Nghị quyết 28 về cải cách BHXH: Không để ai bị bỏ lại phía sau | Cẩm nang tuyển dụng

Nghị quyết 28 về cải cách BHXH: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Lượt xem: 5,120

Ý nghĩa quan trọng nhất của Nghị quyết số 28 chính là ở hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bảo đảm không có người dân nào rơi xuống dưới sàn an sinh xã hội

Việc ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH được đánh giá là một cuộc cách mạng, là một chủ trương lớn có tính chất đột phá, chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ về chính sách BHXH trên thực tiễn, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân.

Ai cũng được hưởng an sinh xã hội

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc thực hiện an sinh xã hội không chỉ là để bảo đảm cho người dân có an sinh xã hội mà còn bảo đảm ai cũng được hưởng an sinh xã hội. Nghị quyết số 28 thể hiện đầy đủ nhất quan điểm, tư tưởng của Đảng với 5 nội dung cơ bản đổi mới trong thực hiện chính sách BHXH. Trong đó, chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân. Cụ thể:

Tầng 1: Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng; có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; có lộ trình mở rộng bao phủ bằng cách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong từng thời kỳ.

Tầng 2: BHXH cơ bản, bao gồm: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động; BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay và từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng – hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài

Tầng 3: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước hoặc từ Quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết ngay sau khi Nghị quyết số 28 được ban hành, BHXH Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt một cách nghiêm túc, sâu rộng trong toàn ngành, giúp cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thống nhất nhận thức và nắm vững các quan điểm của Đảng về cải cách chính sách BHXH. BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 107/2018-Ctr/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 28. Đồng thời, BHXH tiến hành cụ thể hóa, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện vào chương trình, kế hoạch công tác của ngành ngay từ những tháng cuối năm 2018. Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa chương trình hành động nêu trên thành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của từng đơn vị, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi đơn vị, địa phương, bảo đảm góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28 đã đề ra. Mới đây nhất, trong những ngày cuối năm 2018, BHXH Việt Nam đã phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28 với chủ đề: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện hiệu quả cải cách chính sách BHXH” giai đoạn 2018-2030.

Ông Đào Việt Ánh cho rằng để đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực cả hệ thống chính trị. Trong đó, BHXH chú trọng vào việc tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 28; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông chính sách đến mọi người lao động.

Theo ông Đào Việt Ánh, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách BHXH cho thấy chỉ khi nào người dân hiểu rõ tầm quan trọng, thấy được lợi ích của chính sách và chủ động tham gia thì sẽ thu được rất nhiều kết quả. Vì vậy, ngành BHXH sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành các cấp để công tác thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật BHXH được thực hiện một cách đồng bộ hơn, khoa học và bài bản hơn.

Nguồn : Theo nld.com.vn