Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực thú y trên lãnh thổ Việt Nam và người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
* Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định, bao gồm: Vi phạm quy định về phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; Vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; Vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y; Vi phạm quy định về hành nghề thú y.
* Thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân được quy định rõ tại Điều 45 Chương III của Nghị định, trong đó lực lượng Công an nhân dân có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, lực lượng Công an nhân dân có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thú y có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định quy định rõ những người có thẩm quyền của Công an nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, bao gồm: Vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật; Vi phạm quy định chung về chống dịch bệnh động vật; Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn; Vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn; Vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; Vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; Vi phạm quy định chung về Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; Vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh; Vi phạm về vệ sinh thú y đối với giết mổ động vật nhỏ lẻ; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật nhỏ lẻ; Vi phạm về vệ sinh thú y đối với giết mổ động vật tập trung; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh; Vi phạm vệ sinh thú y trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; Vi phạm về Giấy chứng nhận vệ sinh thú y; Vi phạm về chất lượng trong sản xuất thuốc thú y; Vi phạm về chất lượng trong buôn bán thuốc thú y.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017 và bãi bỏ một số nội dung quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ./.