Nghị quyết “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế
Nghị quyết “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” sau 5 năm thực hiện
Ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây gọi là Nghị quyết số 29), đánh giá sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 như sau.
1. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 29
Nghị quyết số 29 được các cấp, các ngành triển khai tích cực từ trung ương tới cơ sở và từng bước đi vào cuộc sống, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nước ta đạt được một số kết quả quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với GD&ĐT được tăng cường; đổi mới GD&ĐT được thực hiện ở tất cả các cấp học, ngành học. Ngành giáo dục đã thể hiện quyết tâm đổi mới và kiên trì thực hiện nhiệm vụ cốt lõi, đột phá, đó là: Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác quản lý; đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. GD&ĐT tại các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa luôn được ưu tiên đầu tư phát triển. Nhà nước chăm lo giáo dục cho các đối tượng chính sách. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng về số lượng, chất lượng và hiệu quả.
Về Thực hiện các mục tiêu nêu trong Nghị quyết só 29, Ban Bí thư đánh giá: Mặc dù sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là rất khó khăn, phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia có hiệu quả của cả hệ thống chính trị các mục tiêu nêu trong Nghị quyết bước đầu đạt được một số kết quả, cụ thể.
Chất lượng giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt cả đại trà và mũi nhọn, các kỳ thi khu vực và quốc tế luôn đạt thứ hạng cao. Từ năm 2013 đến năm 2018, Việt Nam tham gia kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới và thi quốc tế đạt kết quả khá cao.
Năm 2017, cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì vững chắc. Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết. Công tác khuyến học, khuyến tài; xóa mù chữ đạt kết quả khá tốt: Giai đoạn 2013-2018, mỗi năm có khoảng 30.000 người mù chữ từ 15-60 tuổi tham gia học các lớp xoá mù chữ; công nhận 25.000 người biết chữ (học hết lớp 3) và những người đang học dở lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp tục. Hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các cơ sở giáo dục thường xuyên. Năm 2017, tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi 15-35 tính chung là 98,2%, người dân tộc thiểu số là 95,2%; tỷ lệ biết chữ từ 15-60 tuổi tính chung là 96,9%, người dân tộc thiểu số là 92,4%. Quy mô giáo dục nghề nghiệp ngày càng mở rộng, tăng tỷ lệ tuyển sinh; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao. Số học sinh, sinh viên (HSSV) ra trường có việc làm đạt hơn 80%.
Quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao; số công trình nghiên cứu khoa học công bố trong nước và quốc tế tăng 1,6 lần, số giải pháp hữu ích tăng 3 lần so với năm 2013.
Ban Bí thư đánh giá sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, 09 nhiệm vụ và giải pháp được tiến hành khá đồng bộ và thu được những kết quả quan trọng, cụ thể.
1) Sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước về đổi mới giáo dục và đào tạo được triển khai quyết liệt và sâu sát hơn
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 29, Ban Bí thư khóa XI ban hành Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 về “Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”. Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ban Tuyên giáo Trung ương định kỳ tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết tại một số địa phương và cơ sở GD đại diện các vùng miền.
Việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành triển khai tích cực nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT: Quốc hội xây dựng Chương trình hành động, ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 về điều chỉnh lộ trình thực hiện CT&SGK giáo dục phổ thông mới; dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Công tác giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội được tiến hành khá thường xuyên[1]. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29 với 18 đề án, phân công các bộ, ngành triển khai thực hiện; sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 29[2]; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện 18 đề án. Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ÐT; củng cố Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; ban hành Quyết định số 404/QÐ-TTg ngày 27/3/2015 về đổi mới CT&SGK giáo dục phổ thông; ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 về “đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 51/2017/QH14 và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các cơ sở GD tích cực triển khai Nghị quyết. Đã hoàn thành việc bàn giao các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (trừ trung cấp và cao đẳng sư phạm) từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH. Các bộ, ngành có liên quan ban hành nhiều văn bản thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ[3].
Các tỉnh, thành ủy tích cực triển khai Nghị quyết: Sau khi quán triệt Nghị quyết, các tỉnh ủy, thành ủy xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể ở địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các địa phương và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về Ban Tuyên giáo Trung ương.
Công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên được quan tâm thường xuyên, đến nay, 100% các cơ sở giáo dục công lập trong cả nước đã có đảng bộ hoặc chi bộ độc lập. Hằng năm có hàng nghìn cán bộ, giáo viên và sinh viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Thống kê từ 84 trường ĐH, học viện, tổng số giảng viên, cán bộ công chức được kết nạp đảng giai đoạn 2013-2018 là 9.128 người, số sinh viên là 10.479 người. Năm 2014 tỷ lệ đảng viên là giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chiếm 48%[4]. Năm 2018, tỷ lệ đảng viên là giáo viên trong các cơ sở GD phổ thông chiếm 49%[5]. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có chuyển biến tốt, hoạt động tại các cơ sở giáo dục đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong toàn ngành.
2) Đổi mới các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học được thực hiện, đạt một số kết quả bước đầu
Chương trình, nội dung, phương pháp dạy học được đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được biên soạn theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo theo quy định của Luật GDNN. Các trường đại học công bố chuẩn đầu ra cho từng ngành học và chuyên ngành đào tạo.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên được chú trọng hơn. Toàn ngành giáo dục đã tích cực triển khai, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Việc GD đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật được lồng ghép trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và trong các môn học hay hoạt động giáo dục khác.
Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học được quan tâm hơn, hình thức và nội dung được đổi mới, sinh động, phong phú, nâng cao thể chất cho HSSV. Các cơ sở giáo dục phối hợp với các Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh, các cơ quan quân sự địa phương thực hiện GD quốc phòng và an ninh cho HSSV có hiệu quả thiết thực.
3) Hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo từng bước đổi mới theo hướng xác định phẩm chất và năng lực của người học
Việc đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo được thực hiện ở tất cả các cấp học theo hướng kết hợp đánh giá định tính, định lượng; đánh giá định kỳ và đánh giá tổng kết. Từng bước đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, bước đầu khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Kết quả đánh giá PISA và các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF), học sinh Việt Nam được đánh giá cao. Trong 05 năm qua, thành tích của các đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực tiến bộ năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, có 07 đội tuyển đạt thành tích cao nhất so với các năm trước đó, nhất là ở các môn Toán, Vật lí, Hóa học và Sinh học; năm 2018 đội tuyển Olympic quốc tế môn Sinh học đạt thành tích xuất sắc.
Qua kết quả đánh giá của một số tổ chức quốc tế cho thấy chất lượng GD phổ thông ở nước ta vượt mức trung bình của các nước khối OECD và luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích thi Olympic quốc tế. Học sinh nước ta đứng thứ 8 về khoa học, 22 về toán học và 32 về đọc hiểu so với 72 quốc gia tham gia PISA 2015.
Việc kiểm tra, đánh giá trình độ đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ từng bước được thực hiện chặt chẽ hơn, tiệm cận dần với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
4) Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại. Bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được ban hành nhằm chuẩn hóa hệ thống giáo dục quốc dân với cấu trúc 8 bậc (mầm non, phổ thông, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Hệ thống giáo dục bước đầu được sắp xếp và thống nhất tên gọi cho tất cả các cấp học. Công tác khuyến học, khuyến tài được triển khai mạnh mẽ, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng đã phủ gần kín các đơn vị cấp xã và nhiều nơi hoạt động có hiệu quả, tác động tích cực tới phong trào học tập trong nhân dân. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả khá tích cực, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 38% năm 2009, lên 58,6% năm 2018. Công tác phân luồng học sinh sau trung học phổ thông (THPT) có chuyển biến tích cực, số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không đăng ký vào các trường đại học chiếm từ 26%-28%, trong số này nhiều em đăng ký đi học nghề.
5) Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng; bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục
Công tác quản lý giáo dục bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” sang “giao quyền và giám sát”. Quản lý nhà nước về giáo dục được đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo cho các cơ sở giáo dục. Công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đang được chuẩn hóa và tiếp cận với chuẩn khu vực. Các bộ, ngành, địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong công tác quản lý giáo dục.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý được thực hiện theo hướng đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4[6], triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office); 100% trường học được kết nối Internet, 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường. Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được xây dựng, đưa vào sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, chính xác và kịp thời hơn cho các cơ quan quản lý giáo dục. Hiện nay đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu cho1,2 triệu hồ sơ cán bộ và gần 24 triệu hồ sơ HSSV của 44.000 trường học trên cả nước
6) Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng và nâng cao trình độ đào tạo
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học cơ bản đáp ứng về số lượng và trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu GD&ĐT hiện nay. Tỷ lệ giáo viên/lớp: Tiểu học: 1,43 GV/lớp (thiếu ở các môn ngoại ngữ, tin học); trung hoc cơ sở (THCS): 1,99 giáo viên/lớp (giáo viên THCS về cơ bản đủ, còn một số nơi thừa thiếu cục bộ); THPT: 2,25 giáo viên /lớp (giáo viên THPT về cơ bản đủ). Hầu hết giáo viên tiểu học và THCS có trình độ cao đẳng, nhiều người có bằng đại học; 100% giáo viên THPT và giáo viên dạy lý thuyết tại các cơ sở GDNN có bằng đại học; các cơ sở giáo dục đại học trong 5 năm qua chỉ tuyển giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, một số trường tuyển giảng viên trình độ tiến sĩ. 100% cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. Đã ban hành chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông. Việc thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo được thực hiện đúng quy định: Nhà giáo hưởng thêm 2 loại phụ cấp, đó là: Phụ cấp ưu đãi (từ 25% đến 70%); phụ cấp thâm niên. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu. Giáo viên dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp từ 50% -75%. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3. Kéo dài thời gian làm việc cho các nhà khoa học có học hàm, học vị cao sau tuổi nghỉ hưu.
7) Cơ chế, chính sách tài chính từng bước được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư; tiếp tục huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển giáo dục
Ngân sách Nhà nước chi cho GD&ĐT đạt khoảng 20% tổng chi ngân sách, được phân bố theo tỷ lệ khoảng 12% dành cho hoạt động giáo dục ở Trung ương và khoảng 88% dành cho hoạt động giáo dục ở các địa phương. Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đối tượng chính sách; cho các cơ sở và ngành đào tạo chất lượng cao. Công tác xã hội hóa giáo dục đã huy động nguồn lực trong xã hội bổ sung cho ngân sách Nhà nước để phát triển giáo dục.
8) Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là khoa học giáo dục và khoa học quản lý có bước phát triển và thu được kết quả
Công tác nghiên cứu khoa học được tăng cường và hoạt động có hiệu quả hơn, vì vậy chỉ số công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế tăng gấp 2 lần so với năm 2013, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia thăng hạng (năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc và xếp hạng 45/127 quốc gia; năm 2017 tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 quốc gia).
Nhiều sản phẩm và kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào đời sống. Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của HSSV được ngành giáo dục và các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học tổ chức nhiều hoạt động thu hút sinh viên NCKH, gắn nghiên cứu với hoạt động đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2011-2017, Giải thưởng NCKH sinh viên thu hút gần 5.000 sinh viên của gần 500 lượt trường đại học tham gia với 1.873 đề tài dự thi. Đã có 1.062 giải thưởng các loại trao cho hơn 3.000 sinh viên tham gia Giải thưởng. Theo số liệu thống kê từ 235 trường đại học, tỷ lệ sinh viên tham gia NCKH chiếm 15-25% trong tổng số gần 1,8 triệu sinh viên trong cả nước. Hoạt động NCKH của học sinh trung học phát triển cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 2012-2018, có hằng nghìn dự án dự thi ở cấp cơ sở, 2.209 dự án dự thi với hơn 4.000 HS tham dự ở cấp quốc gia. Kết quả có 2.446 HS đạt các giải của cuộc thi cấp quốc gia.
Công tác NCKH giáo dục được triển khai mạnh mẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các trường đại học, cao đẳng, nhất là ở các viện nghiên cứu giáo dục và các trường sư phạm. Bộ GD&ĐT được giao chủ trì và tích cực thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Đến nay, có 50 nhiệm vụ được xác định trong Chương trình, trong đó 28 nhiệm vụ đã được triển khai nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình nhằm đề xuất giải pháp thực hiện những vấn đề quan trọng nhằm đổi mới GD&ĐT, một số nhiệm vụ đã được chuyển giao cho các đơn vị tham khảo, sử dụng phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án của Chính phủ.
9) Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng và nâng cao hiệu quả
Cơ chế hợp tác song phương và đa phương đang từng bước được bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện. Nhiều thỏa thuận, cam kết quốc tế với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã được ký kết và triển khai có hiệu quả. Hợp tác song phương với các nước Bắc Âu được tăng cường[7]; hợp tác đa phương được củng cố[8]; đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Việt Nam đã chủ động hội nhập giáo dục trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế với nhiều chương trình liên kết đào tạo với các đối tác có uy tín được triển khai; tổ chức quản lý giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại.
Công dân Việt Nam đi học nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước được tạo điều kiện. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đi du học tăng khoảng 10-12% mỗi năm: Năm 2012 có khoảng 100.000 người, đến năm 2017 có trên 150.000 lưu HS Việt Nam học tập tại nước ngoài. Giai đoạn 2013-2017 có 650.2[1] lưu HS du học có sử dụng NSNN đi học tập và nghiên cứu tại 47 nước. Thông qua hợp tác quốc tế đã giúp giáo dục Việt Nam từng bước tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới, tăng số lượng cán bộ khoa học và sinh viên được học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, nhất là các ngành khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, đặc thù: Giai đoạn 2013-2017 số lưu HS theo các đề án tuyển chọn tăng 20% mỗi năm; có 1.675 lưu HS được cử đi theo Đề án 911, tỷ lệ đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn chiếm 51,66%; KHXH chiếm 21,69%; nông-lâm-ngư chiếm 5,99%, y-dược chiếm 2,3% và kinh tế và quản lý chiếm 16,9%; tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi HSSV, giáo viên, giảng viên; chương trình hợp tác giáo dục, nghiên cứu, đào tạo, trao đổi chuyên gia; đầu tư nước ngoài vào GD&ĐT được tăng lên: Từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2017, có 50 dự án (năm 2013 có 16 dự án, năm 2014 có 11 dự án, năm 2015 có 09 dự án, năm 2016 có 08 dự án, 06 tháng đầu năm 2017 có 06 dự án ) sử dụng nguồn vốn viện trợ phi chính phủ với số vốn hơn 12 triệu USD (tương đương 273,4 tỷ đồng); tiếp nhận từ các tổ chức phi chính phủ là 50 dự án, với kinh phí viện trợ trung bình hàng năm khoảng 2,4 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của GD&ĐT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29 Ban Bí thư chỉ ra một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế yêu kém:
(Còn tiếp)
GS.TS Nguyễn Thanh Long
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
[1]Trong 5 năm qua, Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức nhiều đợt giám sát chuyên đề, tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học đánh giá chất lượng GD&ĐT và góp ý kiến vào các văn bản dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi).
[2]Từ năm 2014 đến tháng 6/2018, Chính phủ ban hành 20 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 Quyết định.
[3]Bộ GD&ĐT ban hành 158 Thông tư, Bộ LĐ-TB&XH ban hành 34 thông tư, Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ ban hành 01 Nghị định, 07 quyết định của TTg Chính phủ, ban hành 24 thông tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Chính phủ ban hành 05 Nghị định, ban hành 01 Công văn Hướng dẫn; Ủy ban Dân tộc…
[4]Nguồn: Đề án “Giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy đảng, nhất là về công tác chính trị tư tưởng ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước” năm 2014.
[5]Nguồn: Cục CNTT, Bộ GD&ĐT.
[6] Bộ GD&ĐT đã đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến với 22 thủ tục mức độ 3; 4 thủ tục mức độ 4.
[7]Ký 41 văn bản cấp Bộ và cấp cơ sở giáo dục ĐH, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài.
[8]Năm 2016, Bộ GD&ĐT đã thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế như UN, UNESCO, UNICEF và WB, ADB.