi bệnh lại là điều họ sẵn sàng trả giá…

Kế đến là vụ nước tương chứa chất gây ung thư 3-MCDP. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khuyên người tiêu dùng hãy… “thông thái” để lựa chọn nước tương. Nhưng quả thật, người tiêu dùng khó mà… thông thái khi thông tin về những công ty, cơ sở sản xuất nước tương chứa 3-MCDP quá mức cho phép không được công bố rộng rãi và đầy đủ. Ém nhẹm thông tin suốt 6 năm trời, không dứt khoát trong việc cung cấp thông tin, dây dưa trong việc xử phạt, chậm trễ và bất minh trong việc thu hồi những sản phẩm không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm… vậy người dân dựa vào đâu để… thông thái? Người dân dự định sẽ kiện Sở Y tế TP.HCM trước tiên, họ đã tẩy chay những loại nước tương không an toàn, các siêu thị đã loại những chai nước tương không đảm bảo khỏi kệ hàng…

Chính sách giáo Dục Việt Nam

Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục chiếm khoảng 10% ngân sách nhà nước (trong đó 70-80% dùng để trả lương cho giáo viên). Ngân sách dành cho giáo dục và đào tạo của khu vực tư nhân ước tính là trên 40% tổng chi phí trực tiếp. Trường lớp còn thô sơ, trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu, giáo trình thiếu cập nhật, trình độ giáo viên chưa cao. Hiện vẫn còn hàng triệu trẻ em không đến trường.

Tất cả những động thái ấy phải chăng nhờ dân trí? Hơn nữa, cần phải đặt vấn đề rằng: nếu các cơ sở, công ty sản xuất nước tương có ý thức “phục vụ xã hội”, có chữ “tâm” bên cạnh chữ “tiền”, thì thử hỏi họ có cho ra lò những sản phẩm nước tương nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng hay không? Chắc hẳn là không! Vậy ai sẽ dạy chữ “tâm” trong kinh doanh, ai nâng cao “doanh trí” để “dân trí” được nhờ, để người dân không phải dùng hàng giả, hàng dỏm? Cơ chế nào để giám sát việc sản xuất, kinh doanh?

Và cuối cùng là vụ cắt trộm cáp quang bán phế liệu. Cáp quang ở nước ta có vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, kết nối các địa phương với nhau, và đảm bảo thông tin giữa Việt Nam và thế giới. Thế nhưng, người dân, đặc biệt là dân đi biển, đã bao giờ được nói cho nghe về tầm quan trọng của cáp quang chưa? Hẳn nhiên là chưa bao giờ được nghe nói rộng rãi. Vì sao vậy? Vì đó là bí mật quốc gia hay vì tắc trách? Đến khi việc cắt cáp quang đã xảy ra, đến khi VN có nguy cơ bị cô lập với thế giới, đến khi ấy, Bộ Bưu chính – Viễn thông mới có kiến nghị triển khai bảo vệ cáp quang biển, đến khi ấy Thủ tướng mới yêu cầu bảo vệ cáp quang biển, đến khi ấy lãnh đạo VTI mới kêu gọi ý thức người dân. Nhưng, xin hiểu rằng: người dân sẽ không có ý thức bảo vệ cáp quang biển nếu tầm quan trọng của nó không được tuyên truyền rộng rãi, cũng như những biện pháp chế tài nghiêm khắc nếu xâm phạm cáp quang không được minh định và áp dụng một cách triệt để. Lỗi của những người cắt trộm cáp quang biển đã rõ, nhưng cái lỗi ấy xuất phát từ đâu lại là điều ai để ý sẽ hiểu. Dân trí thấp nên không hiểu về tầm quan trọng của cáp quang, hiển nhiên! Nhưng ai nói cho dân hiểu để dân không cắt trộm cáp quang, để nâng cao dân trí trong lĩnh vực này?

Thì rồi sẽ có những cuộc thanh tra đông dược, sẽ có những biện pháp đối với các công ty, cơ sở sản xuất nước tương không an toàn, sẽ có những biện pháp xử lý đối với những người đã cắt cáp quang biển… Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó, dừng lại ở khía cạnh quản lý hành chính, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi lẽ những biện pháp ấy không phải là nội dung chủ yếu của nâng cao dân trí, trong khi dân trí mới là yếu tố nền tảng của một xã hội ổn định, phát triển, công bằng, dân chủ và văn minh.

Tôi vẫn nhớ lời của ông Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nói khi kết thúc cuộc đối thoại trực tuyến về bầu cử quốc hội khóa XII rằng: “Cử tri của ta rất tinh”. Phải, đó là một sự nhìn nhận xác đáng về người dân, về dân trí. Tuy nhiên, nâng cao dân trí, chắc chắn không phải là công việc của chỉ một Bộ GD-ĐT, lại càng không phải chỉ là chuyện phổ cập giáo dục phổ thông, mà còn phải là công khai, minh bạch mọi thông tin trong những lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến dân sinh, phải có những cuộc tuyên truyền sâu rộng kiến thức về mọi lĩnh vực, từ giáo dục, y tế… cho đến kinh doanh, môi trường… Chỉ khi nào người dân được cung cấp đầy đủ thông tin, thì khi ấy, dân trí mới được nâng cao thực sự. Xem ra lại phải cần đến việc nâng cao “quan trí” trước tiên, rồi đến “doanh trí”. Hai điều đó là nền tảng thúc đẩy “dân trí”.